1. THÔNG TIN VĨ MÔ
- Giá khí đốt tại châu Âu giảm hơn 3%, nhưng than tăng gần chạm mức kỷ lục
- Theo Trading Economics, giá khí đốt tại Mỹ ngày 23/5 là 8,1 USD/MMBtu, giảm 0,4% so với cuối tuần trước và thấp hơn mức đỉnh hồi đầu tháng là 8,7%. Còn tại Anh là 1,7 USD/therm, mức thấp nhất kể từ ngày 10/5, giảm 5,4%. Giá tại châu Âu là 90 USD/mwh, giảm 3,4% so với cuối tuần trước.
- Nguyên nhân là do tập đoàn năng lượng Gazprom thông báo tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine.
- Trong khi giá khí đốt đi xuống thì giá than tương lai tại Australia ngày 20/5 tăng 1,3% so với ngày trước đó lên 417,3 USD/tấn. Nhu cầu cho sản xuất điện đi lên khi kinh tế tại nhiều quốc gia hồi phục sau Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều nước tìm nguồn than thay thế từ Nga và Ukraine khiến giá than hiện chỉ cách đỉnh đầu tháng 3 hơn 10 USD/tấn
- Ấn Độ cũng đã nới lỏng các quy định liên quan đến môi trường về việc mở rộng mỏ than để tăng sản lượng, có thể tăng thêm 10% trước tình trạng mất điện thường xuyên ở nước này.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
- Việt Nam bất ngờ nhập siêu lớn nửa đầu tháng 5
- Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 5/2022 đạt 28,34 tỷ USD, giảm 15,6% (tương ứng giảm 5,3 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2022 và đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 270,56 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 36,01 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.
- Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 187,3 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng tới 23,44 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 83,26 tỷ USD, tăng 17,8% (tương ứng tăng 12,57 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Trong nửa đầu tháng 5, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 2,7 tỷ USD và thâm hụt 223 triệu USD tính từ đầu năm 2022.
- Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5 năm 2022 đạt 12,82 tỷ USD, giảm 28,6% (tương ứng giảm 5,13 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 4/2022.
- Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2022 đạt 15,52 tỷ USD, giảm nhẹ 0,6% (tương ứng giảm 96 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2022.
- Nhìn chung mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất thuộc về nhóm sản phẩm điện tử và linh kiện máy móc, điều này cho thấy tín hiệu tích cực từ hoạt động sản xuất trong thời điểm hiện tại.
- Quảng Trị thành lập Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá
- Ngày 23/5, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Trị cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng vừa ký quyết định số 1355/QĐ-UBND về việc thành lập Khu công nghiệp (KCN) Tây Bắc Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
- Theo đó, KCN Tây Bắc Hồ Xá có quy mô 214,77ha, thuộc địa bàn các xã Vĩnh Long và xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh; KCN do CTCP Quang Anh Quảng Trị làm chủ đầu tư với tổng vốn 925 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của KCN 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư (từ ngày 19/3/2021 đến ngày 19/3/2071).
- Đây là khu công nghiệp thứ 5 tại Quảng Trị cùng với KCN Quán Ngang, KCN Nam Đông Hà, KCN Triệu Phú, KCN VSIP Quảng Trị và KCN Tây Bắc Hồ Xá. Hiện nay, KCN Tây Bắc Hồ Xá đang trong giai đoạn chuẩn bị giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, hoàn thiện thủ tục đấu nối giao thông.
- Sau khi đầu tư hạ tầng xong thì KCN sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp. Trong đó nổi bật nhất là dự án nhà máy sản xuất may mặc do Công ty Scavi Huế (thuộc Tập đoàn Corèle International – Pháp) làm chủ đầu tư, có vốn 575 tỷ đồng. Đây sẽ là 1 trong những KCN trọng tâm trong chủ trương của Chính phủ nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, xã hội ở tỉnh Quảng Trị như một trung tâm kinh tế trong tương lai dọc theo hành lang kinh tế Đông – Tây nối Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
- DGC: Hóa chất Đức Giang (DGC) chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 117%
- DGC dự kiến trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 117%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu vào ngày chốt danh sách sẽ nhận được 117 cổ phiếu mới.
- DGC hiện đang lưu hành hơn 171 triệu cổ phiếu, số lượng cổ phiếu quỹ là 873 đơn vị. Tổng số cổ phiếu mà công ty sẽ phát hành là hơn 200 triệu đơn vị, nguồn vốn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Sau phát hành, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 1.710 tỷ đồng lên hơn 3.712 tỷ đồng.
- Sau Đại hội cổ đông thường niên, DGC thông qua phương án phát hành và chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Ngoài ra, đại hội hội cũng thông qua kế hoạch phát hành 8,55 triệu cổ phiếu ESOP dành cho người lao động, giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ phát hành 5%, dự kiến thực hiện trong năm 2022. Tính cả phương án phát hành ESOP, vốn điều lệ của DGC có thể tăng lên gần 3.800 tỷ đồng.
- Chốt quý I, DGC ghi nhận doanh thu đạt 3.634 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.506 tỷ đồng, lần lượt tăng 86% và tăng gấp 5 lần mức thực hiện cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, DGC lên kế hoạch doanh thu hợp nhất là 12.117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 39% so với thực hiện năm ngoái.
- Sau 3 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 30% kế hoạch về doanh thu và 43% kế hoạch về lợi nhuận.
- Cảng Đình Vũ lên kế hoạch lãi 345 tỷ năm 2022, cổ tức tiền mặt tới 50%
- Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ mã cổ phiếu DVP vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu 725 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 345 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 1% so với năm 2021 và cổ tức tối thiểu 30%
- Riêng trong quý 1/2022, Cảng Đình Vũ đã thực hiện được 146 tỷ đồng doanh thu, tăng 6,5% so cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế gần 68 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ. Như vậy, trong quý 1, Cảng Đình Vũ đã thực hiện được 20% kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận.
- Do đó, DPV quyết định trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông lên tới 50%, tương đương 200 tỷ đồng. Trong đó đã tạm ứng 15% hồi tháng 1/2022, còn lại 35% dự chi trong tháng 6 tới. Đây là mức cổ tức cao nhất từ trước đến nay của Cảng Đình Vũ khi năm 2019 và 2020 đều ở mức 40%.
- Việc Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại cùng với thủ tục, quy trình khai thác được đơn giản hóa, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại sẽ là tín hiệu tích cực cho việc DPV tăng tưởng mạnh trong các quý sau.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Phiên giao dịch 24/05/2022, chỉ số VNINDEX mở đầu phiên sáng tiếp tục rung lắc quanh mức tham chiếu. Đầu phiên chiều ghi nhận cú sụt giảm mạnh kéo chỉ số về gần mốc 1.200 điểm nhưng đến những phút cuối phiên đã có sự hồi phục lên nhanh chóng và đóng cửa ở sắc xanh khi VNIDEX đạt mốc 1.233,38 điểm, tăng 14,57 điểm (+1,2%) so với phiên giao dịch trước đó.
– Về độ rộng thị trường, không có sự chênh lệch nhiều khi bên bán và mua khá cân bằng nhau với 224 mã tăng/210 mã giảm trên sàn HOSE. Thanh khoản trong phiên hôm nay tăng nhẹ so với phiên giao dịch trước, đạt 13.415,852 tỷ đồng.
– Đóng góp nhiều nhất cho sự tăng điểm của VNINDEX hôm nay là các mã cổ phiếu như MSN (+1,617điểm), BID (+1,441 điểm) và VNM (+1,378 điểm). Ở chiều ngược lại, cổ phiếu làm giảm điểm nhiều nhất là HPG (-2,099 điểm), các mã còn lại giảm dưới 1 điểm. HPG sụt giảm mạnh trước lời phát biểu của chủ tịch HPG – Trần Đình Long về tình hình khó khăn của ngành thép trong các quý tới làm lan tỏa tâm lý bán tháo của nhà đầu tư.
– Sự tích cực trong phiên giao dịch hôm nay được thể hiện qua 8/10 nhóm ngành ghi nhận sắc xanh tăng điểm. Mức tăng tốt nhất đến từ nhóm ngành Tiêu dùng thiết yếu (+3,42%) và Tài chính (+2,07%), các nhóm ngành còn lại có mức tăng dưới 2%. Hai nhóm ngành giảm điểm trong phiên hôm nay là Nguyên vật liệu (-3,35%) và Năng lượng (-0,84%), trong đó nhóm ngành Nguyên vật liệu chịu ảnh hưởng mạnh bởi cổ phiếu trụ HPG và các mã cổ phiếu khác trong ngành thép. Về giá trị giao dịch, Tài chính và Nguyên vật liệu là 2 nhóm ngành ghi nhận giá trị đạt mức gần 3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra nhóm ngành Công nghiệp và Bất động sản cũng có giá trị giao dịch đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng.
– Khối ngoại trong phiên hôm nay đã quay trở lại mua ròng 195,88 tỷ đồng, tập trung vào các mã DCM (81,19tỷ đồng), DPM (74,8 tỷ đồng) và STB (73,92 tỷ đồng). Chiều bán ròng của khối ngoại là các mã HPG (-143,9 tỷ đồng), VND (-85,33 tỷ đồng) và SSI (-71,59tỷ đồng).
– Phiên giao dịch hôm nay, VNINDEX đã test thành công vùng 1.200 điểm nhưng thanh khoản vẫn chưa được cải thiện nhiều. Chúng ta có thể kỳ vọng thị trường sẽ đi ngang tích lũy quanh vùng giá 1.200 điểm và cũng cần chuẩn bị cho trường hợp nếu có những pha test xuống sâu hơn ở quanh vùng 1.170 điểm. Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư tránh mua đuổi với những mã cổ phiếu đã tăng nóng mà chưa có nhịp điều chỉnh đáng kể và những mã cổ phiếu đang giao dịch gần vùng kháng cự. Tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh của thị trường là vẫn còn, nhà đầu tư nên cẩn trọng hơn trước những quyết định giao dịch, ưu tiên quan sát diễn biến giá tại các vùng hỗ trợ và kháng cự quan trọng.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0