Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 04/11/2020
1. Vĩ mô quốc tế
NHTW Australia hạ lãi suất, công bố chương trình mua trái phiếu hơn 70 tỷ USD
Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) hạ lãi suất, đồng thời công bố chương trình mua trái phiếu mới với mục đích củng cố đà hồi phục nhanh chóng tại một nền kinh tế đã được giải phóng khỏi phong tỏa. Cụ thể, RBA đã hạ lãi suất cơ bản, mục tiêu đường cong lợi suất và lãi suất cho vay từ 0.25% xuống 0.1%, trùng khớp với dự báo của đa số chuyên gia kinh tế. Ngoài ra, NHTW này cho biết sẽ mau 100 tỷ AUD (70.4 tỷ USD) trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn 5-10 năm trong vòng 6 tháng tới.
Trái phiếu này sẽ bao gồm các giấy tờ có giá từ chính quyền liên bang, các bang và khu vực lãnh thổ. RBA cũng hạ lãi suất cho phần dự trữ của các ngân hàng thương mại tại NHTW xuống 0%.
Động thái này thể hiện mong muốn của RBA trong việc nhanh chóng kéo nền kinh tế thoát khỏi đợt suy thoái đầu tiên trong gần 30 năm và ngăn tỷ lệ thất nghiệp gia tăng thêm. Bên cạnh việc giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, việc sử dụng các chính sách bất thường cho thấy RBA – cũng như những NHTW khác – đã cạn các công cụ chính sách thông thường để hỗ trợ nền kinh tế.
Huawei định xây nhà máy sản xuất chip để bớt phụ thuộc vào công nghệ Mỹ
Huawei đang nỗ lực lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Thượng Hải, trong đó không sử dụng công nghệ của Mỹ. Nhờ đó, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc sẽ đảm bảo về nguồn cung cho mảng cơ sở hạ tầng viễn thông bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Nguồn tin thân cận cho biết nhà máy này sẽ được vận hành bởi một đối tác của Huawei là Shanghai IC R&D Center (ICRD) – một công ty nghiên cứu chip điện tử có sự hậu thuẫn của chính quyền thành phố Thượng Hải.
Các chuyên gia trong ngành cho biết dự án này có thể giúp Huawei – vốn không có kinh nghiệm sản xuất chip – vẽ ra con đường để tồn tại lâu dài. Huawei muốn sản xuất loại chip tân tiến hơn có kích cỡ 28nm trước cuối năm 2021, theo các nhà điều hành và kỹ sư trong ngành biết về kế hoạch của Huawei. Kế hoạch này có thể cho phép Huawei sản xuất TV thông minh và các thiết bị có áp dụng công nghệ “Internet Vạn vật” (IoT). Sau đó, Huawei hướng mục tiêu đến sản xuất chip 20nm trước cuối năm 2022 và dùng chip này để sản xuất các thiết bị viễn thông 5G và cho phép hoạt động kinh doanh tiếp tục diễn ra bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ.
2. Vĩ mô Việt Nam
Tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở mức 6-6.5% là phù hợp và khả quan
Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 – 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.
Đặt vấn đề về mục tiêu năm 2021 bao nhiêu là phù hợp, Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội) cho rằng, Chính phủ đặt ra kế hoạch phát triển năm 2021 với mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới, trong đó chỉ tiêu tăng GDP từ 6 đến 6,5% là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được.
Bên cạnh chính sách tiền tệ đã được triển khai tốt thì cầm thực hiện tốt hơn chính sách tài khóa. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2020 và chuẩn bị giai đoạn phục hồi từ 2021.
Sân bay Long Thành có suất đầu tư thuộc ngưỡng cao trên thế giới
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề liên quan đến suất vốn đầu tư CHK quốc tế Long Thành. Báo cáo khẳng định, tổng mức đầu tư dự án xây dựng sân bay lớn nhất Việt Nam này được lập theo đúng quy định tại Nghị định 68 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Dự án có suất đầu tư 4.664,89 triệu USD/25 triệu hành khách giai đoạn 1, tương đương khoảng 186,59 triệu USD/1 triệu hành khách.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành có quy mô 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm với tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với tổng mức đầu tư 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Suất vốn đầu tư cho toàn bộ dự án khoảng 160,3 triệu USD/1 triệu hành khách; suất vốn đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 218 triệu USD/1 triệu hành khách.
Kiến nghị tăng phí các dự án BOT
Lãnh đạo Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) cho hay, đơn vị này đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành nhiều vấn đề tồn tại của các dự án BOT sau khi nhận được ý kiến góp ý của các doanh nghiệp thành viên. Trong đó, mức phí sử dụng đường bộ tại các dự án BOT thời gian qua không được tăng theo lộ trình cam kết làm ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của nhiều dự án.
Năm nay, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã hai lần kiến nghị Chính phủ cho phép tăng phí để giảm khó khăn cho doanh nghiệp BOT do các dự án bị giảm thu từ năm 2019 và trong Covid-19. Theo đó, phương án một là cho phép doanh nghiệp được tăng phí theo hợp đồng dự án đã ký kết. Thời điểm tăng sẽ được Bộ lựa chọn phù hợp để hạn chế ảnh hưởng chi phí vận tải. Phương án hai giữ nguyên mức phí như hiện nay và chỉ tăng theo lộ trình trong hợp đồng từ 2022. Tuy nhiên, Nhà nước cần bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án khi chưa được tăng phí
Theo Bộ Giao thông Vận tải, doanh thu các dự án BOT đang khá thấp. 58 trong số 60 dự án có doanh thu thấp hơn dự báo, trong đó 17 dự án chưa đạt 50%.
3. Tin tức tài sản đầu tư
Đồng Nhân dân tệ số của Trung Quốc đạt giao dịch 300 triệu USD
Vài tháng gần đây, lượng giao dịch với đồng Nhân dân tệ số đã tăng vọt lên 4 triệu, đạt tổng giá trị 2 tỷ Nhân dân tệ (299 triệu USD) tại 4 thành phố được thí điểm gồm Thâm Quyến, Tô Châu, Tây An và Thành Đô. Theo đó, lượng giao dịch với đồng tiền số này đã tăng 21% còn giá trị giao dịch tăng 82% so với thời điểm cuối tháng 8.
Chương trình thí điểm này được xem là cú hích mạnh mẽ cho con đường hướng tới một xã hội không tiền mặt của Trung Quốc khi khuyến khích khách hàng chi tiêu bằng ví điện tử, thay vì tiền mặt và tiền xu. Hãng tư vấn iResearch dự báo giá trị giao dịch thanh toán bằng tiền số của Trung Quốc sẽ đạt 412.000 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2025, tăng từ 201.000 tỷ Nhân dân tệ năm ngoái.
Đồng Nhân dân tệ số cũng sẽ giúp nâng cao năng lực điều hành nền kinh tế theo thời gian thực của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).