Podcast ngày 23.05.2022 – Ngân hàng nhà nước dự tính bơm khoảng 78.000 tỷ đồng ra thị trường tập trung trong quý 2

Mục lục

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

  • Trung Quốc hạ lãi suất cơ bản để thúc đẩy thị trường bất động sản 

Ngày 20/5, PBoC thông báo cắt giảm lãi suất một số khoản vay dài hạn, giúp giảm bớt áp lực chi phí vay thế chấp, đồng thời thúc đẩy nhu cầu tín dụng người dân trong bối cảnh thị trường bất động sản lao dốc và dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Theo đó, lãi suất khoản vay kỳ hạn 5 năm, mức lãi suất tham chiếu đối với các khoản vay thế chấp mua nhà, giảm từ 4,6% xuống 4,45%, mạnh nhất kể từ 2019. Trước đó, PBoC cũng đã giảm mức lãi suất sàn đối với các khoản vay thế chấp mới nhằm thúc đẩy nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp. Lãi suất khoản vay kỳ hạn 1 năm được giữ nguyên ở ngưỡng 3,7%, ngược lại với dự báo giảm 0,05-0,1% của nhiều chuyên gia kinh tế. 

Việc PBoC giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hầu hết các ngân hàng trong tháng 4 và khoản cung tiền 800 tỷ NDT khiến cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang tương đối dồi dào. Các ngân hàng Trung Quốc cũng có thể cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn lần thứ hai trong năm nay. 

Hạ lãi suất cho vay sẽ giúp giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp và người dân. Nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn thực hiện chính sách Zero-Covid, trong khi đó thị trường bất động sản thì lao dốc sau khi chính phủ áp dụng loạt biện pháp siết chặt. 

  • Đồng USD sắp vượt qua đồng EUR? 

Tính đến hết phiên ngày Thứ Sáu (20/5), tỷ giá EUR/USD dừng lại ở mức 1,056, thấp nhất kể từ 2016. Đồng EUR đã thể hiện sự suy yếu trong suốt 1 năm qua. 

Đồng EUR yếu đi sẽ càng làm ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, xã hội của khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro do đồng USD cao khiến hàng hóa nhập khẩu đắt hơn, nhất là trong bối cảnh Châu Âu cần nhập khẩu nhiều năng lượng từ Mỹ để bù đắp cho phần cắt giảm từ Nga. 

EC đã giảm dự báo tăng trưởng 2022 của khu vực xuống 2,7%, từ mức 4% đưa ra vào tháng 2. Dự báo năm 2023 được điều chỉnh từ 2,7% xuống còn 2,3%, do những biến động mới xảy ra dưới ảnh hưởng của xung đột địa chính trị.  

ECB vẫn đang chần chừ trong việc siết chính sách tiền tệ do lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế, tuy nhiên ECB đã đưa ra tín hiệu chấm dứt chương trình mua lại trái phiếu cũng và các gói kích thích kinh tế. Kỳ vọng ngân hàng này sớm nâng lãi suất đã gia tăng mạnh trong bối cảnh lạm phát tiếp tục tăng cao kỷ lục, (lạm phát tháng 4 ghi nhận tăng 7,5% – tăng tháng thứ 6 liên tiếp). 

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

  • Ngân hàng nhà nước dự tính bơm khoảng 78.000 tỷ đồng ra thị trường tập trung trong quý 2 

Mới đây nhất, Kho bạc Nhà nước (KBNN) vừa công bố thông tin về việc điều chỉnh hạn mức giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong quý 2/2022. 

Cụ thể, tổng hạn mức giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP trong quý 2 theo đó là 73.470 tỷ đồng, tăng đáng kể so với quy mô dự kiến 67.027 tỷ đồng công bố trong tháng 4 vừa qua. 

Mức điều chỉnh cũng là quy mô lớn đáng chú ý kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu triển khai giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ trong gần một năm trở lại đây. Cùng với đó, trong tuần thứ hai của tháng 5 này, Kho bạc Nhà nước đã trở lại thực hiện giao dịch chào mua ngoại tệ đợt 3 với khối lượng lên tới 200 triệu USD. 

