Tùy từng trường hợp và vị thế trong thị trường, nhà đầu tư có những quyết định khác nhau để tối ưu nguồn vốn, khi giá cổ phiếu đột ngột giảm.
Phiên giao dịch ngày 24/9, thị trường chứng kiến sắc đỏ và xanh lơ ảm đạm, bởi dòng tiền đầu cơ tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ bị rút đáng kể. Kết phiên, VN-Index giảm gần 2 điểm, trong đó 75 mã cổ phiếu giảm sàn. Chứng khoán là nơi phản ánh thực trạng nền kinh tế trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường này lại chịu ảnh hưởng và biến động mạnh theo tâm lý của nhà đầu tư.
“Mua đỉnh, bán đáy” là điều không ai muốn khi tham gia vào cuộc chơi tài chính. Tuy vậy, những đợt giảm đột ngột của giá cổ phiếu có thể tạo ra tâm lý hoảng sợ, làm nhà đầu tư hành động theo cảm tính mà không nhìn rõ quy luật vận động của thị trường.
Vì sao giá cổ phiếu đột ngột giảm mạnh?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá cổ phiếu bất ngờ giảm. Cụ thể, doanh nghiệp có báo cáo kết quả kinh doanh kém, lượng cầu trong thị trường giảm hoặc cổ phiếu bị đội lái làm giá để gom hàng là những tình huống phổ biến dẫn đến giá giảm. Ngoài ra, các tin đồn, thông tin không xác thực cũng có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Trong đó, quy luật cung cầu của thị trường chứng khoán là lăng kính phản ánh tâm lý nhà đầu tư rõ ràng nhất. Khi nhu cầu của một loại cổ phiếu cao, giá thường đi lên. Ngược lại, khi một cổ phiếu không được ưa chuộng, giá có xu hướng giảm.
Giá cổ phiếu cũng dễ trượt dốc nếu doanh nghiệp thuộc nhóm ngành kém hấp dẫn, kết quả kinh doanh thua lỗ hoặc nền kinh tế hứng chịu những sự kiện “thiên nga đen”. Cú đánh úp của Covid-19 hồi đầu năm 2020 đã khiến toàn thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm mạnh. Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính, Covid-19 tác động tiêu cực, kéo chỉ số VN-Index giảm từ 1.000 điểm cuối năm 2019 xuống còn 645 điểm cuối tháng 3/2020. Nhiều mã cổ phiếu lao dốc bởi sự kiện “thiên nga đen” này.
Ngoài những yếu tố không mong muốn, giá cổ phiếu có thể bị một số nhà đầu tư – thường là những big boy (nhà đầu tư lớn) – điều chỉnh giảm bằng các thủ thuật khác nhau, nhằm gom được cổ phiếu giá rẻ. Lợi dụng tâm lý sợ bỏ lỡ (FOMO), “đội lái” thường “thả mồi” bằng những phiên tăng mạnh, kích thích nhà đầu tư cá nhân mua đuổi giá. Sau màn tạo sóng thành công, đội lái “thu lưới” cùng khoản lợi lớn, còn các nhà đầu tư nhỏ lẻ ngơ ngác vì vừa “mua đỉnh, bán đáy” với giá cổ phiếu liên tục lao dốc.
3 kịch bản ứng phó khi giá cổ phiếu lao dốc
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, chuyên gia chứng khoán Công ty Chứng khoán VNDirect, thị trường Việt Nam có lượng nhà đầu tư cá nhân và nhỏ lẻ đông đảo. Về cơ bản, những nhà đầu tư cá nhân mang theo nguồn thanh khoản dồi dào vào thị trường, nhưng phần đông lại thiếu tính chuyên nghiệp,dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông.
Khi thị trường điều chỉnh, các nhà đầu tư cá nhân hay phản ứng thái quá trước sự giảm giá của các mã đang nắm giữ, sự hoảng loạn này càng làm rung lắc thị trường. Do đó, điều đầu tiên mà nhà đầu tư cần làm khi cổ phiếu giảm giá là bình tĩnh, xem xét hiện tượng một cách lý trí, tránh để cảm xúc tiêu cực, hoang mang gây ảnh hưởng đến quyết định.
Tùy từng trường hợp và vị thế, nhà đầu tư có nhiều kịch bản để giảm thiệt hại, tối ưu nguồn vốn khi giá cổ phiếu giảm mạnh. Trong đó, ông Tuấn nêu ra ba phương án phổ biến thường được áp dụng để nhà đầu tư tham khảo.
Kịch bản đầu tiên là giữ cổ phiếu, chờ giá lên. Với chiến lược này, nhà đầu tư chỉ cần giữ lại tất cả cổ phiếu mất giá và bình tĩnh chờ giá quay đầu. Tuy vậy, chiến lược này đòi hỏi nhiều thời gian và tính rủi ro cao, bởi giá cổ phiếu có thể tiếp tục giảm chứ không tăng trở lại như kỳ vọng. Quốc Đạt (27 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi vào một mã penny tháng trước, không may vừa T3 mã này rớt thẳng 20%, mình lỗ hơn 10 triệu đồng. Gồng lỗ gần một tháng nay, tôi vớt vát được một chút nhưng vẫn lỗ hơn 7 triệu. Giá cổ phiếu có nhích lên lại nhưng rất chậm, tôi nắm cổ phiếu nhưng cũng thấp thỏm, sợ giá rớt tiếp thì mất trắng”.
Bởi tính chất rủi ro cao, phương pháp này chỉ nên áp dụng với nhà đầu tư không dùng đòn bẩy tài chính hoặc khi số lượng cổ phiếu nắm giữ quá nhỏ và giá giảm đột ngột, cắt lỗ không đủ để tái đầu tư. T. Linh (23 tuổi, TP.HCM) kể: “Do không tìm hiểu rõ mà mua theo số đông, tôi vào ngay đỉnh. Giá cổ này lao dốc liên tục, tôi cũng không thiết tha cắt lỗ nữa mà bỏ mặc đó, hy vọng biết đâu tương lai lên lại”.
Phương án thứ hai để bảo tồn nguồn vốn khi giá cổ phiếu đi xuống là bán thật nhanh và tái đầu tư. Ông Tuấn nhận xét nhà đầu tư cần đánh giá cổ phiếu đang sở hữu có thật sự mất giá hay chỉ đang ở trong thời kỳ điều chỉnh. Khi đã xác định rút lui khỏi mã này, nhà đầu tư cần tỉnh táo áp dụng ngay chiến lược cắt lỗ đã đặt ra từ trước. Không nên giữ thái độ trì hoãn, cố chờ thêm hy vọng giá cổ phiếu tăng trở lại trước những biến động bất thường của thị trường nhằm tránh lỗ ngày càng lớn.
Cuối cùng, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua thêm khi giá cổ phiếu đang ở mức thấp với mục tiêu trung bình giá xuống. Tuy nhiên, hướng hành động này chỉ áp dụng với những mã cổ phiếu mạnh, hoặc có tiềm năng tăng trưởng trở lại. “Thị trường chung về cơ bản sẽ tăng trưởng trong dài hạn. Do đó, phương án này phù hợp với những người đầu tư vào giá trị và tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu hơn là biến động của giá cả trong ngắn hạn”, ông Tuấn nhận xét.
Bên cạnh những kịch bản ứng phó, ông Tuấn cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên xác định trước khi nào sẽ bán ra cổ phiếu (điều kiện giá, sự vi phạm yếu tố kỹ thuật, vấn đề cơ bản) ngay khi bắt đầu mua vào; hay nói cách khác là “Mua vì gì thì bán khi lý do đó bị vi phạm”. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên tích cực học hỏi và đúc rút kinh nghiệm trong quá trình đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên tự trang bị nền tảng kiến thức tài chính, hoặc tìm đến sự hỗ trợ của các công ty chứng khoán chuyên nghiệp để được tư vấn, hỗ trợ chiến lược đầu tư phù hợp nhất.
Hiện nay trên thị trường có nhiều công ty chứng khoán như VNDirect cung cấp các khóa học trau dồi kỹ năng, kiến thức đầu tư và dịch vụ tư vấn chọn lọc, phân tích đầu tư để khách hàng nắm bắt quy luật vận hành của thị trường. VNDirect cũng thường xuyên cập nhật các tài liệu kỹ thuật, thông tin kinh tế, báo cáo và phân tích doanh nghiệp để nhà đầu tư theo dõi, nhận định.
Để mở tài khoản và bắt đầu giao dịch chứng khoán tại VNDIRECT, nhà đầu tư hãy để lại thông tin đăng ký tại đây. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, nhà đầu tư có thể liên hệ ngay với Tổng đài 1900 5454 09 hoặc Hòm thư hỗ trợ support@vndirect.com.vn. |
Tuyến nội dung được hợp tác sản xuất bởi VNDIRECT và Zingnews
Xem toàn bộ các bài viết trong chuyên mục tại đây.