Podcast ngày 16.11.2020 – Việt Nam tiếp tục xuất siêu kỷ lục nhờ khối FDI

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 16/11/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Các quốc gia ký thoả thuận thương mại lớn nhất thế giới với quy mô GDP 26.2 nghìn tỷ USD

Các quan chức hàng đầu từ 15 quốc gia đã ký thỏa thuận Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 37 sau gần 1 thập kỷ đàm phán và chuẩn bị. 15 quốc gia này bao gồm Australia, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 10 quốc gia thành viên của khối ASEAN (bao gồm Việt Nam)

Những người ủng hộ RCEP – một thỏa thuận bao gồm 2.2 tỷ dân với GDP tổng là 26.2 ngàn tỷ USD – cho biết thỏa thuận sẽ hỗ trợ cho các nền kinh tế đang suy yếu vì đại dịch bằng cách giảm thuế quan, củng cố chuỗi cung ứng với các quy tắc xuất xứ chung và hệ thống hóa các quy tắc thương mại điện tử mới.

Bên cạnh đó, RCEP vẫn để mở cho Ấn Độ – quốc gia đã rút khỏi trong quá trình đàm phán – gia nhập kể từ ngày hiệp định có hiệu lực. Các quốc gia ký RCEP, sau khi Hiệp định RCEP được ký, sẽ tiến hành đàm phán với nước này bất cứ khi nào Ấn Độ gửi yêu cầu bằng văn bản bày tỏ ý định gia. Ấn Độ cũng có thể tham gia các cuộc họp của RCEP với tư cách là quan sát viên và trong các hoạt động hợp tác kinh tế do các quốc gia ký RCEP thực hiện.

Mỹ thâm hụt ngân sách kỷ lục 284.1 tỷ USD trong tháng 10

Chính phủ liên bang đã ghi nhận mức thâm hụt ngân sách kỷ lục trong tháng 10/2020 là 284.1 tỷ USD, so với mức 134.5 tỷ USD của cùng kỳ, số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy trong ngày 12/11. Trong đó, nguồn thu giảm 3.2% và chi tiêu vọt 37.3% so với cùng kỳ. Con số trên cho thấy sự đi xuống nhanh chóng của tình hình tài chính tại Chính phủ Mỹ sau khi các nhà làm luật tìm cách vực dậy nền kinh tế bị suy yếu vì đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, mức 284.1 tỷ USD cũng vượt mức thâm hụt ghi nhận được trong tháng 10/2009, ở mức 176 tỷ USD, khi chính phủ phải mạnh tay chi tiêu để đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Việc mạnh tay hỗ trợ người dân và ngăn chặn suy thoái đã đẩy thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng gấp 3 lần lên kỷ lục 3.1 ngàn tỷ USD trong năm tài khóa 2020, khi đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái, cướp mất cuộc sống của hơn 217,000 người dân Mỹ và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp.

Qualcomm được phép bán chip 4G cho Huawei

Công ty sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới có trụ sở tại California – Qualcomm Inc đã được Chính phủ Mỹ cho phép bán chip điện thoại di động 4G cho tập đoàn công nghệ Huawei Technologies Co Ltd của Trung Quốc. Đại diện của Qualcomm nói với Reuters rằng công ty đã nhận được giấy phép bán một số sản phẩm, trong đó có các sản phẩm 4G.

Đại diện của Qualcomm từ chối bình luận về các sản phẩm 4G cụ thể mà Qualcomm có thể bán cho Huawei nhưng cho biết chúng có liên quan đến thiết bị di động. Các đơn xin cấp phép khác của Qualcomm nộp lên vẫn đang chờ Chính phủ Mỹ xem xét.

Nhà phân tích Stacy Rasgon của Bernstein cho biết giấy phép của Qualcomm sẽ có “tác động hạn chế” vì chỉ bao gồm chip 4G trong khi người tiêu dùng đang chuyển sang các thiết bị 5G mới hơn. Theo ông Rasgon, vẫn chưa rõ liệu các quan chức Mỹ có cấp giấy phép bán chip điện thoại thông minh 5G của Qualcomm hay không. Các công ty khác của Mỹ như Micron Technology Inc cũng buộc phải ngừng giao dịch với Huawei và cho biết họ đã nộp đơn xin cấp phép lên Bộ Thương mại Mỹ. Intel Corp mới đây cũng đã cho biết họ có giấy phép để bán sản phẩm cho Huawei.

2. Vĩ mô Việt Nam

Việt Nam tiếp tục xuất siêu kỷ lục nhờ khối FDI

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10/2020 đạt 51,58 tỷ USD, tăng 0,4% so với tháng trước đó. Luỹ kế đến hết tháng 10, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 440,09 tỷ USD.

Trong tháng 10, Việt Nam xuất khẩu trên 27,26 tỷ USD và nhập khẩu hàng hóa đạt trên 24,32 tỷ USD. Như vậy, tháng 10 Việt Nam ghi nhận xuất siêu gần 2,94 tỷ USD, giảm nhẹ so với tháng trước đó, nâng mức thặng dư từ đầu năm đến hết tháng 10/2020 lên mức 19,5 tỷ USD, mức cao kỷ lục của Việt Nam. Với kết quả trên, trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu trên 19,5 tỷ USD, trong đó khối FDI xuất siêu 28,92 tỷ USD và khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 9,42 tỷ USD.

Tương tự các tháng trước đó, trong tháng 10, Việt Nam tiếp tục có thế mạnh xuất khẩu ở một số mặt hàng như: Điện thoại các loại và linh kiện đạt giá trị xuất khẩu 5,39 tỷ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,24 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3 tỷ USD; Dệt may đạt 2,56 tỷ USD và giày dép các loại đạt 1,39 tỷ USD.

Phê duyệt dự án đầu tư trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc trị giá 3,878 tỷ đồng

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ký quyết định chủ trương đầu tư dự án trung tâm logistics Vĩnh Phúc tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc với liên danh nhà đầu tư được lựa chọn là Tập đoàn T&T (Việt Nam) và YCH Group Pte Ltd, YCH Holdings (Singapore).

Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng mới Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center – DC) và Cảng cạn (Inland Clearance Depot – ICD) để phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường.

Dự án có công suất thiết kế hàng hóa thông qua khoảng 530.000 TEU. Tổng vốn đầu tư của dự án là 3.878,7 tỷ đồng, tương đương với 166,68 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 là 2.077,79 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 1.800,91 tỷ đồng. Tiến độ đầu tư thực hiện dự án là 50 tháng kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.

Vietjet và UPS hợp tác vận tải hàng hoá giữa châu Á và Hoa Kỳ

Theo Nikkei Asia, ngày 13/11, Vietjet và UPS đã công bố bắt đầu hợp tác hoạt động để vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không giữa châu Á và Hoa Kỳ. Theo đó, từ tháng 9, hãng hàng không giá rẻ Vietjet và UPS đã bắt đầu tập hợp hàng may mặc, hải sản, sản phẩm y tế và nhiều mặt hàng khác từ Việt Nam, Thái Lan và các nước láng giềng, chuyển từ Hà Nội đến Hoa Kỳ trên các chuyến bay hàng tuần quá cảnh tại Incheon (Hàn Quốc). Hai bên cũng đã hợp tác để vận chuyển hàng hóa giữa Bangkok, Kuala Lumpur, Hà Nội và TP. HCM.

Vietjet là một trong những hãng hàng không đầu tiên sử dụng khoảng trống trên khoang hành khách để vận tải hàng hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Thỏa thuận hợp tác với UPS sẽ thúc đẩy Vietjet mở rộng hoạt động trong mảng vận tải hàng hóa này.

Giám đốc điều hành UPS Việt Nam và Thái Lan, ông Russell Reed khẳng định, Việt Nam đã sẵn sàng tận dụng những lợi thế của sự thay đổi trong dòng chảy sản xuất và thương mại toàn cầu. Đại dịch đã tác động nặng nề đến hàng hóa quốc tế sau khi các hãng hàng không cắt giảm các chuyến bay. Đồng thời, nhu cầu hàng hóa tăng vọt gây ra tình trạng thiếu container. Việc hợp tác giữa Vietjet và UPS đã đánh dấu nỗ lực điều chỉnh ngành logistics trong bối cảnh hiện nay.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest