Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 29/01/2021
1. Tin tức vĩ mô thế giới
Núi nợ vay của doanh nghiệp nhỏ phủ bóng đen lên các ngân hàng châu Âu
Ước tính có khoảng 25% doanh nghiệp ở khu vực eurozone có thể đối mặt các vấn đề về dòng tiền và có nguy cơ vỡ nợ trong năm nay nếu không nhận được thêm sự hỗ trợ từ chính phủ của họ.Cho đến nay, tình trạng khó khăn tài chính của những doanh nghiệp này chưa lan sang các ngân hàng nhờ một loạt chương trình cứu trợ kinh tế của các chính phủ châu Âu, bao gồm hoãn trả nợ vay, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ trả lương cho doanh nghiệp. Song các cơ quan quản lý và giới phân tích cho rằng các biện pháp này chỉ giúp trì hoãn các vấn đề.
Các hệ thống ngân hàng ở khu vực Nam Âu, nơi có các nền kinh tế phụ thuộc lớn hơn vào các doanh nghiệp nhỏ, thường cho các doanh nghiệp nhỏ vay với tỉ trọng lớn. Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s ước tính doanh nghiệp nhỏ chiếm 25% dư nợ cho vay của ngân hàng dành khu vực tư nhân tại Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, so với mức 11% ở Đức. Tính đến tháng 9 năm ngoái, doanh nghiệp nhỏ chiếm 46% tổng dư nợ cho vay kinh doanh của Ngân hàng Bankia (Tây Ban Nha).
Dưới sức ép của đại dịch Covid-19, gần đây, Bankia đã đồng ý sáp nhập vào đối thủ lớn hơn, Ngân hàng CaixaBank. Hai ngân hàng lớn nhất Ý, UniCredit và Intesa Sanpaolo, cũng lần lượt có 30% và 50% tổng dư nợ cho vay kinh doanh dành cho các doanh nghiệp nhỏ. Các khoản cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ có xu hướng chiếm tỷ lệ nợ xấu cao hơn vì họ dễ tổn thương và vỡ nợ nhanh hơn. “Chúng tôi đã thành lập đường dây nóng hỗ trợ và nhận được các cuộc gọi của nhiều chủ doanh nghiệp đang tuyệt vọng và không biết làm gì để duy trì hoạt động kinh doanh. Mọi người khóc trên điện thoại và tôi thậm chí lo sợ rằng một số người đang nghĩ đến tự tử”, Giuseppe Palmisano, chủ tịch một hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ ở Ý, nói.
Chủ tịch Fed: ‘Vẫn còn quá sớm để nói tới chuyện cắt giảm quy mô mua tài sản’
Đúng như kỳ vọng của thị trường, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) giữ nguyên lãi suất gần mức 0% và duy trì chương trình mua tài sản ở mức ít nhất 120 tỷ USD/tháng. “Nền kinh tế còn cách xa các mục tiêu của chính sách tiền tệ và lạm phát, đồng thời có khả năng mất thời gian dài để nền kinh tế đạt được tiến triển đáng kể”, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách. “Chính sách tiền tệ sẽ nghiêng về hướng nới lỏng ở mức cao khi đà hồi phục diễn ra”, ông nói thêm.
Dù lạm phát đang ở mức thấp, nhưng nhà đầu tư lo ngại Fed có thể bắt đầu giảm mức độ mua tài sản đột ngột nếu các điều kiện thị trường thay đổi. Điều này sẽ khiến thị trường “nổi cơn tanh bành” (taper tantrum).“Còn quá sớm để nói tới chuyện giảm quy mô mua tài sản. Chúng tôi muốn chứng kiến nền kinh tế tiến triển đáng kể và hướng về các mục tiêu chính sách tiền tệ trước khi điều chỉnh các chỉ tiêu mua tài sản”, ông Powell nói. “Vẫn còn quá sớm để nói về thời điểm. Chúng tôi nên tập trung vào những tiến triển cần thiết”.
Ông lặp lại cam kết rằng thị trường sẽ nhận được nhiều lời cảnh báo trước khi quá trình giảm quy mô mua tài sản thực sự diễn ra. “Khi nhận thấy chúng tôi đang dần tiến tới thời điểm cần cắt giảm quy mô, chúng tôi sẽ truyền tải điều đó một cách rõ ràng cho công chúng để chẳng ai phải ngạc nhiên khi thời điểm đó đến. Đồng thời, chúng tôi sẽ truyền tải điều đó trước khi thực sự cân nhắc tới chuyện giảm dần quy mô mua tài sản”, ông Powell nói.
Đà hồi phục chữ K khiến bức tranh kinh tế thế giới thêm rối rắm
Bức tranh của nền kinh tế kinh tế thế giới đang đan xen những mảng sáng tối rõ rệt, với ngành công nghiệp sản xuất, bao gồm ngành bán dẫn và ô tô đang phục hồi nhanh chóng, thậm chí quá nóng nhưng ngành dịch vụ bao gồm du lịch và nhà hàng, vẫn chịu tổn thương do tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19. Trong một bài viết trên tờ Nikkei Asian Review hôm 24-1, hai cây bút Kazuya Manabe và Yoichiro Hiroi nhận định mức tăng giá tài sản đang khác nhau giữa các ngành và điều này càng cho thấy rõ rằng đà tăng điểm của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu hiện nay không phản ánh sức khỏe hiện tại của nền kinh tế thực. Theo Hiệp hội Nhà hàng Mỹ, tính đến tháng 12 năm ngoái, có hơn 110.000 nhà hàng ở Mỹ hoặc đóng cửa vĩnh viễn hoặc đóng cửa trong dài hạn. Giá phòng khách sạn ở Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đang giảm mạnh hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Các dữ liệu sơ bộ cho thấy tăng trưởng GDP của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) quí cuối năm 2020 dự kiến rơi vào vùng âm. Trong khi đó, Nhật Bản cũng có nguy cơ tăng trưởng âm trong quí 1-2021 khi dịch Covid-19 đang tái trỗi dậy ở nước này. Trong khi nền kinh tế thực của nhiều nước hướng đến đợt suy giảm khác do làn sóng phong tỏa mới, các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đang ở các mức đỉnh của lịch sử với tổng vốn hóa toàn cầu cán mức 100.000 tỉ đô la Mỹ lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái. Tính đến hôm 22-1, con số này đã tăng lên 6%, lên mức 105.000 tỉ đô la, theo dữ liệu của hai công ty ty nghiên cứu Quick (Nhật Bản) và FactSet (Mỹ). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP danh nghĩa của toàn cầu trong năm 2021 là 91.000 tỉ đô la. Điều này đánh dấu một kỷ nguyên bất thường khi vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu cao hơn tổng giá trị GDP toàn cầu.
Fumio Matsumoto, nhà chiến lược trưởng ở Công ty chứng khoán Okasan Securities (Nhật Bản), nói: “Nền kinh tế càng xấu, giá cổ phiếu càng tăng cao do giới đầu tư kỳ vọng các chính phủ sẽ tung thêm các biện pháp kích thích”.Hiện nay, các chính phủ trên thế giới đã triển khai các gói kích thích với tổng giá trị 12.500 tỉ đô la để cứu vãn nền kinh tế trong đại dịch Covid-19. Các chính sách tiền tệ và tài khóa này sẽ càng làm nới rộng thêm chênh lệch thu nhập giữa những người lao động thuộc tầng cấp thấp trong xã hội và những người giàu, đang hưởng lợi nhờ giá trị tài sản bao gồm cổ phiếu tăng mạnh.Mặt khác, nếu rủi ro lạm phát tăng lên do giá tài sản tăng và cơn bùng nổ của ngành sản xuất, các thị trường tài chính có thể chứng kiến giới lãnh đạo ngân hàng trung ương siết chặt tiền tệ. Hai cây bút Kazuya Manabe và Yoichiro Hiroi cảnh báo nếu điều này xảy ra, thị trường chứng khoán sẽ trải qua một cú lao dốc mạnh..
2. Tin tức vĩ mô Việt Nam
Cạnh tranh gay gắt trong thu hút FDI
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng việc FDI vào Trung Quốc vẫn tăng mạnh trong năm 2020 cho thấy rằng, cạnh tranh thu hút FDI thực sự không hề đơn giản. Và Việt Nam không dễ để thay thế Trung Quốc, trở thành “công xưởng” của thế giới. Cuối năm ngoái, tờ Wall Street Journal đã gây chú ý khi có một bài báo khẳng định rằng, phải mất nhiều năm để Việt Nam và các khu vực sản xuất khác đủ khả năng thay thế Trung Quốc. Còn Brand Finance, Economist Intelligence Unit dù mới đây đều đưa ra các báo cáo khẳng định, Việt Nam sẽ trở thành “thiên đường sản xuất mới” ở Đông Nam Á, rất hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp Mỹ đang muốn chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh những căng thẳng do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, song cũng không quên nhấn mạnh về một trung tâm sản xuất “bên cạnh Trung Quốc”.
Tuy vậy, một cách rất rõ ràng, xu hướng các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam là có thật. Chỉ trong đầu năm nay, đã có một loạt dự án quy mô lớn đổ vào Việt Nam. Hơn thế nữa, UNCTAD còn dự báo, FDI toàn cầu có thể “chạm đáy” trong năm nay, trước khi tăng trở lại vào năm 2022, với nguyên nhân vẫn xuất phát từ những yếu tố không chắc chắn về diễn biến của đại dịch Covid-19.“Miếng bánh” không những không tăng, mà thậm chí còn nhỏ đi, khiến cạnh tranh thu hút FDI sẽ gay gắt hơn. Dù hiện tại, Việt Nam đang có nhiều lợi thế và cơ hội đón dòng đầu tư từ xu hướng “Trung Quốc +1” là có thật, song nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng, cơ hội để trở thành trung tâm sản xuất mới ở Đông Nam Á có thể sẽ vuột đi…
Bất ngờ vốn ngoại vào Việt Nam sụt giảm hơn 60% tháng đầu năm 2021
Cụ thể theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), tính từ đầu năm 2021 đến ngày 20-1 vừa qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chỉ đạt gần 2,02 tỉ đô la, bằng 37,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 1,51 tỉ đô la, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Kết quả này hoàn toàn trái ngược với sự nhộn nhịp về việc ký kết, trao cấp phép đầu tư, và tìm kiếm cơ hội đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều tỉnh thành trong tháng đầu năm 2021, cũng như những thông tin tốt về cơ hội thu hút đầu tư của Việt Nam do đại dịch Covid-19 và sự dịch chuyển đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung…Cụ thể theo số liệu thống kê của MPI, trong tháng 1 này cả nước có 47 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 81,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt trên 1,3 tỉ đô la, giảm 70,3% so với cùng kỳ.
Trong tháng đầu tiên của năm 2021 này, dự án Nhà máy Kodi New Material Việt Nam (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 270 triệu đô la với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại tỉnh Bắc Giang là dự án FDI mới có vốn đăng ký lớn nhất. Về vốn điều chỉnh, có 46 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 40,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 472,2 triệu đô la, tăng 41,4% so với cùng kỳ. Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 194 lượt GVMCP của nhà ĐTNN, giảm 78,1% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 220,8 triệu đô la, giảm 58,7% so với cùng kỳ. Trong tháng đầu năm, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 14 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 1,54 tỉ đô la, chiếm 76,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 179 triệu đô la, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực vận tải kho bãi, nông lâm nghiệp thủy sản.
3. Các kênh đầu tư
Goldman Sachs và JPMorgan đồng loạt khuyên nhà đầu tư giờ là lúc bắt đáy
Các “tay to” trên phố Wall đang đồng loạt khuyến nghị nhà đầu tư nên thực hiện chiến lược bắt đáy, với dự báo rằng gói kích thích kinh tế và đà hồi phục của kinh tế toàn cầu sẽ hỗ trợ thị trường trong thời gian tới. Các chiến lược gia từ Goldman Sachs, JPMorgan và Evercore là những cái tên mới nhất tham gia vào danh sách dự đoán thị trường sẽ “quay đầu”.
“Nên nhìn nhận đây là 1 đợt điều chỉnh trong 1 chu kỳ mới, và nhiều khả năng khi thị trường hồi phục trở lại thì động lực chính sẽ đến từ những cổ phiếu giá trị và mang tính chu kỳ nhiều hơn”, Peter Oppenheimer, chiến lược gia trưởng tại Goldman Sachs phát biểu trên Bloomberg Television. Trong bản tin gửi các khách hàng hôm qua, chuyên gia Marko Kolanovic của JPMorgan khuyến nghị nhà đầu tư không nên để tâm đến những cảnh báo về bong bóng chứng khoán và hãy tận dụng thời điểm hiện tại để tích lũy thêm cổ phiếu.
“Bất kỳ khi nào thị trường điều chỉnh và đặc biệt nếu nguyên nhân xuất phát từ cộng đồng đầu cơ và liên quan đến những cổ phiếu penny, đó chính là cơ hội mua vào”. Chuyên gia Rich Ross của Evercore cũng khuyên nhà đầu tư bắt đáy chỉ số S&P 500, cho rằng chỉ số này về cơ bản là khỏe mạnh “trong bối cảnh kinh tế vĩ mô sáng sủa có lợi cho thị trường chứng khoán”.”Diễn biến giá vừa qua cho thấy cú lao dốc đêm qua chủ yếu mang tính điều chỉnh và không phải là dấu chấm hết cho chiến lược mua vào mọi thứ”, Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại Oanda Asia Pacific nhận xét.