Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 28/06/2022:
1. THÔNG TIN VĨ MÔ
• Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự báo có thể đạt 6,4% nửa cuối năm
– Báo cáo của Diễn đàn kinh tế vĩ mô Trung Quốc cho thấy, nửa đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 2,7%. Nửa cuối năm, cùng với sự ổn định của tình hình dịch bệnh, dưới tác động tổng hợp của chính sách vĩ mô toàn diện và sự điều chỉnh hồi phục của chủ thể thị trường, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trở lại, GDP có thể đạt được 6,4% và cả năm là 4,7%.
– Thường vụ Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc – Dương Vĩ Dân cho biết: trong ngắn hạn, dịch bệnh đã ổn định, các giải pháp phòng chống bệnh ngày càng chính xác. Sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc đã trở lại đúng quỹ đạo. Nửa cuối năm, nếu không xuất hiện dịch bệnh quy mô lớn, nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng.
– Hiện tại, việc vận hành kinh tế của các nước trên thế giới đều chịu ảnh hưởng và tác động của 3 yếu tố là sự bùng phát trở lại của dịch bệnh, sự leo thang của xung đột Nga – Ukraine và sự gia tăng cạnh tranh địa chính trị. Do vậy để phục hồi trở lại Trung Quốc cần chiếm thế chủ động trong việc tăng cường nâng cấp liên tục chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng, cũng như vòng xoáy mới của sự chuyển đổi sản xuất và cách mạng khoa học công nghệ.
– Việc nghiên cứu sử dụng lãi suất chiết khấu để hỗ trợ các tổ chức tài chính trong hoạt động kinh doanh, tiêu dùng và tín dụng là cần thiết trong thời gian này, cùng với đó chính sách tài chính chủ động cũng cần được tăng cường, chẳng hạn như nâng mức thâm hụt một cách hợp lý, điều chỉnh ngân sách và thúc đẩy hơn nữa việc mở rộng nhu cầu trong nước của Trung Quốc.
• Kinh tế Nga rơi vào tình trạng hiếm gặp khi không thanh toán được nợ nước ngoài
– Theo Bloomberg, ngày 26-6, thời gian ân hạn 1 tháng đối với khoản thanh toán lãi cố định trị giá khoảng 100 triệu USD đã hết. Việc bỏ lỡ thời hạn chót này khiến Nga bị xem là vỡ nợ. Đây là hệ quả từ các biện pháp trừng phạt ngày càng khắc nghiệt của phương Tây khiến các tuyến thanh toán cho chủ nợ nước ngoài của Nga bị đóng.
– Trước đó, vào ngày 23-6, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov khẳng định việc gọi Nga vỡ nợ là “một trò hề”. Với doanh thu hàng tỉ USD mỗi tuần từ hoạt động xuất khẩu năng lượng bất chấp xung đột Nga-Ukraine, ông tuyên bố quốc gia của ông có khả năng tài chính để thanh toán nợ.
– Tháng trước, Washington đã chấm dứt việc miễn thanh toán trái phiếu, với ý định ngăn Nga trả nợ công để quốc gia này vỡ nợ. Moscow cáo buộc Washington tìm cách gây ra một vụ “vỡ nợ nhân tạo”.
– Trong một động thái phản ứng, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22-6 ký sắc lệnh ban hành một quy trình tạm thời về việc thanh toán nợ công bằng ngoại tệ. Theo tài liệu được công bố trên trang web của Điện Kremlin, nghĩa vụ trái phiếu châu Âu của Nga sẽ được công nhận là “đã hoàn thành” ngay khi được thanh toán bằng đồng rúp trong một khoản tiền tương đương với giá trị ngoại tệ. Khoản tiền này sẽ được tính toán dựa trên tỉ giá hối đoái hiện hành.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Cuộc đua lãi suất ‘tăng nhiệt’, tiền gửi vào ngân hàng vượt 1 triệu tỷ đồng
– Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân trong hệ thống ngân hàng đã ghi nhận xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, quý I năm nay, số dư này đã tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
– Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 3, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 13,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,45% so với cuối năm 2021. Tiền gửi của dân cư vào các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 3 đạt hơn 5,47 triệu tỷ đồng, tăng hơn 170.000 tỷ so với thời điểm cuối năm 2021 (tương đương mức tăng 3,28%). Đáng chú ý, mức tăng này lớn hơn cả tăng trưởng đạt được cả năm 2021 (chỉ hơn 158.000 tỷ đồng).
– Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 3 là 5,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với thời điểm cuối năm 2021. So riêng trong tháng 3, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã tăng thêm gần 230.000 tỷ đồng.
– Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank cho biết, lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian qua, vì biến động kinh tế thế giới hậu đại dịch, bất ổn chính trị, giá dầu và hàng hóa tăng mạnh gây áp lực lên lạm phát toàn cầu. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất.
– Lượng tiền gửi tại ngân hàng từ đầu năm đến nay luôn giữ xu hướng tăng, qua đó đảm bảo khả năng cung ứng vốn của ngành ngân hàng cho nền kinh tế, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế.
• Vốn FDI giảm tháng thứ 5 liên tiếp
– Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố: tính đến ngày 20/6, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần đạt trên 14,03 tỷ USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ 2021. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp ghi nhận vốn FDI giảm.
– Cụ thể, số dự án đăng ký cấp mới là 752, trị giá gần 4,94 tỷ USD, giảm 48,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số lượt dự án đăng ký điều chỉnh là 487, đạt 6,82 tỷ USD, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tính đến 20/6 đạt 1.707, trị giá hơn 2,27 tỷ USD, tăng hơn 41% so với cùng kỳ.
– Nguyên nhân là do vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021, song vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đã tiếp tục tăng mạnh. Trong khi đó, tốc độ tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn có chậm lại so với 5 tháng đầu năm song quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tương đối cao so với cùng kỳ.
– Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu hoạt động thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 8,84 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tuy nhiên, xét về số lượng dự án mới thì bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học – công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt hơn 30%, hơn 25% và gần 17% tổng số dự án.
– Tính đến nửa đầu năm, vốn FDI thực hiện đạt gần 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
• BVH: Bảo Việt dự kiến lãi ròng hơn 1.000 tỷ đồng năm 2022
– Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022. Bảo Việt (BVH) dự kiến lãi ròng hơn 1.000 tỷ đồng năm 2022. Cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 29/6.
– Năm nay, đơn vị trình kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ đạt 1.530 tỷ đồng, LNST đạt 1.050 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,7% và 1,8% so với thực hiện năm ngoái. Tỷ suất LNST/vốn điều lệ (7.423,2 tỷ đồng) ước tính 14,1%.
– Năm 2021, tổng doanh thu công ty mẹ tăng 5,7% so với cùng kỳ, lên 1.490 tỷ đồng. LNST tăng 1,9% lên 1.031 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng doanh thu hợp nhất đạt 50.380 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2020. Trong đó, doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 4,1% lên 40.604 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm 6,8% còn 8.912 tỷ đồng. LNST hợp nhất tăng 21,4%, đạt mức 2.003 tỷ đồng. Tập đoàn dự kiến dùng toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phới 2.246 tỷ đồng chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 30,261%.
– Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 501 tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất tại 31/3/2022 cán mốc 8 tỷ USD (đạt 183.778 tỷ đồng), tăng 8,4% so với thời điểm 31/12/2021. Tổng doanh thu của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đạt 2.975 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 80,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
• CMX: Sắp phát hành hơn 9 triệu cổ phiếu thưởng, tăng vốn lên hơn 1.000 tỷ đồng
– CTCP Camimex Group (mã chứng khoán: CMX) mới đây thông báo triển khai phát hành 9,08 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 28/07/2022. Tỷ lệ thực hiện là 10%.
– Ngoài ra, CMX sẽ phát hành 2 triệu cổ phiếu theo chương trình người lao động, trong đó 900.000 cổ phiếu là thưởng ESOP và 1,1 triệu đơn vị là chào bán giá 10.000 đồng/cp. Qua 2 đợt phát hành, vốn điều lệ dự kiến tăng lên 1.019 tỷ đồng.
– Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, CMX kỳ vọng doanh thu đạt 3.900 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 300 tỷ đồng, gấp 3,6 lần năm 2021. Đồng thời, CMX dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 160 triệu USD, tương ứng với sản lượng xuất khẩu ít nhất là 13,000 tấn thành phẩm/năm. Công ty tiếp tục đầu tư hoàn thiện nhà máy chế biến tại Zone 1 (nhà máy số 1, số 3) để nâng công suất chế biến, xây dựng nhà máy cá và kho lạnh tại công ty thành viên.
– Trong đó, Quý I/2022, CMX đạt gần 471 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp đôi so với cùng kỳ. Nguyên nhân là bởi số lượng, cơ cấu hàng bán thay đổi và nhu cầu thị trường có sự khác biệt về giá cả giữa 2 kỳ. Năm nay, Tập đoàn cũng đặt mục tiêu hoàn tất thủ tục đăng ký đại chúng và đưa cổ phiếu công ty con – Công ty cổ phần Camimex lên giao dịch sàn UPCoM.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Phiên giao dịch 27/06/2022, chỉ số VNINDEX trong đầu phiên sáng diễn biến chung với xu hướng thế giới khi duy trì sắc xanh ở hầu hết nhóm ngành. Sang phiên chiều, chỉ số vẫn duy trì được đà tăng và tiến về vùng kháng cự quanh 1.200 điểm nhờ nhóm cổ phiếu trụ nâng đỡ. VNINDEX đóng cửa ở mốc 1.202,82 điểm, tăng hơn 17 điểm (+1,46%)
– Về độ rộng thị trường, phe mua chiếm ưu thế khi có tới 340 mã tăng/116 mã gỉam. Tổng số lượng mã tăng chiếm gần 67% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản có sự cải thiện, đạt 12.315,300 nghìn tỷ đồng.
– Đóng góp cho đà tăng điểm nhiều nhất cho chỉ số VNINDEX là cổ phiếu NVL (+2,453 điểm), MSN và HPG (+1,3 điểm). Các mã làm giảm điểm chỉ số như VIC (-0,8 điểm), DPM và DCM (-0,374 điểm).
– Phiên giao dịch hôm nay ghi nhận diễn biến tích cực khi tất cả các nhóm ngành đều tăng điểm. Nhóm ngành hồi phục tốt nhất là Nguyên vật liệu, tăng gần 3%, Năng lượng(+2,6%) và Công nghiệp (1+2,37%). Các nhóm ngành còn lại có mức tăng dưới 1,5%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn là Tài chính, đạt 2.395 tỷ đồng, Công nghiệp đạt 1.614 tỷ đồng và Nguyên vật liệu đạt 1.416 tỷ đồng.
– kKhối ngoại mua ròng khá nhẹ nhàng với giá trị đạt 250,6 tỷ đồng, tập trung vào các mã MWG (59,57 tỷ đồng), MSN (57,4 tỷ đồng) và CTG (51,01 tỷ đồng). Chiều bán ròng có các mã như DGC (-78,05 tỷ đồng), NVL (-77,69 tỷ đồng) và VNM (-36,74tỷ đồng).
– Phiên giao dịch ngày hôm nay tuy điểm sáng là chỉ số VNINDEX đã quay trở lại vùng kháng cự quanh 1.200-1.240 điểm nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Ngoài ra ghi nhận dòng tiền tham gia tốt với nhóm cổ phiếu Chứng khoán và Thép, bên cạnh đó nhóm cổ phiếu Phân đạm bất ngờ quay đầu giảm điểm ở cuối phiên chiều và đã có DPM và DCM giảm sàn. Nhà đầu tư sẽ cần quan sát thêm diễn biến của những phiên giao dịch tới của VNINDEX để xác nhận chỉ số sẽ có sự điều chỉnh test lại đáy quanh vùng 1.160 điểm hay sẽ đi ngang tích lũy ngay tại vùng kháng cự để hấp thụ hết lực bán trước khi tiến tới những vùng điểm cao hơn. Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân dần để theo dõi với những mã cổ phiếu có cơ bản tốt, đã tạo xong nền với áp lực bán suy yếu. Hạn chế tham gia mua FOMO với những mã cổ phiếu đã tăng gần tới những vùng kháng cự tiếp theo.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0