Như vậy, với các kế hoạch trên, Kho bạc Nhà nước dự kiến có tổng cung khoảng 78.000 tỷ đồng ra thị trường trong quý 2 này. Tuy vậy, quy mô thực tế tùy thuộc vào sự hấp thụ của các ngân hàng thương mại. 

Việc Kho bạc Nhà nước mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ một mặt để cân đối nguồn ngân quỹ nhàn rỗi và cân đối chi phí ngân sách, mặt khác tạo một nguồn tái tạo vốn ra thị trường chủ yếu qua hệ thống ngân hàng thương mại. Thời gian qua, nguồn tái tạo này không lớn, nhưng quy mô dự kiến tăng lên nói trên cũng đáng chú ý khi nền kinh tế bước vào mùa cao điểm sản xuất kinh doanh nửa cuối năm. 

  • Áp lực tăng trưởng huy động tiền gửi của các Ngân hàng thương mại dự báo tăng vào Q2/2022. 

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng hết quý I đạt 5,04%, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Nhiều ngân hàng đã cho vay hết hạn mức tín dụng được cấp đầu năm và kỳ vọng sẽ được cấp thêm room trong quý II/2022.  

Theo các chuyên gia, NIM hầu hết các ngân hàng thương mại tăng nhẹ so với quý trước do các ngân hàng tiếp tục nâng tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) thuần lên 93% (so với 90% Q4/2021). Ngoài ra, các ngân hàng quốc doanh còn được hưởng lợi từ sự gia tăng đáng kể của tiền gửi có kỳ hạn từ Kho bạc Nhà nước. 

Trong những ngày đầu tháng 5, biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân tiếp tục tăng nhẹ ở một số ngân hàng vừa và nhỏ, trong khi lãi suất huy động dành cho khách hàng tổ chức cũng được điều chỉnh tăng khoảng 20 điểm cơ bản ở nhóm Ngân hàng Thương mại cổ phần lớn. 

Áp lực tăng lãi suất huy động còn được thể hiện qua chênh lệch giữa tín dụng – huy động liên tục nới rộng khi mà tín dụng tính đến ngày 25/4 đã tăng 6,75% so với cuối 2021 trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,55% . 

Mặc dù có sự phục hồi trong quý I/2022, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng huy động của các ngân hàng lớn vẫn chậm hơn quá trình mở rộng tín dụng. Dự báo trong thời gian tới, lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng để đáp ứng nhu cầu vốn, đặc biệt là nhóm Ngân hàng Thương mại Nhà nước. 

3. KÊNH CỔ PHIẾU

  • Cổ phiếu tiêu điểm (VHM, VGC, PPC, TCM)
    VHM – Vinhomes IZ tăng vốn điều lệ lên 18.500 tỷ đồng

Vinhomes IZ là công ty con của VHM sẽ tham gia đầu tư một số khu công nghiệp trên cả nước. 

Trong 2 năm từ tháng 3/2020 đến tháng 4/2022, Vinhomes IZ đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 70 tỷ đồng lên tới 18.500 tỷ đồng – tăng 264 lần, lớn hơn rất nhiều con số 10.000 tỷ đồng dự kiến trước đó. 

Quý 1/2022, VHM công bố mức doanh thu (bao gồm cả doanh thu bán buôn và BCC) đạt 14,278 tỷ VND (-9%YoY), LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 4,540 tỷ VND (-16%YoY). Doanh số bán và chưa ghi nhận doanh thu đến cuối quý 1/2022 đạt 57,000 tỷ VND (+9%YoY) 

Kế hoạch 2022, doanh thu và LNST đạt lần lượt 75,000 tỷ VND (-12%YoY) và 30,000 tỷ VND (-23%YoY). 

Khuyến nghị:  

Triển vọng dài hạn từ mảng BĐS Khu công nghiệp: Với lợi thế sẵn có và việc tích lũy kinh nghiệm từ triển khai khu công nghiệp VinFast, mảng KCN sẽ là triển vọng tương lai của VHM giúp mang lại dòng tiền thường xuyên, đồng thời giúp mở rộng hệ sinh thái cho mảng sản xuất.  

VHM đang giao dịch tương ứng với P/Efw 2022 đạt 9.7x (LNST dự báo 30 nghìn tỷ đồng), còn nhiều tiềm năng tăng trưởng với vị thế một doanh nghiệp số 1 ngành BĐS Việt Nam. 

Phân tích kỹ thuật 

VHM dao động trong vùng 64.5-68 +/- vào tuần vừa qua, với sự thu hẹp ở cả thanh khoản và biên độ giao động giá. 

VHM đã thiết lập đáy thứ hai quanh 65+/- và tiếp tục hồi phục. Mặc dù phiên Thứ Sáu (20/5) giảm điểm (-0,3%), khối lượng giao dịch sụt giảm về mức kỷ lục cho thấy lực bán không còn mạnh nữa. Nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân đối với cổ phiếu này. 

Các kháng cự mạnh gần nhất lần lượt: 68.7 +/-, 71.1 +/-. 

  • VGC – Công bố kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2022. 

VGC đã công bố kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2022. Theo đó, lợi nhuận lũy kế 4 tháng đã đạt được 71% kế hoạch năm và lãi tăng 694,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó lợi nhuận công ty mẹ hoàn thành 83% kế hoạch năm 2022. 

Kế hoạch năm 2022, doanh thu đạt 15.000 tỷ đồng (+34% yoy), lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.700 tỷ đồng (+10% yoy). 

Tổng vốn đầu tư cơ bản tại cấp độ Công ty mẹ dự kiến là 3 nghìn tỷ đồng (tăng 44%), trong đó 2,5 nghìn tỷ đồng sẽ được đầu tư vào các KCN (tăng 31%). 

Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.886 tỷ đồng tại Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (VGC sở hữu 65% cổ phần). Vốn tăng lên sẽ được huy động từ China Triumph International Engineering Group (CTIEC) – cổ đông sở hữu 35% cổ phần. Khoản tiền thu về sẽ được sử dụng để xây dựng nhà máy Phú Mỹ giai đoạn 2 với công suất dự kiến là 900 tấn/ngày so với 600 tấn/ngày giai đoạn 1.  

VGC dự kiến sẽ bổ sung 2.000ha quỹ đất KCN mới vào kế hoạch phát triển của Công ty trong 2 năm tới. 

Khuyến nghị: 

Dù LNST đã hoàn thành 83% kế hoạch năm 2022, VGC cho rằng KQKD trong các quý tới sẽ trở lại bình thường do chi phí sản xuất tăng cùng với thị trường BĐS đang chững lại do các hoạt động tín dụng đang được thắt chặt hơn sẽ ảnh hưởng đến sự hồi phục của mảng vật liệu xây dựng. 

VGC đang giao dịch với P/Efw là 14 lần. Dự báo LNST 2022 đi ngang đạt 1250 tỷ đồng do không có các khoản thu nhập bất thường nhờ định giá lại. Năm 2021, VGC ghi nhận 160 tỷ đồng từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào PFG. Nếu không có khoản thu nhập bất thường này, CAGR lợi nhuận trong giai đoạn 2021-2024 được dự báo đạt mức 20% 

 Nhà đầu tư VGC chú ý cổ đông kiểm soát GEX nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng hiện ở mức thấp (11%) sẽ tiếp tục bị thu hẹp 

Phân tích kỹ thuật 

VGC đã có đà phục hồi mạnh mẽ trong tuần giao dịch vừa rồi, với thanh khoản 3 phiên cuối tuần là cao so với trung bình 10 phiên. 

Mục tiêu chinh phục tiếp theo của VGC là đường MA20. Hai kịch bản của VGC là cổ phiếu có thể lấy lại được MA20 và tiếp tục phục hồi, hoặc sẽ quay về retest các ngưỡng hỗ trợ cũ và tạo đáy thứ hai.  

Kháng cự mạnh trên MA20 gần nhất: 40.8 +/-. 

  • PPC – Công bố tài liệu họp cổ đông thường niên năm 2022. 

