1. THÔNG TIN VĨ MÔ
- Quan chức Fed cho rằng Mỹ sẽ cần vài năm để đưa lạm phát trở lại mức 2%
- Trả lời phỏng vấn trên tờ Financial Times ngày 19/6, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh tại Cleveland, bà Loretta Mester, cho rằng nguy cơ suy thoái đang ngày càng gia tăng và nước Mỹ sẽ mất nhiều năm để có thể đưa lạm phát trở lại mức 2%.
- Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng đã trả lời trên kênh ABC và thừa nhận khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc tăng trưởng trong thời gian tới, song cho rằng nước này vẫn có thể tránh được một cuộc suy thoái.
- Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, động thái tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm của Fed trong tuần trước sẽ tạo tiền đề để cơ quan này triển khai các chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Mức lãi suất được cho là sẽ điều chỉnh tăng lên 3,8% vào năm 2023 và phần lớn kế hoạch gia tăng tiệm cận mức lãi suất này sẽ được Fed thúc đẩy trong năm nay.
- Bộ trưởng Yellen nhận định khả năng chi tiêu, tiêu dùng của người dùng giảm do lãi suất tăng sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn tới kinh tế suy thoái. Dù vậy, bà khẳng định thị trường lao động của Mỹ đang ở trạng thái mạnh mẽ.
- Đề kiềm chế lạm phát Chính quyền Tổng thống Biden được cho là đang tìm kiếm các biện pháp bao gồm làm việc với Quốc hội để có thể làm giảm giá một số mặt hàng như thuốc và một số sản phẩm tiện ích, nhằm tháo gỡ khó khăn về gánh nặng chi phí cho người dân. Một số biện pháp giúp giảm giá xăng dầu cũng dường như đang được cân nhắc, trong đó cả khả năng tạm dừng áp thuế khí đốt liên bang.
- Giá dầu có thể vượt 150 USD/thùng?
- Mới đây, một báo cáo ngân hàng Mỹ Bank of America cho rằng giá dầu Brent có thể vượt 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga giảm. Trước đó, giá dầu WTI ngày 17/6 là 110 USD/thùng, còn dầu Brent là 113,1 USD/thùng, hạ nhiệt so với ngày trước đó nhưng cao hơn đáy giữa tháng 5 khoảng 10%.
- Ngày 30/5, Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất việc cấm vận một phần dầu Nga. Điều này khiến châu Âu bắt đầu phải tìm kiếm các nguồn cung khác bằng việc nhập khẩu dầu thô từ Angola đã tăng gấp 3 lần kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra. Con số từ Brazil và Iraq cũng tăng lần lượt 50% và 40%. Tuy nhiên vẫn không đủ nguồn cung thay thế. Mới đây OPEC+ cam kết bơm thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, tăng 200.000 thùng so với kế hoạch trước đó.
- Mặc dù đã đề ra nhiều biện pháp để tránh phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ Nga nhưng nhu cầu là quá cao. Đặc biệt, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, hoạt động giao thương được kết nối lại thì khả năng có thể đẩy giá dầu lên cao hơn. Còn nhu cầu dầu của Mỹ cũng vẫn tăng dù giá cao, khi theo dữ liệu trong tuần giữa tháng 5, nhu cầu xăng tại các trạm bán lẻ của Mỹ chỉ giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này được ghi nhận trong bối cảnh giá bán lẻ xăng bình quân ở Mỹ tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021, và ở mức 4,6 USD/gallon vào cuối tháng 5.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
- Sau 5 tháng, tình hình kinh tế- thương mại Việt Nam nhiều khởi sắc
- Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, tình hình kinh tế – thương mại Việt Nam trong tháng 5 và 5 tháng năm 2022 tiếp tục ghi nhận kết quả đáng khích lệ ở cả 3 lĩnh vực công nghiệp – xuất khẩu – thị trường trong nước.
- Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 và 5 tháng năm 2022 vẫn duy trì tốc độ tăng. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 8,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,2% (cùng kỳ tăng 12,5%) đóng góp 7,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
- Các ngành sản xuất đã có sự phục hồi nhanh hơn trong tháng 5, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tăng 3 điểm phần trăm (từ mức 51,7 điểm trong tháng 4 lên mức 54,7 điểm của tháng 5), cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng, tồn kho thành phẩm giảm
- Về hoạt động thương mại, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng 16,7%. 5 tháng năm 2022, có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn 4 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước.
- Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng (giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng).
- Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước
- Đề xuất đầu tư xây cảng biển 35.000 tỷ đồng ở Nam Định
- UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét cập nhật, bổ sung bến cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện, Nam Định vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 1 giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Theo đề xuất, quy hoạch cảng biển Xuân Thiện sẽ gồm 19 bến cảng giai đoạn mở đầu (đến năm 2030), đáp ứng lượng hàng thông qua từ 42,6 đến 48,1 triệu tấn. Kết cấu bến cảng thiết kế tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 300.000 DWT, quy mô luồng cho tàu 100.000 DWT
- Diện tích sử dụng đất, mặt nước giai đoạn hoàn thiện dự kiến khoảng 2.303 ha. Giai đoạn hoàn thiện (sau năm 2030), dự kiến diện tích đất cảng mở rộng thêm khoảng 137,3 ha, theo tiến trình đầu tư của các nhà máy thép xanh số 2, 3.
- Về tiến độ đầu tư, giai đoạn mở đầu dự kiến đưa vào khai thác trước năm 2030 và chia làm 3 giai đoạn. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn mở đầu dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của công ty và vốn huy động.
- Hình thức đầu tư bao gồm đầu tư xây dựng mới các công trình cầu cảng, nạo vét khu nước, vũng quay tàu, luồng tàu, hệ thống đường bãi, hạ tầng kỹ thuật, kho xưởng, công trình phụ trợ. Ngoài ra còn có các công trình giao thông kết nối đường biển, đường bộ…
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
- SBT mở rộng diện tích ở Lào, đầu tư vào Úc, mục tiêu doanh thu 1,5 tỷ USD trong niên độ 2024 – 2025
- Trong niên độ 2020-2021, Thành Thành Công – Biên Hòa vẫn tăng trưởng ấn tượng, khi mang về 14.925 tỷ đồng doanh thu – tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Kèm theo đó, lợi nhuận trước thuế của họ cũng đạt 650 tỷ đồng, tăng 79% so với niên độ trước và cao nhất trong lịch sử hoạt động. Tương đương với sản lượng 1,16 triệu tấn trong năm 2021.
- Tổng giám đốc SBT nhận định: Trong năm 2022, tình hình thị trường tiếp tục biến động phức tạp, nhưng vì nhu cầu lương thực thực phẩm vẫn là cần thiết hàng ngày, nên không quá lo lắng. Theo đánh giá của ông, trong năm 2022, ngành đường và nông nghiệp của Thành Thành Công tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng đan xen cơ hội – nhất là Thành Thành Công Biên Hòa
- Mục tiêu của SBT: Đến niên độ 2024-2025, sẽ đạt sản lượng 2 triệu tấn, doanh thu 1,5 tỷ USD và có thể tiếp cận hàng trăm triệu người dùng ở các thị trường trọng yếu như Việt Nam, Trung Quốc, Úc, châu Âu… Mở rộng diện tích vùng nguyên liệu tại Úc lên 20.000ha, nhằm nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu trên toàn cầu lên 90.000ha.
- Techcombank lập kỷ lục mới với khoản vay hợp vốn nước ngoài trị giá 1 tỷ USD
- Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá lên tới 1 tỷ USD, đánh dấu một mốc mới trong hoạt động huy động vốn nước ngoài của ngân hàng.
- Đây là khoản tín dụng trung dài hạn có trị giá lớn nhất của một định chế tài chính Việt Nam trên thị trường hợp vốn quốc tế, sau khi hoàn tất huy động khoản vay đầu tiên trị giá 500 triệu USD vào năm 2020 và khoản vay thứ hai trị giá 800 triệu USD vào năm 2021.
- Khoản tín dụng này được bảo lãnh phát hành toàn bộ với quy mô mục tiêu ban đầu 700 triệu USD, cùng quyền chọn cấp vốn trước. Với kết quả phản hồi tích cực của thị trường, Techcombank quyết định nâng trị giá khoản vay lên 1 tỷ USD với ba cấu phần tương ứng với các kỳ hạn 3, 4 và 5 năm. Cấu phần 5 năm là sự tiếp nối thành công mà Techcombank đã đạt được trong đợt huy động vốn 800 triệu USD năm ngoái.
- Lãi suất của khoản vay bằng SOFR (lãi suất tham chiếu mới thay thế LIBOR) cộng biên độ 140 điểm cho kỳ hạn 3 năm, 155 điểm cho kỳ hạn 4 năm và 170 điểm cho kỳ hạn 5 năm. Khoản huy động này sẽ bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho Techcombank, giúp ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn trung dài hạn của khách hàng khi nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch Covid-19.
- Thành công của giao dịch về quy mô, kỳ hạn và số lượng ngân hàng tham gia đã một lần nữa khẳng định vị thế tiên phong của Techcombank tại thị trường ngân hàng Việt Nam.
- HAG: Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức có lợi nhuận sau thuế 431 tỷ trong 5 tháng đầu năm
- Theo thông tin từ thư gửi đến các cổ đông vào ngày 19/6, Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) đã công bố ba tổng doanh thu thuần tính đến hết ngày 31/5/2022 là 1.475 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 431 tỷ đồng. Cụ thể, ngành chăn nuôi có doanh thu 326 tỷ đồng, ngành cây ăn trái đạt 866 tỷ và ngành nghề phụ trợ là 283 tỷ đồng.
- Năm 2022, HAGL đã có chiến lược tái cấu trúc kinh doanh, tập trung vào hai lĩnh vực chính là cây ăn trái và chăn nuôi heo. Ở mảng cây ăn trái, diện tích cây theo kế hoạch của HAGL là 10.000 ha, trong đó cây chuối chiếm 7.000 ha. HAGL thông báo 5.000 ha đã khai thác ổn định, còn 2.000 ha vừa đầu tư trồng mới. Trong khi đó, ngành chăn nuôi tính đến cuối tháng 5/2022 đã hoàn thiện 9 cụm chuồng trại để duy trì nuôi hơn 27 nghìn con heo nái sinh sản và 600 nghìn con heo thịt xuất khẩu mỗi năm.
- Như vậy, HAGL đã hoàn thành được 38% kế hoạch đề ra cho năm 2022, khi có mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế cả năm là 1.120 tỷ đồng.
- Trước đó, năm 2021, HAGL đã có lợi nhuận ròng là 184 tỷ đồng. Đây được xem là sự chuyển mình tích cực của HAGL sau giai đoạn khó khăn
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Phiên giao dịch 20/06/2022, chỉ số VNINDEX trong đầu phiên sáng giao dịch khá thận trọng khi biến động quanh tham chiếu. Nhưng sau đó nhanh chóng rơi vào tiêu cực khi áp lực bán gia tăng mạnh đã kéo chỉ số xuống dưới vùng hỗ trợ 1.200 điểm. Kết phiên VNINDEX đóng cửa ở mốc 1.180,4 điểm, giảm gần 37 điểm (-3.03%).
– Về độ rộng thị trường, cả thị trường chìm trong sắc đỏ khi có tới 407 mã giảm/72 mã tăng, trong đó có tới 139 mã sàn chủ yếu ở các ngành khai khoáng, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…Tổng số lượng mã giảm chiếm gần 80% trên sàn HOSE. Thanh khoản không cải thiện nhiều, có tăng nhẹ hơn phiên giao dịch trước đó, đạt 15.439,518 tỷ đồng.
– Áp lực giảm điểm ảnh hưởng tới chỉ số VNINDEX đến từ các cổ phiếu trụ GAS (-4,661 điểm), BID (-2,781 điểm) và MSN (-2,226 điểm). Các mã tăng điểm hỗ trợ chỉ số như VNM (+1,259 điểm), VJC (+0,298 điểm) và SHB (+0,279 điểm).
– Phiên giao dịch hôm nay diễn biến tiêu cực khi ghi nhận cả 10 nhóm ngành giảm điểm. Trong đó, giảm nhiều nhất là nhóm ngành Năng lượng (-6,52%), tiếp sau là Nguyên vật liệu (-5,95%) và Dịch vụ tiện ích (-5,03%). Duy chỉ có nhóm ngành Chăm sóc sức khỏe và Công nghệ thông tin có mức giảm ít nhất, dưới 0,7%. Các nhóm ngành còn lại đều giảm từ 2 – 4%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn là Tài chính đạt 2.980 tỷ đồng, Nguyên vật liệu và Công nghiệp đạt 2.400 tỷ đồng, Bất động sản đạt 1.686 tỷ đồng và Tiêu dùng thiết yếu đạt 1.467 tỷ đồng.
– Đứng trước tâm lý lo sợ chung của thị trường, khối ngoại quay trở lại bán ròng với giá trị đạt 604,43 tỷ đồng, tập trung vào các mã HPG (-248,1 tỷ đồng), MWG (-192,46 tỷ đồng) và VND (-144,78 tỷ đồng). Chiều mua ròng có các mã như BSR (62,89 tỷ đồng), VNM (59,94 tỷ đồng) và GEE (59,2 tỷ đồng).
– Phiên giao dịch ngày hôm nay, áp lực bán lớn đã khiến VNINDEX giảm sốc và tuột dốc khỏi vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm. Sự hoảng loạn thể hiện qua việc bán tháo ở cuối phiên ATC, số mã sàn diễn ra trên diện rộng. Nhóm ngành khai khoáng: POW, GAS, PVS,… sau một thời gian tăng mạnh thì nay rơi vào đà giảm sâu trước thông tin giá nguyên liệu bị điều chỉnh. Tuy nhiên, điểm sáng là nhóm ngành Thủy sản khi vẫn giữ được sắc xanh tới cuối phiên. Việc chỉ số VNINDEX liên tục rơi khỏi các mốc hỗ trợ cứng kết hợp với thanh khoản không ủng hộ nhiều cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang lo sợ và bán tháo trên diện rộng. Nhà đầu tư chưa nên tham gia bắt đáy cho đến khi có tín hiệu ngừng đà giảm của thị trường, đặc biệt hạn chế sử dụng margin khi thị trường chưa bước vào giai đoạn ổn định.