Podcast ngày 28.09.2020 – Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore với hàng tỷ USD rót vào các Bluechips Việt Nam

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore với hàng tỷ USD rót vào các Bluechips Việt Nam

1. Vĩ mô thế giới

Fitch giữ nguyên đánh giá triển vọng tiêu cực cho kinh tế Anh

Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings ngày 25/9 giữ nguyên xếp hạng nợ của Anh ở mức AA- và triển vọng ở mức tiêu cực. Việc Fitch giữ nguyên đánh giá “triển vọng tiêu cực” phản ánh tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế Anh và dẫn đến sự suy thoái cụ thể trong tình hình tài chính công. Fitch dự báo thâm hụt tài chính của nước này gia tăng đáng kể trong năm nay và nợ chính phủ sẽ tăng lên tương đương hơn 120% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong vài năm tới. Thâm hụt ngân sách của Vương quốc Anh sẽ tăng từ tương đương 2,2% GDP năm 2019 lên lên 17,7% GDP trong năm nay và cao hơn nhiều so với mức của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008- 2010.
Dự báo của Fitch được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson hồi đầu tuần này công bố một loạt các hạn chế đi lại mới ở nước này để cố gắng hạn chế sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 mới tại đây.
Thêm vào đó, đà phục hồi của kinh tế Anh có thể bị ảnh hưởng bởi quá trình đàm phán một thỏa thuận thương mại mới giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU). Fitch dự báo diễn biến này có khả năng hạn chế tốc độ phục hồi của nền kinh tế Anh trong phần còn lại của năm.

EU công bố kế hoạch kiểm soát tiền điện tử

Các đồng tiền điện tử đã trở nên phổ biến trong giới đầu tư kể từ sau sự xuất hiện của Bitcoin. Tháng 6/2019, Facebook công bố kế hoạch phát hành tiền số Libra vào năm 2020, với sự hậu thuẫn của một rổ tiền tệ giúp đồng tiền này có giá trị thực tế cao hơn so với bitcoin hay các đồng tiền số khác.
Tuy nhiên, nhà chức trách, các ngân hàng và công chúng vẫn lo ngại tính bảo mật và độ tin cậy của nó.
Ngày 24/9, Ủy ban châu Âu (EC) công bố các kế hoạch nhằm kiểm soát tiền điện tử, theo đó đề xuất những quy tắc có thể hạn chế sự phát triển của tiền số Libra và các dự án tương tự.
Các kế hoạch trên bao gồm cả bộ quy tắc về tài sản tiền điện tử. Nếu được thông qua, những đề xuất này có thể giúp trấn an các nhà đầu tư cũng như giúp dễ dàng phát triển các hoạt động này ở quy mô rộng lớn hơn.
Dự kiến, đề xuất này sẽ được thảo luận tại Nghị viện châu Âu và các nước thành viên, và có thể mất vài tháng hoặc vài năm trước khi được thông qua thành luật.

Chủ tịch ECB: Không nên ngừng quá sớm các biện pháp hỗ trợ tài chính

Chủ tịch ECB cho rằng việc ngừng quá sớm các hỗ trợ tài chính chẳng hạn như những chương trình ưu đãi dành cho người lao động sẽ dẫn tới sự thiếu ổn định trong quá trình hồi phục kinh tế.
Ngày 24/09 vừa qua, Vương quốc Anh trở thành quốc gia mới nhất ở châu Âu gia hạn các biện pháp hỗ trợ tài chính trong khủng hoảng COVID-19 khi tuyên bố sẽ trợ cấp tiền lương cho người lao động bán thời gian, gia hạn các khoản tín dụng cho các công ty bị ảnh hưởng của lệnh phong tỏa chống dịch COVID-19 và giảm thuế bán hàng trong thời gian dài hơn.
Trong khi đó, Đức gần đây đã phân bổ khoảng 10 tỷ euro (11,6 tỷ USD) để kéo dài chương trình việc làm ngắn hạn cho đến cuối năm 2021.

Mỹ trừng phạt hãng sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc

Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên Semiconductor Manufacturing International (SMIC) – hãng sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Trung Quốc – giữa lúc căng thẳng Mỹ-Trung leo thang về sở hữu trí tuệ và an ninh quốc gia.
Việc xuất khẩu hàng hóa cho nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc sẽ gây ra “rủi ro không chấp nhận được” từ việc Trung Quốc chuyển hướng sang sử dụng cho mục đích quân sự, Các công ty sẽ cần xin giấy phép trước khi xuất khẩu hàng công nghệ cho SMIC.
Cổ phiếu SMIC rớt 23% trong một ngày trong tháng 9/2020 sau thông tin Mỹ cân nhắc thêm SMIC vào danh sách đen về thương mại.
Qualcomm là khách hàng lớn nhất của SMIC tại Mỹ. Chip của ông lớn công nghệ này được sử dụng trong những chiếc điện thoại của Apple, Motorola và Samsung Electronics. Doanh số bán cho Qualcomm chiếm 8.6% doanh thu của SMIC, dữ liệu cho thấy.

