Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 11/07/2022
1.THÔNG TIN VĨ MÔ
• Thâm hụt thương mại của Mỹ giảm, thấp nhất từ đầu năm
– Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại, thâm hụt thương mại tháng 5 của nền kinh tế số một thế giới giảm 1,1 tỷ USD, tương đương 1,3%, so với tháng trước đó, xuống 85,5 tỷ USD.
– Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,2% lên 255,9 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu tăng 0,6% lên 341,4 tỷ USD.
– Thâm hụt thương mại của Mỹ giảm trong hai tháng liên tiếp là thông tin tích cực đối với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II. Thâm hụt thương mại cao đã kéo giảm 3,2 điểm phần trăm từ tăng trưởng GDP của quốc gia này trong quý I.
– Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng lên 31,5 tỷ USD trong cùng tháng đó. Nhập khẩu của Mỹ từ quốc gia này cũng tăng 5% lên 43,9 tỷ USD.
– Thâm hụt thương mại của Mỹ giảm trong tháng 5 xuống ngưỡng thấp nhất từ đầu năm trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nền quốc gia này liên tục đi lên thời gian qua.
– Lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ được dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu hàng hóa toàn cầu, kéo giảm hoạt động xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, số lượng đơn hàng vận chuyển tới các cảng biển phía Tây nước Mỹ tiếp tục gia tăng, đồng nghĩa với kim ngạch nhập khẩu sẽ vẫn ở ngưỡng cao trong vài tháng tới khi các đơn vị kinh doanh chạy đua chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.
• Tăng trưởng việc làm tại Mỹ vượt xa kỳ vọng
– Theo CNN, thị trường lao động Mỹ đã có thêm 372.000 việc làm mới trong tháng 6, tốt hơn 250.000 ước tính của Dow Jones. Một tín hiệu cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn ổn định, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ sớm xảy ra tại nền kinh tế số 1 thế giới hiện nay. Mức tăng việc làm mạnh nhất đến từ các ngành dịch vụ, kinh doanh, giải trí và khách sạn, chăm sóc sức khỏe, kho bãi.
– Với mức tăng này, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện ở mức thấp trong lịch sử là 3,6% so với trước đại dịch. Trong tháng 5, Mỹ vẫn có 11,3 triệu vị trí việc làm, tức là gần 2 cơ hội việc làm cho mỗi người thất nghiệp.
– Thu nhập trung bình hàng giờ tăng 0,3% trong tháng và tăng 5,1% so với một năm trước, cao hơn một chút so với ước tính 5% của Dow Jones và cho thấy áp lực tiền lương vẫn còn mạnh khi lạm phát gia tăng. Thu nhập gần đây nhất đạt đỉnh 5,6% hàng năm vào tháng Ba.
– Báo cáo vượt kỳ vọng đã làm lu mờ những dự báo tăng trưởng lao động suy yếu và thể hiện sự đối lập hoàn toàn giữa tăng trưởng việc làm ổn định và nỗi lo suy thoái. Với số liệu này cũng có thể sẽ khiến các quan chức FED tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay để kiềm chế lạm phát bằng cách siết nhu cầu tiêu thụ.
• Đồng Euro xuống giá thấp kỷ lục so với đồng USD
– Ngày 8/7, tỉ giá đồng euro so với đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 20 năm qua, 1 đồng euro đổi được 1,0159 USD. Tỷ giá thấp chưa từng thấy trong 20 năm gây lo ngại rằng hai đồng tiền này có thể lần đầu tiên sẽ đạt tỷ suất ngang nhau kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999.
– Nguyên nhân khiến đồng Euro giảm do đợt tăng giá khí đốt mới nhất tại châu Âu đã làm gia tăng những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế Eurozone, khi khu vực này có sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng khổng lồ chủ yếu là khí đốt từ Nga, cũng khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine. Trong khi đó, ECB và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đang di chuyển với tốc độ rất khác nhau, đồng USD tiếp tục tăng.
– Đồng euro giảm giá mạnh hướng đến ngưỡng ngang giá với đồng USD đã đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thế khó, khiến các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này chỉ còn những lựa chọn gây tác động lớn đến nền kinh tế. Việc để đồng euro xuống giá sẽ khiến lạm phát tăng dù đã ở mức cao kỷ lục, từ đó làm tăng nguy cơ kéo dài tình trạng lạm phát cao vượt mục tiêu 2%. Tuy nhiên, để nâng giá trị đồng euro lên từ mức thấp kỷ lục trong 20 năm sẽ đòi hỏi lãi suất phải tăng nhanh hơn, với những tác động lớn hơn đến nền kinh tế vốn đã đối mặt với nguy cơ suy thoái, khi khả năng thiếu khí đốt và giá năng lượng cao đang làm giảm sức mua.
2.LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG
• Đến hết quý II tín dụng tăng 9.35%, huy động vốn tăng 4.51%
– Tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng ở mức 9,35%, đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu tín dụng tập trung ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực được ưu tiên. Huy động vốn tính đến ngày 30/6 đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% so với thời điểm cuối năm 2021. Như vậy, so với mức tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đã có sự bức tốc mạnh mẽ.
– Thời gian tới, tâm điểm của hệ thống ngân hàng sẽ là gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước. Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích vay vốn thuộc 2 nhóm: (1) Các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục – đào tạo; nông – lâm nghiệp – thuỷ sản; công nghiệp chế biến – chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình và hoạt động liên quan, dịch vụ thông tin. (2) Xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ.
– So với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2022, hiện tại room tăng trưởng tín dụng không còn nhiều. Chúng tôi cho rằng, room tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm 2022 là vẫn có và khả năng các Ngân hàng Thương mại sẽ được công bố nới room vào quý 3.2022. Tuy vậy, nhóm ngân hàng quốc doanh – nhóm ngân hàng chính thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ lãi suất và nhóm Ngân hàng Thương mại có sức khỏe tài chính tốt, dư địa tăng trưởng tín dụng cao sẽ được ưu tiên.
• Ngân hàng Nhà nước tăng tốc hút tiền qua kênh tín phiếu – Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn giảm
– Ngày 07/7, thị trường tiếp tục đón hướng mở rộng và tăng cấp hút bớt tiền về trong điều tiết của Ngân hàng Nhà nước. tính đến ngày 06/7, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tới 145.324,9 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.
– Nối tiếp, phiên 07/7, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tới gần 40.000 tỷ đồng tín phiếu, trong đó ở kỳ hạn mới 28 ngày có gần 20.000 tỷ đồng với lãi suất 1,5%/năm.
– Như vậy, quy mô hút bớt tiền về giai đoạn này là lớn và dồn dập chưa từng có nhiều năm qua. Tuy nhiên, mặc nỗ lực hút tiền của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn có dấu hiệu chững lại và đồng loạt giảm tính đến ngày 7/6. Trong khi đó lãi suất USD trên cùng thị trường vẫn hầu như đi ngang.
– Chúng tôi cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có động thái mạnh mẽ trong việc hút bớt tiền, tuy vậy do tăng trưởng tín dụng bứt tốc mạnh ngay từ những tháng đầu năm trong khi hiện tại Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa mở thêm “room” tín dụng cho nửa cuối năm nên một khoản tiền lớn bị dồn lại ở hệ thống ngân hàng. Đặc biệt nhu cầu nắm giữ USD có xu hướng tăng trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất mạnh trong các tháng cuối năm sẽ càng tạo áp lực lên lãi suất VND và càng tạo ra chênh lệch âm lớn giữa lãi suất VND và lãi suất USD.
3.KÊNH CỔ PHIẾU
• Cổ phiếu tiêu điểm (LTG, TPB,POW, HAG)
• LTG: Lộc Trời và MBBank “bắt tay” sản xuất lúa gạo trên quy mô lớn tại Kiên Giang.
– LTG và MBBank hợp tác sản xuất lúa gạo trên quy mô lớn lên tới 300.000ha tại Kiên Giang với gói tín dụng 12 nghìn tỷ do MB cung cấp. Toàn bộ số lúa thu hoạch trong vùng nguyên liệu này sẽ được Lộc Trời và đối tác liên kết thu mua phục vụ xuất khẩu cho các khách hàng trong hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời.
– Năm 2021, LTG đã xuất hơn 80.000 tấn gạo đến nhiều quốc gia Châu Âu, Châu Úc, Châu Á, Trung Đông và Châu Phi, tăng gấp 4 lần so với năm 2020. Hoạt động xuất khẩu gạo của LTG kỳ vọng tiếp tục được đẩy mạnh trong những năm sắp tới khi LTG đã mở rộng hiệu quả thị trường.
– DTT và LNST Q1/2022 lần lượt đạt 2,345 tỷ đồng (-2% yoy) và 184 tỷ đồng (+0.2% yoy) – hoàn thành 46%KH LN. Riêng mảng gạo đạt doanh thu 1183 tỷ đồng (+96% yoy). Doanh thu thuốc bảo vệ thực vật đạt 981 tỷ (-38% yoy). Dự kiến phát hành 10 triệu cổ phiếu (~ 12.4% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho nhà đầu tư chiến lược trong năm 2022.
Khuyến nghị:
– Doanh thu mảng thuốc BVTV bị ảnh hưởng -20% do hết hạn hợp tác với nhà cung cấp Syngenta. Tuy nhiên doanh thu mảng lương thực kỳ vọng tăng trưởng 40% yoy trên mức nền cao của 2021, nhờ (1) triển vọng khả quan của ngành lúa gạo trong trung hạn và (2) triển vọng hợp tác bao tiêu 2 triệu tấn lúa với doanh số 12,000 tỷ đồng với các đối tác đã đặt hàng trước để tổ chức sản xuất với các HTX ĐB Sông Cửu Long, giúp LTG đảm bảo được chất lượng lúa và đáp ứng được nguồn cung xuất khẩu trong trung và dài hạn của LTG.
– LTG đặt kế hoạch LNST 2022 đạt 400 tỷ, khi LNST vượt kế hoạch thì công ty sẽ trích lập (1) quỹ dự phòng rủi ro cho nhân viên (tỷ lệ 50% từ phần chênh lệch giữa LNST thực hiện và KH) và (2) quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân (tỷ lệ 50% từ phần chênh lệch giữa LNST thực hiện và KH) và hai quỹ này có giá trị 360 tỷ/quỹ và trích tối thiểu 3 năm tối đa 10 năm. LNST chỉ diễn biến quanh kế hoạch kinh doanh, khó để tăng trưởng theo hoạt động công ty
Phân tích kỹ thuật:
– LTG ghi nhận giảm 5,88% trong tuần giao dịch 04-08/07, giảm tuần thứ 3 liên tiếp. Điểm tích cực là khối lượng giao dịch trong tuần tiếp tục thu hẹp.
– LTG chưa lấy lại được xu hướng tăng trong và ngắn và trung dài hạn, do đó nhà đầu tư chưa nên mở mới vị thế đối với cổ phiếu này. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ mã LTG, nên tận dụng các nhịp hồi để bán bớt cổ phiếu về tỷ lệ hợp lý (tối đa 30% trên toàn danh mục)
– Vùng 38.9 +/- là hỗ trợ mạnh cho xu hướng tăng trung dài hạn của cổ phiếu, nhà đầu tư tiếp tục quan sát vận động của LTG khi về đến vùng này, có thể mở mới vị thế nếu cổ phiếu vượt lên khỏi kháng cự này một cách thuận lợi.
• TPBank báo lợi nhuận quý II/2022 đạt gần 2.200 tỷ đồng
– TPB công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý II đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ, tương ứng tăng gần 34% so với quý I đã đưa lợi nhuận trước thuế lũy kế đến 30/6/2022 của TPBank đạt 3.788 tỷ đồng (+26% yoy) ~ 46% kế hoạch năm 2022.
– Kết thúc 30/6/2022, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng (+28% yoy), hoàn thành gần 89% kế hoạch mục tiêu (kế hoạch 2022 Tổng tài sản đạt 350 nghìn tỷ + 19.5% yoy).
– TPB là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam hiện đang áp dụng theo chuẩn Basel III. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn theo Basel III (CAR) tại 31/5/2022 đạt 13,1%, cao hơn nhiều so với quy định tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước.
– Năm 2022, TPB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 8.200 tỷ đồng (+35.8% yoy). Dư nợ tín dụng dự kiến đạt 188 nghìn tỷ đồng (+17.6% yoy). Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu thấp hơn 1.5%.
Khuyến nghị:
– TPB là ngân hàng tiên phong tại Việt Nam sử dụng Máy giao dịch video (VTM)- Livebank từ năm 2017.
– Chiến lược chuyển đổi số toàn diện, tập trung vào nhóm khách hàng trẻ giúp CASA tăng trưởng gấp bốn lần giai đoạn 2015-2021, từ gần 7.500 tỉ đồng lên gần 31.000 tỉ đồng.
– Tính hết 30/06, TPB tăng thêm gần 1.5 triệu khách hàng mới ~ +25% so với cuối năm 2021, nâng tổng số khách hàng của TPB đang phục vụ lên hơn 6 triệu khách hàng.
– Dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 của TPB sẽ đạt 20.7% nhờ động lực phục hồi của nền kinh tế và hệ thống LiveBank. LNST 2022 đạt 6.300 tỷ đồng (+30%yoy). P/Bfw 2022 là 1.3 lần
– Rủi ro: nợ xấu cao hơn dự kiến; tỷ lệ CASA không được duy trì (CASA cuối tháng 3 ở mức 18,8%, giảm so với 23,3% đạt được cuối năm 2021).
Phân tích kỹ thuật:
– TPB giảm 0,73% trong tuần giao dịch 04-08/07, thanh khoản tiếp tục cho thấy dấu hiệu cạn kiệt.
– TPB đang vận động với khối lượng giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 02/2021, đây có thể coi là một tín hiệu tích cực báo hiệu chuẩn bị tới giai đoạn xu hướng cổ phiếu đảo chiều, nhà đầu tư ưu tiên tiếp tục nắm giữ. Tuy nhiên cổ phiếu sẽ cần nhiều thời gian để tích lũy và lấy lại xu hướng tăng khi lượng cung cần xử lý đang quá lớn. TPB phù hợp để nhà đầu tư tích sản hơn là trading trong ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể tiến hành giải ngân trong vùng 27.1 – 28.0 +/-
• POW: Lãi 6 tháng đạt 1.159 tỷ đồng, Nhơn Trạch 3 và 4 đã thu xếp được vốn và dự vận hành thương mại từ năm 2024 – 2025.
– POW báo cáo tình hình kinh doanh nửa đầu năm: Sản lượng điện Công ty trong kỳ đạt 7,1 tỷ kWh, thực hiện 51,4% kế hoạch năm. Tương ứng, DT là 14.865 tỷ đồng, thực hiện 61,3% kế hoạch; LNST 1.159 tỷ đồng, vượt 56% kế hoạch năm và giảm 19% svck.
– Năm 2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu và LNST lần lượt là 24,242 tỷ VNĐ (-1% yoy) và 743 (-63% yoy). Chúng tôi cho rằng đây là một kế hoạch quá thận trọng trong bối cảnh giá dầu và giá khí đang mạnh mẽ và thiết lập mặt bằng giá mới và POW thường vượt kế hoạch từ 20% -50% trong quá khứ.
– Về 2 dự án Nhơn Trạch 3 & 4 (tổng công suất 1500 MW): Công ty đã ký hợp đồng EPC vào 14/3 và khởi công trong quý 2. Theo kế hoạch, Nhơn Trạch 3 vận hành thương mại từ quý 4/2024 và Nhơn Trạch 4 từ quý 2/2025.
– Dự án Nhơn Trạch 3 và 4 sử dụng nguồn nhiên liệu từ LNG nhập khẩu, công nghệ chu trình hỗn hợp tuabin khí, phù hợp với quy hoạch điện VIII. Theo quy hoạch điện VIII, từ 2030 giảm nhiệt điện than và tăng tuabin khí hỗn hợp dùng LNG.
Khuyến nghị:
– POW có vị thế đầu ngành điện khi chiếm 8% trong tổng số công suất nguồn của toàn hệ thống.
– Mảng điện khí: Sản lượng hồi phục nhờ vào mức nền thấp của năm 2021 và nhu cầu huy động bù đắp cho việc thiếu hụt than của các nhà máy điện than. Giá khí tăng cao do ảnh hưởng từ đà tăng giá của dầu Brent dẫn tới giá bán trung bình cao hơn của các nhà máy điện khí.
– Mảng điện than: Sản lượng giảm do ảnh hưởng từ sự cố tổ máy 1 nhiệt điện Vũng Áng (quý 3/2022 hoàn thành sửa chữa) và việc thiếu than. Giá bán điện than cao hơn do chi phí NVL đầu vào cao hơn do khan hiếm nguồn cung than
– Mảng thủy điện: Tình hình thuỷ văn thuận lợi với La Nina kéo dài tới cuối năm 2022 giúp thuỷ điện được huy động nhiều hơn trước khi bước vào pha trung tính trong năm 2023. Giá bán trung bình cao hơn nhờ mặt bằng giá CGM cao hơn.
– Dự báo LNST công ty mẹ 2022 đạt 2,250 tỷ (+25% yoy). PEfw 2022 ~ 13.5 lần.
Phân tích kỹ thuật:
– POW kết tuần giao dịch ghi nhận giảm 4,41% so với tuần trước, tuy nhiên đà giảm đã thu hẹp lại khi cổ phiếu chạm về vùng hỗ trợ của xu hướng tăng trung dài hạn quanh 12.6+/-
– POW chưa lấy lại được xu hướng tăng trong và ngắn và trung dài hạn, do đó nhà đầu tư chưa nên mở mới vị thế đối với cổ phiếu này. Kịch bản tích cực nhất là POW đã bắt đầu tạo đáy quanh 12.6 +/-, tuy nhiên cổ phiếu sẽ cần nhiều thời gian để tích lũy và lấy lại xu hướng tăng khi lượng cung cần xử lý đang quá lớn. Hành động phù hợp đối với cổ phiếu này là tận dụng các nhịp phục hồi để thoát vị thế và đảm bảo tỷ trọng trong danh mục không quá 20%.
• HAG – Công bố KQKD 5 tháng đầu năm 2022.
– HAG công bố lãi sau thuế dự kiến 5T2022 là 431 tỷ đồng sau khi đạt mức lợi nhuận khá cao 250 tỷ đồng trong Q1/2022. Như vậy, sau 5 tháng HAG đã hoàn thành 39% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm 2022
– Sau cả thập kỷ chìm trong khó khăn, HAG đã chính thức thoái vốn khỏi HNG kể từ cuối năm 2021. Theo đó, HAG đã ghi nhận lợi nhuận dương trở lại (128 tỷ đồng) trong năm 2021 sau khi lỗ 2,383 tỷ trong năm trước đó.
– Từ năm 2022, HAG chỉ còn 3 mảng kinh doanh bao gồm cây ăn trái (7,000ha chủ yếu trồng chuối), chăn nuôi lợn thịt (công suất tối đa 600,000 con/năm) và thương mại vật tư trồng trọt, chăn nuôi. Năm 2022, HAG đặt mục tiêu LNST tăng gần 10 lần lên 1,120 tỷ đồng.
– HAG dự kiến chào bán 161.9 triệu cổ phiếu ở mức giá 10,500đ/CP để huy động 1,699 tỷ đồng cho vốn lưu động với công ty con là Hưng Thắng Lợi Gia Lai, Chăn nuôi Gia Lai và Gia súc Lơ Pang tổng cộng 1.2 ngàn tỷ đồng. 500 tỷ đồng còn lại dùng để trả nợ gốc trái phiếu do HAG phát hành từ cuối 2016.
Khuyến nghị:
– KQKD 5T2022 của HAG tốt hơn dự kiến do (1) Trung Quốc đẩy mạnh mua chuối Việt Nam khi buộc phải giảm nhập khẩu chuối từ Phillipine và Ecuador trong bối cảnh giá vận chuyển đường biển tăng và cảng Thượng Hải phải đóng cửa do chính sách Zero-covid, (2) hiệp định RCEP là một xúc tác đặc biệt giúp trái cây xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam vào Trung Quốc tăng trưởng trong dài hạn (3) việc sử dụng chuối loại (chiếm 40% tổng sản lượng chuối) để nuôi lợn giúp HAG giữ được biên lợi nhuận cao trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi cùng ngành đang rất khó khăn.
– Dự báo LNST công ty mẹ năm 2022 đạt 900 tỷ đồng (+343% yoy) tương ứng với mức P/Efw 2022 đạt 10x.
– Rủi ro:Tình hình tài chính trong ngắn hạn và trung hạn không tích cực. Đòn bẩy tài chính luôn ở mức cao trong thời gian dài.
Phân tích kỹ thuật:
– HAG tiếp tục ghi nhận tuần giao dịch tăng điểm tích cực, tăng 8,09% so với tuần trước. Tuy nhiên đà tăng của cổ phiếu đã bị thu hẹp sau khi chạm lên vùng kháng cự mạnh 10.1 +/-.HAG đang cho thấy diễn biến tích cực trong xu hướng ngắn hạn, đồng thời cổ phiếu cũng đang nỗ lực chinh phục kháng cự quanh 9.9+/- (là hỗ trợ mạnh cho xu hướng tăng trong trung dài hạn). Nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, có thể bổ sung vị thế vào các nhịp điều chỉnh về hỗ trợ mạnh, lưu ý nắm giữ tỷ trọng hợp lý trong bối cảnh VNINDEX đang ở trong xu hướng giảm.
– Các hỗ trợ mạnh gần nhất của cổ phiếu lần lượt quanh 9.2 +/-và 8.9 +/-.
4.KÊNH TÀI SẢN KHÁC
• Một số giá hàng hóa và chỉ số quan trọng
– Giá vàng đã tăng nhẹ trở lại lên 1.743 USD/ounce vào chiều thứ Sáu, sau khi dao động gần mức thấp nhất trong 10 tháng, nhưng đã thiết lập đà giảm 3,7% hàng tuần, mức giảm hàng tuần tồi tệ nhất trong 8 tuần qua. Sự suy yếu của vàng phản ánh sự phục hồi của đồng đô la lên mức chưa từng thấy kể từ năm 2002, được hỗ trợ bởi kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ duy trì lập trường chính sách tiền tệ diều hâu mạnh mẽ của mình sau một báo cáo việc làm vượt kỳ vọng. Trong thông tin chi tiết mới nhất của Fed, Thống đốc Waller và St. Louis Fed’s Bullard, đã ủng hộ việc tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tháng này để kiềm chế lạm phát.
– Giá dầu thô Brent đã tăng trở lại từ mức thấp nhất trong ngày lên 107 USD/thùng vào thứ Sáu nhưng đang trên đà giảm 4% trong tuần. Giá dầu thô chịu áp lực bởi những lo lắng dai dẳng về một cuộc suy thoái tiềm ẩn- thúc đẩy nhu cầu giảm. Sự gia tăng các trường hợp COVID-19 ở Trung Quốc trong tuần này có thể khiến nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới bị khóa chặt hơn và các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn quyết tâm kiềm chế lạm phát bằng các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ, cả hai đều sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu và nhu cầu nhiên liệu. Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng báo cáo rằng tồn kho dầu thô của Mỹ tăng mạnh nhất trong 8 tuần, đánh bại kỳ vọng giảm 1,043 triệu thùng.
– Giá thép giảm xuống khoảng 4.220 CNY/tấn, thấp nhất kể từ mức thấp nhất trong 10 tháng vào tháng 11 năm 202. Nguyên nhân do nhiều nhà máy thép ở nhà sản xuất hàng đầu Trung Quốc giảm thiểu lỗ và cắt giảm sản lượng. Các nhà máy ở Trung Quốc đã ngừng hoạt động hàng chục lò cao trong bối cảnh tồn kho tăng cao sau khi nhu cầu trong nước suy yếu do COVID-19 bị khóa và thời tiết xấu. Triển vọng gia tăng của một cuộc suy thoái toàn cầu cũng đè nặng lên tâm lý, cùng với động thái hạn chế sản lượng thép của Trung Quốc theo kế hoạch khử cacbon.
– Hợp đồng khí đốt tự nhiên của Mỹ dao động trên 6 USD/MMBtu, và được thiết lập để tăng hơn 8% hàng tuần trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ do thời tiết nắng nóng và sau khi dữ liệu của EIA cho thấy các công ty tiện ích của Mỹ đã bổ sung 60 tỷ feet khối khí vào kho trong tuần kết thúc.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTSđể cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0