Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 15/07/2022:
1.THÔNG TIN VĨ MÔ
• Giới chuyên gia dự báo: Fed có thể tăng lãi suất thêm 1% trong cuộc họp tháng 7
– Cục Thống kê Lao động Mỹ vừa công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 9.1% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia và nhà kinh tế, Fed có thể sẽ thảo luận về kế hoạch tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm vào cuối tháng này. Khi được hỏi về vấn đề này Chủ tịch Fed Atlanta – Raphael Bostic, chia sẻ với các phóng viên tại St. Petersburg (Florida) rằng điều gì cũng có thể xảy ra.
– Nhà đầu tư đang đặt cược khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 26-27/7. Đây sẽ là mức tăng lớn nhất kể từ khi Fed bắt đầu trực tiếp sử dụng lãi suất qua đêm để điều chỉnh chính sách tiền tệ vào đầu những năm 1990. Hiện tại, người dân Mỹ đang chật vật vì giá cả tăng cao và chỉ trích Fed vì có phản ứng chậm chạp.
– Chủ tịch Fed Loretta Mester lưu ý rằng từ giờ đến thời điểm đó một số dữ liệu quan trọng được công bố. Song, bà phát biểu Fed “không có lý do gì” để tăng lãi suất thấp hơn 75 điểm cơ bản như tháng trước. Từ các số liệu bà thấy tình hình khá tồi tệ, khi lạm phát vẫn ở mức quá cao. Fed phải cân nhắc rất cẩn trọng và có chủ đích về lộ trình tăng lãi suất cho đến khi thực sự có bằng chứng cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt.
– Fed đã nỗ lực chống lại lạm phát khi mạnh tay nâng lãi suất, khiến thị trường tài chính chao đảo và làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế. Cả Bostic và Mester đều nói rằng, ngân hàng trung ương phải duy trì giá cả ở trạng thái ổn định, ngay cả khi điều này gây tổn hại cho thị trường lao động.
• Đồng yên của Nhật Bản mất giá mạnh nhất trong 24 năm
– Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Tokyo, mở cửa phiên giao dịch tại thị trường Tokyo, tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền yên và USD là 137,61-66 yên/USD, giảm so với mức đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/7 là 137,04-05 yên/USD. Tuy nhiên, sau đó, tỷ giá này đã có lúc giảm xuống 137,99-138 yên/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/1998.
– Nguyên nhân chủ yếu khiến đồng yên giảm mạnh so với đồng bạc xanh của Mỹ là do các nhà đầu tư lo ngại khoảng cách lãi suất giữa hai nền kinh tế sẽ nới rộng khi nhiều khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong phiên họp chính sách vào các ngày 27-28/7 tới để đối phó với lạm phát kỷ lục trong hơn 40 năm, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn kiên trì với chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế.
– Trong phiên họp thường kỳ tháng 6, Hội đồng Chính sách BoJ vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi dài hạn ở mức khoảng 0%. Nhiều khả năng BoJ sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ này nhằm đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.
– Đồng yên yếu dẫn tới chi phí nhập khẩu cao hơn, làm tăng giá năng lượng và nhiều mặt hàng nhập khẩu khác. Tuy nhiên, xét về xuất khẩu, đồng yên yếu đã giúp tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Sản xuất Công nghiệp phục hồi, phát triển mạnh mẽ với tăng trưởng 8,48%
– Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Công Thương sáng 14/4, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương cho biết, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” tình hình sản xuất công nghiệp trong nước đã có những bước hồi phục mạnh mẽ, từng bước khắc phục và nối lại được các chuỗi cung ứng trong các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với sản lượng sản phẩm và số lượng đơn hàng mới đều gia tăng.
– Do vậy, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,48%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của nền kinh tế (tăng 6,42%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6 tháng 2021 tăng 5,74%).
– Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%.
– Tuy vậy, ông Ngô Khải Hoàn cũng thừa nhận, sản xuất công nghiệp trong nước vẫn có những hạn chế: Nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI; Sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao. Bên cạnh đó, các công đoạn có giá trị gia tăng cao như sản xuất nguyên phụ liệu, thiết kế, marketing vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI nắm giữ.
• Xuất khẩu sang EU tăng hơn 21% so với cùng kỳ nhờ hiệp định EVFTA
– Theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 26,2 tỷ USD (tăng 14,36%), chiếm 8,55% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
– Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 19,54 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 12,7% xuất khẩu cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may, hàng thuỷ sản, cà phê, gạo. Về nhập khẩu, đạt 6,66 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 4,4% nhập khẩu cả nước. Trong đó, các mặt hàng nhập khẩu chính từ EU là thức ăn gia súc và nguyên liệu, sản phẩm hoá chất, dược phẩm, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị và phụ tùng khác. Các ngành này đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021.
– Bộ Công Thương đánh giá, các ngành tận dụng khá tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU thông qua hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại phù hợp với diễn biến tình hình trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách xuất khẩu không chỉ theo hướng thúc đẩy xuất khẩu mà phải gắn xuất nhập khẩu với kinh tế chung của cả nước, phát triển xuất nhập khẩu bền vững…
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
• PHR sụt giảm đến 76% lợi nhuận quý 2
– Quý 2/2022, Theo báo cáo tài chính riêng CTCP Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) ghi nhận lợi nhuận kinh doanh mủ cao su, lợi nhuận tài chính và lợi nhuận khác đồng loạt giảm so với cùng kỳ. Doanh thu của PHR ở mức 239 tỷ đồng, giảm 32% so cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm đến 48%, còn 17 tỷ đồng.
– Công ty cho biết lợi nhuận từ kinh doanh mủ cao su giảm gần 16 tỷ đồng, tương ứng 48%, chủ yếu do lượng mủ thành phẩm tiêu thụ giảm. Lợi nhuận tài chính giảm 4 tỷ đồng, tương ứng 28%, do giảm thu nhập từ tiền lãi ngân hàng. Lợi nhuận khác cũng giảm 15 tỷ đồng, tương ứng 95%, do quý 2 năm trước Công ty ghi nhận 21 tỷ đồng tiền thanh lý vườn cây cao su.
– Kết quả, PHR báo lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 chưa đến 9 tỷ đồng, giảm 76% so cùng kỳ. Nhờ quý 1 khả quan, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 249 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần. Đến ngày 30/06/2022, tổng tài sản ở mức 3.3 ngàn tỷ đồng, xấp xỉ đầu năm.
• BCM: Becamex phê duyệt chủ trương đầu tư KCN Cây Trường hơn 5.400 tỷ
– Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp Becamex IDC (mã chứng khoán: BCM) vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu khu công nghiệp Cây Trường với tổng vốn đầu tư là 5.459,35 tỷ đồng. Trong đó vốn tự có chiếm 15%, vốn vay chiếm 85%. Dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2022-2026 tại xã Cây Trường II và thị trấn Lai Uyên, tỉnh Bình Dương. Kế hoạch cho thuê cơ sở hạ tầng từ năm 2022 đến năm 2030.
– Về tình hình kinh doanh, quý I/2022, doanh thu thuần của BCM đạt 1.436,9 tỷ đồng, tăng 2% so với quý I/2021. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ kinh doanh bất động sản, bất động sản đầu tư với 1.060,3 tỷ đồng, chiếm 74% doanh thu. Nhờ giá vốn giảm tới 25% nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 820,6 tỷ đồng, tăng 41%.
– Trong năm 2022, Becamex sẽ triển khai động thổ và khởi công các dự án trọng điểm đồng thời khánh thành đưa vào khai thác sử dụng các dự án tạo lực về công nghiệp – đô thị và dịch vụ
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Phiên giao dịch ngày 14/07/2022, chỉ số VNINDEX giao dịch hầu như dưới mốc tham chiếu cả phiên sáng. Đến phiên chiều, thị trường ngược chiều bứt phá đi lên nhờ xu hướng tăng giá đồng thuận giữa các nhóm ngành và các nhóm cổ phiếu. Đặc biệt là nhóm chứng khoán đã dậy sóng trước thông tin VSD sẽ áp dụng chu kỳ thanh toán T+2 vào cuối tháng 8. Kết phiên, VNINDEX đóng cửa cao nhất phiên ở mốc 1.182,17 điểm, tăng hơn 8 điểm (+0,7%) so với phiên giao dịch trước đó.
– Về độ rộng thị trường, phe mua chiếm ưu thế khi có tới 241 mã tăng/185 mã giảm. Tuy là một phiên tăng điểm nhẹ nhưng thanh khoản lại có sụt giảm khi chỉ đạt 10.967,882 tỷ đồng.
– Đóng góp cho đà tăng điểm của VNINDEX đến từ nhóm cổ phiếu GAS (+1,222 điểm), VCB (+0,725 điểm) và BCM (+0,687 điểm). Chiều giảm điểm có MWG(-0,374 điểm) là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất, PVG (-0,258 điểm) và TCB (-0,135 điểm).
– Phiên hôm qua ghi nhận sự hồi phục ở hầu hết các nhóm ngành, duy chỉ có nhóm ngành Tiêu dùng có mức giảm 0,77%. Ngược lại, đà hồi phục tích cực nhất trong phiên là nhóm ngành Năng lượng với mức tăng 1,08%. Các nhóm ngành còn lại tăng nhẹ ở mức dưới 1%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất gồm Tài chính (3.233 tỷ đồng), Công nghiệp (1.623 tỷ đồng) và Bất động sản (1.262 tỷ đồng).
– Khối ngoại sau hai phiên bán ròng đã quay trở lại mua ròng với giá trị 147,93 tỷ đồng. Tập trung vào các mã MWG (+35,07 tỷ đồng), STB (+27,77 tỷ đồng) và CTG (+25,69 tỷ đồng). Chiều bán ròng có HDB (-18,3 tỷ đồng), SSI (-15,98 tỷ đồng) và VHC (-12,74 tỷ đồng).
– VNINDEX đã có đà hồi phục tốt ở phiên chiều, tuy thanh khoản có sự sụt giảm nhẹ nhưng điều tích cực là chỉ số đã đóng cửa ở mức điểm cao nhất phiên giao dịch cho thấy áp lực bán cũng đã được tạm ngưng so với phiên giao dịch trước đó. Trước thông tin chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 6 tăng lên 9,1% nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có thể hồi phục cũng là điều khá tích cực. Dù vậy, nhà đầu tư cũng không nên chủ quan và chú ý không tham gia mua đuổi với những mã cổ phiếu đã tăng nhưng khối lượng giao dịch đang có dấu hiệu giảm dần để tránh rủi ro giá bị điều chỉnh. Nếu đà tăng của VNINDEX được giữ vững thì không loại trừ khả năng có thể hồi phục về vùng kháng cự cũ quanh 1.200 điểm.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0