Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 07/12/2020
1. Vĩ mô quốc tế
Credit Suisse: Chứng khoán Châu Á sẽ có “siêu chu kỳ lợi nhuận” trong năm 2021
Các thị trường chứng khoán châu Á được dự báo tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2021, với một “giai đoạn ăn nên làm ra” sẽ “bao trùm” lên các thị trường khu vực, theo Credit Suisse. Ngân hàng Thụy Sĩ này đưa ra dự báo tỷ suất lợi nhuận lên tới 19% tính theo USD đối với chỉ số MSCI châu Á không gồm Nhật Bản trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2021, cao hơn so với mức bình quân 15% toàn cầu.
Dan Fineman, đồng phụ trách bộ phận chiến lược chứng khoán khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Credit Suisse ho biết tốc độ tăng trưởng tỷ suất lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) có thể được duy trì ở 10 – 20% trong vòng 3 tới 5 năm tới tại khu vực. Điều này có được nhờ những yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và áp lực thuế được giảm nhẹ. Thêm vào đó, tăng trưởng xuất khẩu và sự tăng giá trị của các đồng tiền trong khu vực cũng giúp sức cho đà đi lên của các thị trường chứng khoán châu Á, vốn phần lớn vẫn đang bị nhà đầu tư ngoại xem nhẹ.
Trong các thị trường chứng khoán châu Á, Credit Suisse có vẻ “ưu ái” thị trường Hàn Quốc nhất, khi dự đoán tăng trưởng EPS lên tới 43% trong năm 2021. Fineman cho biết giá cổ phiếu của thị trường Hàn Quốc tương đối rẻ so với tại các quốc gia Bắc Á khác.
Lĩnh vực bất động sản ưa thích của Credit Suisee cho thấy dấu hiệu phục hồi tại một vài thị trường, đặc biệt là tại Hong Kong. Sức mua các sản phẩm bất động sản sẽ tăng lên nhờ vào mức lãi suất thấp trong ngắn hạn, yếu tố quyết định trong nhiều khoản vay thế chấp mua nhà tại thị trường châu Á.
Bloomberg: Grab và Gojek tiến gần tới thương vụ sát nhập
Grab Holdings và Gojek đã đạt được bước tiến lớn trong quá trình đàm phán điều khoản sáp nhập và nếu thành công, đây có thể là đợt sáp nhập hai doanh nghiệp Internet lớn nhất tại Đông Nam Á, dựa trên nguồn tin thân cận từ Bloomberg. Những khác biệt trong quan điểm giữa hai startup này đã được giảm bớt, dù một số chi tiết của thỏa thuận vẫn cần phải được đàm phán. Các lãnh đạo cấp cao nhất của mỗi bên, cộng với sự góp mặt của tỷ phú Masayoshi Son – ông chủ SoftBank và là nhà đầu tư lớn nhất của Grab – đang thảo luận các chi tiết cuối cùng.
Theo một cấu trúc nhận được nhiều sự ủng hộ từ các bên, đồng sáng lập Grab Anthony Tan sẽ trở thành CEO của liên danh sau sáp nhập, trong khi các lãnh đạo Gojek sẽ điều hành liên danh mới ở Indonesia dưới thương hiệu Gojek. Cũng theo nguồn tin trên, hai thương hiệu có thể vận hành riêng biệt trong một thời gian dài. Việc sáp nhập cuối cùng nhằm mục tiêu đưa liên danh trở thành một công ty đại chúng.
Các đại diện của Grab, Gojek và SoftBank từ chối nhận định về thông tin trên. Các cuộc đàm phán vẫn chưa ra kết quả cuối cùng và có thể không dẫn tới một thương vụ sáp nhập. Thỏa thuận cũng cần được xem xét về pháp lý và các Chính phủ vẫn còn lo ngại về vấn đề chống độc quyền khi hai công ty đặt xe hàng đầu trong khu vực tiến hành sáp nhập.
Nga bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đại trà
Hệ thống thông tin điện tử để người dân đăng ký tiêm chủng miễn phí đã hoạt động từ ngày 4/12, dành cho các y, bác sĩ, giáo viên và nhân viên xã hội của thành phố, những người thuộc nhóm có nguy cơ cao với COVID-19.
Theo thông tin từ Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin, có khoảng 5.000 đơn đã được gửi đến hệ thống thông tin điện tử của thành phố trong những giờ đầu tiên chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp nhận đăng ký. 70 điểm tiêm chủng với đầy đủ thiết bị y tế được mở trên cơ sở các phòng khám đa khoa trong thành phố sẽ đón tiếp công dân từ 8h – 20h hàng ngày. Những người dân Moscow làm việc trong lĩnh vực giáo dục, y tế và công tác xã hội, tuổi từ 18 – 60, có nguyện vọng đăng ký đều được tiêm miễn phí vaccine Sputnik V .
Năm 2021, chính quyền Moscow dự kiến phân bổ 10 tỷ Ruble (khoảng 134 triệu USD) cho chương trình tiêm chủng mở rộng vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: AP). Lúc này, vaccine thứ 2 đã được đăng ký ở Nga là EpiVac Corona cũng bắt đầu thử nghiệm lâm sàng với các đối tượng thanh thiếu niên và cả những người trên 60 tuổi.
2. Vĩ mô Việt Nam
Việt Nam đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng dòng chảy thương mại quốc tế
Vừa qua, trường Kinh doanh Stern của Đại học New York và Công ty DHL đã công bố báo cáo “Chỉ số kết nối toàn cầu 2020” (Global Connectedness Index 2020 – GCI 2020). Theo đó, Việt Nam xếp thứ 3 trong số các quốc gia có sự phát triển tốt hơn dự đoán, dựa trên GDP bình quân đầu người, dân số và khoảng cách địa lý. Báo cáo nhận định, khu vực Đông Nam Á hiện có nhiều lợi thế từ mối liên kết chặt chẽ với mạng lưới chuỗi cung ứng rộng khắp châu Á, cùng với các cải tiến về chính sách trong khu vực với chủ trương ủng hộ hội nhập kinh tế khu vực.
Đáng chú ý, Việt Nam vượt trội trong khu vực về cả chiều sâu (tương quan giữa dòng chảy quốc tế và hoạt động quốc nội) với vị thế dẫn đầu, lẫn chiều rộng (dòng chảy quốc tế được trải rộng). Việt Nam đã trở thành một đối thủ mạnh của Trung Quốc về sản xuất dệt may và ngày càng mạnh hơn về các sản phẩm công nghệ cao. Đồng thời, Việt Nam đã đạt thành tích ấn tượng – đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng dòng chảy thương mại khi phần lớn các quốc gia trong top 10 ghi nhận sụt giảm hoặc giữ nguyên vị trí.
Tổng Giám đốc DHL Express Việt Nam, ông Shoeib Reza Choudhury cho biết: “Việt Nam chắc chắn là một trong những điểm đến được lựa chọn của các doanh nghiệp đang mong muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất. Các doanh nghiệp bị thu hút bởi lực lượng lao động trẻ và tay nghề cao của Việt Nam, các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế khác nhau, cùng sự ổn định chung của xã hội”.
GWEC: Đề xuất giảm giá FIT có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến tăng trưởng điện gió Việt Nam
Theo đề xuất của Bộ Công thương ngày 28/10, các dự án điện gió đưa vào vận hành từ tháng 11/2021 đến tháng 12/2022 sẽ được áp dụng giá FIT là 7,02 UScent/kWh (dự án trên bờ) và 8,47 UScent (dự án trên biển). Tuy nhiên, điều này có thể làm chệch hướng tăng trưởng điện gió dài hạn ở Việt Nam.
Hội đồng năng lược gió toàn cầu (GWEC) cho biết, việc giảm nhẹ giá FIT sẽ đảm bảo đủ thời gian để các dự án đi vào hoạt động ổn định, đồng thời phát triển chuỗi cung ứng ngành điện gió. Nhưng nếu giảm giá mạnh mà không tính đến các thách thức liên quan, thị trường điện gió Việt Nam có thể phải đối mặt với chu kỳ “bùng nổ-phá sản” như các nước châu Âu, châu Mỹ trước đây.
Bởi lẽ, các nhà đầu tư vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng do Covid-19, lại thêm những thách thức chung trong giai đoạn đầu phát triển dự án. Khi giá mua bán điện gió giảm mạnh, các nhà đầu tư sẽ rất khó khăn để cân đối tài chính. Từ đó dẫn đến giai đoạn “phá sản” có thể làm giảm tới 80% việc lắp đặt gió mới vào năm 2023, và tiếp tục giảm 25% mỗi năm sau đó. Hệ quả là bỏ lỡ hàng nghìn các cơ hội việc làm và mất đi hàng tỷ đô đầu tư vào Việt Nam. GWEC ước tính, tổng công suất lắp đặt điện gió tại Việt Nam đến năm 2025 chỉ khoảng 4GW, thấp hơn nhiều so với tiềm năng vốn có. Như vậy, Việt Nam sẽ không thể đạt được mục tiêu về điện gió, cuối cùng dẫn đến giá năng lượng tăng cao khi không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng rất lớn trong nước.
Trên cơ sở đó, GWEC đề xuất gia hạn 6 tháng đối với mức giá FIT hiện tại do sự chậm trễ liên quan đến quy hoạch và gián đoạn từ Covid-19. Đồng thời, giảm nhẹ mức giá FIT cho các dự án gió trên bờ và dự án trên biển được đưa vào vận hành từ tháng 5/2022 trở đi.
Ngành logistics TP.HCM cần hơn 95 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2020 – 2030
Theo Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TP. HCM, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp thành phố đến năm 2025 có mục tiêu 15%, đến năm 2030 đạt 20%. Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP của thành phố đạt 10% và năm 2030, con số này là 12%. Để đạt được những mục tiêu trên, TP. HCM đã đề ra các nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng logistics. Cụ thể như: đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường cao tốc kết nối thành phố với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ.
Theo đề án, có 5 tuyến đường sắt được đề xuất xây dựng: đường sắt tốc độ cao gồm tuyến TP.HCM – Mỹ Tho – Cần Thơ; TP.HCM – Tây Ninh (định hướng kéo đến cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát), kết nối với đường sắt TP.HCM – Mỹ Tho – Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp (TP.HCM). Tiếp theo là đường sắt Thủ Thiêm – sân bay Long Thành (Đồng Nai) với điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (quận 2); tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, ưu tiên xây dựng trước đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như TP.HCM – Nha Trang và cuối cùng tuyến đường sắt đôi chuyên dụng kết nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước (TP.HCM) và cảng Long An. Ngoài ra, đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy hoạch điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với công suất đạt 40-50 triệu hành khách/năm và 1-2 triệu tấn hàng hóa/năm đến năm 2030.
Cuối cùng, đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics, chú trọng kỹ năng nghề. Định hướng đào tạo kỹ năng nghề theo dự báo về nhu cầu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics. Chú trọng mô hình đào tạo nghề với sự tham gia của doanh nghiệp – hình thức đào tạo kép… Tổng nhu cầu vốn phát triển ngành logistics giai đoạn 2020-2030 tại TP. HCM theo đề án khoảng 95.800 tỷ đồng.