Podcast ngày 20.05.2022 – Cao su Phước Hòa đã nhận tiền bồi thường bàn giao đất làm dự án VSIP III

Mục lục

https://soundcloud.com/vndirect-dcall/podcast-cao-su-phuoc-hoa-da-nhan-tien-boi-thuong-ban-giao-dat-lam-du-an-vsip-iii

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

  • Lạm phát, phong tỏa ở Trung Quốc đe dọa phục hồi kinh tế Đông Nam Á
  • Các quốc gia Đông Nam Á từng kỳ vọng sẽ phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm nay, hiện tại đã vừa phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của mình trong bối cảnh lạm phát leo thang và tình hình phong tỏa phòng chống Covid-19 phức tạp tại Trung Quốc.
  • Dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm nay của Thái Lan xuống còn khoảng 2,5-3,5% từ mức dự báo 3,5-4,5%. Philipin giảm mục tiêu tăng trường còn khoảng 6% từ mức dự báo 7-9% trước đó.
  • Số ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng lên, nhiều thành phố của Trung Quốc bị phong tỏa đã làm chậm tăng trưởng kinh tế của nước này và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Với các nền kinh tế Đông Nam Á có mối liên hệ mật thiết với Trung Quốc, tác động sẽ lan ra toàn khu vực.
  • Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm khoảng 20% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước. Với động thái siết chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ cũng làm tăng thêm áp lực với các nền kinh tế Đông Nam Á. Các lần tăng lãi suất mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thúc đẩy dòng vốn chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi và làm suy yếu tiền tệ của các nước như Thái Lan, Philippins, Indonesia…, từ đó đẩy nhanh tốc độ tăng lạm phát.
  • Lạm phát tại anh cao nhất 40 năm
  • Trong tháng 4 vừa qua ở Anh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 9%, theo Văn phòng thống kê quốc gia, chỉ số này vượt qua mức đỉnh ghi nhận trong giai đoạn suy thoái đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
  • Đồng bảng Anh giảm 0,4% so với đồng USD ngay sau khi thông tin trên được công bố. Chi phí năng lượng tăng cao chính là yếu tố tác động lớn nhất tới lạm phát trong tháng 4. 
  • Đầu tháng 5, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo lạm phát có thể vượt ngưỡng 10% trong cuối năm nay, và giới đầu tư nhận định Ngân hàng trung ương Anh sẽ không chỉ dừng lại ở 4 lần tăng lãi suất trước đó.
  • Áp lực lạm phát sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào mà các nhà sản xuất phải trả tăng 18,6% trong tháng vừa 4 rồi.
  • Các nhà máy đã phải nâng giá thành sản phẩm của mình thêm 14% trong 12 tháng qua, cao nhất kể từ tháng 7/2008. 
  • Giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và năng lượng tiếp tục tăng cao đẩy người dân đến trước rất nhiều thách thức. Nước Anh phải sớm có hành động nhằm bảo vệ người dân trước cuộc khủng hoảng mức sống căng thẳng nhất từ trước đến nay.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

  • Mỹ và EU tăng mạnh nhập khẩu quần áo từ Việt Nam
  • Theo các doanh nghiệp may mặc trong nước, đơn hàng sản xuất và gia công phục vụ cho thị trường Mỹ và các nước ở khu vực châu Âu ngày càng tăng cao.
  • Với số liệu cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 vừa qua, xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,15 tỉ đô la Mỹ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 11,83 tỉ đô la, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 2,15 tỉ đô la.
  • Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong 4 tháng tăng mạnh sang Mỹ với trị giá xuất khẩu xấp xỉ 6 tỉ đô la, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng tăng 1,26 tỉ đô la. Với kết quả này, thị trường Mỹ đóng góp đến 59% vào trị giá tăng xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Xuất khẩu sang thị trường EU cũng tăng vượt trội trong 4 tháng đầu năm nay, đạt gần 1,3 tỉ đô la, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước.
  • Với thị trường EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8-2020 đã có những thuận lợi nhất định giúp tăng trưởng xuất khẩu sang khu vực này ở nhóm hàng được hưởng ưu đãi thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
  • Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu ngành may mặc sang Mỹ và EU trong thời gian tới được các doanh nghiệp đánh giá là khả quan do đây là nhóm mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam.
  • Giá xuất khẩu cao su tự nhiên Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực
  • Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 4/2022, Việt Nam xuất khẩu được 78,33 nghìn tấn cao su, trị giá 141,43 triệu USD, giảm 30,3% về lượng và giảm 30,2% về trị giá so với tháng 3/2022.
  • Hiện khoảng 80% lượng mủ khai thác trong nước được xuất khẩu dạng nguyên liệu sơ chế (cao su tự nhiên). Đây là một hạn chế rất lớn dẫn đến giá bán bình quân của cao su tự nhiên Việt Nam xuất khẩu vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực.
  • Bên cạnh đó chất lượng chưa ổn định, chưa đồng đều và chưa có tiêu chuẩn chất lượng hoặc sự kiểm soát từ các cơ quan quản lý nhà nước. 
  • Hiệp hội Cao su Việt Nam đã xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam/Viet Nam Rubber từ năm 2016. Hiện tại, Nhãn hiệu Cao su Việt Nam đã được bảo hộ tại 5 thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Lào, Campuchia và mục tiêu sắp tới là thị trường Hoa Kỳ. 
  • Việc tham gia sử dụng Nhãn hiệu là việc làm cần thiết của các doanh nghiệp để chứng minh chất lượng ổn định, không ngừng cải thiện sản xuất, từ đó nâng cao uy tín doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh trên thị trường.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

  • PLX: Petrolimex quý I/2022 – Lợi nhuận giảm mạnh dù giá xăng dầu tăng cao
  • Theo báo cáo quý 1/2022, Petrolimex mã chứng khoán PLX ghi nhận gần 67.020 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức doanh thu cao nhất mà PLX ghi nhận được trong một quý kinh doanh từ trước đến nay.
  • Dù vậy, việc giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn (tăng 84%) đã khiến biên lãi gộp của Petrolimex sụt giảm. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận gộp tập đoàn này thu về trong quý I/2022 thấp hơn so với quý I/2021, chỉ đạt 2.777 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về cũng giảm gần 40%, đạt 442 tỷ đồng.
  • Nguyên nhân chính khiến doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh trong quý vừa qua là do biến động của giá dầu thế giới và nguồn cung xăng dầu trong nước sụt giảm.
  • Trước tình hình thị trường dầu mỏ đang có nhiều biến động lớn và khó lường, giá dầu thô tăng với tốc độ phi mã ngay từ đầu năm và dự báo giá dầu tiếp tục nên Petrolimex đã đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022 thấp hơn năm 2021 và tìm kiếm các nguồn cung tức thời khác thay thế để tránh gián đoạn quá trình sản xuất.
  • Cao su Phước Hòa đã nhận tiền bồi thường bàn giao đất làm dự án VSIP III
  • Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, lãnh đạo Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) đã thông tin rõ hơn về dự án khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III (VSIP III), Tân Bình giai đoạn II mở rộng cũng như các dự án đang triển khai.
  • Cụ thể, với VSIP III, công ty đã nhận bồi tiền bồi thường, hỗ trợ theo tiến độ bàn giao đất về cho địa phương. Số tiền Cao su Phước Hòa nhận được từ đền bù chuyển đổi đất sang khu công nghiệp VSIP III có thể đạt 898 tỷ đồng.
  • Trong quý I, công ty báo cáo lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng mạnh lên 295 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước nhờ khoản tiền bồi thường thực hiện dự án khu công nghiệp 289 tỷ đồng. Quý II, doanh nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu lãi trước thuế đột biến với 220 tỷ đồng, gấp 4,8 lần cùng kỳ.
  • Với các dự án khác, lãnh đạo Cao su Phước Hòa cho biết đang thực hiện thủ tục pháp lý với sở ban ngành của tỉnh Bình Dương để sớm đưa vào quy hoạch và triển khai đầu tư.
  • Cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay gồm tổng doanh thu công ty mẹ 2.252 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế công ty mẹ 899 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và gấp 2,5 lần năm trước. Cổ tức tối thiểu 40% mệnh giá.
  • Việc ghi nhận một khoản đền bù lớn sẽ giúp kết quả kinh doanh năm 2022 của Phước Hoà tăng đột biến, tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp tăng cường mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 

– Phiên giao dịch 19/05/2022, chỉ số VNINDEX mở đầu phiên sáng khi mở gap giảm gần 30 điểm nhưng nhanh chóng hồi phục lại và giao dịch gần mốc điểm tham chiếu. Kết phiên VNINDEX đóng cửa mốc 1.241,64 điểm, tăng nhẹ 0,88 điểm (+0,07%) so với phiên giao dịch trước đó. Về độ rộng thị trường, phe bán chiếm ưu thế khi có tới 292 mã giảm/151 mã tăng, số mã giảm chiếm khoảng 58% số mã trên sàn HOSE . Thanh khoản trong phiên hôm nay có sự sụt giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước, chỉ đạt 12.794,900 tỷ đồng.

– Đóng góp nhiều nhất cho sự tăng điểm của VNINDEX hôm nay là các mã cổ phiếu MSN (+2,597 điểm), tiếp sau có VCB (0,723 điểm) và DGC (0,523 điểm). Ở chiều ngược lại, các mã cổ phiếu ghi nhận mức giảm điểm nhẹ như VCB (-0,692 điểm), CTG (-0,692 điểm), VPB (-0,574 điểm).

–Phiên giao dịch hôm nay là phiên tăng điểm nhẹ nên chỉ có 4/10 nhóm ngành ghi nhận sắc xanh. Nhóm ngành có mức tăng tốt nhất là Năng lượng và Tiêu dùng thiết yếu với mức tăng lần lượt là 2,3% và 2,25%. Nhóm ngành Công nghiệp và Dịch vụ tiện tích chỉ tăng nhẹ lần lượt là 0,43% và 0,68%. Các ngành còn lại ghi nhận mức giảm nhẹ dưới 1%. Dẫn đầu về giá trị giao dịch là nhóm ngành Tài chính đạt mức hơn 3 nghìn tỷ đồng, tiếp đến là của 2 nhóm ngành Bất động sản và Công nghiệp khi đạt giá trị gần 2 nghìn tỷ đồng.

– Khối ngoại trong phiên hôm nay đã bán ròng hơn 132,7 tỷ đồng, tập trung vào các mã HPG (-135,26 tỷ đồng), SSI (-81,01 tỷ đồng) và VIC (-46,88 tỷ đồng). Chiều mua ròng của khối ngoại là các mã MSN (67,05 tỷ đồng), BSR (54,82 tỷ đồng) và DCM (46,94 tỷ đồng).

– Phiên giao dịch đáo hạn phái sinh ngày hôm nay được coi là khá yên bình khi chỉ số thị trường chỉ dao động trong biên độ nhẹ chứ không tăng hoặc giảm thốc như những phiên đáo hạn trước đây. Tuy thị trường hôm nay chỉ tăng điểm nhẹ nhưng số lượng mã giảm vẫn chiếm đa số hơn số mã tăng. Thanh khoản thị trường có sự sụt giảm nhẹ qua từng phiên cho thấy dòng tiền vẫn còn khá cẩn trọng với những nhịp tăng của thị trường. Có khả năng sẽ có thêm những nhịp test lại vùng 1.160 – 1.180 điểm nếu dòng tiền tiếp tục duy trì trạng thái tham gia thấp như hiện nay. Nhà đầu tư hạn chế mua đuổi những cổ phiếu đã có nhịp tăng nóng, ưu tiên cơ cấu lại danh mục trong những phiên hồi của thị trường và chờ đợi tín hiệu tạo nền tích lũy khi dòng tiền tham gia mạnh mẽ hơn.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest