Podcast ngày 21.10.2020 – Sức ảnh hưởng của cổ phiếu công nghệ trên TTCK Mỹ thậm chí còn lớn hơn thời kỳ dotcom

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 21/10/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Mỹ tài trợ các nước đang phát triển gây khó khăn cho Huawei

Theo Thời báo Phố Wall, Mỹ dự định cho các nước đang phát triển vay hàng tỷ USD với hi vọng thuyết phục họ sử dụng thiết bị viễn thông phương tây thay vì của Huawei, ZTE khi xây mạng 5G.

Thời báo này đưa tin Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) dẫn đầu nỗ lực trên. Đây là cơ quan chuyên hỗ trợ an ninh lương thực và nguồn nước cho các quốc gia khác.

Tại châu Phi và Trung Đông, Huawei và ZTE nắm hơn 50% thị phần thiết bị viễn thông. Huawei giành nhiều hợp đồng cung ứng thiết bị 5G cho Nam Phi. Công ty cũng cung ứng các công nghệ khác như hệ thống nhận diện gương mặt tại Uganda.

Phó Giám đốc USAID Bonnie Glick trả lời Thời báo Phố Wall rằng họ sẽ cảnh báo các nước đang phát triển về rủi ro an ninh mạng tiềm tàng khi dùng thiết bị Huawei. USAID cũng khuyến nghị họ không sử dụng các cơ quan tài chính Trung Quốc, chẳng hạn Ngân hàng Phát triển Trung Quốc vì có thể đặt tài sản quốc gia vào nguy hiểm. Bà nhận xét các nước có nguy cơ mắc khoản nợ khổng lồ và Trung Quốc sẽ chiếm quyền kiểm soát tài sản quốc gia.

Bất chấp hàng loạt lời cảnh báo về bong bóng, sức ảnh hưởng của cổ phiếu công nghệ trên TTCK Mỹ thậm chí còn lớn hơn thời kỳ dotcom

Phân tích dữ liệu vốn hóa thị trường hàng năm của Dow Jones Market Data cho thấy, các công ty sản xuất mọi thứ từ điện thoại cho đến vận hành các nền tảng truyền thông xã hội hiện chiếm tỷ trọng gần 40% chỉ số S&P 500, con số này đang trên đà vượt qua mức kỷ lục là 37% trong năm 1999. Trong năm nay, Apple là công ty Mỹ đầu tiên đạt mức vốn hóa 2 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 7% tỷ trọng trong S&P 500. Đầu tháng trước, cổ phiếu công ty này chiếm 8%, đây là con số lớn nhất từ trước đến nay trong số liệu từ năm 1998.

Bất chấp đà sụt giảm trong thời gian gần đây của các cổ phiếu công nghệ lớn như Apple và Netflix, nhiều cái tên trong số này vẫn nằm trong những công ty dẫn dầu đà tăng của thị trường vào năm 2020. Điều này giúp S&P 500 tăng gần 8% trong năm 2020 và đưa chỉ số này lên gần mức cao nhất mọi thời đại dù nền kinh tế suy thoái do đại dịch Covid-19.

Nhiều nhà phân tích nói rằng cổ phiếu công nghệ đang được định giá quá cao so với 2 thập kỷ trước, khi tăng trưởng lợi nhuận ổn định và lãi suất gần bằng 0 chính là động lực chính thúc đẩy đà tăng của nhóm này. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần cho những biến động mạnh hơn, khả năng nhóm này sẽ lao dốc vào kéo cả thị trường sụt giảm.

2. Vĩ mô Việt Nam

Thặng dư thương mại tiếp tục tăng lên 17.3 tỷ USD

Thống kê từ số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 10 có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Dẫn đầu là điện thoại và linh kiện với trị giá 2,63 tỷ USD (lũy kế từ đầu năm đến 15/10 đạt 39,4 tỷ USD).

Về nhập khẩu có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ USD trong nửa đầu tháng 10. Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 3 tỷ USD (lũy kế từ đầu năm đạt hơn 48 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,58 tỷ USD (lũy kế từ đầu năm đạt hơn 28 tỷ USD).

Như vậy, từ đầu năm đến 15/10, quy mô tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 413,18 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 215,25 tỷ USD, nhập khẩu đạt 197,93 tỷ USD.

So với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 9,5 tỷ USD (tương đương tăng 4,6%). Trong khi đó, nhập khẩu chỉ kém khoảng 200 triệu USD so với cùng kỳ (tương đương chỉ còn giảm gần 0,1%).

Hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 35 của Chính phủ mới chỉ đạt 50% mục tiêu

Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đến 2020 đề ra 6 mục tiêu. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, có 3 mục tiêu không đạt được, đó là số lượng doanh nghiệp đến 2020 khoảng 1 triệu doanh nghiệp. Đến nay cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp hoạt động. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm cũng chưa đạt được. GDP của khu vực tư nhân có xu hướng tăng lên, nhưng không đạt được mục tiêu 48-49% như Nghị quyết đề ra. Các chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chưa đủ hấp dẫn, dẫn tới kém hiệu quả.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, doanh nghiệp rất khó tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ. Chỉ có 2% doanh nghiệp tiếp cận được với các gói hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19. Có quá nhiều văn bản chồng chéo, khiến doanh nghiệp rất khó thực thi. Năm 2020, xếp hạng môi trường kinh doanh của nước ta đứng thứ 5 trong khu vực Asean, còn cách khá xa so với Thái Lan và Malaysia.

Mở rộng đối tượng được hỗ trợ 1.8 triệu đồng/ tháng do tác động của COVID-19

Theo Nghị quyết số 154/NQ-CP mới ban hành, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông gặp khó khăn bởi đại dịch COVID -19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng.

Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.

Canada không áp thuế chống trợ cấp với tôn mạ nhập khẩu từ Việt Nam

Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết ngày 16/10 vừa qua, Canada đã thông báo kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn (còn gọi là tôn mạ – COR) nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Đáng lưu ý, sau quá trình điều tra vụ việc từ tháng 11/2019, trên cơ sở thông tin do Chính phủ Việt Nam cung cấp, Canada đã kết luận Chính phủ Việt Nam không trợ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thép COR nên sẽ không áp thuế chống trợ cấp với mặt hàng thép này nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngoài ra, trong kết luận cuối cùng, Canada cũng điều chỉnh giảm thuế chống bán phá giá đáng kể so với quyết định sơ bộ. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia hợp tác đầy đủ trong vụ việc chiếm khoảng 97% tổng kim ngạch xuất khẩu thép COR từ Việt Nam sang Canada, có mức thuế chống bán phá giá giảm từ 36,3-91,8% trong giai đoạn sơ bộ xuống còn 2,3-16,2% trong kết luận cuối cùng.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest