1. THÔNG TIN VĨ MÔ
- Fed tăng lãi suất 0,5%, giảm bảng cân đối tài sản từ tháng 6
Ngày 4/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,5% – mức tăng lãi suất cao nhất trong 22 năm qua. Đây là lần thứ 2 Fed quyết định tăng lãi suất trong năm 2022 sau lần đầu tiên hồi giữa tháng 3. Lần gần nhất Fed nâng lãi suất trước năm 2022 là cuối năm 2018.
Tốc độ tăng lãi suất mạnh được đưa ra khi Fed quan ngại về tình hình lạm phát leo thang. Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 8,5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước, nhanh nhất từ tháng 12/1981.
Bên cạnh việc tăng lãi suất, ngân hàng trung ương Mỹ còn phát tín hiệu sẽ giảm lượng tài sản nắm giữ trên bảng cân đối kế toán quy mô 9.000 tỷ USD. Kế hoạch này sẽ bắt đầu từ tháng 6 tới, theo từng giai đoạn.
Việc FED sẽ thực hiện các đợt tăng lãi suất trong năm 2022 không phải là thông tin bất ngờ, bởi việc này đã đã có kế hoạch do tình trạng lạm phát gia tăng mạnh tại Mỹ thời gian qua. Đây là một động thái mạnh mẽ của Fed nhằm giải quyết cú sốc lạm phát đang ngày một tăng cao tại quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Động thái này của FED làm tăng lãi suất cơ bản và sẽ kéo theo chi phí đi vay lên cao hơn, có thể sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại trong năm nay.
- Giá dầu tăng sau đề xuất cấm nhập khẩu dầu Nga của EU
Chốt tuần, giá dầu WTI của Mỹ tăng 2,17% lên 110,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 7 cũng tăng 2,09% lên 113,22 USD/thùng. Đây là tuần thứ hai liên tiếp giá dầu tăng trước những lo lắng nguồn cung một khi Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Đây là một đòn giáng mạnh vào nguồn cung dầu thế giới, được dự báo sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế.
Kế hoạch trừng phạt của EU, sẽ được thông quan với sự đồng thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên trong khối, đề cập tới tham vọng chấm dứt nhập khẩu các sản phẩm lọc, hóa dầu từ Nga trong cuối năm 2022, bên cạnh đó là một lệnh cấm tất cả các dịch vụ vận tải và bảo hiểm vận chuyển đối với dầu nhập khẩu từ Nga.
Về nguồn cung, số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ, tăng lên 557 giàn khoan trong tuần này, cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa, Nga và các đồng minh (hay còn gọi là OPEC+) đã đồng ý tăng nhẹ sản lượng dầu hàng tháng. Phớt lờ lời kêu gọi tăng mạnh sản lượng từ các quốc gia phương Tây, OPEC+ chỉ đồng ý tăng sản lượng thêm 432.000 thùng/ngày trong tháng 6 tới, đồng nhất với kế hoạch phục hồi thị trường dầu mỏ sau đại dịch trước đó.
Lệnh cấm vận đã đề xuất của EU đối với dầu của Nga sẽ khiến cho nguồn cung dầu trên thế giới bị ảnh hưởng nặng. Trong trường hợp Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) không trợ giúp, giá dầu thậm chí sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.
- Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng ước đạt 18,5% kế hoạch năm
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, vốn ngân sách Nhà nước năm nay ước thanh toán đến 30/4 là hơn 95.724 tỷ đồng, đạt gần 18,5% kế hoạch Thủ tướng giao cả năm, xấp xỉ cùng kỳ năm trước (đạt gần 18,7%).
Có 7 Bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội (91,12%), Ngân hàng phát triển (59,64%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (48,86%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (35,76%), Bình Thuận (33,9%), Phú Thọ (33,4%). Có 43/51 Bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó có 17 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Nguyên nhân chậm giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 là do các chủ đầu tư của một số Bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; các dự án khởi công mới đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn, đang lập thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán nên chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao; một số dự án gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm không phải là con số nổi bật. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và nhiều điểm nghẽn trong công tác thực hiện dự án, giải ngân đầu tư công của Việt Nam trong năm 2020-21 đều không đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, chỉ hoàn thành lần lượt 96,6%-84,3% kế hoạch năm. Do đó, Chính phủ đang rất quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 với hàng loạt động thái quyết liệt. Nhờ vậy, giải ngân đầu tư công sẽ bứt phá trong năm 2022. Nhóm ngành vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng giao thông và hạ tầng viễn thông sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công năm nay.
2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG
- Thanh khoản thiếu hụt cục bộ – Ngân hàng nhà nước bơm ròng 3.300 tỷ đồng hỗ trợ
Tại tuần trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải bơm ròng một lượng tiền lớn nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống.
Trước đó, trên thị trường mở (OMO), lượng trúng thầu tại 4 phiên đầu tuần duy trì chỉ khoảng dưới 350 tỷ đồng/phiên.
Tuy nhiên, trong phiên 29/4, lượng trúng thầu đã tăng vọt lên 3.109 tỷ đồng. Đây cũng là phiên bơm ròng duy nhất trong tháng 4 thị trường đón nhận thêm lượng tiền lớn như vậy.
Theo giới chuyên môn, tổng khối lượng các thành viên đang vay “ngắn hạn” nhà điều hành ở mức là không lớn. Thậm chí, nếu so với thời điểm trước dịch Covid-19 thì còn nhỏ hơn rất nhiều. Ghi nhận trên thị trường, số lượng thành viên tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ cũng rất ít, chỉ khoảng 1-2 thành viên mỗi phiên.
Do đó, giải thích cho hiện tượng này, chúng tôi cho rằng thanh khoản hệ thống xảy ra tình trạng trên chỉ là thiếu hụt cục bộ trong bối cảnh nhu cầu thanh toán chi trả của người dân cao hơn thông thường, đặc biệt khi Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa du lịch.
3. KÊNH CỔ PHIẾU
- Cổ phiếu tiêu điểm (REE, IJC, HSG, NAF)
- REE – Công bố kết quả kinh doanh quý I năm 2022:
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (HoSE: REE) ghi nhận doanh thu thuần 2.045 tỷ đồng (+73% yoy), LNST công ty mẹ là 693,3 tỷ đồng (+67% yoy).
Trong cơ cấu doanh thu, mảng hạ tầng điện nước tăng gần 3 lần lên 1.445 tỷ đồng, đóng góp 70% tổng doanh thu; mảng bất động sản gần như đi ngang, còn lại mảng cơ điện lạnh sụt giảm tương đối mạnh, từ 568 tỷ đồng về gần 350 tỷ đồng tuy nhiên tổng giá trị hợp đồng M&E đã ký đến cuối quý I/2022 đạt 4.732 tỷ đồng, (+84,6% yoy).
Mới đây, REE thông báo ngày 18/5 tới sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2021, với tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu
Mục tiêu 2022 doanh thu đạt 9.247 tỷ đồng (+59% yoy) và LNST đạt 2.061 tỷ đồng (+9% yoy). Mức tăng trưởng của doanh thu cao hơn so với tăng trưởng LNST chủ yếu là do doanh thu của mảng M&E tăng mạnh trong khi biên lợi nhuận ròng của mảng này có thể chỉ ở mức 5%-6%.
Khuyến nghị:
Năm 2022 được dự báo sẽ là năm tăng trưởng trở lại của REE sau năm 2021 ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là mảng M&E
Mảng năng lượng sẽ là yếu tố tăng trưởng chính của REE trong các năm sắp tới. REE là công ty hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng xanh của Việt Nam do các dự án có khả năng sinh lời nhờ khả năng kiểm soát chi phí và chi phí tài chính thấp trong lĩnh vực kinh doanh cần nhiều vốn này.
REE là một tập đoàn đa ngành với triển vọng tăng trưởng LN ổn định, nhà đầu tư có thể nắm giữ lâu dài. REE hiện giao dịch tại mức với P/Efw 2022 là 12 lần (dự báo LNST 2022 đạt 2.200 tỷ đồng)
Phân tích kỹ thuật:
REE đã có phiên giao dịch tích cực vào ngày Thứ Sáu (6/5) với thanh khoản “bùng nổ” so với trung bình 20 phiên, tuy nhiên cổ phiếu đã không duy trì được giá trần đến hết phiên trong bối cảnh tâm lý tiêu cực phủ sóng toàn thị trường.
REE vẫn đang duy trì được xu hướng tăng trong trung và dài hạn. Vùng thử thách gần nhất mà cổ phiếu cần phải chinh phục là đỉnh cũ quanh 88.6 +/-. Nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, có thể gia tăng vị thế trong các phiên giá điều chỉnh.
Các kháng cự mạnh gần nhất lần lượt: 88.6 +/-, 97.1 +/-
- IJC – Công bố kết quả kinh doanh quý I/2022:
Quý 1/2022, doanh thu đạt 528 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 174 tỷ đồng, lần lượt giảm 63% và 40% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 19% kế hoạch doanh thu và 25% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Kế hoạch năm 2022, doanh thu thuần đạt 2.829 tỷ đồng (+8% yoy) và lợi nhuận sau thuế là 685 tỷ đồng (+10% yoy). Trong đó, mảng bất động sản dự kiến đóng góp 2.195 tỷ đồng doanh thu và 530 tỷ đồng LNST.
IJC cũng trình thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 16% bằng cổ phiếu (tương đương khoảng 34.7 triệu cổ phiếu); phương bán chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ tối đa 108,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:50. Thời gian thực hiện trong năm 2022-2023.
