Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 09/10/2020
1. Vĩ mô thế giới
Fed chia rẽ về chiến lược mới của chính sách tiền tệ
Trong biên bản cuộc họp chính sách tháng 9 được Fed công bố ngày 7/10, ngân hàng này vẫn không đưa ra ý kiến rõ ràng về các bước tiếp theo để xoa dịu tác động suy thoái kinh tế do dịch Covid-19.
Hồi tháng 8, Fed đã nhất trí về một cách tiếp cận mới đối với chính sách tiền tệ, qua đó ngân hàng này sẽ tập trung nhằm đạt mục tiêu lạm phát trung bình 2%, một chiến lược chính sách mới có thể giữ lãi suất ở mức gần 0% trong nhiều năm.
Điều này có nghĩa là thay vì rút các khoản hỗ trợ nền kinh tế do dự báo giá cả tăng, Fed sẽ chấp nhận các giai đoạn có tỷ lệ lạm phát cao để tập trung vào mục tiêu giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp
Một số người muốn Fed đưa ra một cam kết mạnh mẽ để đẩy lạm phát lên trên 2%, trong khi một số người cho rằng những cam kết như vậy chẳng giúp ích được gì cho nền kinh tế ở thời điểm này. Chủ tịch Fed tại Dallas Robert Kaplan cho rằng, chính sách này đã “trói tay” Fed một cách không cần thiết, trong khi Chủ tịch Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari, mong muốn có các điều kiện chặt chẽ hơn cho các đợt tăng lãi suất trong tương lai.
Mỹ dọa trừng phạt AliPay và WeChat Pay
Hôm qua Bloomberg đưa tin trong vài tuần gần đây các quan chức Mỹ đang thúc đẩy bàn luận về các biện pháp hạn chế Alipay của Ant Group và WeChat Pay của Tencent do lo ngại các nền tảng thanh toán kỹ thuật số này ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Nguy cơ chính quyền Tổng thống Trump áp đặt các biện pháp hạn chế lên 2 ông lớn thanh toán điện tử của Trung Quốc có thể gây ra những tác động vượt xa chính trị, ảnh hưởng đến các thương vụ làm ăn trị giá nhiều tỷ USD, làm chao đảo hệ thống thương mại quốc tế và thậm chí tạo tiền đề cho 1 cuộc cách mạng trên hệ thống tài chính toàn cầu.
Nếu như thành hiện thực, bên đầu tiên bị ảnh hưởng nặng sẽ là kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông của Ant Group (tập đoàn tài chính trực thuộc Alibaba) mà dự tính sẽ trở thành vụ IPO lớn nhất thế giới từ trước đến nay.
Mỹ phạt Citibank 400 triệu USD do yếu kém trong quản lý rủi ro
Ngày 7/10, Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ thông báo phạt ngân hàng Citibank 400 triệu USD vì những sai sót trong quản lý rủi ro và yêu cầu ngân hàng này sửa đổi các quy định kiểm soát nội bộ.
Theo thỏa thuận với OCC, Citibank cam kết sẽ chỉ định một ủy ban hoạt động cung cấp thông tin hằng quý cho Hội đồng quản trị của ngân hàng về những hành động cụ thể nhằm cải thiện việc tuân thủ nguyên tắc.
Các yêu cầu khác bao gồm nâng cấp thu thập dữ liệu và đánh giá nhân sự để đảm bảo nguồn lực cho việc chấp hành án phạt.
Citibank cho biết ngân hàng đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào các chương trình liên quan đến quản lý rủi ro năm nay.
Hơn 40 hãng hàng không phá sản hoặc tam dừng hoạt đông kể từ tháng 01/2020
Công ty dữ liệu hàng không Cirium phát hiện ra 43 hãng hàng không thương mại đã ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm dừng hoạt động kể từ tháng 1/2020, thấp hơn mức 46 hãng trong cả năm 2019 và 56 trong năm 2018. Theo ông Brendan Sobie, Chuyên viên Phân tích độc lập tại Sobie Aviation nhận định rằng nếu không có sự can thiệp từ Chính phủ, số lượng vụ phá sản trong 6 tháng đầu lẽ ra sẽ nhiều hơn nữa.
Sobie Aviation cho biết nhiều hãng hàng không vốn đã gặp khó khăn trước khi đại dịch ập đến, nhưng hiện giờ “khả năng sống sót” của các hãng này còn cao nhờ sự trợ giúp của Chính phủ. Khi mà đà hồi phục nhu cầu ở hầu hết khu vực đã chững lại và nhiều hãng hàng không còn gặp nhiều khó khăn về doanh thu, dòng tiền, dự báo sẽ có thêm nhiều hãng hàng không tạm ngưng hoặc phá sản vào quý 4/2020 và quý 1/2021. Khi một số Chính phủ có lẽ không muốn cứu ngành hàng không lần thứ hai
2. Vĩ mô Việt Nam
Thu ngân sách 9 tháng lần đầu tiên suy giảm sau nhiều năm
Theo tin từ Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 9, tổng thu ngân sách từ ngành thuế ước đạt 833.165 tỷ đồng, đạt 66,4% so với dự toán, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách 9 tháng giảm so với cùng kỳ năm liền trước trong nhiều năm trở lại đây; trước đó là chuỗi tăng trưởng và đều đạt trên mức 100%.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, nền kinh tế chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp suy giảm. Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các gói giải pháp hỗ trợ gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân càng khiến số thu ngân sách sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Vì vậy, dù số thu ngân sách chưa có tăng trưởng song để có được kết quả trên là sự nỗ lực, cố gắng lớn của cơ quan thuế, Tổng cục Thuế đánh giá.
Trong bối cảnh khó khăn trên, để đảm bảo hoàn thành cao nhất dự toán được giao, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu nợ đọng 2020 cho các đơn vị tối thiểu đạt 33.800 tỷ đồng và phấn đấu đạt 40.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí điện tử không dừng
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điên tử không dừng. Chỉ thị nêu rõ, việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng để thay thế cho phương thức thu phí thủ công, một dừng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ bắt buộc, nhằm minh bạch trong hoạt động thu phí, văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội.
Xuất khẩu thủy sản cả năm sẽ đạt hơn 8,2 tỉ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý 1/2020 giảm 10% và tiếp tục giảm 7% trong quý 2/2020. Tuy nhiên, sang quý 3/2020, xuất khẩu thủy sản đã tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt gần 2,4 tỷ USD. Trong đó, chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 790 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính lũy kế 9 tháng năm 2020, thủy sản xuất khẩu đi các nước đạt gần 6 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019.
Xu hướng tiêu thụ thủy sản trên thị trường thế giới có thay đổi. Những sản phẩm phục vụ cho phân khúc dịch vụ như cá tra và một số sản phẩm có giá vừa phải bị sụt giảm nhu cầu vì yêu cầu giãn cách xã hội và lệnh phong tỏa ở các nước. Trong khi đó, nhu cầu thủy sản trong phân khúc bán lẻ vẫn ổn định hoặc tăng ở một số thị trường lớn như Mỹ. Do đó, con tôm vẫn xuất khẩu tăng trong khi cá tra và các sản phẩm hải sản giảm…
VASEP đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy ước tính, xuất khẩu thủy sản của cả nước năm 2020 sẽ đạt khoảng 8,23 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2019.
3. Các kênh đầu tư
Các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu đồng loat bán vàng với khối lượng lớn kỷ lục sau đà tăng mạnh
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố một ước tính hôm 7/10, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã bán ròng 12,3 tấn vàng trong tháng 8 vừa qua. Sự thay đổi này diễn ra ngay khi kim loại quý ghi nhận mức giá cao kỷ lục là trên 2.070 USD/ounce vào đầu tháng 8. Kể từ đó, giá vàng cũng giảm hơn 8%, xuống mức 1.890 USD. Số liệu mới nhất phản ánh động thái chốt lời của một số nhà mua lớn, trong bối cảnh các quốc gia đang huy động nguồn lực để ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19.
Trong năm nay, việc các ngân hàng trung ương mua vàng là một động thái ít được thực hiện hơn, khi giá vàng vốn bị chi phối bởi nhu cầu tăng mạnh từ các quỹ ETF vàng. Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư toàn cầu đã rót hơn 60 tỷ USD vào các quỹ ETF vàng. Tuy nhiên, theo ước tính của WGC, các ngân hàng trung ương vẫn mua từ 200 đến 300 tấn vàng, trị giá khoảng 13 tỷ USD.