Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 08/04/2022
1. Thông tin vĩ mô
• Mỹ công bố loạt biện pháp trừng phạt mới với Nga
– Mỹ đã nhắm đến các ngân hàng và nhiều người trong giới quý tộc Nga bằng các biện pháp trừng phạt mới nhất vào ngày thứ Tư, trong đó có việc cấm người Mỹ đầu tư vào Nga và sẽ hạn chế mạnh mẽ các thương vụ đầu tư vốn mạo hiểm và sáp nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ vẫn cấp phép hoạt động đặc biệt cho một số ngân hàng có liên quan đến việc các nước đồng minh của Mỹ tại châu Âu mua khí đốt và dầu từ Nga.
– Mỹ đồng thời trừng phạt 3 con gái cũng như những người thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngoài ra, các quy định trừng phạt mới ảnh hưởng tiêu cực đến ngân hàng Sberbank của Nga, ngân hàng hiện đang nắm lượng tài sản tương đương 1/3 tổng tài sản của Nga, và Alfabank – tổ chức tài chính lớn thứ 4 tại nước này. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt hiện chưa nhắm tới các giao dịch bằng năng lượng và chính 2 ngân hàng này cũng công bố rằng các biện pháp này không tác động mạnh đến các hoạt động của họ.
– Liên minh châu Âu (EU) không thể thống nhất về các biện pháp trừng phạt mới với Nga bởi còn cần phải giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật, trong đó có việc liệu việc cấm than đá có ảnh hưởng đến các hợp đồng hiện tại. Bên cạnh đó, kinh tế Nga có thể suy giảm khoảng từ 10 đến 15% trong năm 2022 và lạm phát tại Nga hiện đang ở ngưỡng khoảng 200%.
– Có thể thấy rằng căng thẳng giữa Nga và Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, các biện pháp trừng phạt gay gắt từ phía Mỹ gây áp lực không nhỏ tới kinh tế của Nga. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt sản phẩm năng lượng và biện pháp thay thế với dầu, khí đốt cũng là vấn đề mà thế giới vô cùng quan tâm
• Các quan chức Fed có kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán bắt đầu từ tháng 5
– Các quan chức đồng thuận rằng, tối đa 60 tỷ USD Trái phiếu Kho bạc và 35 tỷ USD chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) sẽ được phép tung ra thị trường trở lại theo từng giai đoạn trong hơn 3 tháng và có thể bắt đầu vào tháng 5. Tổng số đó sẽ cao gấp đôi so với giai đoạn từ năm 2017 – 2019 và thể hiện một phần của sự chuyển đổi lịch sử từ chính sách tiền tệ cực kỳ dễ dàng sang thắt chặt.
– Ngoài cuộc thảo luận về bảng cân đối kế toán, các quan chức cũng thảo luận về tốc độ tăng lãi suất sắp tới, với các thành viên nghiêng về các động thái tăng lãi suất nhanh hơn. Tại cuộc họp ngày 15 – 16/3 vừa qua, Fed đã thông qua đợt tăng lãi suất đầu tiên trong hơn ba năm. Mức tăng 0,25% đã nâng lãi suất vay ngắn hạn chuẩn từ mức gần bằng 0 kể từ tháng 3/2020.
– Trong khi các quan chức không đưa ra bất kỳ cuộc bỏ phiếu chính thức nào, biên bản chỉ ra rằng, các thành viên đã đồng ý quá trình thực hiện thu hẹp bảng cân đối kế toán có thể bắt đầu vào tháng 5. Cũng tại cuộc họp, các quan chức Fed đã tăng mạnh triển vọng lạm phát và hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng kinh tế. Lạm phát gia tăng là yếu tố thúc đẩy ngân hàng trung ương thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ.
– Thông tin này cùng với việc FED mở rộng lượng nắm giữ lên khoảng 9 nghìn tỷ USD trong các đợt mua trái phiếu hàng tháng cho thấy một sự gia tăng mạnh về giá. Đây cũng được coi là lời cảnh báo của FED trước cuộc chiến lạm phát và nêu rõ quan điểm của họ trong việc kiềm chế.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Doanh nghiệp Việt mất lợi thế vì chi phí xuất nhập khẩu tăng mạnh – Phí Logistics tăng đột biến
– Đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của cả nước, trong đó, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Cùng với đó, xung đột quân sự Nga- Ukraine đã tác động đến giá dầu thế giới biến động mạnh mẽ, dẫn đến chi phí vận tải, logistics tăng cao càng làm chi phí xuất nhập khẩu gia tăng.
– Gần đây, phí chuyên chở container tiếp tục được nhiều hãng tàu thông báo điều chỉnh tăng đến 20%, dù mức giá đã rất cao. Chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20-25% GDP, hiện giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt 3-4 lần, thậm chí có thời điểm, giá cước tăng 5-6 lần so với trước dịch.
– Mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp ngành logistics cho thấy, trong quý 1/2020, có 15% doanh nghiệp bị giảm 50% doanh thu so với năm 2019; hơn 50% doanh nghiệp giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế từ 10% – 30% so với cùng kỳ năm trước. Khoảng 97% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics là vừa và nhỏ bị tác động nặng nề.
– Từ tháng 5/2020, hoạt động logistics được phục hồi theo nền kinh tế, nhưng đến nay vẫn còn 20% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics suy giảm về hoạt động. So với trước đại dịch, lượng hàng hóa vận tải qua biên giới, đặc biệt với Trung Quốc vẫn bị tắc nghẽn…
– Chi phí logistics đội giá lên nhiều lần do sự đứt gãy chuỗi cung ứng vì dịch bệnh cũng như xu hướng thương mại toàn cầu đang thay đổi. Trong đó, thủ tục hành chính là một trong nhiều yếu tố làm chi phí tăng lên. Việc đề ra giải pháp là vô cùng thiết yếu nhưng cần phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng của ta có đủ điều kiện đáp ứng vận hành trơn tru hệ thống lớn như vậy. Bên cạnh đó, sẽ còn nhiều khúc mắc do nhiều chính sách, điều luật ban hành chồng chéo chưa phù hợp với thực tiễn. Vì thế, để giảm được chi phí Logictic sẽ cần chuẩn hóa và đồng bộ hệ thống từ trên xuống dưới. Một lần nữa, thách thức lại đặt ra cho ngành xuất nhập khẩu Việt Nam trong thời cuộc nhiều bất ổn chính trị.
• Xăng dầu vẫn trong tình trạng thiếu hụt nguồn nhập khẩu
– Từ cuối năm 2021 đến nay, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn do gặp khó khăn về tài chính, nên không có chi phí nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu thành phẩm đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xăng dầu trong nước, gây gián đoạn và thiếu hụt nguồn cung, bởi Nghi Sơn vốn chiếm khoảng 35% tổng cung xăng dầu tại thị trường nội địa.
– Riêng tháng 2/2022, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chỉ cung cấp 50% sản lượng của các hợp đồng đã ký hoặc cam kết cho các đầu mối; 50% sản lượng còn thiếu của Nghi Sơn tương đương 17 – 20% thị phần cả nước.
– Do giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, nguồn cung trong nước thiếu hụt, nên chi ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu tăng cao chưa từng thấy. Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, quý I/2022, cả nước nhập 2,65 triệu tấn xăng dầu, trị giá 2,374 tỷ USD, tăng 31,6% về lượng, nhưng tăng tới 129,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020 (tương đương mức chi ngoại tệ tăng thêm hơn 1 tỷ USD) và bằng khoảng 50% giá trị nhập khẩu trong cả năm 2021.
– Ở chiều xuất khẩu, Việt Nam cũng được hưởng lợi phần nào từ giá xăng dầu tăng. Cụ thể, quý I/2022, xuất khẩu xăng dầu đạt 512.000 tấn, trị giá 406 triệu USD, tăng 10,4% về lượng và 76,5% về trị giá. Xuất khẩu dầu thô đạt 747.000 tấn, trị giá 584 triệu USD, giảm 9% về lượng và tăng 50,3% về trị giá.
– Việc phục hồi kinh tế và mở cửa trở lại của Chính phủ đã thúc đẩy rất lớn tới nhu cầu sử dụng xăng dầu và sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, khả năng đáp ứng sản lượng tiêu thụ trong nước chỉ chiếm 50-60% mà trên thế giới vẫn đang diễn ra căng thẳng giữa Nga và các nước châu Âu nên khó khăn trong việc tìm được nguồn cung phù hợp với ngân sách. Đây là bài toán khó cho cả Chính phủ và các doanh nghiệp khai thác, lọc và xuất khẩu dầu.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
• Gelex: Đặt kế hoạch doanh thu 36.000 tỷ năm 2022, tăng trưởng 26%, niêm yết Gelex Hạ tầng và đầu tư 1.900 ha khu công nghiệp mới
– Nhờ hợp nhất Tổng công ty Viglacera – CTCP (Viglacera), GEX hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh với doanh thu thuần hợp nhất đạt 28.578 tỷ đồng, tăng 59,2% so với năm 2020, LNTT hợp nhất đạt 2.057 tỷ đồng, vượt kế hoạch 60% và tăng trưởng gần 72% so với năm 2020.
– Gelex tái cơ cấu tập đoàn chia làm 2 mảng: Sản xuất công nghiệp (CTCP Thiết bị điện Gelex – Gelex Electric) và Lĩnh vực hạ tầng (CTCP Hạ tầng Gelex). Mảng thiết bị điện ghi nhận doanh thu 18.539 tỷ đồng, tăng 15% so với 2020. Mảng nguồn phát điện ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, đóng góp 608 tỷ đồng doanh thu, tăng 67% so với năm 2020.
– Trong lĩnh vực hạ tầng, quý II.2021 Gelex đã chi phối Tổng công ty Viglacera, qua đó nâng tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực hạ tầng vào kết quả sản xuất kinh doanh chung của tập đoàn. Về bất động sản và năng lượng, Gelex đã khởi công, thi công và hoàn thiện theo tiến độ các dự án đang dở dang.
– Năm 2022, Gelex đặt mục tiêu 36.000 tỷ đồng doanh thu và 2.618 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng lần lượt 26% và 27,2% so với năm 2021. Với lĩnh vực hạ tầng, năm 2022 Gelex sẽ phát triển có chọn lọc và giải ngân đầu tư theo từng giai đoạn để phát triển các cụm dự án Điện gió trong danh mục. Năm 2022, Gelex dự kiến tìm kiếm các cơ hội M&A các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án năng lượng sạch như thuỷ điện, điện sinh khối…
– Với mảng sản xuất và cung cấp nước sạch: Nâng công suất Nhà máy nước sạch Sông Đà và nghiệm thu đưa vào sử dụng vào quý 4/2024. Với mảng BĐS khu công nghiệp: Tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật/dịch vụ tại các KCN đang triển khai, chuẩn bị đầu tư gần 1900 ha các khu công nghiệp mới.
– Phải đón nhận không ít tin xấu từ Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn trong phiên ngày 06/04, nhiều nhà đầu tư đã chịu ảnh hưởng tâm lý rất lớn dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu. Tuy nhiên GELEX vẫn là một tập đoàn có nội tại cơ bản vững bền, hàng loạt dự án của doanh nghiệp nói chung và Viglacera nói riêng vẫn giữ phong độ ổn định, tiếp tục triển khai, hoàn thiện trong năm nay.
• ACB: ĐHĐCĐ ACB – Tăng vốn lên gần 34.000 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận trên 15.000 tỷ đồng
– Năm 2022, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 558.187 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021. Tiền gửi khách hàng đạt 421.897 tỷ đồng, cũng tăng 11%. Dư nợ cho vay đạt 398.299 tỷ đồng, tăng 10% và sẽ được điều chỉnh tăng đến mức cao hơn khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu tăng đến 25%, kỳ vọng đạt 15.018 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
– Về kế hoạch tăng vốn, ACB dự kiến phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu hiện tại sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới). Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 27.019 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý III/2022.
– Nếu tăng vốn thành công, Dragon Financial Holdings Limited vẫn sẽ là cổ đông lớn duy nhất của ACB với tỷ lệ sở hữu 6.92%. Còn kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, ACB dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
– Mặc dù đứng trước những khó khăn về nợ xấu từ năm 2021 do chính sách giãn nợ và lãi suất huy động thấp, HĐQT ngân hàng ACB tự tin rằng năm 2022 sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn từ việc FED tăng lãi suất, nhu cầu tín dụng được dự báo tăng cao trên đà phục hồi kinh tế khi đang ở vùng đáy.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Phiên giao dịch 07/04/2022, chỉ số VNINDEX đã ghi nhận sự giảm điểm mạnh mẽ khi những cổ phiếu trụ đỡ trong VN30 gặp áp lực bán lớn. Chỉ số đóng cửa ở mức 1.502,35 điểm, giảm 20,55 điểm (-1,35%) so với phiên giao dịch ngày hôm qua.
– Thanh khoản thị trường có sự suy giảm so với phiên giao dịch trước đó khoảng 3 nghìn tỷ đồng, kết phiên với tổng giá trị giao dịch đạt 27.145,391 tỷ đồng. Độ rộng thị trường với phe bán chiếm ưu thế khi có 372 mã giảm, chiếm khoảng 74% số mã trên sàn HOSE.
– Về mức độ ảnh hưởng, VCB, VHM, VIC là 3 mã chịu áp lực bán mạnh nhất khi đã lấy đi tổng cộng 4,35 điểm của VNINDEX, trong đó VCB giảm mạnh nhất với -1,93 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã tăng điểm nhẹ nổi bật gồm có MBB (+0.34 điểm), ACB (+0.28 điểm) và DGC (+0.27 điểm),… không đủ để giữ điểm số khỏi đà giảm.
– Về nhóm ngành, 10/10 nhóm ngành ghi nhận sắc đỏ, trong đó mức giảm mạnh nhất đến từ các nhóm Chăm sóc sức khỏe (-2,87%), Công nghiệp (-2,67%), Tiêu dùng (-2,18%).
– Nhóm ngành Tài chính tuy chỉ giảm nhẹ 0,64% nhưng lại ghi nhận giá trị giao dịch lớn nhất thị trường khi đạt 6.859,57 tỷ đồng. Cho thấy dòng tiền đang điều tiết dần sang nhóm ngành thuộc nhóm vốn hóa lớn của thị trường và có thể sẽ là nhóm ngành tiềm năng dẫn dắt thị trường trong thời gian sắp tới.
– Khối ngoại trong phiên giao dịch ngày 07/04/2022 quay đầu bán ròng 526,53 tỷ đồng. Lượng bán ròng chủ yếu đến từ các cổ phiếu VHM (-87,72 tỷ đồng), HPG (-85,33 tỷ đồng), STB (-72,4 tỷ đồng). Chiều ngược lại, khối ngoại đã mua ròng nhiều nhất là NVL (58,63 tỷ đồng), TPB (31,2 tỷ đồng), DPM (28,17 tỷ đồng).
– Hiện tại, VN-Index đang chịu áp lực bán lớn và hướng về vùng cản tâm lý quan trọng 1.500 điểm. Phiên giao dịch ngày 08/04 sẽ là một phiên quan trọng để biết VNINDEX sẽ phản ứng ra sao tại vùng hỗ trợ này. Chiều tích cực nếu giữ được vùng 1.500 điểm thì có thể kỳ vọng chỉ số sẽ tích lũy để bật tăng trở lại. Còn nếu thị trường diễn biến tiêu cực thì rất có thể sẽ quay trở lại test vùng 1.480 điểm.
– Thời điểm này, nhà đầu tư nên cẩn trọng hơn với các quyết định giao dịch mua bán. Quan sát và theo dõi diễn biến của thị trường cũng như các mã cổ phiếu đang nắm giữ để kịp thời đưa ra quyết định cutloss nếu chỉ số VNINDEX có dấu hiệu xấu đi.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0