Khuyến nghị:
IJC là doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn tại khu vực Bình Dương, có vị trí thuận lợi là tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc có thể tiếp tục thu phí BOT tại tuyến QL 13 sẽ đóng góp ổn định cho doanh thu của IJC trong thời gian tới.
Tuy nhiên nhà đầu tư khi đầu tư cổ phiếu IJC cần cân nhắc các rủi ro sau: (1) Rủi ro các giao dịch liên quan nội bộ, chuyển nhương qua lại các bất đông sản giữa IJC và công ty mẹ BCM; (2) Rủi ro pha loãng cổ phiếu.
Phân tích kỹ thuật
IJC kết thúc phiên giao dịch ngày Thứ Sáu (6/5) tại mức giá thấp nhất phiên (20.5).
Điểm tích cực là thanh khoản tiếp tục cạn kiệt cho thấy lực bán không còn quá mạnh.
Nhà đầu tư có thể bắt đầu tham gia mua mới với tỷ trọng nhỏ khi cổ phiếu quay lại được vùng tích lũy quanh 21.5 +/-.
Các kháng cự mạnh gần nhất lần lượt: 21.5 +/-. 22.2 +/-.
- HSG – Công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 (năm tài chính của HSG kết thúc vào ngày 30/9):
Quý 1/2022 (quý 2 của niên độ tài chính 2021-2022), doanh thu đạt 12.661 tỷ đồng (+17% yoy) và LNST đạt 234 tỷ đồng (giảm 77% yoy).
Nguyên nhân do tốc độ tăng giá vốn lớn hơn tốc độ tăng của doanh thu, dẫn đến biên lợi nhuận gộp của mảng sản xuất trong 3 tháng đầu năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ, từ 26% xuống còn 13%. Đồng thời các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 43% và 143% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm tài chính 2021 – 2022, doanh thu thuần đạt 29.595 tỷ (+48% yoy) nhưng LNST hợp nhất chỉ đạt 872 tỷ đồng (giảm 48% yoy).
Ban lãnh đạo của HSG đề ra kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính 2022 với 3 kịch bản cho LNST, bao gồm 1,5 nghìn tỷ đồng, 2,0 nghìn tỷ đồng và 2,5 nghìn tỷ đồng (LNST thực tế của năm tài chính 2021 là 4,3 nghìn tỷ đồng).
Khuyến nghị:
Ban lãnh đạo của HSG đề ra kế hoạch lợi nhuận 2022 thấp hơn so với kết quả thực tế 2021 đến từ các yếu tố (1) quan ngại về sự chậm lại của kênh xuất khẩu so với mức cao trong năm 2021 (2) không còn lợi thế từ hàng tồn kho giá thấp như trong 2021.
HSG hiện có định giá hợp lý với P/E năm tài chính 2022 là 6.4 lần trong bối cảnh lợi nhuận dự kiến giảm do biên lợi nhuận giảm từ mức cơ sở cao của năm 2021.
Phân tích kỹ thuật
HSG có phiên giao dịch ngày Thứ Sáu (6/5) tích cực sau chuỗi giảm điểm kéo dài hơn 1 tháng.
Tuy nhiên cần lưu ý là HSG đã tạo thành mô hình Vai-Đầu-Vai, thanh khoản vẫn cao và chưa xác nhận tạo đáy.
Khuyến nghị chung đối với cổ phiếu HSG là tiếp tục quan sát và không tham gia mua mới/mua gia tăng, kiểm soát tỷ trọng nhỏ hơn 20% trên toàn danh mục.
Kịch bản tích cực là HSG tiếp tục hồi phục và tạo đáy, tích lũy quanh vùng 27-29 +/-.
Kịch bản tiêu cực là HSG phá vỡ hỗ trợ mạnh quanh 24.7 +/- và tiếp tục giảm.
- NAF – Đại hội đồng cổ đông Nafoods 2022:
Quý 1/2022, doanh thu đạt 307.3 tỷ đồng (+1.1% yoy) và LNST đạt 8.3 tỷ đồng (giảm 28% yoy). Nguyên nhân do chi phí bán hàng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, Nafoods đặt ra kế hoạch doanh thu thuần đạt 1,800 tỷ đồng (+11,5% yoy). LNST đạt 82 tỷ đồng (+5.7% yoy).
Đây là kế hoạch kinh doanh khá thận trọng bởi trước đó năm 2021 trong bối cảnh dịch covid ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu NAF vẫn tăng trưởng cao, doanh thu đạt 1.614,7 tỷ đồng (+34,3% yoy), LNST đạt 77,6 tỷ đồng (+26,6% yoy).
Năm 2022, triển vọng tăng trưởng chính của NAF vẫn là việc xuất khẩu sang các thị trường quốc tế lớn đến từ sự hỗ trợ của các hiệp định thương mại quốc tế cũng như vị thế hàng đầu trong xuất khẩu các sản phẩm như nước ép chanh leo, nông sản
Hoa quả nhiệt đới vốn là một thế mạnh của Việt Nam. NAF là một trong những doanh nghiệp hàng đầu áp dụng công nghệ hiện đại để khai thác tối đa tiềm năng của chuỗi giá trị hoa quả sạch bản địa tuy nhiên quy mô công ty nhỏ.
Trong dài hạn, NAF có tiềm năng tăng trưởng cao. Nhưng Nhà đầu tư cũng cần chú ý rủi ro đến từ: 1) giá cả nguyên vật liệu đầu vào; 2) cơ cấu tài sản với tỷ lệ các khoản phải thu lớn (48%TTS).
Phân tích kỹ thuật
NAF diễn biến tiêu cực sau khi giá cổ phiếu phá vỡ vùng hỗ trợ mạnh quanh 18 +/- vào phiên 5/5, sau hai tuần đi ngang với biên độ co hẹp dần ở cả giá và thanh khoản.
Hiện tại cổ phiếu đã về tới vùng quá bán, có thể kỳ vọng một nhịp hồi kỹ thuật. Các phiên hồi phục giá xanh là cơ hội để hạ tỷ trọng cổ phiếu này trong danh mục. Chưa nên mở vị thế mua mới.
Các hỗ trợ mạnh gần nhất lần lượt: 16.0 +/-, 14.5 +/-
4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC
- Giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ lập đỉnh mới
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện nay, giá cá tra nguyên liệu cỡ 0,7 – 0,8 kg/con dao động ở mức 31.000 – 32.500 đồng/kg, cỡ 1 – 1,2kg/con dao động mức 32.000 – 34.500 đồng/kg, tăng từ 8.000 – 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ và tăng khoảng 20% so với cuối năm 2021.
Giá cá nguyên liệu tăng mạnh kéo giá cá tra phi-lê đông lạnh xuất khẩu trung bình cũng tăng lên mức từ 3,2 – 3,4 USD/kg. Trong đó, giá xuất khẩu trung bình sang thị trường Mỹ cao nhất và tăng mạnh lên tới hơn 4,5 USD/kg. Đây là giá cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019.
Thị trường cá tra thế giới đang có chiều hướng tốt, đơn hàng tăng nhưng cá nguyên liệu đang thiếu. Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 3/2022, diện tích thả nuôi mới cá tra chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cá tra nguyên liệu tăng trong thời gian qua giúp người nuôi có động lực thả nuôi trở lại. Tuy nhiên, chi phí thức ăn, con giống, vật tư đầu vào cũng tăng nhanh không kém nên cả người nuôi và doanh nghiệp chưa lời cao. Các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh mạnh, tự chủ được phần lớn vùng nuôi sẽ được hưởng lợi lớn từ việc thiếu hụt nguồn cung trong nước và nhu cầu lớn chưa từng có tại thị trường Mỹ, sự phục hồi mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc, EU.
- Thị trường bất động sản đã xuất hiện bong bóng cục bộ?
Tại Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2022, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, quý đầu tiên của năm cũng chứng kiến tình trạng “sốt đất” cục bộ tại một số địa phương có thông tin quy hoạch về hạ tầng như khu công nghiệp, cầu, đường, sân bay,… khiến nhiều bộ, ngành chức năng liên quan đã và đang ra tay chấn chỉnh, để nắn thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả.
Đồng thời, VARS cho rằng những tín hiệu từ thị trường cho thấy, đã xuất hiện bong bóng cục bộ. Bởi giá đất nền các khu vực liên tục tăng theo các dự án. Đặc biệt, giá nhà tăng nhưng thanh khoản không tăng tương xứng.
Theo VARS, hiện tượng giá bất động sản liên tục tăng, bất chấp đại dịch COVID -19 là do quá trình hình thành các đô thị mới đang dẫn dắt quá trình tăng giá; nguồn cung thiếu hụt, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường; các dòng tiền tìm nơi trú ẩn an toàn; kỳ vọng vào gói kích cầu.
“Sốt đất” thời kì này chủ yếu là “sốt đất tâm lý”. Bởi lẽ, nhà đầu tư luôn muốn đón đầu thị trường, muốn tập trung vào những khu vực được dự báo tăng trưởng tốt, có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế thì hầu hết những thông tin về khu vực được dự báo là tiềm năng đều là những thông tin bên lề. Vì vậy, các nhà đầu tư nếu bị lôi kéo vốn vào các khu vực đó sẽ dễ bị cuốn vào những cơn “sốt đất ảo”, “bị kích sóng”, phải mua đất với giá đỉnh rồi mất thanh khoản, bị “chôn vốn” khi cơn “sốt đất hạ nhiệt”.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0