Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 07/04/2022
1. Thông tin vĩ mô
Giá năng lượng toàn cầu dự báo sẽ cao hơn sau lệnh cấm vận than Nga của châu Âu
– Nga là nhà cung cấp than nhiệt hàng đầu của châu Âu, được sử dụng để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện. Khi EU Quyết định cấm nhập khẩu than từ Nga mà chưa có giải pháp thay thế có thể dẫn đến cuộc tranh giành than trên toàn cầu.
– Giá than châu Âu đã tăng 14% lên mức cao nhất trong ba tuần vào thứ Ba (5/4) sau tin tức về lệnh cấm được đề xuất, với hợp đồng tương lai giá than châu Âu đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm.
– Giá than châu Á cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 3, trong khi than của Mỹ đạt mức 100 USD/tấn vào tuần trước và cũng lần đầu tiên sau 13 năm.
– Không chỉ là nguồn cung bị khan hiếm, những phức tạp về hậu cần khi chuyển hướng nhanh chóng đến các nhà cung cấp mới cũng đang là vấn đề. Lệnh cấm đặt ra thách thức đáng kể cho những người mua cần tìm kiếm giải pháp thay thế. Người mua ở châu Âu sẽ phải tìm kiếm nơi khác, trải dài nguồn cung từ các quốc gia xa xôi như Nam Phi, Úc và Indonesia với chất lượng than khác nhau.
– Kể từ đầu năm 2021 đã có rất nhiều sự cố gián đoạn nguồn cung diễn ra, hiện tại bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với than của Nga đều sẽ gây áp lực nên nguồn cung vốn đã căng thẳng của Châu Âu. Nếu những diễn biến này tiếp tục sẽ khiến lạm phát tăng mạnh ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị xã hội của toàn thế giới.
Nga đứng trước nguy cơ vỡ nợ
– Biện pháp Bộ Tài chính Mỹ đưa ra vào ngày 4/4/2022 khi chặn Moscow thanh toán nợ trái phiếu chính phủ bằng số tiền dự trữ hơn 600 triệu USD mà Chính phủ Nga cất tại các định chế tài chính Mỹ từ trước. Cụ thể, Chính phủ Nga tới hạn phải trả 552,4 triệu USD tiền lãi đối với một lô trái phiếu đáo hạn năm 2022 và 84 triệu USD tiền lãi đối với một lô trái phiếu khác đáo hạn vào năm 2042. Những đợt trả nợ như thế này thường có thời gian ân hạn 30 ngày.
– Biện pháp này nhằm buộc Nga hoặc phải rút tiền USD từ số dự trữ ngoại hối mà nước này còn kiểm soát được hoặc phải chấp nhận vụ vỡ nợ cấp quốc gia lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, lần gần nhất là từ 1918.
– Kinh tế Nga đang đối mặt suy thoái, lạm phát tăng vọt, khan hiếm hàng hoá thiết yếu, và một đồng tiền không còn giá trị trên phần lớn thế giới. Tổng thống Vladimir Putin từng nhắc đến khả năng thanh toán các khoản nợ nước ngoài bằng đồng rúp (ruble) nhưng thực tế thì chưa. Việc thanh toán bằng đồng tiền khác với quy định của trái phiếu cũng sẽ bị coi là vỡ nợ
– Các biện pháp trừng phạt của Mỹ càng ngày càng tạo sức ép lớn cho nước Nga, buộc chỉ có một lựa chọn: chừng nào còn chưa kết thúc chiến tranh quân sự tại Ukraine thì Nga sẽ không tránh khỏi cảnh vỡ nợ.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
Bộ Tài chính tiếp tục siết chặt hơn với phát hành trái phiếu riêng lẻ
– Từ vụ việc liên quan đến 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị huỷ bỏ, Bộ Tài chính cho biết đang soạn thảo, sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp
– Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua vẫn có doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém.
– Bộ Tài chính đang sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, theo hướng đặt ra các điều kiện chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn với nhà phát hành trái phiếu, đặc biệt trái phiếu riêng lẻ.
– Cụ thể, với các doanh nghiệp có hệ số vay nợ lớn, tùy theo mức độ khác nhau sẽ có yêu cầu về tài sản đảm bảo nhằm nâng cao điều kiện an toàn hơn.
– Thời gian qua, Bộ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhắc nhở doanh nghiệp và khuyến cáo nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn xảy ra nhiều vụ việc vi phạm.
– Những sự việc căng thẳng gần đây, có thể nhìn vào khía cạnh tích cực: việc phát hành trái phiếu sẽ được siết chặt hơn nữa. Lợi thế phát hành trái phiếu sẽ rơi vào các doanh nghiệp đang được niêm yết trên sàn do công bố thông tin và hồ sơ đầy đủ. Các doanh nghiệp chưa niêm yết sẽ gặp khó khăn hơi trong việc phát hành. Thị trường trái phiếu sẽ lành mạnh hơn.
ADB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 6,5%
– Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam chia sẻ: Tỷ lệ tiêm chủng cao đã cho phép Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt. Vì thế ngành công nghiệp đã khởi đầu mạnh mẽ trong năm nay.
– Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã lên 53,7 trong tháng 1/2022 (trên 50 cho thấy sự mở rộng) và lên 54,3 vào tháng 2 so với mức 52,5 trong tháng 12/2021, tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Dự báo trong năm 2022, công nghiệp sẽ tăng trưởng 9,5% đóng góp 3,6 điểm % tăng trưởng GDP. Mức đóng góp của nông nghiệp và dịch vụ lần lượt là 0,3 và 2,3 điểm %.
– Các chính sách tái mở cửa du lịch của Chính phủ thực hiện vào tháng 3 và dự kiến dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch sẽ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ trong năm nay. Các hiệp định, chính sách đặc biệt chương trình ERDP sẽ gia tăng đầu tư công, kích cầu nội địa.
– Bên cạnh những tín hiệu phục hồi tích cực trên thì vẫn có những mối lo ngai về ảnh hưởng từ căng thẳng chiến tranh Nga – Ukraine kéo dài, giá nhiên liệu tiếp tục tăng, hạn chế xuất khẩu Trung Quốc cũng kìm hãm đà hồi phục kinh tế Việt Nam và dịch bệnh có thể bùng trở lại bất cứ lúc nào.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
BWE: Biwase (BWE) ước lãi quý 1 gần 200 tỷ đồng, giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống 5%
– CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase, mã CK: BWE) công bố báo cáo ước tính KQKD quý 1 với Tổng doanh thu đạt 891 tỷ đồng, tăng 19% và lợi nhuận sau thuế 198 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
– Trong quý 1, sản lượng nước tiêu thụ của Biwase đạt 41,98 triệu m3, tăng nhẹ 4%, trong khi tỷ lệ thất thoát nước tiếp tục duy trì mức rất thấp với 5%, giảm so với mức 5,33% trong quý 1/2021.
– Biwase đã tổ chức ĐHCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với chỉ tiêu doanh thu 3.850 tỷ đồng, lợi nhuận 750 tỷ đồng và tỷ lệ cổ tức dự kiến ở mức 13%
– Về kế hoạch kinh doanh quý 2/2022, BWE chuẩn bị kinh phí để đầu tư mở rộng tăng năng suất tái chế rác, dự kiến cuối năm 2022 đưa hoàn chỉnh lò đốt 200 tấn/ngày có thu nhiệt phát điện 5000KVA vào vận hành, phân xưởng mở rộng tái chế rác ra phân hữu cơ 840 tấn/ngày. Dự kiến doanh thu quý 2 tăng 10% so với cùng kỳ.
STK: Sợi Thế Kỷ (STK) chốt quyền trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ 15%
– STK sẽ trả cổ tức năm 2021 bằng tiền, tỷ lệ 15% (tương ứng 01 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng). Ngày chốt danh sách là ngày 24/4. Thời gian thanh toán từ ngày 23/5. Như vậy, với hơn 68,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, STK sẽ chi xấp xỉ 102 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
– Trong quý I/2022, Công ty ước tính doanh thu đạt gần 612 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 76 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 9% so cùng kỳ. Như vậy, STK đã thực hiện được 24% mục tiêu doanh thu và 25% mục tiêu lãi sau thuế cả năm 2022. Đồng thời, Công ty cũng dự kiến chào bán 1,5 triệu cổ phiếu quỹ. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022 sau khi UBCKNN chấp thuận.
– Mặc dù còn gặp khó khăn bởi chiến dịch ZERO Covid của Trung Quốc khi đây là nguồn xuất khẩu sợi chính (chiếm 50%) và chính sách thuế quan tại Mỹ, EU kèm theo giá dầu, cotton, và chi phí vận tải biển tăng cao nhưng với chính sách và vị thế hiện tại của công ty, cũng như nguồn nhân lực dồi dào trở lại sau làn sóng dịch, STK kỳ vọng quý II sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn nữa.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– Phiên giao dịch 06/04/2022, VN-Index rung lắc khá mạnh trong phiên sáng và dừng ở mức 1.515 điểm. Phiên chiều, sau ít phút giảm điểm đầu phiên thì thị trường bất ngờ đảo chiều tăng với lực kéo từ các bluechips giúp VN-Index giữ được sắc xanh và đóng cửa ở mức 1.522,90 tăng 2,87 điểm (+0,19%).
– Thanh khoản của VNINDEX cũng tăng lên đáng kể đạt mức hơn 30 nghìn tỷ đồng so với phiên giao dịch ngày hôm qua chỉ đạt gần 22 nghìn tỷ đồng. Độ rộng thị trường phe mua chiếm ưu thế với 279 mã giảm tương đương với 56,48% các mã trên sàn HOSE.
– Về mức độ ảnh hưởng, VCB, VPSB và HPG là các mã có đóng góp tăng nhiều nhất tới chỉ số VNINDEX với tổng 5,136 điểm, theo sau là FPT và TCB đóng góp lần lượt là 0,925 điểm và 0,761 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã kìm hãm đà tăng của chỉ số gồm có: VIC (-1,75 điểm), DIG (-0,828 điểm), NVL (-0,689 điểm) và VNM (-0,586 điểm).
– Về nhóm ngành, 6/10 nhóm ngành ghi nhận sắc xanh trong đó tăng mạnh nhất là 3 nhóm ngành Công nghệ thông tin, Tài chính và Tiêu dùng với mức tăng lần lượt là +3,38%, +1,47% và 1,44% còn lại tăng ở mức dưới 1%. Chỉ 4/10 nhóm ngành ghi nhận sắc đỏ với mức giảm dưới 1,5% riêng nhóm ngành Công nghiệp có mức giảm sâu nhất là -2,3%. Thị trường hôm nay bị ảnh hưởng bới 1 số thông tin như sau: Ông Dũng chủ tịch tập đoàn THM bị bắt, FLC bị ủy ban chứng khoán nhà nước yêu cầu báo cáo Margin, thông tin lan truyền trên mạng xã hội về các dự án, doanh nghiệp bị nhà nước sờ gáy. Qua đó ảnh hưởng đến nhóm ngành bất động sản, các mã penny, midcap có tính đầu cơ lớn.
– Nhóm ngành nâng đỡ chính cho thị trường ngày hôm nay đó là nhóm ngành Tài chính đóng góp rất lớn chỉ số VN-Index với 6,89 điểm, trong khi nhóm Bất động sản lấy đi 4,72 điểm. Các cổ phiếu penny, midcap, các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản đều ghi nhận mức giảm mạnh.
– Khối ngoại trong phiên giao dịch ngày 4/4/2022 mua ròng 109,16 tỷ đồng. Lượng mua ròng chủ yếu đến từ các cổ phiếu DXG (73,03 tỷ đồng), STB (72,09 tỷ đồng), SSI (65,69 tỷ đồng). Chiều ngược lại, khối ngoại đã bán ròng nhiều nhất là HCM (-52,95 tỷ đồng), GAS (-40,72 tỷ đồng), NLG (-34,82 tỷ đồng).
– Hôm nay, chỉ số VNINDEX có 1 phiên quay lại lấp gap khá tốt tuy nhiên vẫn cần thời gian 2 đến 3 phiến sắp tới điều chỉnh để hấp thụ hết những thông tin xấu đến từ thị trường. Nhà đầu tư nên theo dõi và quan sát kỹ những mã cổ phiếu mình quan tâm trong thời gian này, chờ đợi những tín hiệu đảo chiều xu hướng hoặc tích lũy để đưa ra những quyết định giao dịch phù hợp nhất.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0