Podcast ngày 18.09.2020 – FED giữ nguyên lãi suất cận 0 cho đến khi lạm phát tăng liên tục

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: FED giữ nguyên lãi suất cận 0 cho đến khi lạm phát tăng liên tục

1. Vĩ mô Quốc tế

OECD dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 4,5% trong năm nay

Trong đánh giá triển vọng kinh tế mới nhất, OECD cho biết, GDP nền kinh tế thế giới sẽ thu hẹp 4,5% trong năm nay, đây là điều chỉnh tích cực so với ước tính được đưa ra vào tháng 6 với mức sụt giảm 6% GDP toàn cầu.

Trong tương lai, OECD kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5% vào năm 2021. Tuy nhiên, triển vọng “vẫn chưa chắc chắn” do đại dịch.

OECD cũng cảnh báo có sự khác biệt lớn trong tăng trưởng GDP giữa các quốc gia.

Trung Quốc, Mỹ và khu vực đồng euro dự kiến ​​sẽ hoạt động tốt hơn so với dự báo ban đầu của OECD vào tháng 6. Trong khi đó, kỳ vọng tăng trưởng đối với Ấn Độ, Mexico và Nam Phi đã trở nên tồi tệ hơn.

GDP Trung Quốc dự đoán sẽ tăng 1,8% trong năm 2020, đây là quốc gia duy nhất trong số các nước OECD được ước tính sẽ tăng trưởng dương. Ngược lại, Mỹ và EU được ước tính sẽ tăng trưởng âm 3,8% và 7,9%.

Bức tranh thậm chí còn tồi tệ hơn đối với Ấn Độ, Argentina, Anh, Nam Phi và Mexico, tất cả đều được dự báo GDP sẽ thụt giảm.

Fed giữ nguyên lãi suất cận 0 cho đến khi lạm phát tăng liên tục

Kết thúc cuộc họp chính sách trong hai ngày 15 – 16/9, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, thông báo giữ nguyên lãi suất ở 0 – 0,25% như dự đoán trên thị trường. Mức lãi suất này sẽ được duy trì cho đến khi lạm phát tăng liên tục, trên đà “vượt mức trung bình” mục tiêu 2%.

Trong thông báo chính sách, Fed cho biết cơ quan này bắt đầu chuyển từ ổn định các thị trường tài chính sang kích thích nền kinh tế. Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ duy trì chương trình mua trái phiếu hiện tại, ít nhất 120 tỷ USD/tháng.

FOMC cập nhật dự báo về kinh tế, lãi suất thấp được duy trì ít nhất tới năm 2023 với lạm phát không thể vượt 2% trong thời gian này. Kinh tế Mỹ suy giảm 3,7% trong năm nay, thấp hơn dự báo giảm 6,5% đưa ra hồi tháng 6. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng GDP năm 2021 và 2022 lần lượt giảm từ 5% về 4% và 3,5% về 3%. Tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo là 2,5%. Tỷ lệ thất nghiệp vào cuối năm nay là 7,6%, thấp hơn mức 9,3% đưa ra trước đó. Dự báo lạm phát năm nay được điều chỉnh tăng từ 0,8% lên 1,2%.

Nhật Bản duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ kinh tế

Kết thúc phiên họp kéo dài hai ngày, Hội đồng Chính sách BoJ đã quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn ở mức khoảng 0%. Bên cạnh đó, BoJ sẽ tiếp tục các biện pháp nhằm hỗ trợ vốn cho các công ty gặp khó khăn.

Đối với chương trình mua tài sản, BoJ sẽ tiếp tục mua vào không giới hạn trái phiếu chính phủ từ các tổ chức tài chính và mua vào chứng chỉ quỹ giao dịch ngoại hối (ETF) ở mức tối đa 12.000 tỷ yên (114 tỷ USD)/năm.

Trước đó, ngày 16/9, tân Thủ tướng Suga đã nhậm chức với cam kết tiếp tục các chính sách kinh tế Abenomics của người tiền nhiệm, với ba trụ cột chính là chính sách tiền tệ siêu lỏng, tăng cường chi tiêu công và cải cách cơ cấu.

Ngân hàng, công ty môi giới Trung Quốc hưởng lợi lớn nhờ doanh nghiệp đổ xô IPO ở Hồng Kông sau những đe dọa từ Mỹ

Theo Nikkei, lời đe dọa cấm các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ có thể khiến hàng triệu USD tiền phí chảy về các ngân hàng đầu tư của quốc gia châu Á vì nhiều doanh nghiệp nhắm tới thị trường Hong Kong và nội địa để huy động vốn. Với tình hình hiện nay, một số công ty Trung Quốc có ý định lên sàn có thể không muốn đưa các công ty dịch vụ quốc tế, đặc biệt là Mỹ, vào danh sách bảo lãnh phát hành

Các ngân hàng và công ty môi giới Trung Quốc, gồm cả China International Capital, CITIC Securities và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, sẽ là những nhà bảo lãnh lớn nhất cho các đợt niêm yết lớn tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các ngân hàng toàn cầu như Morgan Stanley và Goldman Sachs đã không nằm trong top đầu doanh thu phí niêm yết của các công ty Trung Quốc ở Hông Kông trong 4 năm trở lại đây.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Anh có thể tăng gấp đôi vào cuối năm 2020

Theo số liệu chính thức từ Chính phủ Anh, trong giai đoạn ba tháng tính tới tháng 7/2020, số người thất nghiệp của nước này đã tăng 104.000 người, lên 1,4 triệu người, qua đó nâng tỷ lệ thất nghiệp thêm 0,2 điểm phần trăm lên 4,1%, mức tăng mạnh nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.

Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ngay cả khi lĩnh vực nhà hàng khách sạn tại Anh đã được mở cửa trở lại vào đầu tháng 7/2020, sau khi các cửa hàng bán những mặt hàng được coi là không thiết yếu như quần áo và sách, được nối lại hoạt động.

Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh có thể tăng gấp đôi vào cuối năm 2020, lên khoảng 8% khi gói cứu trợ tài chính đang được hơn một triệu công ty sử dụng để giữ gần 10 triệu nhân viên ở lại làm việc, sẽ kết thúc vào ngày 31/10 tới.

2. Vĩ mô Việt Nam

Nhà đầu tư EU muốn làm dự án logistics cảng biển gần 1 tỷ USD tại Việt Nam

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều ngày 16/9. Các nhà đầu tư của Liên minh châu Âu bày tỏ ý định đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).  Các nhà đầu tư cho biết dự án có thể đón tàu container trọng tải lớn để đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tham gia thúc đẩy các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, chở hàng hóa, nông sản từ Đồng bằng sông Cửu Long tới Cái Mép Hạ và đi ra thế giới.

Vì thế, các nhà đầu tư mong muốn dự án sớm được phê duyệt, đồng thời khẳng định cam kết nếu được lựa chọn, họ sẽ triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng, áp dụng các biện pháp “vận tải xanh” để phát triển bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam và EU đang thúc đẩy giao thương khi EVFTA có hiệu lực thì hai bên đều cần những dự án như dự án này.

Thủ tướng giao UBND Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề nghị của nhà đầu tư về dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề có liên quan.

Xuất khẩu cá tra ngóng thị trường EU khi thuế về 0%

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tính đến nửa đầu tháng 8, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 85,55 triệu USD, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm trước. Dù EU vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ) nhưng cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đang hy vọng sẽ có bước phục hồi sớm tại thị trường EU sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, nhiều mặt hàng được giảm thuế về mức 0%. Điều này giúp tăng lợi thế cạnh tranh của cá tra Việt Nam tại EU so với các sản phẩm cá thịt trắng khác.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường Anh khi 6 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm này sang Anh vẫn tăng 7,3% đạt 31,7 triệu USD, chiếm 4,7% tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang gần 130 thị trường. Đây là mức tăng trưởng khả quan nhất trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam trong nửa đầu năm nay. Cho dù đây không phải là mức tăng trưởng lớn nhưng trong bối cảnh mới khi rời khỏi EU và đại dịch Covid-19 làm đảo lộn hầu hết các nền kinh tế lớn thì đây được cho là sự ấn tượng và cho thấy tiềm năng của thị trường này.

Vietjet mở lại đường bay quốc tế từ 29/9

Trong bối cảnh dịch bệnh trong nước và tại một số quốc gia đang được kiểm soát tốt. Vietjet khẩn trương mở lại mạng bay quốc tế đến Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) từ ngày 29/9.

Cụ thể, hàng tuần, Vietjet sẽ có một chuyến TP.HCM – Tokyo vào thứ Ba, TP.HCM – Seoul vào thứ Tư và Hà Nội – Đài Bắc vào thứ Năm.

Hành khách khi thực hiện xuất cảnh tại Việt Nam cần có giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 được cấp trong vòng 3 ngày trước khi thực hiện chuyến bay cũng như tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc của nước sở tại.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest