1.THÔNG TIN VĨ MÔ
• Nga hạ lãi suất về 8% chỉ 4 tháng sau khi tăng vọt lên 20%
– Hôm 22/7, Ngân hàng Trung ương Nga đã cắt giảm 150 điểm cơ bản, từ mức 9,5% xuống 8%. Đây là lần cắt giảm thứ 5 liên tiếp lớn hơn dự đoán của tất cả các nhà kinh tế. Động thái này diễn ra khi đồng Rúp quá mạnh cùng với nguy cơ lạm phát và suy thoái được hạ nhiệt.
– Trước đó, vào cuối tháng 2, Nga đã bất ngờ tăng lãi suất từ 9,5% lên 20% để chống lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
– Theo thống đốc Elvira Nabiullina “Dữ liệu sắp tới chỉ ra rằng suy thoái kinh tế sẽ còn kéo dài nhưng có thể bớt trầm trọng hơn. Chu kỳ nới lỏng bắt đầu vào tháng 4 tranh thủ lúc lạm phát chậm lại sau khi đồng Rúp tăng nhanh và nền kinh tế hạ nhiệt mạnh. Mặc dù các ngân hàng Trung ương từ châu Âu đến Nam Phi đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng sự cô lập của Nga với các thị trường toàn cầu đã giúp nước này không bị thu hẹp chênh lệch tỷ giá.
– Ngân hàng Trung ương Nga cũng dự kiến nền kinh tế sẽ thu hẹp 4% -6% trong năm nay, trong khi dự đoán trước đó là giảm 8% -10%. Ngân hàng Trung ương Nga cũng cải thiện triển vọng lạm phát và dự đoán tăng trưởng giá cả cuối năm sẽ ở mức 12% -15%; trong khi dự đoán trước đó là 14% -17%. Lãi suất trung bình sẽ rơi vào khoảng 10,5% -10,8% trong năm nay.
• IMF cảnh báo việc thiếu nguồn cung khí đốt sẽ buộc EU phải giảm mức tiêu thụ trong mùa Đông
– Theo cảnh báo của IMF trong trường hợp toàn bộ hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga sang Châu Âu bị gián đoạn thì mùa Đông tới có thể sẽ rất khó khăn đối với một số quốc gia ở Trung và Đông Âu.
– Các quốc gia ở vùng này đều đang tìm tới các nước như Algeria, Azerbaijan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất để thảo luận tăng lượng khí đốt nhập khẩu trong 1 vài năm tới. Có thể thấy, châu Âu đang tìm mọi cách có thể để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất có thể đến. Đó là việc nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ bị ngừng hoàn toàn.
– Mức độ khẩn cấp của tình hình là rõ ràng, đặc biệt là sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 20/7 công bố các báo cáo về tác động kinh tế của việc ngừng cung cấp khí đốt Nga đến các nước Liên minh châu Âu (EU). Thể chế tài chính này chỉ ra rằng mức tiêu thụ khí đốt hàng năm của EU là khoảng 400 tỷ m3. Trong tổng số này, khoảng 285 tỷ m3 được nhập khẩu qua đường ống và 145 tỷ m3 đến từ Nga. Nếu toàn bộ khí đốt từ Nga bị cắt giảm, sẽ tác động mạnh đến EU.
– Ở thời điểm hiện tại, cơ sở hạ tầng châu Âu và nguồn cung toàn cầu có thể giúp khu vực này chống chịu được sự sụt giảm 60% nguồn cung cấp khí đốt từ Nga kể từ tháng 6/2022, bằng cách thay thế bằng nguồn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
– IMF cảnh báo việc thiếu nguồn cung khí đốt sẽ buộc EU phải giảm mức tiêu thụ trong mùa Đông (từ đầu tháng 11 đến cuối tháng Ba) thêm khoảng 12%, tương đương 36 tỷ m3 khí đốt. Điều này khiến các chính phủ phải lựa chọn việc bảo vệ các hộ gia đình, các dịch vụ thiết yếu và các ngành công nghiệp chiến lược, đồng thời chấp nhận thiệt hại đối với các ngành công nghiệp không được bảo vệ khác.
2.Thông tin vĩ mô Việt Nam
• Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng ước đạt hơn 34% kế hoạch năm
– Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, dự kiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trên cả nước trong 7 tháng đầu năm đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trên 542.105 tỷ đồng), giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (36,71%). Trong đó, vốn trong nước giải ngân đạt trên 36%, vốn nước ngoài đạt 11,9%.
– Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, có 3 bộ và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40% và có tới 36 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.
– Bộ Tài chính cũng đã báo cáo tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm: Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng. Dự án đã giải ngân là 15.776,589 tỷ đồng, đạt 69,03% kế hoạch đã giao.
– Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao 257 tỷ đồng. Trong kế hoạch năm 2022 phân bổ đợt 2, Dự án được bố trí 257 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư. Ước giải ngân đến hết ngày 31/7/2022 đạt 185 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch.
– Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý ngay những tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền đã được các Đoàn công tác của Chính phủ nêu ra.
• Giá thép trong nước lao dốc lần thứ 10 liên tiếp – tổng mức giảm từ đầu năm cao nhất hơn 3,6 triệu đồng/tấn.
– Ngày 22/7, nhiều doanh nghiệp thông báo hạ giá sản phẩm. Đây là lần thứ 10, giá thép giảm trong kể từ ngày 11/5. Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn và 110.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 15,69 triệu đồng/tấn và 16,39 triệu đồng/tấn.
– Nguyên nhân giá thép trong nước quay đầu giảm mạnh sau thời gian tăng nóng được cho là giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng đi xuống. Giá nguyên vật liệu trong sản xuất thép liên tục giảm từ cuối tháng 3 đến nay khiến thị trường thép chững lại.
– Nhận định về diễn biến giá thép thời gian qua, VSA cho rằng, thị trường thép nửa cuối năm sẽ khó khăn hơn khi dự báo giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm, thậm chí có thể kéo dài đến hết quý III, trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu thép không còn tốt như trước.
– Tại thị trường Trung Quốc, giá thép ngày cũng giảm. Giá thép thanh vằn tương lai tại Trung Quốc là 3.826 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,2% so với ngày trước đó.
– Việc giá thép điều chỉnh mạnh tác động tích cực tới các nhà thầu, đơn vị xây dựng, tuy nhiên lại làm giảm biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất thép, đặc biệt các doanh nghiệp có tỷ lệ hàng tồn kho cao.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
• MSB: Lãi trước thuế nửa đầu năm tăng 7%, nợ xấu giảm 6%
– Theo BCTC hợp nhất quý 2/2022, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HOSE: MSB) báo lãi trước thuế 6 tháng gần 3,336 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
– Lũy kế 6 tháng đầu năm, MSB thu về gần 4,024 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 39% so cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 74%, chỉ còn thu hơn 580 tỷ đồng, do giảm thu từ nghiệp vụ ủy thác và đại lý.
– Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của MSB giảm 4% so với đầu năm, chỉ còn 195,057 tỷ đồng. Trong đó, cho vay các TCTD khác giảm 30% (còn 9,514 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 9% (110,470 tỷ đồng),…
– Tổng nợ xấu tại ngày 30/06/2022 giảm 6% so với đầu năm, chỉ còn gần 1,663 tỷ đồng. Trong đó, giảm mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn. Kết quả kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1.74% đầu năm xuống còn 1.5%.
– Năm 2022, MSB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 6,800 tỷ đồng. Như vậy, Ngân hàng đã thực hiện được 49% chỉ tiêu sau nửa đầu năm.
• LPB báo lãi trước thuế quý 2 tăng 94%
– Theo BCTC quý 2/2022 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (mã chứng khoán: LPB) báo lãi trước thuế hơn 1,793 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước, dù tăng đến 57% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tương đương 637 tỷ đồng.
– Cụ thể, LPB thu về gần 3,045 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 40% so cùng kỳ, nhờ quy mô tín dụng bán lẻ tăng trưởng và thu lãi khoản vay cơ cấu COVID-19 của các khách hàng đã khôi phục hoạt động kinh doanh.
– Hoạt động dịch vụ thu về khoản lãi hơn 303 tỷ đồng, tăng 33%, do các dịch vụ trọng tâm như bảo hiểm, thanh toán quốc tế, ngân hàng số… đều tăng trưởng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối hơn 52 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư hơn 356 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ.
– Về nợ xấu, tổng nợ xấu của LPB tại ngày 30/06/2022 tăng 11% so với đầu năm, ghi nhận 3,183 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 1.37% đầu năm lên 1.4%.
– Lũy kế 6 tháng đầu năm, LPB dành ra hơn 949 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng; lãi trước thuế gần 3,589 tỷ đồng, tăng 76% so cùng kỳ. So với với kế hoạch 4,800 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm 2022, LPB đã thực hiện được 75% sau nửa đầu năm.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Phiên giao dịch ngày 25/07/2022, chỉ số VNINDEX giao dịch khá ảm đạm đầu phiên sáng. Tuy đã có nhịp hồi kĩ thuật quay trở lại lấp GAP nhưng trước áp lực bán diễn ra rất mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng, hóa chất, bán lẻ,… đã khiến chỉ số liên tục rung lắc, cả thị trường chìm trong sắc đỏ đến kết phiên. VNINDEX đóng cửa ở mốc 1.188,5 điểm, giảm hơn 6 điểm (-0,52%)
– Về độ rộng thị trường, lực bán lan tỏa mạnh khi có tới 321 mã giảm/127 mã tăng. Thanh khoản tiếp tục sụt giảm, chỉ đạt 9.928,098 tỷ đồng.
– Áp lực dẫn tới giảm điểm chỉ số VNINDEX đến từ cổ phiếu GAS (-1,5 điểm), GVR (-0,709 điểm) và VPB (-0,57 điểm). Trụ đỡ thị trường đến từ nhóm cổ phiếu bất động sản: VIC (+0,772 điểm), BCM, VHM,.. ngoài ra có VCB và VNM tăng quanh 0,48 điểm.
– Phiên giao dịch ngày hôm qua chỉ có 3/10 nhóm ngành tăng điểm, gồm Bất động sản, Công nghệ thông tin và Tiêu dùng thiết yếu, tăng nhẹ dưới 0,3%. Chiều ngược lại, diễn biến tiêu cực nhất là nhóm ngành Năng lượng (-2,8%), Nguyên vật liệu (-1,71%) và Tiêu dùng (-1,44%). Các ngành còn lại giảm dưới 1%. Top nhóm ngành có khối lượng giao dịch lớn gồm Tài chính (2.407 tỷ đồng), Công nghiệp (1.547 tỷ đồng), Bất động sản và Nguyên vật liệu trên 1.000 tỷ đồng.
– Khối ngoại đã có sự sụt giảm trong việc mua ròng khi chỉ ghi nhận giá trị mua đạt 154,88 tỷ đồng, tập trung giải ngân vào các cổ phiếu FPT (+83,27 tỷ đồng), MWG (+68 tỷ đồng) và VNM (+21,96 tỷ đồng). Chiều bán ròng chủ yếu HPG (-57,94 tỷ đồng), BSR (-25,85 tỷ đồng) và DPM (-13,43 tỷ đồng).
– VNINDEX đã có dấu hiệu tham gia của lực cầu, tạo râu nến dưới khi test lại quanh mốc 1.180 điểm. Hiện tại thì thị trường vẫn khá thận trọng, chờ đợi các thông tin quan trọng của Mỹ về: tỷ lệ tăng trưởng GDP, core PCI, cuộc họp FOMC được công bố trong tuần này, khiến vùng 1.200 điểm vẫn là ngưỡng cản tâm lý lớn của VNINDEX. Nhà đầu tư nên quan sát, chưa nên giải ngân vội với những mã cổ phiếu vẫn còn áp lực bán lớn. Khả năng VNINDEX sẽ tiếp tục test lại vùng 1.180 điểm hoặc có thể xuống vùng hỗ trợ 1.160 điểm trước khi bắt đầu vào đà hồi phục mới để chinh phục mốc cản 1.200 điểm.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0