Podcast ngày 09.07.2020 – Triển vọng của Việt Nam “nằm trong nhóm tươi sáng nhất” châu Á

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Triển vọng của Việt Nam “nằm trong nhóm tươi sáng nhất” châu Á

1. Tin vĩ mô và các diễn biến đáng chú ý trên thế giới

Nhiều quốc gia cần tái cơ cấu nợ sau dịch COVID-19

Nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay hiện tại chưa có khủng hoảng nợ, nhưng sẽ xuất hiện “nhu cầu giảm nợ cho các quốc gia nghèo trên thế giới” do dịch COVID-19 gây ra.

Bà Gita Gopinath nói rằng có thể có “nhu cầu tái cơ cấu nợ ở nhiều quốc gia” khi khoảng 40% quốc gia thu nhập thấp vốn đang trong tình trạng khủng hoảng nợ hoặc có nguy cơ cao rơi vào tình trạng này, và số lượng ngày càng gia tăng.

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tiếp tục tăng

Theo số liệu mà Cục quản lý ngoại hối quốc gia Trung Quốc công bố, tính đến hết tháng 6/2020, tổng dự trữ ngoại hối của nước này đạt 3.112 tỷ USD.

Phó Cục trưởng Cục quản lý ngoại hối quốc gia Trung Quốc, bà Vương Xuân Anh cho biết, trong tháng 6 thị trường ngoại hối của nước này tương đối bình ổn, sự thay đổi giá trị của các tài sản chính do Trung Quốc nắm giữ chẳng hạn như trái phiếu nước ngoài và sự biến động của tỷ giá hối đoái là nguyên nhân khiến dự trữ ngoại hối của nước này gia tăng.

Theo các chuyên gia, trong những năm vừa qua, đã có sự chuyển dịch mạnh trong kết cấu dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Nước này giảm tỷ lệ nắm giữ tài sản bằng đồng USD từ 79% trong năm 2005 xuống khoảng 54% trong năm 2019.

ECB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone

Ngày 4/6, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt với tình trạng suy thoái chưa từng có do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo người đứng đầu ECB, do các biện pháp phong tỏa làm gián đoạn nguồn cung và giảm nhu cầu trong những tháng vừa qua, tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ giảm mạnh 8,7% trong năm 2020.

Bà Lagarde đánh giá trong bối cảnh các nước đang dần mở cửa trở lại, những dấu hiệu của suy thoái hiện đã không còn. Tuy nhiên, hoạt động phục hồi lại khá yếu ớt so với mức giảm mạnh của các chỉ số kinh tế trong những tháng trước đó.

Theo bà Lagarde, mức độ suy thoái của Eurozone trong năm nay sẽ phụ thuộc lớn vào thời gian áp dụng và mức độ hiệu quả của các biện pháp hạn chế cũng như những chính sách giảm nhẹ tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng.

ECB dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm tới và 3,3% trong năm 2022 nhờ vào những gói kích thích quy mô lớn từ các chính phủ thành viên và ECB.

2. Vĩ mô trong nước

Triển vọng của Việt Nam ‘nằm trong nhóm tươi sáng nhất’ châu Á

“Việt Nam đang chịu một số tác động từ Covid-19 nhưng triển vọng kinh tế nằm trong nhóm tươi sáng nhất tại khu vực”, Edward Teather, chuyên gia kinh tế về ASEAN tại UBS Research, nói ngày 6/7. “Doanh số bán lẻ, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp đều tăng trong tháng 6, có thể nói là tốt hơn hầu hết các nền kinh tế trong khu vực”.

“Việt Nam đang tăng trưởng và ở vị thế tốt để tiếp tục mở rộng thị phần toàn cầu về xuất khẩu, triển vọng khá tươi sáng tại khu vực”, Teather nhận định. Việt Nam còn được coi là lựa chọn thay thế cho các công ty muốn chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc vì căng thẳng thương mại Washington – Bắc Kinh.

Nguồn cung chung cư và nhà riêng tăng, nhà mặt phố và đất nền giảm

Theo Kênh thông tin về bất động sản (BĐS) batdongsan.com.vn, trong 6 tháng đầu năm 2020, nguồn cung BĐS cả nước bắt đầu phục hồi sau khi hết giãn cách xã hội (từ ngày 10/5), nhưng sự phục hồi này khác nhau về khu vực và loại hình BĐS. Trong khi nguồn cung chung cư, nhà riêng tại các địa phương tăng khoảng 11%, thì nhà mặt phố và đất nền giảm khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm 2019

So với quý I/2020, mức độ quan tâm của người tìm kiếm BĐS tăng 7% trên cả nước, nhưng mức độ quan tâm tới đất nền dự án tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh giảm 11% và với nhà trọ, phòng trọ cho thuê giảm 16%. Nhu cầu cho thuê và bán nhà riêng tại khu vực này tăng cao sau khi kiểm soát được dịch CIVID-19, lượng tin đăng bán nhà riêng tăng 18% và cho thuê nhà riêng tăng 11%… Riêng nhu cầu tìm kiếm căn hộ mini (có diện tích dưới 45 m2) tăng đáng kể từ tháng 2/2020 đến nay, với mức độ tăng hơn 200%.

Điều này phản ánh xu hướng ngày càng có nhiều người trẻ, gia đình trẻ ra ở riêng và có nhu cầu sở hữu các căn hộ nhỏ, vừa túi tiền. Theo kết quả điều tra dân số và hộ gia đình của Tổng cục thống kê năm 2019, thì tỷ lệ hộ gia đình 1 người đã tăng 51% sau 10 năm. Đây cũng chính là một nhu cầu để các chủ đầu tư xây dựng các căn hộ studio và các căn hộ mini, diện tích nhỏ.

3. Các kênh đầu tư

Trái phiếu doanh nghiệp ‘hút’ nhà đầu tư cá nhân

Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm đến nay ước tính ở mức 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019. Con số tăng trưởng quy mô phát hành trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ có thể sẽ còn cao hơn do các thông tin phát hành vẫn đang được công bố.

Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành ước khoảng 783.000 tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP lũy kế 12 tháng gần nhất. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng bình quân 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến 6 tháng đầu năm nay.

Đáng chú ý, các số liệu cho thấy mức độ tham gia của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tăng khá nhanh. Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp – tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019. Các doanh nghiệp phát hành nhiều trong nửa đầu 2020 như Sovico, Vinfast, Vincommerce, Masan Group… đang được phân phối mạnh cho các khách hàng cá nhân trên thị trường thứ cấp.

Theo quy trình hiện nay, nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp dễ dàng hơn thông qua các quầy giao dịch của các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán, đặt lệnh mua trái phiếu doanh nghiệp qua tài khoản chứng khoán. Thậm chí, chức năng này còn được tích hợp vào tài khoản ngân hàng điện tử tại một số ngân hàng.

Thêm vào đó, các lô trái phiếu có thể tách nhỏ đến từng triệu đồng để phù hợp với nhu cầu đầu tư của khách hàng, thời hạn đầu tư cũng rất linh hoạt nhờ trung gian thu xếp giao dịch hoặc cam kết mua lại từ các đại lý. Sự tăng trưởng mạnh mẽ về mặt quy mô, tính thanh khoản và khả năng tiếp cận đã khiến trái phiếu doanh nghiệp từ chỗ là kênh đầu tư dành riêng cho tổ chức đã dần trở thành một lựa chọn đầu tư mới cho khách hàng cá nhân.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest