Podcast ngày 29.06.2020 – Châu Âu có thể đã qua giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng

Mục lục

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “Châu Âu có thể đã qua giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng”

1. Tin vĩ mô thị trường quốc tế và các xu hướng kinh doanh

Trung Quốc muốn thay thế đồng USD bằng đồng Nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế

Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc, cho rằng nước này nên chuẩn bị cho việc ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Một mục tiêu khác của Bắc Kinh là “quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ”, nghĩa là thay thế đồng USD bằng đồng tiền riêng của mình trong các giao dịch quốc tế.

Ông Phạm Tây Hải cũng lưu ý rằng trong tương lai có khả năng đồng USD mất giá mà như thế cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Trung Quốc vì Bắc Kinh có khoảng 2 nghìn tỷ USD dưới dạng đầu tư phi tài chính ở nước ngoài.

Trước đó, các nhà lập pháp Mỹ từng đe dọa ngắt kết nối nước Nga khỏi hệ thống SWIFT kể từ khi bắt đầu cuộc chiến trừng phạt vào năm 2014. Đáp lại, Ngân hàng Trung ương Nga đã phát triển hệ thống thông tin tài chính (SPFS) của riêng mình.

Trung Quốc cũng có Hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc (CIPS). Và năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, Nga và Trung Quốc đã đồng ý hợp nhất hệ thống cho các khoản thanh toán quốc tế.

Châu Âu có thể đã qua giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 26/6 nhận định giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra có thể đã qua, song vẫn cảnh báo rằng trạng thái “bình thường mới” sẽ khác với những gì đã diễn ra trước đây.

Chủ tịch ECB nói rằng mọi thứ sẽ không trở về tình trạng trước đại dịch mà sẽ rất khác. Những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất – như hàng không, khách sạn và giải trí – sẽ hồi phục từ cuộc khủng hoảng với “một hình thái khác”, trong khi các ngành công nghiệp mới có thể nổi lên.

Tốc độ phục hồi sau dịch Covid-19 tại mỗi khu vực cũng sẽ khác biệt. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) nhiều khả năng sẽ ghi nhận mức suy giảm kinh tế lên tới 10,2% trong năm nay.

Chủ tịch Lagarde cho biết bà tin rằng các ngân hàng trung ương đã giúp giảm thiểu thiệt hại của đại dịch. Dù trước đây, các ngân hàng trung ương đã phàn nàn về việc bị yêu cầu thực hiện các biện pháp mạnh tay trong khi các chính phủ giữ quản lý chặt nguồn tài chính của mình, bà Lagarde lưu ý rằng trong đại dịch lần này, lần đầu tiên các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa được triển khai hài hòa với nhau.

Microsoft bất ngờ tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn tất cả cửa hàng bán lẻ

Động thái này khiến hơn 80 cửa hàng Microsoft phải đóng cửa do đại dịch Covid-19 sẽ không bao giờ mở cửa trở lại trong bối cảnh gã khổng lồ công nghệ bước vào “một cách tiếp cận mới về bán lẻ”, theo một tuyên bố của Microsoft.

“Microsoft sẽ tiếp tục đầu tư vào các cửa hàng kỹ thuật số của mình trên Microsoft.com và các cửa hàng trên Xbox và Windows”, tuyên bố cho biết.

“Doanh số trực tuyến của chúng tôi đã tăng đáng kể khi các danh mục sản phẩm được phát triển thành các dịch vụ kỹ thuật số. Đồng thời, đội ngũ nhân viên tài năng của chúng tôi đã chứng minh thành công việc phục vụ khách hàng vượt xa mong đợi”, David Porter, phó chủ tịch tập đoàn Microsoft chia sẻ.

2. Vĩ mô trong nước và các tin tức tâm điểm

Bộ Công thương cảnh báo về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp, hộ sản xuất hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cường công tác giám sát chất lượng, chủ động phối hợp chặt chẽ với đối tác nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực thẩm, truy xuất nguồn gốc… đối với hàng nhập khẩu.

Thông tin đưa ra sau khi chính quyền Quảng Tây thực hiện nghiêm chế độ quản lý hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại các chợ, siêu thị; tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chứng từ mua hàng đối với hàng nông sản dùng làm thực phẩm;

Quảng Tây cấm mua bán, tàng trữ các loại thực phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; các trường hợp kinh doanh thực phẩm nhập khẩu phải cung cấp chứng từ kiểm nghiệm kiểm dịch của cơ quan hải quan.

Hơn 400.000 tỷ đồng đầu tư vào Hà Nội

Tại hội nghị “Hà Nội 2020 – hợp tác đầu tư và phát triển”, thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn: 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng.

22 dự án đầu tư vốn FDI, số vốn 5,7 tỷ USD, vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD; và 107 dự án đầu tư công. Tổng số dự án, số vốn tăng, tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016.

Các dự án đầu tư này, tập trung vào các lĩnh vực: 25 cụm công nghiệp với 490,8ha; 800.000m2 nhà ở xã hội; 3 khu đô thị; Du lịch – dịch vụ; Trụ sở văn phòng; Văn hóa – xã hội; Tài chính – Ngân hàng; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông.

3. Thị trường tài sản và các kênh đầu tư

Thị trường tài chính sẽ rơi vào đợt điều chỉnh

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo việc các thị trường tài chính và nền kinh tế thực mất đi sự tương quan như hiện nay có thể khiến các tài sản rơi vào một đợt điều chỉnh trong thời gian tới.

Số liệu gần đây cho thấy thế giới có thể suy thoái sâu hơn dự đoán trong thời gian tới. Tuy nhiên, các thị trường dường như đã bỏ qua tín hiệu này, với chỉ số S&P 500 từng ghi nhận đợt tăng 50 ngày mạnh nhất lịch sử vào đầu tháng 6.

“Việc các thị trường và nền kinh tế thực mất đi mối tương quan đang làm tăng nguy cơ về một đợt điều chỉnh đối với giá các loại tài sản rủi ro nếu hứng thú đầu tư vào các tài sản này giảm bớt. Đây sẽ là rủi ro cho đà phục hồi của nền kinh tế”, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cập nhật trong báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu. Một đợt điều chỉnh được định nghĩa là giá tài sản hoặc chỉ số nào đó giảm ít nhất 10%.

IMF cho rằng định giá tài sản trên nhiều thị trường đang vượt xa mức bình thường. “Theo mô hình tính toán của IMF, chênh lệch giữa giá thị trường và định giá cơ bản đang ở sát mức cao lịch sử trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu của hầu hết nền kinh tế phát triển, trong khi một số nền kinh tế mới nổi lại chứng kiến diễn biến ngược lại”. Nguyên nhân khiến tâm lý thị trường thay đổi lớn là nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai xảy ra, bất ổn xã hội gia tăng, chính sách tiền tệ thay đổi và căng thẳng thương mại leo thang trở lại.

Đăng ký để cập nhật những bài viết mới nhất về đầu tư

TÌM KIẾM

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

 
CHUYÊN MỤC

CHIA SẺ

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest