Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 30/12/2020
1. Vĩ mô quốc tế
EC thông qua gói hỗ trợ 70 triệu euro cho các nước Tây Balkan tiếp cận vaccine Covid-19
Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua gói 70 triệu euro để hỗ trợ cho việc tiếp cận của các đối tác Tây Balkan đối với vaccine Covid-19 trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở khu vực này.
Đại diện Ủy ban châu Âu cho biết, EU luôn coi Tây Balkan như những đối tác đặc biệt và việc hỗ trợ lần này nhằm mục tiêu thúc đẩy các chiến dịch tiêm chủng cho các nhân viên, các nhóm người dễ bị tổn thương nhất tại khu vực này. Đây cũng là hành động có ý nghĩa quyết định trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 và giúp phục hồi kinh tế của các nước trong khu vực tây Balkan. Gói hỗ trợ này sẽ được giải ngân dưới hình thức viện trợ không hoàn lại để trang trải chi phí vaccine cho các nhóm đối tượng ưu tiên trong khu vực cũng như các thiết bị tiêm chủng cần thiết.
Các nước Tây Balkan sẽ mua được một số lượng vaccine từ một thỏa thuận mua trước của EU với sáu nhà sản xuất và các Quốc gia thành viên EU chia sẻ một phần các liều vaccine được phân bổ trước của mình. Với thỏa thuận này, các quốc gia trong khu vực Tây Balkan có thể triển khai tiêm chủng song song với các quốc gia thành viên EU. Ủy ban châu Âu và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu cũng đang hỗ trợ các quốc gia khu vực này hoàn thiện các chiến lược tiêm chủng phù hợp dựa trên các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu.
Triển vọng kinh tế, tài chính và tiền tệ thế giới trong năm 2021
Dự báo về tình hình kinh tế thế giới năm 2021, tờ Tin tức Thế giới của Malaysia cho rằng kịch bản khả quan nhất là dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 được kiểm soát vào năm 2021, nền kinh tế, thương mại toàn cầu và chi tiêu của người tiêu dùng sẽ phục hồi, trong đó số hóa tiền tệ được dự báo sẽ là diễn biến đáng chú ý nhất.
Về chính sách tài chính và tiền tệ toàn cầu trong năm 2021, ngân hàng trung ương của nhiều nước dự kiến sẽ tiếp tục duy trì các chính sách nới lỏng định lượng và cho phép lạm phát ở mức cao hơn. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất trước cuối năm 2023 trong khi Anh và châu Âu cũng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, do vậy đồng USD sẽ tiếp tục đà giảm giá.
Một khả năng khác rất đáng quan tâm là năm 2021 có thể là một năm mang tính bản lề đối với hoạt động số hóa tiền tệ. Cùng với việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thúc đẩy số hóa đồng Nhân dân tệ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có kế hoạch thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số. Ngoài nỗ lực của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), “người khổng lồ” mạng xã hội Facebook cho biết sẽ ra mắt tiền điện tử Libra của mình vào tháng 1/2021. Đây được dự báo sẽ là một cơn địa chấn mới dẫn đến cuộc cách mạng tiền tệ kỹ thuật số toàn cầu sau khi đồng tiền số Bitcoin đạt mức giá cao kỷ lục 23.000 USD vào tuần trước.
Nhóm FAANG – gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google – sẽ trở thành gã khổng lồ lũng đoạn nền kinh tế toàn cầu. Từ năm 2021, các nền kinh tế lớn như châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, thậm chí là Trung Quốc, sẽ thúc đẩy điều tra chống độc quyền đối với những gã khổng lồ công nghệ. Hiện Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc đang mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với hãng thương mại điện tử hàng đầu nước này là Alibaba. Trong khi đó, châu Âu đang soạn thảo luật kỹ thuật số, còn Bộ Tư pháp Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc điều tra chống độc quyền và chống bành trướng đối với Google, Amazon và Facebook. Ngoài ra, các cuộc đàm phán về thuế kỹ thuật số quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng vào năm 2021 dự kiến tạo nền tảng tốt đẹp cho hệ thống thuế kỹ thuật số toàn cầu thống nhất.
Các quỹ đầu tư năng lượng xanh của Mỹ lãi đậm nhất trong năm 2020
Hai quỹ đầu tư cổ phần có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất ở Mỹ trong năm 2020 đều tập trung vào cổ phiếu của ngành năng lượng sạch. Kết quả đó là sự chứng thực đối với những nhà đầu tư đang tìm cách rót tiền vào những công ty đề cao các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh của họ.
Hai quỹ này, có tên gọi Invesco Solar ETF và Invesco WilderHill Clean Energy ETF và đều thuộc sự quản lý của Công ty quản tài sản Invesco, chứng kiến giá trị trị tài sản tăng hơn gấp ba lần nhờ giá các cổ phiếu năng lượng mà họ đang nắm giữ tăng vọt trong năm qua. Tính đến hôm 24-12, Quỹ Invesco Solar ETF đang nắm giữ số tài sản có giá trị 3,7 tỉ đô la, tăng 238% kể từ đầu năm. Mức tăng ấn tượng này đưa Invesco Solar ETF vươn lên dẫn đầu bảng về tốc độ tăng trưởng trong số các quỹ tương hỗ và hoán dổi danh mục (ETF) chuyên đầu tư vào vốn cổ phần ở Mỹ trong năm 2020, theo dữ liệu của Morningstar.
Cổ phiếu của hai nhà cung cấp điện mặt trời sinh hoạt Enphase Energy và Sunrun ở bang California là những khoản đầu tư lớn nhất mà Invesco Solar ETF đang nắm giữ. Cổ phiếu Enphase Energy đã tăng 600% trong năm nay. Trong khi đó, mức tăng của cổ phiếu Sunrun là 400%. Quỹ đầu tư cổ phần đạt mức tăng trưởng tốt thứ hai ở Mỹ trong năm qua là Invesco WilderHill Clean Energy ETF với mức tăng trưởng 220%. Một trong khoản đầu tư lớn nhất của quỹ này là cổ phiếu của Công ty FuelCell Energy, chuyên thiết kế và sản xuất các pin nhiên liệu hydro, chứng kiến giá cổ phiếu tăng gần 400% trong năm nay. Giá trị tài sản của quỹ đầu tư chỉ số năng lượng sạch có tên gọi First Trust Green Energy Index ETF cũng tăng trưởng 186% trong năm nay lên mức 2 tỉ đô la, đưa quỹ này lọt vào danh sách năm quỹ đầu tư vốn cổ phần ở Mỹ có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong năm 2020. Nhờ đầu tư vào cổ phiếu của các công ty năng lượng sạch, Invesco Solar ETF và Invesco WilderHill Clean Energy ETF trở thành hai quỹ đầu tư cổ phần có mức tăng trưởng tài sản mạnh nhất ở Mỹ trong năm 2020.
Trong cuộc vận động tranh cử, ông Biden cam kết theo đuổi mục tiêu sản xuất 100% sản lượng điện dựa vào năng lượng sạch vào năm 2035. Điều này có nghĩa là tất cả các nhà máy điện than và điện khí ở Mỹ sẽ phải đóng cửa. Ông Biden cũng đề xuất đầu tư 2.000 tỉ đô la vào các dự án năng lượng tái tạo để giúp Mỹ đạt mức zero ròng về khí thải vào năm 2050. Triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành năng lượng tái tạo đã khiến giới đầu tư dồn dập rót tiền vào các công ty điện mặt trời và điện gió trong năm nay. Chi phí phát triển năng lượng tái tạo đã suy giảm về mức rẻ hơn chi phí phát triển và khai thác năng lượng hóa thạch. Ngoài ra, các lo ngại về biến đổi khí hậu khiến các chính phủ khắp toàn cầu cam kết đưa khí thải carbon về mức zero ròng trong vài thập niên mới.
2. Vĩ mô Việt Nam
Ước tính tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng khoảng 11% trong năm 2020
Thị trường mở không phát sinh giao dịch mới và lãi suất trên liên ngân hàng vẫn giữ ở 0,2%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,25%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Lãi suất tiền gửi cũng ổn định ở 2,5-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 21/12, tín dụng tăng 10,14% và dự kiến cả năm 2020 sẽ tăng 11% so với cuối năm 2019. Dư nợ tín dụng ước tính tăng thêm hơn 200.000 tỷ đồng trong tháng 12, tương đương tổng dư nợ tăng thêm của cả tháng 10 và 11. Tín dụng tăng tốc vào cuối năm không phải là diễn biến bất ngờ nhưng mức tăng hiện tại đã cao hơn so với ước tính của NHNN tại cuối tháng 11. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh, siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và các gói ưu đãi lãi suất cho vay gần đây đã thúc đẩy cầu tín dụng của nền kinh tế. NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 12% nhưng có thể điều chỉnh linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường và nền kinh tế.
Gần 29 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2020
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, dưới tác động của đại dịch Covid-19, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2020 mặc dù giảm so với năm 2019, song mức độ giảm đã được cải thiện. Cụ thể, có 2.523 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD, giảm 35% về số dự án và giảm 12,5% về số vốn đăng ký so với năm ngoái. Đồng thời, có 1.140 lượt dự án đã cấp phép từ các năm ngoái đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng số lượt dự án đăng ký điều chỉnh giảm 17,5%. Thêm vào đó, có 6.141 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 7,5 tỷ USD, giảm 51,7%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.695 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 3,2 tỷ USD và 4.446 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,3 tỷ USD.
Trong năm 2020, có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng số vốn gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5%. Sau đó là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông. Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang dần hồi phục và duy trì tốt hoạt động sản xuất – kinh doanh và mở rộng dự án. Theo đó, gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư/ đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiều đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới/mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Trong năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, với tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỷ USD, chiếm 18%. Sau đó lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký tương ứng gần 4,2 tỷ USD và trên 1,6 tỷ USD.
Nikkei Asia: Việt Nam sẽ là quốc gia đi đầu về tăng trưởng trong 2021
Tờ Nikkei Asia đã tổng hợp các dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tăng trưởng GDP của từng quốc gia, coi tăng trưởng năm 2019 là đường cơ sở (ở mức 100 điểm). Theo đó, Việt Nam, Indonesia và Malaysia đều đạt điểm trên 100 vào năm 2021, có nghĩa là nền kinh tế những nước này sẽ tăng trưởng hơn so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Song nhìn chung, cả 3 quốc gia trên sẽ tiếp tục đối mặt với những bất ổn do dịch bệnh cũng như căng thẳng địa chính trị.
Việt Nam được dự báo sẽ là quốc gia đi đầu về tăng trưởng trong khu vực vào năm 2021, với chỉ số tăng trưởng ước đạt 108,4. Vừa qua, S&P Global dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 10,9% trong năm 2021, nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sau khi tăng 2,91% trong năm 2020. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong số 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đạt tăng trưởng dương trong năm 2020, nhờ thành công nhanh chóng trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19.
Chuyên gia Yuta Tsukada thuộc Viện nghiên cứu Nhật Bản (JRI) nhấn mạnh: “Nhiều doanh nghiệp toàn cầu đang đổ về Việt Nam, giúp khu vực xuất khẩu của quốc gia tăng trưởng mạnh mẽ”. Xét về lợi thế về chi phí sản xuất thấp của Việt Nam, sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, đặc biệt khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung vẫn còn tiếp diễn.