Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 30/11/2020
1. Vĩ mô quốc tế
CNN: Ấn Độ rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong 25 năm qua vì dịch COVID-19
Theo hãng tin CNN, nền kinh tế lớn thứ 3 tại Châu Á là Ấn Độ đã rơi vào suy thoái kỹ thuật lần đầu tiên trong gần ¼ thế kỷ qua do đại dịch Covid-19. Số liệu chính thức cho thấy GDP quý III/2020 của Ấn Độ đã giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II, GDP của nước này giảm gần 24%. Như vậy nền kinh tế Ấn Độ đã chính thức suy thoái kỹ thuật sau 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Việc thực hiện lệnh cách ly chống dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế Ấn Độ trì trệ trong quý II và mới bắt đầu có một số chuyển biến tốt trong quý III khi việc giãn cách được nới lỏng. Trong khi các hoạt động sản xuất tại Ấn Độ đã trở lại thì ngành dịch vụ lại suy giảm mạnh quý thứ 2 liên tiếp. Chi tiêu công cũng đi xuống do các chính sách tài khóa mùa dịch của chính phủ.
Tuy nhiên, tin vui từ việc thành công sản xuất Vaccine của các nước có lẽ sẽ giúp Ấn Độ hạn chế được phần nào khủng hoảng khi quốc gia này nổi tiếng với ngành dược phẩm. Tuy vậy, Chuyên gia Priyanka Kishore của Oxford Economic cho hay dù sản xuất được Vaccine thì người dân Ấn Độ cũng phải chờ đến nửa cuối năm 2021 mới nhận được.
Số lượng startup “kỳ lân” toàn cầu tăng gấp đôi sau 2 năm
Theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu CB Insights, hai năm qua, số lượng startup “kỳ lân” trên thế giới đã tăng gấp đôi lên 500 công ty. Trong đó, tăng mạnh nhất ở nhóm startup kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
Dẫn đầu là Mỹ với 242 startup “kỳ lân”, tiếp đến là Trung Quốc với 119 công ty. Anh và Ấn Độ đều có 24 công ty. Theo sau là Hàn Quốc (11), Indonesia (10), Nhật Bản (4). Hiện tại, Bytedance, công ty mẹ của nền tảng chia sẻ video đình đám TikTok, là startup giá trị nhất thế giới. Theo CB Insights, định giá gần nhất của Bytedance là 140 tỷ USD.
Bất chấp đại dịch Covid-19 khiến nhiều startup gặp khó khăn khi huy động vốn đầu tư, 89 startup – trong đó có nhiều công ty thương mại điện tử, y tế – đã đạt được danh hiệu “kỳ lân” trong năm 2020.
Theo báo cáo của CB Insights, số lượng startup kỳ lân trên thế giới đạt 250 công ty trong 4 năm và mất thêm 2 năm nữa để tăng gấp đôi lên 500. Các nhà phân tích của CB Insights nhận định số lượng startup tỷ “đô” ngày càng tăng nhanh nhờ làn sóng rót vốn của các nhà đầu tư tổ chức, cộng với nền tảng lãi suất thấp và lợi nhuận hấp dẫn.
Chi phí vận tải biển tăng vọt do thiếu container ở châu Á
Chi phí vận chuyển hàng bằng container từ Trung Quốc sang Đông Nam Á đang tăng vọt do tình trạng thiếu container ở châu Á, kết quả của việc phân phối không đồng đều để đáp ứng nhu cầu lớn hơn của cả châu Á, châu Âu và Mỹ.
Theo số liệu của sàn Shanghai Shipping Exchange, tính đến giữa tháng 11/2020, chi phí vận chuyển một container 20 feet từ Thượng Hải đến Singapore là khoảng 802 USD, tăng 370% so với 170 USD một tháng trước. Chí phí vận chuyển container vẫn tương đối ổn định khi một lộ trình hoàn toàn là các tàu chở container nhỏ. Singapore là một trung tâm giao dịch của châu Âu, Trung Đông và Đông Á và các nhà điều hành tiếp tục vận chuyển hàng bằng tàu từ Trung Quốc và Đông Nam Á đến các nơi khác trên thế giới từ đây. Là một trung tâm, nhu cầu vận tải biển của Singapore đang gia tăng, khi lượng hàng vận chuyển tới châu Âu và Mỹ nhiều hơn.
Theo số liệu của công ty cung cấp cơ sở dữ liệu thương mại Descartes Datamyne của Mỹ, lượng container được vận chuyển bằng đường biển từ châu Á tới Mỹ trong tháng 10 chạm mức kỷ lục, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Thượng Hải tới Mỹ cũng vẫn cao kỷ lục là 3.913 USD kể từ tháng Bảy.
Lượng vận chuyển tới Mỹ tăng vọt đã gây ra tình trạng tắc nghẽn tại vùng Vịnh của Mỹ, làm chậm trễ quá trình bốc dỡ hàng. Hiện có tình trạng thiếu container từ Thượng Hải tới Đông Nam Á do các tàu chở container và các container không vận không thể quay lại châu Á. Thông thường, khối lượng container được vận chuyển có xu hướng tăng từ tháng Tám đến tháng 10, trước mùa mua sắm cuối năm tại Mỹ và ổn định sau đó. Tuy nhiên, khối lượng năm nay vẫn ở mức cao trong tháng 11.
2. Vĩ mô Việt Nam
Đầu tư công tháng 11 đạt 54.5 nghìn tỷ, tăng trên 37% so với cùng kỳ
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong tháng 11 ước tính đạt 10.6% so với kế hoạch năm 2020. So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 và lũy kế 11 tháng năm nay tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11/2020 ước tính đạt 54.5 nghìn tỷ đồng, tăng 37.1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn Trung ương quản lý 11 nghìn tỷ đồng, tăng 51.3%; vốn địa phương quản lý 43.5 nghìn tỷ đồng, tăng 34%.
Tính chung 11 tháng 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 406.8 nghìn tỷ đồng, bằng 79.3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 79.2% và tăng 7%). Cụ thể, vốn Trung ương quản lý đạt 73.1 nghìn tỷ đồng, bằng 79.5% kế hoạch năm và tăng 64.9% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 333.7 nghìn tỷ đồng, bằng 79.3% và tăng 28.7%.
Xuất khẩu dệt may giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng nổ trên toàn cầu khiến các chuỗi cung ứng đứt gãy, cầu hàng hoá sụt giảm. Các quốc gia đóng cửa ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành kinh tế trong đó có dệt may. Mặc dù thừa nhận, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm nay giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục, nhưng ông Lê Tiến Trường khẳng định, mức giảm của dệt may Việt Nam không lớn như các quốc gia khác.
Ông Trường phân tích, “Đặc biệt là trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%, nhiều quốc gia có sản phẩm cạnh tranh vẫn đang được hỗ trợ bởi đồng tiền của các quốc gia đó giảm giá so với đồng USD, trong khi đồng Việt Nam giữ giá so với đồng USD khiến hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam đắt hơn so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác”.
Đến thời điểm hiện tại, dự báo được ngành dệt may đưa ra là tổng trị giá xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 33,5-34 tỷ USD, giảm khoảng 14-15% so năm 2019, nhưng cao hơn dự báo hồi tháng 4/2020 với kim ngạch dự kiến chỉ đạt từ 30-31 tỷ USD.
Du lịch Việt Nam thiệt hại 530,000 tỷ đồng do đại dịch COVID-19
Theo thông tin từ thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao Du lịch (VHTTDL), ông Nguyễn Văn Hùng, Hồi tháng 3, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa đến hết tháng 11 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530.000 tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD).
Theo đó, ông Hùng đề xuất và xin ý kiến tham luận về 4 giải pháp để “cứu” ngành du lịch. Thứ nhất, cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả nhằm vào thị trường chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao, cơ cấu thị trường theo phân đoạn nhu cầu .Thứ hai, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường. Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong hợp tác phát triển du lịch. Thứ tư, chuyển đổi số trong phát triển du lịch, nhất là trong nghiên cứu thị trường, cơ sở dữ liệu và xúc tiến, quảng bá du lịch.