Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 13/01/2021
1. Vĩ mô quốc tế
Bloomberg: Trung Quốc sẽ tiếp tục vỡ nợ kỷ lục trong năm 2021
Năm 2021, số vụ vỡ nợ của các công ty Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vượt qua cả mức kỷ lục năm ngoái do chính sách tiền tệ bị thắt chặt gây áp lực lớn cho người đi vay, theo công ty chứng khoán China Merchants Securities. “NHTW sẽ triển khai chính sách tiền tệ thận trọng hơn trong năm nay”, Yuze Li, chuyên gia phân tích tín dụng tại China Merchants Securities nhận định. “Số công ty phải chịu áp lực tìm nguồn vốn sẽ tăng lên. Số vụ vỡ nợ sẽ tăng 10-30% so với năm 2019”.
Với đà hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế, các cơ quan quản lý Trung Quốc đang có nhiều dư địa hơn để tập trung vào việc giảm khối lượng nợ trong hệ thống tài chính. Đó là 1 áp lực mới xuất hiện trở lại đối với các công ty Trung Quốc: trong 6 tháng cuối năm 2020, số vụ vỡ nợ trung bình mỗi tháng trên thị trường nội địa tăng 47% lên 13,6 tỷ nhân dân tệ, so với mức 9,2 tỷ trong nửa đầu năm. Trên thị trường trái phiếu niêm yết bằng đồng USD, lĩnh vực tài chính chiếm khoảng 43% tổng số vụ vỡ nợ, theo sau là công nghệ và năng lượng. Lần đầu tiên trên thị trường trái phiếu nội địa có 5 công ty quốc doanh vỡ nợ, con số cao nhất kể từ 2016.
Trên thị trường hải ngoại, mối quan tâm lớn của nhà đầu tư trong năm nay sẽ là những trái phiếu “keepwell”. Đó là điều khoản yêu cầu 1 công ty Trung Quốc phải cam kết giữ cho chi nhánh ở nước ngoài – cũng là nơi phát hành trái phiếu – không phá sản nhưng cũng không cần đảm bảo chi nhánh đó sẽ thanh toán cho các trái chủ. Thông thường công ty mẹ sẽ mua tài sản hoặc cổ phần ở công ty con như 1 cách để tài trợ cho các khoản thanh toán phát sinh từ số trái phiếu phát hành ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong vụ vỡ nợ của Peking University Founder Group tháng 8 năm ngoái, công ty mẹ là Tsinghua Unigroup – nhà sản xuất chip được hậu thuẫn bởi trường ĐH Thanh Hoa danh giá – đã từ chối thực hiện nghĩa vụ đối với 5 lô trái phiếu “keepwell”. Một số nhà đầu tư đã đem vụ việc ra tòa.
“Rất khó khăn để chính quyền Biden tham gia lại Hiệp định TPP”
Dane Chamorro, Giám đốc điều hành cấp cao tại Control Risks và cũng là cựu quan chức ngoại giao Mỹ cho biết, rất khó để chính quyền Biden tham gia lại thỏa thuận thương mại. “Nhưng bạn phải nghĩ rằng về mặt chính trị, ở cả hai phía, ý tưởng tự do hóa thương mại ngay bây giờ thực sự không phổ biến lắm”, ông cũng nói với CNBC
“Tôi cho rằng kỷ nguyên đó đã qua trên bình diện đa phương. Tôi nghĩ nước Mỹ đã trải qua kỷ nguyên đó một thời gian. Nếu bạn là dân biểu hay thượng nghị sĩ, bất kể bạn đến từ đảng nào, điều đó thực sự khó khăn. Tôi không nghĩ điều đó sẽ nằm trong danh sách ưu tiên”, Chamorro cho biết thêm. Sau khi Mỹ rút lui, 11 quốc gia thành viên còn lại đã trao đổi và đổi tên hiệp định vào năm 2018. Kết quả là Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – còn được gọi là TPP 11 đã ra đời.
Cựu thượng nghị sĩ Bob Corker đã nói tại Hội nghị thượng đỉnh châu Á của Viện Milken vào tháng 12 rằng, TPP là một “cơ hội bị bỏ lỡ” để Mỹ “gây nhiều áp lực” lên Trung Quốc. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump thường xuyên nêu rõ các vấn đề với các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc như trợ cấp cho các công ty nhà nước và việc thiếu bảo hộ sở hữu trí tuệ.“Sẽ là một bước tiến quan trọng nếu chính quyền Biden có thể tìm ra cách để xây dựng lại một liên minh như TPP”, Corker, người từng là thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của Tennessee từ năm 2007 đến 2019 cho biết.
2. Vĩ mô Việt Nam
Giao dịch T+0 và bán khống vẫn phải chờ CCP
Theo Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) phải được triển khai trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (1/1/2021). Trong thời gian chưa triển khai, hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán được thực hiện theo quy định tại Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Như vậy, thời hạn áp dụng hệ thống CPP sẽ là 3 năm sau ngày nghị định có hiệu lực. Hệ thống CCP được cho là sẽ giải quyết được triệt để vấn đề giao dịch trong ngày (giao dịch T+0), bán khống hay giảm tỷ lệ ký quỹ thanh toán. Hiện nhà đầu tư phải có đủ 100% tiền tại thời điểm đặt mua cổ phiếu – điểm trừ duy nhất khiến Việt Nam chưa được FTSE Russell nâng hạng. Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết với CCP, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ 10-20% giá trị mua.
Cũng theo ông Sơn, giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về đã có cơ sở pháp lý nhưng phải dựa trên nền tảng công nghệ. Việt Nam đang đầu tư gói thầu công nghệ toàn thị trường và dự kiến vận hành vào 2021.Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định thời điểm sớm nhất để hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mới là nửa sau năm 2021, nghĩa là năm 2022 là thời điểm sớm nhất để triển khai CCP.
Xuất siêu sang nhiều thị trường có FTA
Mức tăng trưởng xuất khẩu 6,5%, với 281,5 tỷ USD được xem là kỳ tích của Việt Nam trong năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19. Tạo nên kỳ tích này là công sức của mỗi doanh nghiệp khi liên tục có giải pháp thích ứng trong từng thời điểm để khai thác hiệu quả cơ hội từ các thị trường có FTA. Khó khăn từ thị trường do tác động của dịch bệnh chỉ làm doanh nghiệp Việt hoang mang, lo lắng trong thời gian ngắn, ngay sau đó các doanh nghiệp đưa ra những sáng kiến đã được triển khai, kết nối để duy trì sản xuất, kinh doanh và các giao dịch thương mại quốc tế.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐTV Vinatex cho biết, năm 2020, tuy xuất khẩu của Tập đoàn giảm 10%, lợi nhuận giảm 15%, nhưng tiền lương chỉ giảm 4,5%, đạt trung bình 8,05 triệu đồng/người/tháng; giữ đủ việc làm cho 150.000 lao động; giảm giờ làm trên 12%. Nhờ tận dụng tốt các FTA như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – EAEU, CPTPP, EVFTA…, giá trị xuất siêu dệt may tăng nhanh: năm 2016 đạt 11,1 tỷ USD, năm 2019 đạt 16,9 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam từ chỗ năm 2016 đứng thứ 4 thế giới (sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ), thì đến năm 2019 đã vượt lên trên Ấn Độ, đứng thứ 3 thế giới. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong năm qua, đại dịch Covid-19 hoành hành, chuỗi cung – cầu bị đứt gãy, nhưng Việt Nam tiếp tục đạt mức xuất siêu lớn, chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, đã tạo nên một mảng sáng cho bức tranh kinh tế. Xuất siêu năm 2020 cao gấp 11 lần so với mức thặng dư năm 2016, từ 1,78 tỷ USD, lên 19,1 tỷ USD.
Ngân hàng dự kiến nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng
Dự kiến trong năm 2021, các TCTD dự kiến “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng. Cơ sở để thực hiện việc “nới lỏng” tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2021 là triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, phù hợp chính sách và định hướng của Chính phủ, NHNN để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trước đó, số liệu do NHNN công bố cũng cho thấy tín dụng bật tăng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2020. Cụ thể, đến cuối quý I/2020 tăng trưởng tín dụng chỉ có 1,31%, thì cuối quý II/2020 đã tăng dần lên 3,65%, cuối quý III tăng 6,08% và vọt lên 12,13% cuối quý IV.
Trong năm 2020, lĩnh vực “bán buôn, bán lẻ” và “xuất nhập khẩu” được nhiều TCTD lựa chọn là động lực tăng trưởng tín dụng hơn các lĩnh vực khác (từ 54-51% TCTD lựa chọn). Khác với đánh giá của năm 2019, có 56% TCTD lựa chọn lĩnh vực “Xây dựng” là động lực tăng trưởng tín dụng. Dự kiến 6 tháng đầu năm và cả năm 2021, các TCTD tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực có tiềm năng phục hồi tăng trưởng mạnh như: bán buôn bán lẻ (55,8-57,7%); xuất nhập khẩu (54,8-56,7%); phục vụ nhu cầu đời sống (44,2-45,2%); xây dựng (38,5-44,2%) …
3. Tin tức tài sản đầu tư
Cơ quan Quản lý Tài chính của Anh: “Nhà đầu tư tiền số sẽ mất trắng!”
Một cơ quan quản lý dịch vụ tài chính cho biết: “FCA nhận thấy có một số công ty đang cung cấp các khoản đầu tư vào các loại tiền số cho vay hoặc đầu tư liên kết với tiền số, hứa hẹn mức lợi nhuận cao. Nếu người tiêu dùng đầu tư vào những loại sản phẩm này, họ nên chuẩn bị tinh thần sẽ mất hết tiền.” Lời cảnh báo của FCA được đưa ra trong bối cảnh thị trường tiền số biến động mạnh. Bitcoin cùng các loại tiền số khác đã lao dốc vào phiên ngày 9/1, “thổi bay” 170 tỷ USD vốn hoá.
Tuy nhiên, đà tăng bùng nổ của Bitcoin đã khiến một số chuyên gia cảnh báo rằng đây có thể là một quả bong bóng và sẽ sớm vỡ tung. Trong 12 tháng qua, đồng tiền số giá trị nhất thế giới đã tăng hơn 300%. Ở một lưu ý gần đây, Bank of America đã gọi đồng Bitcoin là “mẹ của mọi loại bong bóng.” Laith Khalaf – nhà phân tích tài chính tại AJ Bell, cho biết trong một lưu ý: “Cơ quan quản lý rõ ràng đang lo ngại rằng rủi ro cao vốn có của các loại tiền số đang được ‘thêm dầu vào lửa’ bởi những hoạt động lừa đảo, cũng như các công ty không được kiểm soát, hứa hẹn mức lợi nhuận cao – chứ không phải tiềm năng cho người tiêu dùng, về việc đầu tư vào tiền số.”
FCA cho biết: “Cũng như như các khoản đầu tư có rủi ro cao, mang tính đầu cơ, người tiêu dùng nên đảm bảo rằng họ hiểu rõ những gì đang đầu tư, những rủi ro liên quan đến việc đầu tư và bất kỳ quy định nào đang được áp dụng.” Cơ quan này nói thêm: “Đối với các khoản đầu tư liên quan đến tiền số, người tiêu dùng không được tiếp cận với Dịch vụ Thanh tra Tài chính (FOS) hay Chương trình Bồi thường Dịch vụ Tài chính (FSCS) nếu có sự cố. Người tiêu dùng nên cảnh giác nếu được liên hệ và gây áp lực về việc phải đầu tư nhanh chóng hoặc hứa hẹn lợi nhuận cao.”
Thị trường bất động sản: Hai phân khúc vào tầm ngắm của doanh nghiệp FDI
Bất động sản công nghiệp và bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng được đánh giá là 2 phân khúc nổi bật trong thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2021 và những năm tiếp theo. Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, 2020 là một năm đầy thách thức do dịch bệnh tác động đến nền kinh tế, nhưng thị trường bất động sản không những trụ vững, mà còn phát triển khá tốt ở một số phân khúc, đặc biệt là bất động sản công nghiệp. Ông Khương cho rằng, nguồn lực chính vẫn là các nhà đầu tư trong nước, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài giống như những điểm kích ở trung tâm thị trường.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, bất động sản công nghiệp sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Ông Đinh Trọng Thịnh đánh giá, phân khúc này hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng điều kiện tự nhiên, văn hóa, thể chế. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư vào phân khúc này phải hướng đến các sản phẩm quy mô lớn, đạt đẳng cấp chất lượng, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh.
Khác với bất động sản công nghiệp, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được nhận định sẽ còn khó khăn hơn trong năm 2021. Nhưng, đối mặt với những khó khăn đó, các doanh nghiệp đã tái cấu trúc, tái cơ cấu để ổn định về chi phí, lợi nhuận và có những chiến lược khác để phòng vệ trước những kịch bản khó khăn hơn có thể xảy ra. “Thay vì bi quan, các doanh nghiệp bất động sản hãy xem những khó khăn trước mắt như là một điểm để bắt đầu tạo ra các tiền đề cho tương lai. Khi đầu tư vào các cao ốc, văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn dịch vụ, thông thường thời gian hoàn vốn là 10 năm, nên 1 – 2 năm khó khăn không phải là vấn đề quá lớn”, ông Khương nói.