Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 25/11/2020
1. Vĩ mô quốc tế
Các Doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ dây chuyền, thị trường tài chính Trung Quốc chịu áp lực lớn
Theo Fitch Ratings, trước khi tập đoàn than Yongcheng Coal and Electricity Holding Group vỡ nợ vào ngày 10/11, chỉ có 5 doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc không thể trả nợ cho trái chủ trong 10 tháng đầu năm 2020 – tương tự với tốc độ trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 tuần sau đó, Tsinghua Unigroup – một tập đoàn công nghiệp nhà nước nổi tiếng, cũng vỡ nợ. Những vụ vỡ vỡ nợ là nguyên nhân khiến quan chức tài chính hàng đầu nước này – Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cảnh báo những công ty đi vay rằng Bắc Kinh sẽ có cách tiếp cận “không khoan nhượng” đối với các hành vi sai trái trong các thương vụ tài chính, chẳng hạn như thông báo sai lệch hoặc cố tình trốn nợ của các doanh nghiệp.
Những diễn biến và bước đi mới này đã khiến thị trường nợ trị giá gần 4 nghìn tỷ USD của Trung Quốc bị chao đảo, mà trong đó các doanh nghiệp nhà nước ước tính chiếm hơn 1 nửa. Trong tuần xảy ra vụ vỡ nợ của Yongcheng Coal, ít nhất 20 công ty Trung Quốc đã tạm dừng kế hoạch phát hành trái phiếu mới, với tổng trị giá 15,5 tỷ CNY (2,4 tỷ USD), lấy lý do “thị trường bất ổn trong thời gian gần đây”.
Lời cảnh báo của ông Lưu Hạc đã làm lung lay quan điểm đã có từ lâu của nhà đầu tư, rằng chính quyền địa phương sẽ luôn hỗ trợ những doanh nghiệp đi vay thuộc sở hữu nhà nước. Hiện tại, các nhà phân tích lo ngại rằng nhà đầu tư sẽ có cái nhìn bi quan về thị trường trái phiếu và gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp đi vay.
Dịch COVID-19: Trung bình 139 tỷ đồng cứu một mạng người ở Mỹ
Đội ngũ các nhà nghiên cứu của trường thương mại quốc tế HEC Paris (Pháp) và Đại học Bocconi ở Milan (Ý) đã đưa ra con số: giai đoạn phong tỏa từ giữa tháng 3 đến tháng 5 đã cứu được 29.000 người Mỹ, với tổn thất 169 tỷ USD, hay khoảng 6 triệu USD (139 tỉ đồng) cho mỗi mạng người.
Làm cách nào đối phó dịch Covid-19 đã trở thành câu hỏi chính trị đầy khó khăn đối với giới lãnh đạo Mỹ. Tính đến ngày 24.11, Mỹ ghi nhận hơn 12,4 triệu ca Covid-19 và hơn 257.000 người Mỹ đã thiệt mạng vì căn bệnh này, theo Đại học Johns Hopkins.
Báo cáo được đăng tải trên chuyên san Nature hồi tháng 6 phát hiện nếu không áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và giới hạn hoạt động kinh doanh trên toàn quốc, số ca Covid-19 tại Mỹ đã tăng lên 5,2 triệu vào đầu tháng 4, chứ không phải khoảng 365.000 trường hợp như trên thực tế.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ) tính toán được rằng, lẽ ra Mỹ không mất đi hơn 35.000 mạng sống quý giá vì dịch Covid-19 nếu các biện pháp trên được áp dụng sớm hơn 1 tuần.
2. Vĩ mô Việt Nam
Đề xuất kéo dài chính sách giảm phí, lệ phí nhiều lĩnh vực thêm 6 tháng
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, dự báo kinh tế thế giới trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, làm suy giảm dòng vốn đầu tư, thương mại, nguồn nhân lực, các kết nối cung ứng và ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Điều kiện kinh tế – xã hội trong nước hiện còn nhiều khó khăn, một số lĩnh vực vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Do đó, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về chủ trương đối với một số vấn đề cụ thể. Đó là, đối với các khoản phí, lệ phí đã điều chỉnh giảm năm 2020 (tại 21 thông tư của Bộ Tài chính), được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 30/6/2021. Bộ Tài chính ban hành thông tư để có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021, đảm bảo tính liên tục. Tổng số phí, lệ phí ước hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp khoảng 1.000 tỷ đồng.
Thiệt hại hàng tỉ USD do ùn tắc
Nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao đang dần kéo dài khoảng cách so với khả năng cung ứng của hạ tầng. Giao thông TP.HCM đang bùng phát tới điểm ùn tắc và chỉ cần thêm một lượng nhỏ phương tiện cũng có thể đẩy lên tới mức ùn tắc cao.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hằng ngày của người dân, ùn tắc đang là “nút thắt” lớn nhất kìm hãm sự phát triển của nhiều lĩnh vực kinh tế tại TP.HCM. Theo một tính toán được thực hiện từ cách đây khoảng 3 năm, mỗi năm TP.HCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỷ USD/năm do ùn tắc giao thông và 2,3 tỷ USD do ô nhiễm môi trường từ các phương tiện cơ giới.
Tuy nhiên, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Viện Nghiên cứu – Phát triển GTVT Việt Đức, khẳng định thiệt hại do chậm trễ hoàn thiện mạng lưới giao thông của TP.HCM thực tế còn “kinh khủng” hơn. Theo ông Tuấn, về nguyên tắc, hạ tầng khai thông thì mới nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư. Các dự án triển khai chậm so với quy hoạch, thiệt hại không chỉ tính bằng số tiền đội lên để giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân mà đang kéo giảm sự phát triển của TP. Thực tế, TP.HCM thời gian qua đang vận động rất chậm so với các TP của các nước khác trong khu vực, thậm chí còn chậm hơn các TP vệ tinh như Bình Dương, Long An, Vũng Tàu.
Tập đoàn Mỹ GE đổ 1 tỷ USD đầu tư vào dự án điện khí Long Sơn
Theo Bloomberg, vừa qua, General Electric Co. (Mỹ) và phía đối tác Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về việc phát triển dự án điện khí LNG Long Sơn. Buổi ký kết giữa General Electric (GE) và GENCO3 diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert C. O’Brien vào ngày 22/11.
Theo đó, dự án điện khí LNG Long Sơn sẽ cung cấp 3.600 – 4.500 MW cho Việt Nam. Giai đoạn đầu của dự án năng lượng Long Sơn có công suất 1.200-1.500 MW. GE sẽ cung cấp thiết bị, dịch vụ và đóng góp vốn đầu tư, với tổng giá trị tham gia là 1 tỷ USD.
Dự án sẽ được đặt tại Bà Rịa – Vũng Tàu. GE và GENCO3 đã dành 2 năm nghiên cứu tính khả thi của dự án và lựa chọn địa điểm thực hiện dự án. Các quan chức cho biết, nếu tỉnh Bà Rịa phê duyệt, dự án sẽ bắt đầu giai đoạn đầu với mục tiêu hoạt động vào năm 2025. Dự án cũng sẽ có sự tham gia của Tập đoàn Thái Bình Dương, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 của Việt Nam, PECC2 và Mitsubishi Corp.
3. Tin tức tài sản đầu tư
Sở Giao dịch NHNN giảm giá USD mua vào sau 1 năm giữ cố định
Duy trì giá mua ở mức 23,175 đồng/USD suốt gần 1 năm kể từ ngày 29/11/2019, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ giá USD mua vào xuống còn 23,125 đồng/USD vào phiên chiều 24/11/2020.
Cũng vào khoảng thời gian này của 1 năm trước, Sở giao dịch NHNN đã giảm giá USD mua vào từ 23,200 đồng/USD (đầu năm 2019) xuống còn 23,175 đồng/USD vào phiên chiều 29/11/2019, giảm 25 đồng sau 11 tháng duy trì cố định giá mua vào. Như vậy, lần giảm giá USD mua vào này của Sở Giao dịch NHNN mạnh hơn so với lần trước trong bối cảnh NHNN mua vào một lượng lớn ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại, tương đương khoảng hơn 30,000 tỷ đồng.
Động thái mua vào ngoại tệ là do nguồn cung dồi dào. Tổng Cục Hải quan cho biết thặng dư thương mại tháng 10 gần 3 tỷ USD, cao hơn ước tính 2.2 tỷ USD của Tổng Cục Thống kê, giúp tổng thặng dư 10 tháng lên mức kỷ lục mới gần 20 tỷ USD. Bên cạnh đó, tỷ giá trung tâm USD/VND cũng chịu áp lực giảm giá của đồng USD trên thị trường quốc tế trong bối cảnh giới đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy mạnh các chính sách nới lỏng tiền tệ khi mà Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua thỏa thuận kích thích tài chính mới.