Năm 2022, kế hoạch doanh thu đạt 5.428 tỷ đồng (+23% yoy). Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế của công ty năm nay dự kiến đạt 278 tỷ đồng (+57% yoy) 

Chú ý năm 2021, doanh thu đạt 3.885 tỷ đồng (giảm 51%) và lợi nhuận trước thuế đat 177 tỷ đồng (giảm 85%), LNST đạt 287 tỷ đồng (giảm 71,6%). KQKD năm 2021 thoát lỗ nhờ lợi nhuận tài chính (không thuộc HĐKD cốt lõi) là 476 tỷ đồng (tăng 70%). 

Kế hoạch cổ tức năm 2022 dự kiến bằng 6% vốn điều lệ – tỷ suất tương đương 3.4% 

KQKD quý 1/2022, LNST đạt 80 tỷ đồng (-42% yoy) do thu nhập từ cổ tức giảm và không có thêm hoàn nhập dự phòng cho các khoản đầu tư tài chính. LNST từ mảng phát điện đạt 22 tỷ đồng (+14% yoy) do giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) cao bù đắp cho mức giảm 8% yoy của sản lượng điện thương phẩm. 

Khuyến nghị: 

Mảng đầu tư liên doanh, liên kết và đầu tư tài chính vào HND, QTP, VPD, EIC, BDH, BTP có thể mang lại từ 250 – 400 tỷ lợi nhuận sau thuế cho công ty mỗi năm 

PPC đang giao dịch với P/E 2022 đạt 14.5 lần (LNST dự báo đạt 390 tỷ đồng) chúng tôi cho rằng ở mức hợp lý do 1) Công suất sẽ chưa mở rộng thêm trong giai đoạn 2022-2025; 2) Việc xây dựng dự án PL3 (600MW) – nếu được phê duyệt trong giai đoạn 2026-2030 trước tiên sẽ phải ngừng vận hành nhà máy Phả Lại 1 (440MW) do đã cũ và phát thải ảnh hưởng môi trường; 3) Máy phát điện S6 tại Phả Lại 2 hoạt động trở lại chậm hơn dự kiến trong 2022.  

Phân tích kỹ thuật 

PPC đã có tuần giao dịch tiêu cực so với diễn biến của các cổ phiếu nhiệt điện nói chung. Tuy nhiên điểm tích cực là phiên Thứ Sáu (20/5) giá cổ phiếu đã rút chân về sau khi chạm đáy cũ quanh 20.5 +/-. 

PPC vẫn đang nằm trong xu hướng downtrend dài hạn, quá trình phục hồi có nhiều áp lực với lượng cung lớn do được cộng dồn kể từ thời điểm đầu tháng 4. Nhà đầu tư chưa nên mở vị thế mua đối với cổ phiếu này. Đối với các vị thế lỗ đang có sẵn, nhà đầu tư lưu ý các nhịp hồi để hạ tỷ trọng. 

Các kháng cự mạnh gần nhất lần lượt: 18.2 +/-, 19.1 +/-. 

  • TCM – Công bố kết quả kinh doanh tháng 4/2022. 

Tháng 4/2022, TCM ghi nhận doanh thu đạt 17 triệu USD (393 tỷ đồng), tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng may đóng góp 78%, vải 14% và sợi 7%. Lãi sau thuế 834.000 USD (19,2 tỷ đồng), tăng 1%. 

Lũy kế 4 tháng, doanh thu đạt 64,36 triệu USD (1.487 tỷ đồng), tăng 19%; lợi nhuận sau thuế 3,8 triệu USD (87,8 tỷ đồng), tăng 14%. 

Về tình hình đơn hàng, TCM đã nhận đến quý III/2022 và đang tiếp nhận cho quý IV.  

Sản phẩm chính hiện chủ yếu vẫn xuất khẩu sang các nước Châu Mỹ với tỷ lệ 50% và tiếp đến là châu Á đạt hơn 43% 

Năm 2022, BLĐ đặt kế hoạch doanh thu đạt 4.183 tỷ đồng (+18,3% yoy), LNST đạt 253.8 tỷ đồng (+78% yoy). 

Khuyến nghị:  

Tỷ suất lợi nhuận trong nửa cuối năm 2021 của TCM đã chịu tác động nghiêm trọng từ các biện pháp phong tỏa trong Q3/2021, chi phí vận chuyển và chi phí nguyên vật liệu tăng. Với KQKD 4T/2022 tăng trưởng tích cực, hoạt động kinh doanh đã cho thấy sự phục hồi cùng với nhu cầu mạnh mẽ cho phép TCM có thể chuyển các khoản chi phí gia tăng sang cho khách hàng. 

Triển vọng lợi nhuận năm 2022 vẫn tích cực, nhưng rất nhiều thông tin tốt đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Tại giá đóng cửa ngày 20/05/2022, doanh nghiệp đang được giao dịch với PEfw 2022 là 17.4 lần (dự báo LNST 2022 đạt kế hoạch đặt ra) – cao hơn nhiều so với bình quân trong quá khứ là 12,3 lần.  

Phân tích kỹ thuật 

TCM đã có tuần giao dịch thu hẹp về cả khối lượng giao dịch vào biên độ dao động giá trong vùng 57-61 +/- 

Có thể kỳ vọng TCM đang tạo đáy trong vùng 57-61 +/-, tuy nhiên trên thực tế cổ phiếu vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm trong dài hạn. Tuần vừa rồi hầu hết các cổ phiếu dệt may lớn đều lấy lại được MA10 (trừ TNG và TCM), điều này cho thấy diễn biến của TCM đang yếu so với ngành và so với thị trường nói chung. 

Các kháng cự mạnh gần nhất lần lượt: 60.5 +/-, 66.1 +/-. 

4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

  • Vàng thế giới tăng hơn 1% khi đồng USD suy yếu. 

Giá vàng tăng hơn 1% vào ngày thứ Năm (19/5) khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ suy giảm đã làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý, sau khi số liệu việc làm yếu kém tại Mỹ làm gia tăng lo ngại về kinh tế. 

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao ngay tiến 1.4% lên 1,840.97 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 1.4% lên 1,841.2 USD/oz. 

Giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 tháng vào ngày 16/5 và tăng khoảng 3% kể từ khi đồng USD suy yếu từ mức đỉnh 20 năm. 

Mặc dù số người Mỹ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1969 vào đầu tháng 5/2022, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ tăn vào tuần trước. 

Vàng đang thu hút dòng tiền trú ẩn an toàn khi sự tập trung chuyển sang khả năng suy thoái kinh tế Mỹ với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng và tất cả các cuộc thảo luận tiêu cực về lạm phát. Thị trường chứng khoán toàn cầu trượt dốc thêm khi các dấu hiệu mới về tăng trưởng chậm lại khiến nhà đầu tư bán cổ phiếu và chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là vàng phải cạnh tranh với đồng USD khi FED đang nỗ lực đối phó với lạm phát tang cao. 

  • Hoa Kỳ chỉ ra những lỗ hổng gây nên “tai nạn kinh hoàng” của TerraUSD (UST) 

Trong báo cáo, Vụ Khảo Cứu Quốc Hội Hoa Kỳ (CRS) mô tả sự sụp đổ của UST giống như hiện tượng “rút tiền hàng loạt” và cho rằng tồn tại các vấn đề chính sách liên quan đến rủi ro của các sự cố tương tự. Theo CRS, hiện tượng “rút tiền hàng loạt” bắt đầu khi các holder nghi ngờ về các khoản dự trữ hỗ trợ cố định tỷ giá của UST với đồng USD. 

Sau đó, một số lượng đáng kể các nhà đầu tư rút các khoản đầu tư cùng một lúc, dẫn đến hiệu ứng domino tiêu cực đe dọa sự ổn định tài chính của hệ sinh thái tiền mã hóa và hệ thống tài chính truyền thống. 

Vụ Khảo Cứu giải thích thêm rằng các tình huống tương tự trong thế giới tài chính truyền thống được bảo vệ bởi các quy định và các biện pháp khác như bảo hiểm tiền gửi ngân hàng và các phương tiện thanh khoản. Những điều này làm giảm động lực thúc đẩy những nhà đầu tư xem xét rút tài sản. 

Việc mất chốt cố định giá của các stablecoin như UST và Tether (USDT) không phải là mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính của quốc gia. Mặc dù vậy, ngành công nghiệp kỹ thuật số đang “phát triển rất nhanh” và những rủi ro tương tự có thể xuất hiện đối với các ngân hàng. 

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest