Podcast ngày 15.04.2022 – Quý I/2022: Doanh nghiệp phân bón lãi tăng gấp 5-10 lần cùng kỳ

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 15/04/2022

1. Thông tin vĩ mô

• Giá sản xuất tại Mỹ tăng nhanh chưa từng thấy
– Tháng 3, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11/2010. PPI thường được xem là một chỉ báo lạm phát tương lai vì nó theo dõi giá trên dây chuyền phân phối hàng hoá và dịch vụ cho tới tay người tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 cũng tăng 8,5% trong một năm qua và là mức cao nhất kể từ tháng 12/1981.
– Về phía nhà sản xuất, giá thành phẩm theo nhu cầu tăng mạnh nhất với 2,3%, trong khi giá dịch vụ tăng 0,9% so với tháng 2. Giá hàng hoá từng tăng mạnh hơn rất nhiều so với giá dịch vụ trong đại dịch Covid-19, nhưng số liệu của tháng 3 cho thấy giá dịch vụ cũng bắt đầu tăng nhanh khi nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi. Năng lượng là mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong tháng 3, tăng 5,7%, còn giá thực phẩm tăng 2,4%.
– Lạm phát lên cao đã kích thích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết tâm thắt chặt chính sách tiền tệ, bắt đầu bằng đợt tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 3. Thị trường đánh giá rằng gần như chắc chắn ngân hàng trung ương này sẽ tăng gấp đôi con số đó vào cuộc họp tháng 5. Lãi suất dự kiến đạt khoảng 2,5% vào cuối năm nay.
– Trước nhiều biến động không dự đoán được từ cuộc xung đột Nga – Ukcraine chưa được giải quyết, Mỹ vẫn sẽ đứng trên nhiều nỗi lo về lạm phát, nguồn cung dầu khí và giờ là giá cả hàng hóa, dịch vụ. Liệu niềm tin của Chính phủ Mỹ về việc làm chủ tình hình và đưa mọi thứ về tầm kiểm soát còn được giữ vững không khi càng ngày có nhiều con số lập đỉnh kỷ lục?

• Trung Quốc: đứt gãy cung ứng toàn cầu lặp lại
– Trung Quốc đã phong tỏa hơn 20 thành phố, chiếm khoảng 40% GDP đất nước. Giới quan sát cảnh báo điều này có thể tạo ra “cơn bão hậu cần” như hồi năm 2020 và 2021 do nước nay chiếm hơn 20% nhu cầu thế giới.
– Các lệnh phong tỏa tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu từ nhiều góc độ: nhà máy ngừng hoạt động; hoạt động tại cảng gián đoạn và tình trạng thiếu xe tải. Áp lực lạm phát cũng gia tăng với các hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá cước hàng không cũng tăng cao, giá cước vận tải hàng không từ Thượng Hải tới Bắc Âu và ngược lại đã tăng 43% so với mức trước đợt bùng dịch.
– Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc xuống còn 5%, giảm mạnh so với mức 8,1% của năm ngoái và thấp hơn mục tiêu 5,5% của chính phủ. Nếu tiếp tục theo đuổi các chính sách Zero-Covid thì sẽ gây tổn hại hoạt động kinh tế của Trung Quốc, đồng thời tác động lan tỏa đến phần còn lại của khu vực
– Đợt bùng dịch tại Thượng Hải lần này có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với thế giới, đặc biệt lại diễn ra trong bối cảnh chính trị bất ổn. Một khi mắt xích Trung Quốc bị đứt gãy sẽ tạo hiệu ứng domino. Điều này ảnh hưởng vô cùng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới nên đòi hỏi cũng như cần nhiều chính sách kích thích hơn nữa từ chính phủ.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Xuất siêu 1,46 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm
– Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 3/2022 (từ ngày 16/3 đến ngày 31/3/2022) đạt 36,66 tỷ USD, tăng 20% (tương ứng tăng 6,11 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 3/2022. Kết quả này đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 176,75 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng 22,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
– Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 123,05 tỷ USD, tăng 12,8% (tương ứng tăng 13,93 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là gần 53,7 tỷ USD, tăng 17,9% (tương ứng tăng 8,16 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
– Trong kỳ 2 tháng 3/2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,96 tỷ USD. Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại thặng dư 1,46 tỷ USD. Cụ thể về xuất khẩu, trong kỳ 2 tháng 3/2022 đạt 19,31 tỷ USD, tăng 26% (tương ứng tăng 3,99 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 3/2022.
– Trong 3 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 89,1 tỷ USD, tăng 13,4%, tương ứng tăng 10,55 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 3/2022 đạt 14,54 tỷ USD, tăng 28,9% tương ứng tăng 3,26 tỷ USD so với kỳ 1 của tháng, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến hết tháng 3/2022 của nhóm các doanh nghiệp này lên 65,36 tỷ USD, tăng 10,6% (tương ứng tăng 6,28 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,4% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
– Từ chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 3/2022 đạt 17,35 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng 2,12 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 3/2022. Như vậy, tính trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 87,64 tỷ USD, tăng 15,2% (tương ứng tăng 11,54 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
– Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 11,09 tỷ USD, tăng 11,9% (tương ứng tăng 1,18 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 3/2022. Tính trong 3 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 57,69 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 7,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65,8% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

• Quý I/2022: Doanh nghiệp phân bón lãi tăng gấp 5-10 lần cùng kỳ
– Hưởng lợi nhờ giá cả tăng mạnh, lợi nhuận quý I/2022 của nhiều doanh nghiệp phân bón tăng trưởng hết sức tích cực. Cổ phiếu ngành phân bón cũng dậy sóng trong phiên giao dịch sáng nay.
– Tập đoàn hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) cho biết, lợi nhuận quý I /2022 của Công ty ước đạt 1.500 tỷ đồng, vượt 7,1% so với con số 1.400 tỷ đồng của quý IV/2021 và gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước (292 tỷ đồng). Theo ước tính năm nay, doanh thu của DGC sẽ tăng 22%, lợi nhuận tăng 25%. Năm ngoái, lợi nhuận của DGC tăng đột biến tới 352%. Trên thị trường, cổ phiếu DGC vừa có phiên tăng trần hôm qua (13/4) và tiếp tục tăng gần kịch trần trong phiên giao dịch sáng nay. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu DGC đã tăng 53%.
– Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2022, song theo ước tính, quý I năm nay, lợi nhuận trước thuế của Đạm Cà Mau đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 6,6% và lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ đạt 1.800 tỷ đồng LNST (tăng 10 lần so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng mạnh.
– Năm nay, DCM đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 là 9.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 513 tỷ đồng, tương ứng lần lượt giảm 10% và giảm 72% so với năm 2021. Tuy nhiên, theo dự báo của chuyên gia, doanh thu DCM sẽ tăng 31%, lợi nhuận tăng 40% (năm ngoái doanh thu và lợi nhuận của DCM tăng lần lượt 31% và 190%).
– Theo kế hoạch, năm 2022, DCM sẽ hoàn thiện các dự án chuyển tiếp trong năm 2022. Đồng thời để đảm bảo việc mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho định hướng phát triển lâu dài, Đạm Cà Mau cũng lên kế hoạch đầu tư kho đầu mối Long An, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, nhà máy khí hóa than và trụ sở trạm liên lạc tại TP HCM trong năm nay.
– Nhờ yếu tố thiếu hụt nguồn cung Ure trong ngắn hạn theo diễn biến căng thẳng của Nga – Ukraine, dẫn đến giá phân bón duy trì cao nên DPM cũng được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2022 và có thể kéo dài đến quý II//2022. Mặc dù triển vọng ngành phân bón rất sáng sủa, song các chuyên gia phân tích cũng khuyến cáo nhà đầu tư mua cổ phiếu phân bón phải theo dõi sát sao diễn biến giá phân bón liên quan đến các biến động địa chính trị xoay quanh cuộc chiến Nga – Ukraine. Bên cạnh đó, việc hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước cũng là rủi ro tiềm ẩn với hoạt động kinh doanh của Công ty.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• Doanh thu Vĩnh Hoàn quý I tăng 83%
– Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) công bố doanh thu tháng 3 đạt 1.373 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước và tăng 28% so với tháng trước.
– Xét theo cơ cấu sản phẩm, doanh thu cá tra đạt 871 tỷ đồng, tăng 93%; sản phẩm phụ 201 tỷ đồng, tăng 46%; sản phẩm chăm sóc sức khỏe 93 tỷ đồng, tăng 87%, bánh phồng tôm tăng 46%, sản phẩm giá trị gia tăng tăng 19% và gạo tăng 15%.
– Về cơ cấu thị trường, Mỹ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh với 161% lên 651 tỷ đồng, Trung Quốc tăng 71%, châu Âu tăng 27%.
– Lũy kế quý I, Vĩnh Hoàn ghi nhận 3.273 tỷ đồng doanh thu, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, tăng 43,6% và lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, tăng 36,5% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, đơn vị thực hiện được 35% mục tiêu doanh thu năm sau quý I.
– Ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn khá lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022, thời điểm mà nhu cầu thị trường ổn định khi nhiều nền kinh tế giảm bớt hoặc loại bỏ các hạn chế liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Ngoài thị trường Mỹ, lãnh đạo Vĩnh Hoàn kỳ vọng xuất khẩu sang châu Âu sẽ tăng trở lại đáng kể trong năm nay. Cùng với đó, mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc còn nhiều biến động nhưng cũng cải thiện từ mức thấp năm trước.
– Ngành thủy sản xuất hiện những tín hiệu tích cực, cùng với đó VHC được hy vọng trở thành siêu cổ phiếu lợi nhuận năm 2022. Giá cổ phiếu VHC dự đoán sẽ tăng trưởng cực mạnh trong tương lai, nhà đầu tư có thể tìm hiểu và cân nhắc cơ hội đầu tư cho mình.

• MWG thành lập công ty con và niêm yết Bách Hóa Xanh
– CTCP Đầu tư Thế giới Di Động MWG đã công bố thành lập công ty con là CTCP Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh với vốn điều lệ 10 tỷ đồng, được đặt trụ sở chính tại 128 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TP HCM. Đồng thời, HĐQT MWG sẽ chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần đang sở hữu trong BHX cho công ty mới thành lập trên, giá trị chuyển nhượng là 12.795 tỷ đồng.
– MWG dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa là 20% vốn cổ phần của BHX dự kiến trong giai đoạn 2022-2023 cho các đối tác, nhà đầu tư trong khu vực hoặc trên thế giới. Mục đích nhằm đầu tư cho trung tâm phân phối, tài sản cố định, công nghệ, đầu tư phát triển mạnh mẽ kênh bán hàng online và mở rộng chuỗi BHX ra toàn quốc.
– 2 tháng đầu năm, BHX đóng góp 3.900 tỷ đồng doanh thu cho MWG, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái. Kể từ cuối tháng 2, BHX bắt đầu triển khai chiến lược giá bán cực kỳ hấp dẫn so với kênh truyền thống và nỗ lực chỉ bán hàng mới trong ngày để biến thực phẩm tươi sống trở thành điểm đến của BHX.
– Năm 2022, MWG đặt mục tiêu tăng trưởng cao với doanh thu thuần hợp nhất dự kiến 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng, tương ứng tăng 14% và 30% so với năm trước. MWG sẽ trình phương án chia cổ tức năm 2021 với tổng tỷ lệ 110% bao gồm 10% tiền mặt và 100% cổ phiếu. Vốn điều lệ sau phát hành trả cổ tức dự kiến tăng gấp đôi lên 14.644 tỷ đồng.
– Với những bước đi táo bạo và tham vọng lớn vươn tầm quốc tế cùng những thành công đã đạt được, MWG càng ngày khẳng định vị thế của mình trong ngành bán lẻ và dự báo cổ phiếu MWG sẽ có tiềm năng tăng trưởng cực lớn khi các dự án được triển khai.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 14/04/2022, chỉ số VNINDEX tuy đã giữ được đà tăng tốt trong phiên sáng nhưng tới đầu phiên chiều, áp lực bán đã quay trở lại khiến chỉ số quay đầu giảm điểm. VNINDEX đóng cửa ở mức 1.472,12 điểm, giảm nhẹ 5,08 điểm (-0,34%) so với phiên giao dịch ngày hôm qua.
– Thanh khoản thị trường phiên hôm nay duy trì ở mức thấp khi chỉ đạt 18.503.465 tỷ đồng. Độ rộng thị trường đã nghiêng về phe bán với 271 mã giảm, chiếm khoảng 54% số mã trên sàn HOSE.
– Về mức độ ảnh hưởng, VCB, VHM, NVL là 3 mã chịu áp lực bán mạnh khi đã lấy đi tổng cộng 3,331 điểm của VNINDEX, trong đó VCB giảm mạnh nhất với -1,697 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã tăng điểm nhẹ nổi bật gồm có GAS (+0.736 điểm), DGC (+0.706 điểm) và MWG (+0.603 điểm).
– Cả 10 nhóm ngành trong phiên hôm nay đều ghi nhận mức biến động nhẹ dưới 2% trong đó có 7 nhóm ngành tăng và 3 nhóm ngành giảm. Nhóm ngành có mức tăng tốt nhất trong phiên là nhóm Tiêu dùng và Công nghệ thông tin với mức tăng lần lượt là 1,98% và 1,55%. Một số mã cổ phiếu tiêu biểu có thể kể đến FRT (+6,6%), MWG (+2,1%), DGW (+5%),…
– 3 nhóm ngành giảm gồm có Tài chính, Công nghiệp và Bất động sản tuy chỉ giảm nhẹ dưới 1% nhưng lại ghi nhận giá trị giao dịch lớn nhất thị trường với tổng giá trị đạt 9.268,25 tỷ đồng.
– Khối ngoại trong phiên giao dịch ngày 14/04/2022 bán ròng 218,12 tỷ đồng. Lượng bán ròng chủ yếu đến từ các cổ phiếu HPG (-171,09 tỷ đồng), VND (-89,59 tỷ đồng), VHM (-41,41 tỷ đồng). Chiều ngược lại, khối ngoại đã mua ròng nhiều nhất là DGC (92,59 tỷ đồng), DPM (63,73 tỷ đồng), GEX (58,27 tỷ đồng).
– Hiện tại, chỉ số VNINDEX đang có sự điều chỉnh nhẹ cùng thanh khoản ở mức thấp sau phiên tăng điểm mạnh ngày 13/04 cho thấy áp lực bán tuy vẫn còn xuất hiện nhưng không tác động mạnh tới thị trường. VNINDEX sẽ cần thêm thời gian để tích lũy lại trước khi có thể tiếp cận mốc 1.500 điểm.
– Thời điểm này, nhà đầu tư nên quan sát và theo dõi diễn biến của thị trường, hạn chế mua đuổi những cổ phiếu đã tăng nóng và quản trị rủi ro tốt tài khoản, tránh bị những thông tin nhiễu gây ảnh hưởng tới tâm lý giao dịch. Tiềm ẩn rủi ro của thị trường vẫn còn nên nhà đầu tư hãy thận trọng hơn, hạn chế sử dụng margin cho tới khi tín hiệu tích cực đã được xác nhận.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest