Podcast ngày 14.09.2020 – VNM ETF giữ nguyên danh mục cổ phiếu Việt trong kỳ review tháng 9/2020

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: VNM ETF giữ nguyên danh mục cổ phiếu Việt trong kỳ review tháng 9/2020

1. Vĩ mô Quốc tế

Thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ vượt ngưỡng 3.000 tỷ USD

Số liệu chính thức của Bộ Tài chính Mỹ cho biết tính đến tháng 8, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đã vượt ngưỡng 3.000 tỷ USD và có thể sẽ tăng thêm 300 tỷ USD đến cuối tháng này khi năm tài chính kết thúc. Đây là mốc cao nhất trong lịch sử tài chính của nước này.

Các nhà theo dõi ngân sách của Mỹ ước tính vào năm tới, nợ tích lũy của Mỹ sẽ vượt quá quy mô nền kinh tế và phá vỡ mức nợ kỷ lục được xác lập từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nợ chồng chất sẽ đẩy lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm tăng lãi suất và khiến chính phủ khó chi tiêu hơn khi các khoản thanh toán lãi suất tăng dần lên theo thời gian.

Tuy nhiên trong thời điểm khủng hoảng kinh tế, nợ chỉ là mối quan tâm thứ hai. Trọng tâm chính vẫn là phục hồi nền kinh tế.

ECB giữ nguyên lãi suất, không thay đổi chương trình kích thích

Ngân hàng trung ương châu Âu thông báo giữ nguyên lãi suất và các chương trình kích thích ứng phó Covid-19, bất chấp euro tăng giá gây áp lực lên các nhà lập chính sách.

Lãi suất đối với hoạt động tái cấp vốn, cho vay ký quỹ và tiền gửi vẫn lần lượt là 0%, 0,25% và -0,5%. Quy mô Chương trình mua khẩn cấp thời đại dịch (PEPP) vẫn là 1.350 tỷ euro (1.600 tỷ USD).

Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) tháng 8 giảm xuống -0,2% từ mức 0,4% trong tháng 7, lạm phát âm gây nguy cơ làm giảm tốc độ tăng trưởng. Trong khi đó, euro lại tăng giá so với USD, làm suy yếu năng lực cạnh tranh xuất khẩu, lạm phát suy giảm hơn nữa do chi phí nhập khẩu hàng hóa giảm.

Ngân hàng trung ương Châu Âu cũng dự báo mức thu hẹp của GDP năm 2020 là 8.7%, sau đó nền kinh tế khu vực này sẽ phục hồi lần lượt 5.2% và 3.3% vào năm 2021 và 2022.

Trung Quốc ‘bơm’ hơn 100 tỷ USD cho dự án trong nước

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT) Trung Quốc thông báo sẽ đầu tư khoảng 103,8 tỷ USD vào 105 dự án trên khắp đất nước, trong đó khoảng 43,9 tỷ USD đến từ các khoản vay ngân hàng.

Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) đồng ý cho vay khoảng 18,3 tỷ USD để phát triển 24 dự án. CDB cho biết họ cấp hạn mức tín dụng trị giá 36,6 tỷ USD cho các dự án này hồi cuối tháng 3, đồng nghĩa việc mở dòng vốn vay chính phủ để tài trợ cho các dự án quan trọng của Trung Quốc.

Hoạt động phối hợp trực tiếp hiếm có giữa MIIT và CDB trong cấp vốn cho các dự án trọng điểm nằm trong chiến lược “lưu thông kép” mới được Trung Quốc đưa ra. Theo kế hoạch này, Trung Quốc sẽ tìm cách tự lực tạo ra đột phá công nghệ và cắt giảm phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu trong bối cảnh xung đột thương mại kéo dài với Mỹ.

Lo sợ thừa cung, giới buôn dầu bắt đầu tìm thuê kho nổi

Đà phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch chững lại đang khiến nguồn cung dầu gia tăng. Các nhà giao dịch như Trafigura phải đặt thuê trước tàu chở dầu để lưu trữ hàng triệu thùng dầu thô và nhiên liệu trên biển. Xu hướng lưu trữ ngoài khơi trên tàu chở dầu thường xuất hiện trong bối cảnh các kho truyền thống trên đất liền vẫn trong tình trạng gần đầy vì cung vượt cầu.

Tồn kho dầu toàn cầu vẫn đang cao hơn đáng kể so với trung bình những năm gần đây. Dù đang giảm khoảng 1,6 triệu thùng/ngày trong 30 ngày qua, tồn kho vẫn cao hơn 600 triệu thùng so với năm ngoái.

2. Vĩ mô trong nước

Tỉnh Kon Tum chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện gió gần 1.900 tỷ đồng

UBND tỉnh Kon Tum vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật – Đăk Glei có quy mô 24,55 ha của CTCP Tân Tấn Nhật.

Dự án dự kiến được xây dựng từ tháng 12 năm nay đến tháng 9/2021, sau đó từ tháng 10/2021 sẽ vận hành sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.890 tỷ đồng trong đó vốn góp của chủ đầu tư là 380 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư; vốn vay từ Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Chi nhánh Kon Tum là 1.510 tỷ đồng.

Hà Nội muốn phát triển kinh tế đêm

UBND quận Hoàn Kiếm vừa có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét cho phép triển khai thực hiện đề án Tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) trên địa bàn quận.

UBND quận Hoàn Kiếm dự kiến việc triển khai thí điểm giai đoạn 1 (từ khi được UBND TP phê duyệt đến ngày 31-8-2021): Tập trung phát triển các không gian động lực cho KTBĐ để tạo tiền đề phát triển toàn diện trên toàn địa bàn. Giai đoạn 2 (từ ngày 1-9-2021): Phát triển KTBĐ toàn diện trên địa bàn.

Phạm vi hoạt động KTBĐ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ: Văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, du lịch; các hoạt động vận chuyển; hoạt động tài chính, ngân hàng bổ trợ. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ được tổ chức không giới hạn thời gian vào tất cả các ngày trong tuần. Không gian đi bộ trong khu phố cổ và không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng – Gầm Cầu sẽ tổ chức đồng bộ với thời gian tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Các hoạt động ngoài trời tổ chức đến 24 giờ; các điểm di tích, di sản cũng mở cửa đến 24 giờ.

3. Các kênh đầu tư

VNM ETF giữ nguyên danh mục cổ phiếu Việt trong kỳ review tháng 9/2020

MV Index Solutions vừa công bố kết quả cơ cấu định kỳ quý III/2020 của chỉ số MVIS Vietnam Index – chỉ số cơ sở của quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF).

Theo đó, MVIS Vietnam Index đã không thêm mới hay loại bớt cổ phiếu Việt Nam nào khỏi danh mục trong kỳ cơ cấu này và vẫn giữ nguyên số lượng ở con số 15. Tuy nhiên, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sau kỳ cơ cấu quý III chỉ còn 64,38%, thấp hơn 3,09% so với kỳ cơ cấu trước (67,47%).

Trong kỳ cơ cấu này, VIC là cổ phiếu được VNM ETF mua vào nhiều nhất với 2,9 triệu USD, tiếp theo lần lượt là VNM (1,32 triệu USD), VHM, VCB (1,24 triệu USD).

Ở chiều ngược lại, cái tên bị bán ròng mạnh nhất là POW (0,89 triệu USD), TCH (0,74 triệu USD).

Việc thay đổi các cổ phiếu thành phần của MVIS Vietnam Index sẽ có hiệu lực sau giờ đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu 18/09 và chính thức được giao dịch từ ngày thứ Hai 21/09.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest