Podcast ngày 30.09.2020 – Hạ viện Mỹ đề xuất chi 2.200 tỷ USD cứu trợ Covid-19

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 30/09/2020

1. Vĩ mô thế giới

Hạ viện Mỹ đề xuất chi 2.200 tỷ USD cứu trợ Covid-19

Các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện Mỹ hôm 28/9 công bố dự luật cứu trợ Covid-19 trong nỗ lực đạt được thỏa thuận lưỡng đảng trước cuộc bầu cử tháng 11. Gói cứu trợ 2.200 tỷ USD này giảm đáng kể so với đề xuất ban đầu 3.400 tỷ USD của Hạ viện, gồm các khoản hỗ trợ cho chính quyền địa phương, giáo dục, doanh nghiệp nhỏ và những nỗ lực ứng phó Covid-19 như xét nghiệm, truy vết và cách ly người nhiễm.

Một vài thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đề xuất gói cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD, song bị nhiều thành viên trong đảng bác bỏ vì quá lớn, trong khi phe Dân chủ cho rằng nó quá ít.

Hiện chưa rõ Nhà Trắng có đồng ý với khoản cứu trợ lớn như vậy hay không.

Vòng xoáy nợ nần giữa Trung Quốc và các nước châu Phi

Theo South China Morning Post, mới đây chính phủ Zambia, một quốc gia ở phía nam châu Phi vừa yêu cầu tạm hoãn trả nợ thêm 6 tháng đối với khoản vay trái phiếu nước ngoài trị giá 3 tỷ USD mà nước này đã vay trong các dự án xây dựng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, Bắc Kinh đã tài trợ hàng trăm tỷ USD cho các quốc gia châu Phi xây dựng đường xá, hệ thống đường sắt và nhà máy thủy điện trên khắp châu lục. Tuy nhiên, với dịch Covid-19 tàn phá nặng nề các nền kinh tế đang phát triển, Trung Quốc đối mặt với thách thức tài chính mới: nguy cơ không đòi được nợ từ các nền kinh tế đã khánh kiệt sau đại dịch.

Các nhà phân tích nhận định Trung Quốc có thể sẽ “chịu thêm cú hích” đối với các khoản vay của châu Phi. Trước Zambia, Trung Quốc từng lao đao tái cơ cấu nợ cho các quốc gia châu Phi khác gồm Ethiopia và thêm một khoản vay khác có khả năng cao không đòi được từ Angola.

Chính quyền Bắc Kinh đã nhận được hơn 20 yêu cầu hoãn nợ. Trong đó, nền kinh tế lớn nhất châu Á đã đạt được thỏa thuận với hơn 10 quốc gia.

2. Vĩ mô Việt Nam

CPI quý 3/2020 tăng 0.92% so với quý trước

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0.12% so với tháng trước và tăng 0.01% so với tháng 12 năm trước – đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.

CPI tháng 9/2020 tăng chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường, giá điện sinh hoạt tăng do nhu cầu sử dụng điện trong thời tiết nắng nóng; giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ năm 2011.

Bình quân 9 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3.85% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 2.59% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

GDP quý 3/2020 của Việt Nam tăng 2.62%

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2020 ước tính tăng 2.62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý 3 các năm trong giai đoạn 2011-2020. Dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới nên GDP quý 3/2020 tăng trưởng khởi sắc so với quý 2/2020, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2.93%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2.95%; khu vực dịch vụ tăng 2.75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0.70%.

GDP 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 2.12% so với cùng kỳ năm trước, tuy là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới thì đây là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế.

Thêm chỉ tiêu về tăng năng suất lao động vào bộ chỉ tiêu kinh tế

Bộ Kế hoạch – Đầu tư đề xuất bổ sung một số chỉ số cả về chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Về kinh tế, thay vì 5 chỉ tiêu GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu và tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP, sẽ có thêm một số chỉ số như GDP bình quân đầu người, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng, tốc độ tăng năng suất lao động.

Về xã hội thì giảm bớt chỉ tiêu, chỉ còn tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (bỏ chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân và tỷ lệ thất nghiệp của lao động ở khu vực thành thị).

Các chỉ tiêu về môi trường bổ sung thêm 2 chỉ tiêu: tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị.

Tín dụng 9 tháng đầu năm tăng 5.12%

Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2020 của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 22/9/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 7.74% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8.41%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7.7% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8.79%). Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5.12% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8.51%) do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều chỉnh lãi suất điều hành nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

3. Các kênh đầu tư

Dự báo đầy lạc quan về thị trường dầu thô cộng với kỳ vọng về những gói hỗ trợ, kích thích kinh tế mới đã đẩy giá xăng dầu ngày 29/09 tăng mạnh.

Tính đến đầu giờ sáng ngày 29/9, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2020 đứng ở mức 40,59 USD/thùng, giảm 0,01 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 28/9, giá dầu WTI giao tháng 11/2020 đã tăng 0,42 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2020 đứng ở mức 42,90 USD/thùng, tăng 0,06 USD/thùng trong phiên và tăng tới 0,53 USD so với cùng thời điểm ngày 28/9.

Giá dầu ngày 29/9 tăng chủ yếu do thị trường đặt kỳ vọng các nước sẽ có nhiều hơn những giải pháp hỗ trợ, kích thích nền kinh tế sau dịch Covid-19, đặc biệt là nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, những dự báo lạc quan của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) về thị trường dầu thô từ cuối năm 2020 cũng là tác nhân quan trọng thúc đẩy giá dầu hôm nay đi lên.

EIA dự báo dầu ​​tồn kho thế giới sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2020 từ 3,1 – 3,7 triệu thùng/ngày và đến hết năm 2021. Ngay trong quý 3/2020 cầu sẽ vượt cung giúp thị trường đi vào quỹ đạo ổn định, đạt điểm cân bằng vào cuối năm 2021 trong khi giá dầu sẽ vẫn duy trì ở mức dưới 55 USD/thùng đến giữa năm 2021. Tuy nhiên, nếu làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát mạnh, dẫn đến cách ly xã hội diện rộng, mọi thứ sẽ thay đổi hoàn toàn.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest