Podcast ngày 24.02.2022 – Khách qua cảng hàng không đạt hơn 6 triệu trong tháng 2, tăng gần 58%

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 24/02/2022

DCALL (Kênh thông tin tài sản đầu tư) · Podcast – Khách qua cảng hàng không đạt hơn 6 triệu trong tháng 2, tăng gần 58%

1. Thông tin vĩ mô

• Mỹ và châu Âu áp loạt biện pháp trừng phạt mới lên Nga
– Các nước phương Tây ngày 22/2 công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh đưa quân vào hai vùng ly khai của Ukraine.
– Liên minh châu Âu (EU) và Anh tuyên bố nhằm vào các ngân hàng và giới tinh hoa của Nga, trong khi Đức đình chỉ quy trình phê chuẩn đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2 từ Nga – được xem là một trong những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất mà châu Âu có thể đưa ra nhằm vào Nga.
– Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ áp trừng phạt toàn diện lên những đợt phát hành mới của trái phiếu chính phủ Nga. “Điều đó đồng nghĩa loại Chính phủ Nga khỏi thị trường vốn phương Tây. Họ sẽ không thể huy động tiền từ phương Tây và không thể giao dịch trái phiếu mới của họ trên thị trường Mỹ hay châu Âu”.
– Các nỗ lực ngoại giao đang bế tắc, khi cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian huỷ các cuộc gặp dự kiến với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

• Thị trường địa ốc toàn cầu trước làn sóng tăng lãi suất
– Thời gian qua, các chương trình kích thích tài khóa và nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch đã đẩy giá nhà trên khắp thế giới tăng cao. Tuy nhiên, thị trường địa ốc đang trải qua giai đoạn ảm đạm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác hướng tới việc thắt chặt chính sách để kiềm chế lạm phát.
– Giá nhà tại 25 quốc gia, trong đó có Australia, New Zealand và Mỹ, đã tăng vọt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát với mức giá tổng hợp trong quý 3/2021 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas.
– Dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho thấy dư nợ cho vay thế chấp nhà tăng mạnh đã góp phần đưa nợ hộ gia đình toàn cầu lên mức kỷ lục 55.400 tỷ USD vào tháng 9 năm ngoái, tăng 6.000 tỷ USD so với trước đại dịch.
– Fed dự kiến sẽ bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 3. J.P. Morgan dự báo tăng trưởng đầu tư vào bất động sản sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 1% trong năm 2022, từ mức 9% năm 2021.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Khách qua cảng hàng không đạt hơn 6 triệu trong tháng 2, tăng gần 58%
– Cục Hàng không Việt Nam vừa cho biết trong tháng 2, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam điều hành 60.500 chuyến, tăng 157% so với cùng kỳ 2021. Trong số này, có 13.200 chuyến bay quá cảnh, tăng hơn 67% so cùng kỳ năm trước.
– Lượng khách thông qua các cảng hàng không trên cả nước đạt hơn 6,1 triệu lượt, tăng gần 58% so với tháng 2/2021. Trong đó, 105.000 khách quốc tế, tăng 350% so với tháng 2/2021. Khách nội địa đạt hơn 6 triệu, tăng hơn 56% so với tháng 2/2021.
– Ngoài ra, hàng hóa được vận chuyển thông qua đường hàng đạt 113.000 tấn, tăng gần 28% so với tháng 2/2021.
– Cũng trong tháng 2, các hãng hàng không nội địa vận chuyển hơn 3 triệu khách, tăng gần 57% so với tháng 2/2021. Trong đó, 39.400 khách quốc tế và gần 3 triệu khách nội địa.
– Liên quan đến tình hình vận chuyển vận nội địa, giai đoạn Tết Nguyên đán vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam cho biết nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến, vượt dự báo. Tại một số thời điểm có hiện tượng ùn tắc do quá tải, đặc biệt tại Tân Sơn Nhất. Đồng thời, yếu tố thời tiết bất thường ảnh hưởng tới việc cất hạ cánh vào một số thời điểm trong Tết Nguyên đán tại các cảng hàng không phía Bắc như Vinh (tỉnh Nghệ An), Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa), Nội Bài (Hà Nội) gây gián đoạn hoạt động, điều chỉnh lịch bay, ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại của hành khách và hoạt động của cả dây chuyền hàng không.
– Ngành hàng không tiếp tục đón nhận những tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây. Ngoài việc tăng trưởng lưu lượng khách sử dụng dịch vụ hàng không, các hãng bay còn đang đón chờ các chuyến bay quốc tế sôi động trở lại khi Việt Nam đã chính thức mở cửa từ ngày 15/3 đối với các hành khách quốc tế.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• DGW: Digiworld tìm trụ cột tăng trưởng mới sau khi mất vị thế độc quyền với Xiaomi
– Từ đầu năm nay, Xiaomi đã quyết định bổ sung Synnex FPT vào danh sách các nhà phân phối điện thoại và đồ gia dụng của họ tại Việt Nam, đặt Digiworld cùng Synnex FPT vào thế cạnh tranh trực diện.
– Trong tổng doanh thu năm ngoái của Digiworld, các sản phẩm mang thương hiệu Xiaomi chiếm gần 34%, tương đương 7.200 tỷ đồng.
– Lường trước kịch bản mất vị thế độc quyền với Xiaomi, Digiworld đã lên kế hoạch tìm kiếm trụ cột tăng trưởng mới, vừa có thể góp phần bù đắp khoản doanh thu từ Xiaomi có thể suy giảm, vừa bổ trợ những ngành hàng truyền thống sau nhiều năm khai thác. Whirlpool – một nhãn hàng trong ngành thiết bị gia dụng lần đầu tiếp cận thị trường Việt Nam được Digiworld chọn hợp tác.
– Ông Đoàn Hồng Việt- Tổng giám đốc Digiworld cho biết sẽ phân tích thị trường và khả năng tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, các dòng máy giặt, máy sấy, tủ lạnh (phân khúc cao cấp) và các thiết bị bếp sẽ được lựa chọn nhằm bắt đầu ghi nhận doanh thu từ quý II/2022.
– Năm ngoái, doanh thu của Digiworld đạt xấp xỉ 21.000 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2020. Mức tăng trưởng mạnh này được Tổng giám đốc Digiworld thừa nhận là “gánh nặng cho năm nay” để duy trì cam kết tăng trưởng 25%/năm.
– Việc duy trì vị thế độc quyền phân phối với Xiaomi trong thời gian dài đã thể hiện được năng lực khai thác thị trường của Digiworld. Song sau khi tăng mức độ nhận diện, hầu hết các nhãn hàng đều không chỉ hợp tác với một nhà phân phối để đưa doanh số chung của hãng tăng trưởng, đặt ra câu hỏi về dư địa tăng trưởng của DGW trong thời gian tới.

• Thế giới Di động (MWG) chuẩn bị phát hành hơn 19 triệu cổ phiếu ESOP
– Hội đồng quản trị CTCP Thế giới Di động (HoSE: MWG) thông qua việc phát hành hơn 19,2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ chủ chốt của công ty và các công ty con năm 2021 (ESOP), tương đương 2,7% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
– Cụ thể, trong hơn 19,2 triệu cổ phiếu nêu trên bao gồm gần 1,4 triệu cổ phiếu phát hành cho Ban điều hành/ cán bộ quản lý chủ chốt của công ty cùng các công ty con dựa vào kết quả kinh doanh năm 2020 đợt 2 và hơn 17,8 triệu cổ phiếu phát hành dựa vào kết quả kinh doanh năm 2021.
– Với giá chào bán bằng mệnh giá, tổng giá trị phát hành ESOP 2021 của MWG là hơn 192 tỷ đồng và sẽ khoảng 2.660 tỷ đồng nếu tính theo thị giá cổ phiếu MWG chốt phiên sáng 23/2.
– Phát hành ESOP luôn là chủ đề thường được cổ đông đặt ra với ban lãnh đạo MWG tại các buổi gặp mặt, với lo ngại pha loãng cổ phần. Song tại Đại hội thường niên năm 2021, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT cho rằng, nếu chính sách ESOP gây thiệt hại cho cổ đông thì chính ông là người bị ảnh hưởng lớn do nắm giữ khoảng 15% vốn.
– Năm 2021, MWG báo lãi ròng hơn 4.900 tỷ đồng, tăng 25% so với năm liền kề trước đó. Có 4 mục đích của được Hội đồng quản trị Thế giới Di động đưa ra cho đợt phát hành này gồm ghi nhận đóng góp của người lao động, tạo động lực, khuyến khích/ nâng cao vai trò trách nhiệm cũng như thu hút, giữ nhân cán bộ chủ chốt có năng lực.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Thị trường kết phiên sáng 23/02/2022 đầy ấn tượng khi các mức điểm số tăng đáng kể và độ rộng thị trường nghiêng hẳn về sắc xanh. VN-Index kết thúc phiên sáng tại vùng điểm cao nhất phiên; chỉ số này tăng 14.58 điểm. Trong khi đó, VN30-Index đi lên 12.01 điểm và HNX-Index tiến 6.96 điểm. Áp lực bán gia tăng tại buổi chiều khi chỉ số đụng ngưỡng 1,520 điểm. Kết thúc phiên, chỉ số quay về ngưỡng 1,512 điểm với khối lượng giảm chỉ còn hơn 22,000 tỷ trong phiên so với phiên hôm qua.
– Về mức độ ảnh hưởng, VJC, DIG và VIC là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index. Nhóm này đóng góp tổng cộng gần 2 điểm tăng cho thị trường. Trong khi đó, EIB, BID và NVL là những mã có ảnh hưởng không tốt lên chỉ số thị trường.
– Về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu dầu khí có phiên giao dịch tích cực khi giá dầu chạm mốc gần 99 USD/thùng. PVS, PVB, PVC bật tăng hết biên độ, nhưng hai mã lớn nhất có tác động tới chỉ số là GAS và PLX lại suy yếu.
– Nhóm ngân hàng tiếp tục cho thấy sự dịch chuyển của dòng tiền vào các cổ phiếu, khi TPB, MSB, VPB, VIB và CTG tăng điểm với khối lượng vượt lên trung bình trên 20 ngày.
– Khối ngoại mua ròng 154,68 tỷ đồng trên HOSE, bán ròng 27,98 tỷ đồng, mua ròng 22,6 tỷ đồng UPCoM. Tổng cộng, họ mua ròng 149,3 tỷ đồng.
– VN-Index xuất hiện khoảng trống tăng giá và đóng cửa ở trên vùng kháng cự 1,500-1,510 điểm (đỉnh cũ tháng 11/2021). Tuy nhiên, hình ảnh bóng trên dài (long upper shadow) cho thấy lực bán đã xuất hiện ở vùng giá cao khiến chỉ số thu hẹp mạnh đà tăng. Nếu vượt hoàn toàn được kháng cự tại vùng 1,500-1,510 điểm thì đà tăng của chỉ số sẽ được củng cố. Khi đó, mục tiêu tiếp theo của VN-Index sẽ là vùng đỉnh lịch sử vào tháng 01/2022.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0 

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest