Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 04/03/2022
1. Thông tin vĩ mô
• Chỉ số giá hàng hóa toàn cầu lên đỉnh 14 năm
– Chỉ số S&P GSCI, thước đo bao quát giá các nguyên vật liệu thô, tăng 3,8% trong đầu phiên 3/3 tại London lên cao nhất kể từ năm 2008. Kể từ đầu năm, chỉ số này đã tăng 37%. Yếu tố đóng góp lớn cho chỉ số tăng trong thời gian gần đây là giá dầu, khi giá dầu Brent đã có lúc lên tới 115 USD/thùng – mốc từng xuất hiện cách đây 14 năm.
– Trong khi đó, giá khí thiên nhiên giao dịch tại châu Âu tăng 4,1% lên 180 euro cho mỗi megawatt/giờ, tiệm cận mốc đỉnh lịch sử trong phiên 2/3.
– Nông sản tăng giá mạnh, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển, và có thể dẫn đến việc giá thực phẩm gia tăng tương ứng trong tương lai gần. Giá lúa mỳ trên sàn Chicago tăng gần 40% kể từ đầu năm và đang tiệm cận mức cao nhất kể từ năm 2008 trong bối cảnh xuất khẩu lúa mỳ từ Nga và Ukraine gần như ngừng lại hoàn toàn.
– Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đang có tác động lớn đến thị trường dầu, khi các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn bắt đầu tránh xa dầu thô từ Nga trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thấp. Đồng thời, sự ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga có thể dẫn đến nguy cơ suy giảm nguồn cung và đẩy giá năng lượng khí đốt, phân bón, thực phẩm, hay kim loại nặng lên cao.
• Chủ tịch Fed: Kế hoạch tăng lãi suất không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng Nga – Ukraine
– Trong bài phát biểu chuẩn bị trước cho phiên điều trần ngày 2/3 tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, Fed sẽ bám chặt kế hoạch tăng lãi suất trong tháng này để kiềm chế lạm phát cao, dù căng thẳng Nga – Ukraine khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có cái nhìn không chắc chắn về triển vọng kinh tế khi xây dựng các bước tiếp theo,
– Lạm phát cao và thị trường lao động cực kỳ thắt chặt là hai yếu tố buộc lãi suất phải được nâng lên, ông Powell nhấn mạnh. Ngoài ra, Fed cũng sẽ giảm danh mục trái phiếu chính phủ gần 8.500 tỷ USD vào cuối năm nay.
– Lạm phát hiện vượt quá mục tiêu dài hạn của ngân hàng trung ương Mỹ là 2%. Nhu cầu rất lớn nhưng những hạn chế về nguồn cung và tắc nghẽn vận chuyển đang ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng thị trường.
– Tuy nhiên, ông Powell cũng thừa nhận yếu tố phức tạp mới mà Fed phải đối mặt từ những tác động ngắn hạn của xung đột quân sự Nga – Ukraine, loạt lệnh trừng phạt và các sự kiện sắp xảy ra đối với kinh tế Mỹ vẫn khó lường. “Đưa ra chính sách tiền tệ phù hợp trong môi trường như vậy đồng nghĩa bạn phải chấp nhận kinh tế có thể đi theo những hướng không mong đợi”, Powell nhận định.
– Ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến tăng lãi suất từ mức gần 0, tại cuộc họp chính sách ngày 15-16/3, trước khi có thể có nhiều đợt tăng lãi suất khác trong năm nay và năm sau. Dù lạm phát cao vẫn là trọng tâm hàng đầu của Fed, biến động chính trị Nga – Ukraine đã trở thành biến số mới trong phân tích của các nhà hoạch định chính sách, với khả năng đưa chính sách tiền tệ theo các hướng ngược lại. Ví dụ, lạm phát có thể lên cao hơn với giá năng lượng tăng và các hạn chế mới trong việc di chuyển của mọi người và hàng hóa. Nếu chiến sự ở Ukraine tiếp tục kéo dài hoặc thậm chí trở thành thành một cuộc xung đột trên phạm vi lớn hơn, Fed có thể được kêu gọi để giữ thị trường đôla toàn cầu ổn định, một hành động có thể xung đột với kế hoạch thu hẹp tài sản của họ.
• OPEC+ giữ nguyên chiến lược khai thác bất chấp giá dầu tăng
– Ngày 2/3, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức 400.000 thùng/tháng vào tháng 4, bất chấp giá dầu tăng kỷ lục.
– Khối OPEC+ chung quan điểm giữ nguyên chiến lược khai thác dầu hiện nay trong bối cảnh giá dầu thế giới trong ngày 2/3 đã vượt ngưỡng 113 USD/thùng, mức cao nhất trong gần 8 năm, sau khi các nước phương Tây siết chặt trừng phạt Nga và tình trạng gián đoạn nguồn cung từ nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới.
– Theo báo cáo của OPEC, trong giai đoạn từ tháng 12/2021-1/2022, các thành viên OPEC đã tăng sản lượng thêm 64.000 thùng/ngày, đưa tổng sản lượng của khối lên 27,981 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày mà OPEC+ nỗ lực hướng tới kể từ tháng 8/2021, khi liên minh này bắt đầu thu hẹp dần các mức cắt giảm sản lượng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu, sau cú sốc do làn sóng lây nhiễm đầu tiên của dịch Covid-19.
2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Một quỹ Thái Lan dự kiến huy động hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán Việt Nam
– SCB Vietnam Equity Fund (SCBRMViet), một quỹ đầu tư do SCB Asset Management (Thái Lan) quản lý cho biết đang thực hiện huy động vốn từ ngày 1 -7/3 để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
– Quỹ dự kiến quy mô vốn huy động lên tới 3 tỷ Bath, tương đương 2.100 tỷ đồng. Số tiền huy động sẽ được quỹ giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các quỹ ETF, quỹ chủ động hoặc mua trực tiếp cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Theo công bố, SCB Vietnam Equity Fund sẽ phân bổ tỷ trọng 40% vào các quỹ ETF; 30% vào các quỹ tương hỗ và 30% trực tiếp vào các cổ phiếu trên sàn.
– Các quỹ ETF mà SCB Vietnam Equity Fund nhắm đến gồm có DCVFM VNDiamond ETF; DCVFM VN30 ETF; SSIAM VNFinlead ETF; FTSE Vietnam ETF, Premia MSCI Vietnam ETF. Trong khi đó, các quỹ chủ động mà SCB Vietnam Equity Fund dự tính đầu tư gồm Vietnam Equity Fund (do Dragon Capital quản lý), Lumen Vietnam Fund.
– Với các cổ phiếu riêng lẻ, SCB Vietnam Equity Fund có đề cập tới một vài lựa chọn như VCB, VHM và PNJ. Về tỷ trọng nhóm ngành, SCB Vietnam Equity Fund dự kiến phân bổ hơn 40% vào lĩnh vực tài chính, trong khi lĩnh vực Bất động sản là 18,5%.
– SCB Vietnam Equity Fund đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất Thế giới. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5% – 7% trong giai đoạn 2021 – 2025 và sẽ trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Đó là lý do quỹ lựa chọn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
• Giải ngân 50% gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng trong năm 2022
– Theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi kinh tế sẽ gồm: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục hướng dẫn và triển khai thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.
– Theo lãnh đạo của Bộ KT-ĐT, dự kiến trong năm 2022, sẽ giải ngân khoảng 50% của gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng.
– Trên thực tế, Bộ Tài chính đã nhanh chóng thực hiện các chính sách thuộc gói hỗ trợ. Ngay từ đầu năm, Bộ đã triển khai chương trình giảm thuế VAT. Cụ thể, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất còn 8%. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo quy định về cấp bù hỗ trợ lãi suất. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương đang chờ hướng dẫn do Bộ KH-ĐT soạn thảo về đầu tư công.
– Việc triển khai chính sách trong chương trình này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đề ra. Ngay từ đầu năm, các bộ, ngành đã bắt đầu xây dựng chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT
• Nước Thủ Dầu Một lên kế hoạch lãi giảm 28%, tăng 20% vốn trong năm nay
– Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, HĐQT Nước Thủ Dầu Một (HoSE: TDM) dự kiến trình kế hoạch sản xuất gần 72 triệu m3 nước, tiêu thụ 71 triệu m3 nước; đều tăng 12% so với năm trước.
– Tổng doanh thu giảm 16% về 510 tỷ đồng, trong đó doanh thu nước tăng 18% lên 494 tỷ đồng. Lãi sau thuế gần 236 tỷ đồng, giảm 28%. Cổ tức duy trì tỷ lệ 12% hoặc có tăng trưởng. Trong năm nay, công ty dự kiến tiếp tục đầu tư 2 tuyến ống nước thô cho nhà máy nước Dĩ An và Bàu Bàng.
– HĐQT dự kiến trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ khoảng 20%, tương đương 20 triệu cổ phiếu, được chia làm 2 đợt phát hành, mỗi đợt 10%. Công ty cho biết mục đích tăng vốn để đầu tư tài chính vào các công ty nước có tiềm năng và mua đất để đầu tư phát triển nhà máy. Vốn điều lệ của TDM hiện ở mức 1,000 tỷ đồng.
– Năm 2021, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng nước sản xuất và tiêu thụ của đơn vị thực hiện được 92% kế hoạch năm. Theo đó, doanh thu sản xuất nước 417 tỷ đồng, tăng 8% và đạt 92% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 328 tỷ đồng, tăng 90% và vượt 24% kế hoạch, chủ yếu nhờ nhận hơn 101 tỷ đồng cổ tức từ phiếu Biwase (HoSE: BWE) với tỷ lệ sở hữu hơn 37,4%.
• Doanh thu Dệt may TNG tháng 2 tăng trưởng 27%
– CTCP Đầu tư Thương mại TNG (HNX: TNG) thông báo doanh thu tháng 2 đạt 334 tỷ đồng, giảm 35% so với tháng trước và tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 2 tháng đầu năm, doanh thu đạt xấp xỉ 852 tỷ đồng, gấp lần lượt 1,46 lần và 1,66 lần thực hiện năm 2021 và 2020.
– Trước đó trong tháng đầu năm, Dệt may TNG đã có kết quả kinh doanh khởi sắc với mức doanh thu cao nhất trong 5 năm gần đây, đạt 514 tỷ đồng, tương đương mức tăng 62% so với cùng kỳ. Theo BCTC tháng 1, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 21 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước.
– Trong năm qua, công ty dệt may đạt kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử hoạt động. Cụ thể, đơn vị ghi nhận gần 5.444 tỷ đồng doanh thu và 233 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng 22% và 52% so với thực hiện năm 2020. Doanh nghiệp thực hiện 113% kế hoạch doanh thu và 133% kế hoạch lợi nhuận năm.
– Doanh nghiệp lý giải lợi nhuận tăng nhờ định hướng tập trung vào khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB (chủ động từ nguyên liệu đến thành phẩm). Cùng với việc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam, doanh nghiệp xác định rõ dòng hàng mục tiêu là các sản phẩm kỹ thuật, cao cấp. Đồng thời, đơn vị áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất lao động bằng việc sử dụng máy móc tự động, ứng dụng công nghệ 4.0 kiểm soát tình hình sản xuất của các nhà máy.
• Sao Ta báo doanh số tiêu thụ 2 tháng đầu năm tăng 81% đạt 40 triệu USD
– Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) thông báo tháng 2 là tháng có ngày hoạt động thấp trong năm, do nghỉ Tết Nguyên Đán. Do vậy, thành phẩm nhập kho và doanh số tiêu thụ cũng đạt thấp, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng mạnh.
– Cụ thể, thành phẩm tôm tháng 2 đạt 1.276 tấn, tăng 42% so cùng kỳ năm trước; thành phẩm nông sản 148 tấn, gấp 2,8 lần. Theo đó, doanh số tiêu thụ đạt 11,3 triệu USD, tăng 19%. Lũy kế 2 tháng, doanh số tiêu thụ đạt 40,2 triệu USD (~ 916,6 tỷ đồng), tăng 81% so với cùng kỳ năm trước.
– Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của Sao Ta có sự tăng trưởng khá tốt so cùng kỳ năm 2021. Trại tôm của công ty cũng đã hoàn tất thả giống vụ chính đúng tiến độ vào ngày 22/2.
– Vào cuối năm trước, Sao Ta công bố kết quả kinh doanh quý IV tăng trưởng mạnh với doanh thu 1.444 tỷ đồng, tăng 19%; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 65% đạt 105 tỷ đồng. Nguyên nhân nhờ thu hoạch tôm tự nuôi làm hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận. Lũy kế cả năm, doanh nghiệp tôm ghi nhận doanh thu 5.199 tỷ đồng, tăng 18%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 267 tỷ đồng, tăng 18% và lập kỷ lục mới trong lịch sử hoạt động. EPS đạt 5.025 đồng, tăng 20%.
4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
– VN-Index mở cửa phiên giao dịch 3/3/2022 với sự tích cực khi tăng điểm ngay từ đầu phiên. Mặc dù sau đó có sự giằng co nhưng đến phiên chiều thì bên mua đã hoàn toàn chiếm ưu thế, giúp chỉ số liên tục đi lên và đóng cửa ở mức cao nhất phiên 1.505 điểm, tăng 19,48 điểm (+1,31%). VN30 tăng 23,88 điểm (+1,59%) lên 1.522,49 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, HPG, VPB và GVR là ba cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index, trong đó, riêng HPG đóng góp 3,66 điểm vào mức tăng của chỉ số phiên ngày 3/3/2022, gấp 3,4 lần mức hỗ trợ của cổ phiếu đứng thứ hai là VPB. Ở chiều ngược lại, SAB, VJC, LGC giảm điểm, đã lấy đi của VN-Index tổng cộng 0,7 điểm.
– Về nhóm ngành, 10/10 nhóm ngành tăng điểm, mà nổi bật nhất là Nguyên vật liêu tăng 5,1%, trong đó nhóm Thép là tâm điểm của thị trường với nhiều cổ phiếu tăng mạnh: HPG tăng trần lên 50.100 đồng/cp với khối lượng giao dịch đột biến (gấp 3,4 khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất), HSG và NKG đều tăng 6,2%…
– Nhóm ngành Tài chính cũng có phiên giao dịch tích cực khi tăng +1,46%, trong đó tất cả cổ phiếu ngành Ngân hàng đều tăng điểm: VPB (+2,6%), CTG (+1,9%)… Ngoài ra, ngành Cảng biển, Vận tải, Dầu khí, Đường ghi nhận nhiều cổ phiếu kịch trần: GMD, HAH, PVC, SBT…
– Phiên giao dịch ngày 03/03/2022, khối ngoại mua ròng 539,55 tỷ đồng trên sàn HOSE, mua ròng 26 tỷ đồng trên sàn HNX. Trong đó, khối ngoại mua ròng nhiều nhất: DGC (87,21 tỷ đồng), DCM (66,99 tỷ đồng), STB (63,16 tỷ đồng), HPG (61,96 tỷ đồng).
– VN-Index tăng điểm tích cực trong phiên 3/3/2022 với sự dẫn dắt của ngành Thép cùng sự đồng thuận của nhiều nhóm ngành, đã mở ra bức tranh khả quan hơn cho chỉ số khi mà suốt thời gian qua thị trường giằng co đi ngang và phân hóa mạnh bởi thiếu ngành dẫn dắt.
– Trước mắt, vùng đỉnh lịch sử của VN-Index ở 1.520-1.535 điểm vẫn là kháng cự quan trọng của chỉ số. Nhà giao dịch lướt sóng nếu đang có tỷ lệ cổ phiếu lớn thì ưu tiên nắm giữ và quan sát khi chỉ số tiến đến vùng kháng cự trên, còn nhà giao dịch có tỷ lệ cổ phiếu nhỏ thì có thể giải ngân một phần với ngành đang thu hút dòng tiền. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục mua gom gia tăng tỷ trọng với những mã cổ phiếu tốt để nắm giữ.
———–
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0