2. Vĩ mô Việt Nam

Kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt gần 9 tỷ USD trong 9 tháng qua

Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), 9 tháng qua, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,38 tỷ USD, tăng 11,2 so với cùng kỳ 2019.
Đầu năm đến nay, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7/2020 khi dịch bệnh đã dần được khống chế, các quốc gia đã bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh mở cửa, phát triển kinh tế nên nhu cầu nhập khẩu gỗ và lâm sản đã tăng lên đáng kể.
Đáng chú ý, trong tháng 8 và tháng 9 giá trị xuất khẩu đã tăng ở mức 2 con số. Đặc biệt, lần đầu tiên, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 8 đã đạt trên 1 tỷ USD.

Quảng Ninh có thêm một khu kinh tế ven biển

Thủ tướng vừa quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích 13.303 ha, gồm 20 phường, xã của 2 địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh là thị xã Quảng Yên và thành phố Uông Bí.
Khu kinh tế ven biển Quảng Yên nhằm khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các khu kinh tế ven biển khác như Vân Đồn, Đình Vũ-Cát Hải, Thái Bình… nhằm phát triển nhóm các khu kinh tế ven biển.
Khu kinh tế ven biển Quảng Ninh được chia làm 3 giai đoạn phát triển. Trong đó giai đoạn 1 (2020-2021) đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản phục vụ cho dự án trong khu kinh tế. Giai đoạn 2 (2021-2025) tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và các khu chức năng của khu kinh tế. Giai đoạn 3 (2026-2035) đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng của toàn khu, từng bước hình thành đô thị thông minh.
Đến nay, Quảng Ninh có 5 khu kinh tế đã được thành lập và đi vào hoạt động gồm Khu kinh tế ven biển Vân Đồn, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên và 3 khu kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Hoành Bồ – Đồng Văn, Bắc Phong Sinh).

3. Các kênh đầu tư

GIC: Quỹ đầu tư quốc gia 440 tỷ USD của Singapore với hàng tỷ USD rót vào các bluechips Việt Nam

GIC Private Limited, trước đây gọi là Tổng công ty Đầu tư Chính phủ Singapore, là một quỹ tài sản có chủ quyền do chính phủ nước này thành lập năm 1981 để quản lý dự trữ ngoại hối của Singapore. Nằm dưới quyền quản lý của Chính phủ và Cơ quan tiền tệ Singapore, quỹ có nhiệm vụ đem lại mức sinh lời dài hạn cao hơn so với mức lạm phát thế giới trong khoảng thời gian đầu tư là 20 năm. Tính tới nay, theo đánh giá của hiệp hội các quỹ đầu tư quốc doanh (SWFI), tài sản mà GIC quản lý rơi vào khoảng 440 tỷ USD, đứng thứ 8 trong danh sách các quỹ lớn nhất thế giới.
Tính đến năm 2019, GIC nắm giữ khoảng 34% danh mục đầu tư tại Mỹ; 2% ở Mỹ Latinh; 6% ở Vương quốc Anh; 13% trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu; 5% ở Trung Đông, Châu Phi và phần còn lại của Châu Âu; 19% ở Châu Á (trừ Nhật Bản) và 13% ở Nhật Bản. Có thể thấy, quỹ này có danh mục đầu tư tập trung phần lớn ở Mỹ và Nhật Bản là các thị trường lớn, có tính an toàn cao hơn so với các thị trường đang phát triển và phù hợp với khẩu vị rủi ro của GIC; tuy nhiên quỹ cũng cố gắng đa dạng hóa các khu vực đầu tư của mình tại nhiều quốc gia khác.
GIC hiện đang là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, cùng với SK của Hàn Quốc. Tính đến giữa năm 2019, danh mục cổ phiếu của quỹ này tại Việt Nam có giá trị gần 2 tỷ USD, bao gồm những cổ phiếu lớn như VHM, VCB, MSN hay VNM… nổi bật nhất là thương vụ đầu tư 853 triệu USD vào Vinhomes năm 2018 và 500 triệu USD vào công ty mẹ của Vinmart và Vinmart + là CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM. Ngoài ra, thông qua quỹ đầu tư con trực thuộc, GIC cũng đang là cổ đông nắm giữ trên 8% cổ phần tại VNG – công ty về công nghệ lớn hàng đầu tại Việt Nam.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest