Podcast ngày 23.10.2020 – Ủy ban Chứng khoán bảo lưu quan điểm “mở hết room ngoại” cho tất cả công ty đại chúng

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 23/10/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Công nhân dệt may châu Á mất việc hàng loạt vì COVID-19

Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có số lượng công nhân dệt may lớn của thế giới. Năm 2019, khu vực này đã tuyển dụng khoảng 65 triệu công nhân dệt may, chiếm 75% tổng số công nhân của ngành trên toàn cầu.

Nghiên cứu 10 nước sản xuất mặt hàng này nhiều nhất trong khu vực gồm: Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhận định, người lao động, doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do doanh số bán lẻ tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt giảm mạnh.

Tính đến tháng 9, gần một nửa số việc làm trong các chuỗi cung ứng dệt may phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu của các nước bạn hàng lớn. Thời gian qua, nhu cầu giảm mạnh và gián đoạn nguồn cung nguyên liệu thô, nhập khẩu từ các nước là khách hàng lớn của dệt may châu Á đã giảm 70% trong nửa đầu năm 2020.

Covid-19 cũng tác động nặng nề đến phụ nữ, vốn là đối tượng chiếm số đông trong lực lượng lao động trong ngành này. ILO cho rằng điều này làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng vốn đã hiện hữu về thu nhập, trong khối lượng công việc, phân biệt nghề nghiệp và phân chia công việc chăm sóc không được trả công.

IMF cảnh báo kinh tế châu Á sẽ suy giảm tệ hơn so với dự báo

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sự suy giảm đặc biệt nghiêm trọng ở Ấn Độ, Philppines và Malaysia. Trung Quốc là một trong số ít các nền kinh tế châu Á có thể tăng trưởng dương trong năm nay. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng 1,9% trong năm 2020, cao gần gấp đôi so với dự báo 1% hồi tháng 6.

IMF cũng cho biết sự suy giảm của kinh tế châu Á tồi tệ hơn những gì họ dự báo trước đây. Cụ thể, trong năm nay, nền kinh tế châu Á sẽ giảm 2,2%, tệ hơn nhiều so với mức dự báo được chính cơ quan này đưa ra hồi tháng 6. Châu Á cũng đi ngược trong xu thế điều chỉnh dự báo tăng trường kinh tế toàn cầu của IMF.

Nỗi ám ảnh dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội làm giảm sút niềm tin của người tiêu dùng. Điều này sẽ khiến hoạt động kinh tế ở dưới khả năng cho tới khi vắc xin được phát triển. Chỉ số trên thị trường lao động đang xấu đi “nhiều hơn” so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở phụ nữ và lao động trẻ tuổi.

2. Vĩ mô Việt Nam

Thặng dư thương mại 9 tháng đầu năm đạt hơn 16 tỷ USD, cao nhất trong 15 năm

Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR) vừa công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 3/2020 với nhiều tín hiệu lạc quan trong việc khôi phục nền kinh tế. Trong đó, thặng dư thương mại 9 tháng đầu năm của Việt Nam gây ấn tượng khi đạt 16,52 tỷ USD – đây là mức cao nhất trong vòng 15 năm trở lại.

Tính riêng quý 3/2020, Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại 10,7 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước thâm hụt 1,08 tỷ USD, khu vực FDI thặng dư 11,8 tỷ USD. Sau khi giảm sâu trong quý 2, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý 3 của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đạt 79,74 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 33,9% so với quý II.

Trong đó, xuất khẩu chủ yếu đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 63% tổng kim ngạch, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù khu vực trong nước chiếm tỷ trọng xuất khẩu thấp hơn nhưng đã tăng đến 32% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhờ vào thặng dư thương mại cao, tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã tăng mức dự trữ ngoại hối thêm 13 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đến nay tăng vượt ngưỡng 92 tỷ USD. Báo cáo đánh giá, đây là “mức kỷ lục” hướng tới đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong tình hình bất ổn do Covid-19. Theo đó, tỷ giá VND/USD có thể tiếp tục giữ mức ổn định cho tới cuối năm 2020.

Ủy ban Chứng khoán bảo lưu quan điểm “mở hết room ngoại” cho tất cả công ty đại chúng

Giải thích về quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng là không hạn chế, kể cả với lĩnh vực ngân hàng, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, quy định nêu trên là phù hợp với luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký.

Ông Hải nhấn mạnh, việc điều lệ công ty có những quy định riêng khác về tỷ lệ sở hữu nước ngoài làm trầm trọng thêm tính không minh bạch về tỷ lệ sở hữu nước ngoài của thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại. Căn cứ vào Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các hiệp định, điều ước đều có quy định “không phân biệt, hạn chế loại nhà đầu tư trong tự do tiếp cân thị trường” thì quy định nêu trên là đúng với luật pháp Việt Nam, cũng như điều ước quốc tế.

Ông Hải cho biết đã nhận được các ý kiến trái chiều xung quanh quy định nêu trên. Đến lúc này UBCKNN đang đợi ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để đưa ra quyết định có hay không điều chỉnh Nghị định khi ban hành.

Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam không ngừng giảm

Theo Báo cáo đánh giá nợ công giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ tỷ lệ nợ công/GDP từ 63,7% năm 2016 đã giảm dần về mức 55% năm 2019, ước năm 2020 đạt 56,8%. Chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP cũng giảm tương tứng từ 52,7% xuống 50,8% ước năm 2020. Nợ nước ngoài quốc gia/GDP có xu hướng tăng đáng kể, từ mức 44,8% năm 2016 tăng lên 47,9% năm 2020.  Riêng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách nhà nước tăng từ 15,8% năm 2016 lên mức 24,1% năm 2020.

Các chỉ tiêu này đều đạt mức Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia/kim ngạch xuất khẩu không đạt chỉ tiêu của Quốc hội, năm 2016 đạt 29,7% nhưng năm 2020 ước tăng lên 34,6%. Nguyên nhân được Chính phủ đưa ra là hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng hàng năm tăng mạnh.

Năm 2021, dự kiến nợ công của Việt Nam tiếp tục giảm mạnh. Mức vay, trả nợ của Chính phủ, của địa phương và các hạn mức nợ như trên, dự báo đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại, nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể lên mức 27,4%, cần có biện pháp để kiểm soát chỉ tiêu này.

Xuất khẩu tôm tăng mạnh

Trong tháng 9, trừ xuất khẩu (XK) sang Nhật Bản giảm, XK tôm Việt Nam sang các thị trường chính khác đều tăng như Mỹ (+39,6%), Trung Quốc (+22,9%), EU (+35,4%), Hàn Quốc (+3,2%), Anh (+54,3%), Canada (+47%), Australia (+50,7%).

XK tôm Việt Nam sang EU trong tháng 9/2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nhờ một phần tác động tích cực từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Các thị trường NK chính của tôm Việt Nam đồng loạt tăng NK để phục vụ các lễ hội cuối năm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt 2,7 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 72% tổng kim ngạch, tôm sú chiếm 16%, còn lại là tôm biển.

Mỹ là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu (NK) tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 24%. Tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ như Ấn Độ và Ecuador nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau dịch Covid-19. Sau 9 tháng XK tôm sang thị trường Mỹ đạt trên 634,4 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ được coi là thị trường có nhu cầu ổn định nhất

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest