Podcast ngày 05.11.2020 – Lý do chưa đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 05/11/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Sản xuất phục hồi mạnh ở nhiều nước

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 của nhiều nước cho thấy sản xuất tiếp tục hồi sinh khi bước vào quý IV, đặc biệt tại các cường quốc như Mỹ và Đức. Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) cho biết PMI nước này đạt 59,3 trong tháng 10, tăng từ mức 55,4 trong tháng 9. Đây là tháng thứ sáu liên tiếp hoạt động sản xuất tại Mỹ có tăng trưởng (PMI trên 50).

Các số liệu được công bố trong những tuần gần đây cho thấy kinh tế toàn cầu đã hồi phục mạnh mẽ trong quý III. Tại châu Âu, IHS Markit cho biết PMI của khu vực đồng euro đạt 54,8 trong tháng 10 – cao nhất trong 27 tháng. Riêng Đức ghi nhận hoạt động sản xuất tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2018, với lượng đơn đặt hàng mới tăng cao nhất kể từ năm 1996.

Ở nhiều quốc gia, một số nhà máy đã tuyển dụng mới sau nhiều tháng cắt giảm việc làm. Các nhà sản xuất ở Trung Quốc, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Ý và Czech đều báo cáo tuyển thêm người. Tuy nhiên, với những lệnh hạn chế mới được đưa ra để ngăn đại dịch lây lan ở một số nơi trên thế giới, tốc độ phục hồi kinh tế dự kiến chậm lại đáng kể trong ba tháng cuối năm.

Trung Quốc chặn đứng đợt IPO 350 tỷ đô của Ant Group

Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải sẽ đình chỉ đợt IPO sau khi tỷ phú Jack Ma được các cơ quan liên quan triệu tập để “phỏng vấn giám sát”, sở giao dịch này cho biết trong một tuyên bố ngày 03/11. Đây là sẽ thay đổi đáng kể trong môi trường pháp lý và “vấn đề này có thể dẫn tới công ty của ban không còn tuân thủ đúng theo yêu cầu niêm yết hoặc công bố thông tin”, trich từ tuyên bố.

Đợt IPO của Ant Group tại Hồng Kông cũng bị tạm ngưng, Ant Group cho biết trong hồ sơ ngay sau tuyên bố từ Thượng Hải. Đợt chào sàn của gã khổng lồ công nghệ tài chính này dự kiến diễn ra trong ngày 05/11. Cổ phiếu Alibaba Group Holding – vốn sở hữu 1/3 cổ phần tại Ant Group – sụt 8% trong phiên giao dịch tại Mỹ. Hợp đồng tương lai chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 1.2%.

Cú sốc này diễn ra khi các cơ quan điều hành Trung Quốc cảnh báo công ty của Jack Ma đối mặt với sự tăng cường giám sát và sẽ phải chịu những giới hạn về vốn và đòn bẩy như một ngân hàng. Ông Ma – nhà đồng sáng lập Ant Group – được triệu tập lên một cuộc họp hiếm hoi với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và 3 cơ quan điều hành tài chính hàng đầu khác trong ngày 02/11.

2. Vĩ mô Việt Nam

Lý do chưa đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

Để đưa ra phương án cuối cùng khuyến nghị Chính phủ là chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, Hội đồng tiền lương quốc gia đã nhóm họp 2 phiên, dù còn 1 số ý kiến chưa đồng thuận, đặc biệt đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã không bỏ phiếu.

Đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH dựa trên các cơ sở gồm: Bộ Luật lao động không quy định bắt buộc hàng năm phải điều chỉnh lương tối thiểu; tác động của dịch COVID-19 khiến tăng trưởng kinh tế giảm, thị trường lao động bất ổn khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao (tăng 2,26%, tương ứng 1,2 triệu người không có việc làm); tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn tác động lên lao động việc làm và thu nhập; trong khi đó lương tối thiểu tăng liên tục các năm từ 2008-2020, mức tăng bình quân 15,5% mỗi năm, và mức tăng lương năm 2020 đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51%.

Ngoài ra, hiện Chính phủ đang thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo việc làm cho người lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên chính sách tiền lương tối thiểu cũng cần theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tăng lương cơ bản cũng được lùi lại tới 1/7/2022 (thay vì tăng từ 1/7/2021).

Sau khi có ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH, đại diện người lao động trong Hội đồng tiền lương đã thay đổi đề xuất theo hướng chưa tăng lương tối thiểu tới hết tháng 6/2021, sau đó có thể xem xét tăng lương từ ngày 1/7/2021 trở đi.

Hải quan thu ngân sách giảm 14.66%

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, số thu ngân sách nhà nước trong 10 tháng đầu năm của toàn ngành Hải quan đạt 250.466 tỷ đồng, bằng 74,10% dự toán, bằng 70,6% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 14,66% so với cùng kỳ năm trước (293.477 tỷ đồng).

Theo đánh giá của Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK), mặc dù nền kinh tế đang trên đà phục hồi, hoạt động XNK có dấu hiệu khởi sắc hơn so với những tháng đầu năm 2020, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn tới giao thương hạn chế, nhu cầu hàng hóa sụt giảm, hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn, nguồn lao động và “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN) bị giảm sút, giá hàng hóa giảm mạnh.

Ngoài ra, tại thời điểm xây dựng dự toán, giá dầu thô được dự báo đạt 60 USD/1 thùng. Tuy nhiên, tính đến nay, giá dầu thô giảm xuống còn 40 USD/1 thùng đã trực tiếp làm trị giá của các mặt hàng XNK, gián tiếp giảm thu NSNN.

Mua sắm trên chợ mạng tại Việt Nam tăng cao kỷ lục

Bộ Công Thương cho hay: Từ năm 2013 đến nay, TMĐT Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. Cụ thể, hiện có khoảng 44,8 triệu dân từng tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong năm. Thị trường TMĐT bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 10,08 tỷ USD năm 2020, đóng góp 4,9% doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, TMĐT đang thể hiện vai trò ưu việt trong việc duy trì vận hành chuỗi sản xuất, kinh doanh, phân phối bán lẻ đến tay người tiêu dùng.

Đáng chú ý, nhiều mô hình TMĐT mới xuất hiện, đa dạng về cách thức hoạt động và chủ thể tham gia. Đặc biệt, các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh; các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt là vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức…

Bình Dương thu hút mạnh dòng vốn FDI từ Nhật Bản

Bình Dương hiện đang có 64 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vốn FDI vào 3.702 dự án, tổng vốn 33,8 tỷ USD. Dẫn đầu là Nhật Bản với 304 dự án, tổng vốn đăng ký gần 5,7 tỷ USD, chiếm trên 16% tổng vốn FDI của tỉnh. Hiện, Bình Dương đang ưu tiên mời gọi các dự án lớn, nhà đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, ít sử dụng lao động,

Các dự án có vốn đầu tư FDI Nhật Bản tại Bình Dương chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực như: Sản xuất linh kiện điện tử, mạch và chíp điện tử; sản xuất lắp ráp ô-tô; sản xuất sắt thép; các ngành công nghiệp phụ trợ khác. Sản phầm từ các dự án, nhà máy sản xuất trên phần lớn phục vụ xuất khẩu nên máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại, ít tiêu hao năng lượng; người lao động có tay nghề, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp với mức thu nhập ổn định.

Bình Dương hiện là một trong ba tỉnh thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội. Điều này cũng đồng nghĩa với tỷ lệ sử dụng điện năng với mức tăng trưởng trung bình 10%/năm. Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, việc sử dụng máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, không chỉ nâng cao lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest