Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 20/01/2021
1. Vĩ mô quốc tế
Mỹ trừng phạt tàu Nga liên quan dến ‘Dòng chảy phương Bắc 2’, Đức không đồng tình
Truyền thông Đức cho biết Mỹ sẽ chính thức áp lệnh trừng phạt lên tàu chuyên dụng Fortuna và chủ sở hữu của tàu này là công ty KVT-RUS của Nga từ ngày 19/1 vì liên quan tới việc lắp đặt đường ống thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).
Việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải sự phản đối của một vài quốc gia, trong đó Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất do lo ngại dự án này sẽ khiến châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Washington sang khu vực. Trong khi đó, Đức khẳng định, dự án này là dự án kinh tế thuần túy, mang lại lợi ích cho châu Âu.
Theo truyền thông Đức, chính phủ Đức và các đối tác châu Âu khác đã được thông báo về quyết định của Washington và đây sẽ là lần đầu tiên các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 được hiện thực hóa. Đức và các đồng minh châu Âu đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc Washington sử dụng biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm can thiệp vào các chính sách đối ngoại và năng lượng của họ.
COVID-19 khiến kinh tế thế giới thiệt hại trên 10.000 tỷ USD
Thiệt hại về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra là khó có thể đong đếm. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, nền kinh tế thế giới ước giảm 4,3% trong năm 2020, một mức suy giảm chỉ xảy ra trong cuộc Đại suy thoái và trong hai cuộc chiến tranh thế giới.
COVID-19 khiến kinh tế thế giới thiệt hại trên 10.000 tỷ USD. Tuy nhiên, theo tạp chí The Economist của Anh, con số thiệt hại trên là chưa đầy đủ khi mới chỉ so với quy mô của nền kinh tế thế giới trước đại dịch, chứ chưa so với quy mô sẽ đạt được của nền kinh tế thế giới nếu đại dịch COVID-19 không xảy ra.
Vào thời điểm đó, WB dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 2,5% trong năm 2020, đạt mức 86.000 tỷ USD. So với con số đó, GDP toàn cầu năm 2020 có lẽ đã mất đi 6,6%, tương đương khoảng 5.600 tỷ USD.
Ngân hàng Thế giới dự báo, trong năm 2021, nền kinh tế thế giới có thể sẽ phát triển nhanh một cách không bình thường nhờ việc triển khai vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, ngay cả khi dự báo này đúng và không có thêm biến cố nào xảy ra, sản lượng kinh tế thế giới năm 2021 sẽ vẫn thấp hơn 5,3% so với dự báo của WB trước đại dịch, mất thêm gần 4.700 tỷ USD. Cộng hai con số này với nhau, trong năm 2020 và 2021, đại dịch COVID-19 đã gây tổn thất 10.300 tỷ USD cho sản lượng kinh tế toàn cầu: Hàng hóa và dịch vụ mà thế giới có thể đã sản xuất ra nếu không bị ảnh hưởng.
ECB có thể chưa thay đổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng
Nhà phân tích tại Capital Economics, Andrew Kenningham, cho rằng các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ nhắc lại rằng sẽ làm những gì cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch.
Sự gia tăng số ca mắc COVID-19 và lượng vaccine được sản xuất đợt đầu thấp hơn dự kiến có thể gây áp lực lên các thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại cuộc họp ngày 21/1, nhưng họ được cho là sẽ chưa có hành động mới.
Hội đồng điều hành gồm 25 thành viên của ECB có thể sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng sau khi đã bơm thêm tiền kích thích nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tại cuộc họp vào tháng trước.
ECB đã tăng quy mô chương trình mua trái phiếu khẩn cấp thêm 500 tỷ euro (600 tỷ USD), lên 1.850 tỷ euro và kéo dài chương trình này đến tháng 3/2022. ECB cũng thông báo cấp thêm các khoản vay với lãi suất rất thấp cho các ngân hàng.
2. Vĩ mô Việt Nam
Chủ tịch UBCK: Hệ thống mới của HoSE hoạt động vào cuối năm nay
Sáng ngày 19/1, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết vì Covid-19 nên sau quá trình đàm phán kéo dài 5-6 tháng, các chuyên gia Hàn Quốc hiện đã tới TP HCM để hỗ trợ HoSE triển khai phần mềm cho hệ thống mới. Ngay sau Tết Nguyên đán, HoSE sẽ triển khai thử nghiệm (test) với các công ty chứng khoán.
Người đứng đầu cơ quan quản lý thừa nhận hệ thống HoSE thời gian qua quá tải, nhiều nhà đầu tư không đưa được lệnh vào hệ thống. UBCK cùng HOSE, HNX, VSD họp với nhiều CTCK đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, việc nâng lô chẵn giao dịch từ 10 lên 100 là giải pháp theo chuẩn mực quốc tế nhưng thực hiện sớm hơn kế hoạch. Tuy nhiên, việc nâng lô thì giúp giãn một phần lệnh nhưng chưa giải quyết được triệt để, hiện tượng nghẽn lệnh sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tời. UBCKNN yêu cầu HoSE có nhiều giải pháp như tư vấn nhà đầu tư đặt 2-3 bước giá, không xẻ lệnh. Công ty chứng khoán không sử dụng và không tư vấn cho nhà đầu tư sử dụng robot.
Chính vì sự chậm trễ đưa vào vận hành hệ thống mới do ảnh hưởng Covid-19, Chủ tịch UBCKNN cho biết việc Việt Nam được nâng hạng thị trường trong năm nay là “một điều rất thần kỳ”. Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều bước tiến đến gần mục tiêu đó như chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số MSCI cho thị trường cận biên. FTSE Russell giữ Việt Nam tại bảng theo dõi nâng hạng trong khi trong buổi tiếp xúc gần nhất, UBCKNN đã cung cấp nhiều thông tin cho MSCI. Theo ông Dũng, phải tới năm 2022, Việt Nam đạt các yêu cầu nâng hạng lên thị trường mới nổi và sớm nhất tới năm 2023-2024 thực hiện được mục tiêu.
Margin toàn thị trường 81.000 tỷ đồng, chưa tới 1 lần vốn chủ sở hữu của các CTCK
Trao đổi ngày 19/1, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho rằng không có việc siết thêm dòng vốn cho vay chứng khoán vì các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất chặt chẽ. Tỷ lệ cho vay các cá nhân và các CTCK để cho vay ký quỹ (margin) là cực nhỏ – chỉ chiếm 0,3% trong tổng tín dụng. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu trên các khoản cho vay chứng khoán là rất nhỏ. Chính vì vậy, ông Dũng hi vọng các điều kiện cho vay đối với TTCK được nới rộng trong thời gian tới.
Người đứng đầu Ủy ban nói lượng margin có tăng, đặc biệt từ tháng 7, tháng 8 năm ngoái nhưng mức tăng vẫn thấp hơn thanh khoản thị trường. Cung cấp thêm số liệu cụ thể, ông Phạm Hồng Sơn Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết thanh khoản thị trường tăng 59% thì margin tăng 58% – tức là tương ứng mức tăng của thanh khoản. Dòng tiền vào thị trường chứng khoán mạnh mẽ trong thời gian vừa qua là dòng tiền của nhà đầu tư mới (F0), chứ không chỉ có dòng tiền margin.
Ông Sơn cho biết thêm dư nợ margin tới 31/12/2020 là gần 81.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của các CTCK tính tới quý IV/2020 là 87.000 tỷ đồng. Theo quy định, các công ty chứng khoán không được cho vay quá 2 lần vốn chủ sở hữu trong khi tỷ lệ hiện tại chưa tới 1 lần.
Phó Chủ tịch UBCK cho rằng hoạt động margin hiện nay được quản lý chặt chẽ và các CTCK quản lý chuyên nghiệp dựa trên hệ thống công nghệ thông tin. Đồng thời, CTCK cũng chủ động đưa ra hệ thống cấp margin phù hợp để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư và chính hoạt động cho vay. Tuy nhiên, Chủ tịch UBCKNN cũng lưu ý tỷ lệ cho vay ký quỹ tăng xuất hiện rủi ro tiềm ẩn khi thị trường đảo chiều. Vì vậy, nhà đầu tư phải tự quản lý việc sử dụng margin của chính mình.
Bộ Công Thương đề nghị xuất khẩu hơn 1,5 triệu tấn than
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị cho phép Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Tổng công ty Đông Bắc xuất khẩu hơn 1,5 triệu tấn than. Trong số này, Bộ Công Thương đề xuất để Tập đoàn Than khoáng sản (TKV) xuất khẩu 1,5 triệu tấn; Tổng công ty Đông Bắc xuất khẩu 50.000 tấn. Trong đó, số lượng than cám các loại 1, 2, 3 là hơn 1 triệu tấn.
Theo Bộ Công Thương, con số này chỉ tương đương với nhu cầu than của 1 nhà máy nhiệt điện có công suất dưới 600 MW và chiếm tỷ lệ chỉ khoảng hơn 1% so với dự kiến tổng công suất điện huy động toàn quốc năm 2021. Mặt khác, nếu sử dụng than cám 1, 2, 3 cho sản xuất điện sẽ gây lãng phí rất lớn và không nâng cao được giá trị sử dụng tài nguyên than. Trong khi đó, đánh giá về hiệu quả kinh tế của xuất khẩu than, Bộ Công Thương nêu rõ, theo dự báo của thị trường than thế giới, giá xuất khẩu than cám 1, 2, 3 của VN năm 2021 khoảng 121 USD/tấn (2.815.670 đồng/tấn) đối với than cám 1; khoảng 118 USD/tấn (2.745.860 đồng/tấn) với than cám 2; khoảng 107 USD/tấn (2.489.890 đồng/tấn) với than cám 3. Như vậy, nếu xuất khẩu than cám 1, 2, 3 thì giá trị kinh tế thu về sẽ cao hơn (khoảng 50.000 – 210.000 đồng/tấn) so với tiêu thụ tại thị trường trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo số liệu của 2 doanh nghiệp, con số xin xuất khẩu năm nay giảm đáng kể so với số được duyệt năm ngoái. Theo đó, năm 2020, TKV và Tổng công ty Đông Bắc được đồng ý xuất khẩu 2,05 triệu tấn (TKV là 2 triệu tấn và Tổng công ty Đông Bắc là 50.000 tấn), nhưng lượng than xuất khẩu năm 2020 chỉ đạt khoảng 34,8% kế hoạch, với 714.000 tấn, do các khách hàng truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, một số nước khu vực Đông Nam Á… giảm nhu cầu sử dụng than.