1. Thông tin vĩ mô
• Giá hàng hóa toàn cầu tăng lên đỉnh 14 năm
Chỉ số S&P GSCI, thước đo bao quát giá các nguyên vật liệu thô đã tăng 5,02% trong phiên 4/3 lên 3.921,5 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Lũy kế từ đầu năm 2022 chỉ số này đã tăng 34,57%.
Giá dầu Brent ngày 4/3 gần vượt 118 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 4/2012; giá dầu WTI gần đạt 116 USD/thùng, cao nhất kể từ 2008. Giá khí đốt tương lai trên sàn TTF Hà Lan đạt mức 192.550 EUR/MWH, tăng 10,8 lần trong vòng 1 năm.
Giá năng lượng tăng đã kéo theo hiệu ứng chi phí đẩy lên giá kim loại. Giá nhôm có lúc tăng 3,6% lên đỉnh mới 3.850 USD/tấn trên sàn giao dịch kim loại London (LME). Giá đồng cũng cận kề đỉnh thời đại. Giá quặng sắt tương lai tại Singapore trên đà tăng 15% tuần này, tuần tăng mạnh nhất hơn 3 tháng, trong bối cảnh lực cầu từ Trung Quốc dự báo tăng.
Giá lúa mỳ lên cao nhất từ năm 2008 vì lo ngại thiếu cung toàn cầu do cuộc chiến ở Ukraine làm mất khoảng 25% sản lượng xuất khẩu của mặt hàng thiết yếu này. Giá lúa mỳ tương lai trên sàn Chicago tăng kịch biên độ 6,6% lên 12,09 USD/bushel.
Gánh nặng lên các chuỗi cung ứng chỉ vừa mới cải thiện sau đại dịch giờ lại càng trầm trọng thêm khi Mỹ, châu Âu và đồng minh áp lệnh trừng phạt lên Nga. Nga và Ukraine cũng là những nước xuất khẩu lớn năng lượng, kim loại và ngũ cốc như paladi, nhôm, niken, lúa mì và ngô – nguồn cung bị bóp nghẹt làm gia tăng lo ngại về tình trạng khan cung kéo dài, giá hàng hóa dự báo sẽ tiếp tục gia tăng và gây áp lực lên lạm phát toàn cầu.
• OPEC+ giữ nguyên chiến lược khai thác, giá dầu vượt 118 USD/thùng
Giá dầu Brent phiên 4/3 tăng 6,93% lên 118,12 USD/thùng, WTI tăng 7,44% lên 115,68 USD/thùng. Tại cuộc họp ngày 2/3, OPEC và đồng minh giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 4.
Theo báo cáo của OPEC, trong giai đoạn từ tháng 12/2021-1/2022, các thành viên OPEC đã tăng sản lượng thêm 64.000 thùng/ngày, đưa tổng sản lượng của khối lên 27,981 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày mà OPEC+ nỗ lực hướng tới kể từ tháng 8/2021, khi liên minh này bắt đầu thu hẹp dần các mức cắt giảm sản lượng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu, sau cú sốc do làn sóng lây nhiễm đầu tiên của dịch Covid-19.
Trong khi đó, Mỹ và Iran sắp hoàn tất đàm phán về hồi sinh thỏa thuận hạt nhân, có thể giúp bơm ra thị trường 1 triệu thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 1% nguồn cung toàn cầu. Mỹ và phương Tây đã áp lệnh trừng phạt Nga nhưng chưa nhắm đến xuất khẩu dầu và khí.
Giá dầu Brent đã đạt mức cao nhất trong gần 8 năm và dầu WTI đạt mức cao nhất trong vòng 14 năm, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây tiếp tục leo thang. Nga là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, cung cấp khoảng 4 – 5 triệu thùng dầu/ngày. Kế hoạch xả dầu dự trữ của Mỹ và các nền kinh tế lớn hiện chưa thể xoa dịu lo ngại về nguồn cung. JPMorgan Chase & Co nhận định giá dầu Brent có thể kết thúc năm nay ở 185 USD/thùng.
• Chủ tịch FED đề xuất tăng lãi suất ở mức 0,25% trong phiên họp tháng 3
Phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội, ông Jerome Powell cho biết FED đã sẵn sàng nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng này nhằm hạ nhiệt lạm phát. Cuộc chiến Nga – Ukraine làm gia tăng bất ổn kinh tế nhưng không thể khiến FED hoãn lại lộ trình tăng lãi suất.
Ông Powell sẽ đề xuất FED tăng lãi suất ở mức 0,25% trong phiên họp tháng 3 tới. Tuy nhiên FED sẽ tăng lãi suất với mức độ mạnh hơn nếu lạm phát không giảm. FED cũng đang tiến hành kế hoạch nâng lãi suất liên bang qua đêm và giảm quy mô bảng cân đối kế toán để kiềm chế lạm phát hiện đang ở mức cao nhất kể từ những năm 1980. Các quan chức FED cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát để có biện pháp phù hợp.
Lạm phát của Mỹ đang cao gấp ba lần so với mục tiêu 2% của FED. Việc tăng lãi suất nhẹ nhàng hơn so với mức dự báo của giới đầu tư (ở mức 0,5%) cho thấy quan điểm thận trọng của FED trước tình hình căng thẳng với Nga và kịch bản xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu.
• Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực trong tháng 2
Theo thống kê của IHS Markit, PMI của Việt Nam đạt 54,3 điểm trong tháng 2, so với 53,7 của tháng 1, cho thấy tăng trưởng đã tăng tháng thứ tư liên tiếp. Bình quân 2 tháng đầu năm nay, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1% so với tháng trước; tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 2 có số ngày làm việc ít hơn tháng trước nên tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm 20% so với tháng 1, ước đạt 48,2 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, con số vẫn tăng 17,6%. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ở mức 421.800 tỷ đồng, giảm 7,1% so với tháng trước nhưng tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là hơn 876.000 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
PMI tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp và 2 tháng đầu năm nay đều đạt trên 50 điểm cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam đang trên đà hồi phục ở mức độ tốt. CPI tháng 2 tăng 1% so với tháng trước chủ yếu bởi rơi vào mùa lễ Tết Nguyên Đán, như vậy lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát, trong ngắn hạn chưa phải là một áp lực đối với nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu với Nga và Ukraine cộng lại chỉ chiếm trên 1,2% tổng kim ngạch mậu dịch hàng năm của Việt Nam. Tuy nhiên sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có những tác động nhất định đến Việt Nam thông qua các vấn đề tỷ giá, phương thức thanh toán, vận chuyển…
2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG
• Các ngân hàng ngoài quốc doanh lớn đang dẫn đầu cuộc đua giành thị phần tín dụng
Trong năm 2021,tăng trưởng tín dụng cuối năm rất sát so với định hướng đầu năm, đạt 13,53%. Tuy nhiên, theo thống kê đối với 26 ngân hàng thương mại, tăng trưởng dư nợ cho vay của nhóm ngân hàng quốc doanh cho thấy sự yếu kém hơn hẳn so với nhóm tư nhân lớn. Cụ thể: Tăng trưởng các khoản vay của VCB, CTG, BID lần lượt đạt 13,9%, 10,2% và 10,9%. Trong khi nhóm tư nhân lớn như TCB, VPB, VIB, MSB,… lần lượt đạt 24,8%, 20,7%, 18,7% và 27,2%.
Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch trên có thể kể đến do: Mô hình kinh doanh lớn, thiếu sự linh hoạt, khó khăn trong việc xin tăng vốn, ngoài ra bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh doanh, các ngân hàng quốc doanh còn có “nhiệm vụ chính trị” là đi đầu trong việc thực hiện chính sách tiền tệ của chính phủ.
Nhìn chung, trong cuộc đua thị phần tín dụng, có thể thấy quân cờ đang nằm trong tay các ngân hàng ngoài quốc doanh lớn. Đặc biệt những ngân hàng tư nhân có chất lượng tài sản tốt, có thương hiệu và vị thế trên thị trường hoàn toàn có thể trở thành những đối thủ lớn của nhóm ngân hàng quốc doanh.
• Mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi dân cư trong 2022
Mới đây nhất, Ngân hàng nhà nước công bố số liệu tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán và huy động vốn trong năm 2021. Trong đó cả cung tiền M2 và huy động vốn đều có cải thiện đáng kể.
Cụ thể, tăng trưởng M2 đạt 10,7%, trong khi tăng trưởng huy động vốn ghi nhận ở mức 9,24%, lần lượt cao hơn so với mức 8,93% và 8,44% tính đến ngày 24/12. Trong đó, đáng chú ý, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt khi tăng 15,7% so với cùng kỳ trong khi tốc độ tăng trưởng huy động vốn từ dân cư ở mức thấp, chỉ đạt 3,1% (so với mức tăng trung bình khoảng 10,8% trước dịch Covid).
Lượng tiền gửi dân cư trong 2 năm qua ở mức thấp nguyên nhân là do môi trường lãi suất thấp khiến cho nhu cầu gửi tiền tiết kiệm trong khu vực dân cư giảm mạnh. Tuy vậy, trong các tháng đầu năm 2022, mặt bằng lãi suất huy động vốn đang có sự tăng nhẹ trở lại. Mặc dù dự báo lãi suất sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2022, tuy nhiên dự báo tiền gửi dân cư trong năm 2022 sẽ phục hồi phản ứng với xu hướng tăng trở lại của lãi suất huy động.
3. Kênh cổ phiếu
• Giá urê được dự báo vẫn ở mức cao do nguồn cung thiếu hụt trong năm 2022
Xung đột Nga-Ukraine gây tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên cho Châu Âu (Nga chiếm 38% kim ngạch nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Châu Âu). Các nhà sản xuất urê ở Châu Âu có thể hạn chế sản xuất và đẩy giá lên cao hơn.
Trung Quốc (nước sản xuất urê lớn nhất thế giới) có thể không tăng sản lượng do mục tiêu môi trường trong dài hạn và tình trạng thiếu than hiện nay. Trước đó, ngày 19/10/2021, Trung Quốc đã thiết lập các rào cản mới đối với các nhà xuất khẩu phân bón nhằm hạn chế xuất khẩu urê (dự kiến kéo dài đến ngày 22/06/2022).
Ngày 05/11/2021, Nga – nước xuất khẩu urê lớn nhất – đã áp đặt hạn ngạch xuất khẩu urê cho đến giữa năm 2022. Ngoài ra, việc Nga bị hạn chế kinh tế do tác động của các đòn trừng phạt có thể ảnh hưởng tới nguồn cung urê toàn cầu.
• Điều chỉnh luật thuế VAT có thể dẫn đến lợi nhuận bổ sung cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón
Từ năm 2015, do không thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp phân bón trong nước không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, khiến chi phí sản xuất tăng lên, lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại (doanh nghiệp sản xuất phân bón nước ngoài được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào).
Các nhà sản xuất phân bón và Bộ Công Thương đã nhiều lần đề xuất sửa đổi luật thuế giá trị gia tăng – cụ thể đã đề xuất mức thuế giá trị gia tăng đầu ra 5% đối với sản phẩm phân bón để các nhà sản xuất phân bón được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Hiện tại, Bộ Tài chính đã đề xuất đưa các thay đổi về thuế giá trị gia tăng đối với phân bón vào dự thảo luật thuế giá trị gia tăng. Nếu luật thuế VAT mới có thể được thông qua vào năm 2022 sẽ gây ảnh hưởng tích cực tới các nhà sản xuất urê.
4. Kênh tài sản khác
• Du lịch khởi sắc, bất động sản du lịch sôi động trở lại đường đua
Sau 2 năm tạm thời “ngủ đông”, ngành du lịch đang có những dấu hiệu tích cực, cho thấy sự phục hồi rõ rệt. Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 vừa qua, nhiều địa phương du lịch ghi nhận những con số ấn tượng về lượng khách du lịch. Có thể kể đến như Quảng Ninh với hơn 10.000 lượt khách, Đà Nẵng trung bình khoảng gần 36.000 lượt khách (tăng 16,71% so với 2021). Còn tại Lào Cai, tỉ lệ lấp đầy phòng ở Sa Pa đạt hơn 90%, nhiều khách sạn phải dừng nhận khách.
Đặc biệt phải kể đến Bình Định – địa phương có số liệu du lịch ấn tượng bậc nhất dịp Tết Âm lịch vừa rồi. Thống kê từ Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho thấy, từ ngày 29 tháng Chạp Tân Sửu đến mùng 6 Tết Nhâm Dần, Bình Định chào đón gần 200.000 lượt khách du lịch, tăng 40% so với dịp Tết Tân Sửu trước đó, mang lại tổng doanh thu du lịch ước đạt hơn 117 tỷ đồng.
Lượng khách du lịch tăng mạnh thời gian gần đây bởi sau thời gian dài phải cách ly và ở nhà quá lâu, nhiều người mong được đi du lịch, giải tỏa tâm lý. Với sự “mở cửa” hoàn toàn cho du khách, ngành du lịch có thêm cơ sở vững chắc để phục hồi nhanh chóng trong thời gian tới. Cùng với đó, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ được hưởng lợi.
• Cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôn thép Việt Nam
Chiến tranh giữa Ukranie và Nga có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng thép trên thế giới, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá thép.
Nga là nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới, đặc biệt tại thị trường Châu Âu (chiếm 15% thị phần xuất khẩu vào EU, cùng với 2 nước có liên quan là Ukraine và Belarus thì tổng xuất khẩu thép của 3 nước này vào EU chiếm 38%.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, EU đứng thứ 3 trong top các thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam chiếm 13% tỷ trọng (tương đương 1,6 triệu tấn) trong năm 2021.
Khi thế giới bắt đầu triển khai các biện pháp trừng phạt Nga sẽ dẫn tới việc thiếu hụt mạnh nguồn cung trong khi nhu cầu thép vẫn đang hồi phục nhanh trong 2022 sau đại dịch COVID-19. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất khẩu thép từ các thị trường khác, tiêu biểu như CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) với tăng trưởng doanh thu trong năm 2021 chủ yếu đến từ xuất khẩu sang thị trường EU.
• Đầu tư trái phiếu cùng dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á
Trend năng lượng sạch trên quy mô toàn thế giới. Việt Nam định hướng điện gió, mặt trời chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn phát điện đến năm 2045 (42%) 2020 (23%).
Trung Nam là nhà phát triển hàng đầu về năng lượng tái tạo Việt Nam, tài sản 2.3 tỷ USD, tương đương GDP của tỉnh Nam Định. Là một trong số ít nhà đầu tư có thể tự thi công hạ tầng và nhà máy điện. Có lợi thế về đàm phán với nhà cung cấp thiết bị điện.
Nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của Công ty và huy động vốn cho dự án năng lượng tái tạo đầy tiềm năng nhà máy điện gió Ea Nam, Trung Nam Group đã phát hành các mã trái phiếu với các kỳ hạn 1 năm, 7 năm, 9 năm phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.
Tài sản đảm bảo có giá trị lớn, hơn 130% giá trị phát hành là dự án điện gió lớn nhất ĐNá đã hoàn thiện pháp lý ký hợp đồng mua bán điện. Khi tham gia nhà đầu tư sẽ nhận được lợi suất đầu tư lên đến 9,3 – 9,7%/năm, cao hơn so với lãi suất tiết kiệm. Vốn đầu tư tối thiểu 100 triệu đồng.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0