Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “Xung đột Trung-Ấn, an nguy của trục thương mại khổng lồ”
1. Tin vĩ mô quốc tế
Bất động sản Singapore sôi động giữa đại dịch
Số lượng căn hộ mới được bán trong tháng 5 tại Singapore tăng 75%, lên 486 căn, so với chỉ 277 căn trong tháng 4, theo số liệu được Cơ quan Tái thiết đô thị Singapore công bố trong tuần trước. Diễn biến này không khỏi khiến các thành viên thị trường bất ngờ, bởi các dự báo đều cho rằng, số lượng các giao dịch sẽ ở mức tương đương tháng 4, thậm chí còn thấp hơn, do các lệnh giãn cách, hạn chế đi lại vẫn được thiết lập để phòng dịch. Điều này khiến hoạt động xem nhà gặp nhiều khó khăn.
“Các buổi gặp mặt trực tuyến của nhiều hãng môi giới bất động sản và đại lý môi giới “oanh tạc” qua các phương tiện truyền thông, kích thích sự tò mò, cũng như gia tăng nhu cầu của khách hàng, nhất là với những người đã quan tâm tới thị trường bất động sản trước khi đại dịch bùng nổ”, Alan Cheong, giám đốc nghiên cứu tại Savills Plc nói và cho biết thêm, trong bối cảnh các lệnh hạn chế đi lại được áp dụng, nhiều người không còn đủ kiên nhẫn để đợi lâu hơn nữa, thậm chí đưa ra quyết định mua nhà thông qua xem trực tuyến còn nhanh hơn so với khi trực tiếp đi xem.
Các ngân hàng Mỹ đang bơi trong tiền mặt
Theo CNBC, dữ liệu từ Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) mới đây cho biết khoảng 2.000 tỷ USD tiền mặt đã được bơm vào các ngân hàng Mỹ thông qua các khoản tiền gửi kể từ tháng 1, khi dịch virus corona chủng mới bắt đầu xuất hiện và bùng phát trên toàn thế giới.
Đặc biệt, dữ liệu cho thấy chỉ riêng trong tháng 4, tiền gửi ngân hàng đã tăng thêm 865 tỷ USD - nhiều hơn kỷ lục từng được ghi nhận trước đó.
Hệ thống “siêu ngân hàng” tại Mỹ – vốn đã sống sót từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 – chính là đối tượng được hưởng lợi “mặn” từ các khoản tiền gửi siêu lợi nhuận này. Đây cũng là nơi sở hữu lượng khách hàng bán lẻ nhiều nhất nước Mỹ.
Theo FDIC, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tại hệ thống siêu ngân hàng đạt mức cao kỷ lục lên tới 33% trong tháng 4. Cùng lúc đó, mức thu nhập cá nhân cũng tăng lên 10,5%.
Thực tế, từ khi chính phủ Mỹ thực hiện đóng cửa nhiều thành phố kể từ tháng 3 nhằm đối phó với dịch Covid-19, một số tập đoàn như Boeing và Ford lập tức đã thu được hàng chục tỷ USD từ tín dụng.
Xung đột Trung-Ấn, an nguy của trục thương mại khổng lồ
Trung Quốc hiện chiếm hơn 5% tổng sản lượng xuất khẩu của Ấn Độ và hơn 14% kim ngạch nhập khẩu trong năm tài chính 2019 -2020. Trung Quốc hiện đang là nguồn cung lớn nhất của Ấn Độ.
Trong nhiều thập kỷ qua, Ấn Độ nhập khẩu của Trung Quốc từ điện thoại thông minh, thiết bị kỹ thuật, linh kiện ôtô, thành phẩm thép, thiết bị viễn thông, dược phẩm, hóa chất, nhựa và nhiều sản phẩm công nghiệp thiết yếu khác. Theo Reuters, nhập khẩu của Ấn Độ từ Trung Quốc, bao gồm cả máy móc và thiết bị, chiếm khoảng 80% trong số gần 90 tỷ đô la thương mại song phương hàng năm.
Theo các chuyên gia phân tích, ngay cả khi tình hình quân sự được xoa dịu, các xung đột trên mặt trận kinh tế có thể vẫn sẽ tồn tại. Và với các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Alibaba và Tencent đầu tư vào các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ gặp nhiều những trở ngại, bao gồm cả việc kiểm soát dữ liệu.
Bùng nổ năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á
Xu hướng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á đang gia tăng, bất chấp làn sóng suy thoái kinh tế do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn nắm bắt cơ hội này để xây dựng và mở rộng các dự án cung cấp năng lượng sạch với mức chi phí thấp.
Một số nhà cung cấp năng lượng tái tạo cho biết rằng các doanh nghiệp đối tác của họ đang thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán liên quan tới “thỏa thuận mua điện” (power purchase agreements – PPAs), đặc biệt là đối với các dự án liên quan tới năng lượng mặt trời.
Theo số liệu nghiên cứu của Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy), chỉ tính riêng trong năm 2020, tổng mức đầu tư ở các dự án năng lượng tái tạo ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ đạt hơn 30 tỷ USD. Con số này cao hơn tổng mức đầu tư vào các dự án dầu khí ở khu vực và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.
2. Vĩ mô trong nước
Ngành thép tìm cơ hội gia tăng xuất khẩu vào EU
Mặc dù có nhu cầu lớn về các sản phẩm thép song ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch VSA – cho biết, thị trường EU tương đối bão hòa với giao dịch thương mại bởi hầu hết chỉ diễn ra trong nội khối EU. Vì thế chỉ có những quốc gia có thế mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là xuất khẩu mạnh vào EU.
EVFTA dự kiến sẽ được thực thi vào ngày 1/8 tới, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp thép Việt đa dạng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu nhiều hơn vào EU. Bởi ngoài lộ trình giảm thuế thì ngành thép của EU và Việt Nam có các mặt hàng xuất khẩu mang tính bổ sung cho nhau và không cạnh tranh với trực tiếp với nhau.
3. Các kênh đầu tư
Việc lựa chọn cổ phiếu đã trở nên khó khăn hơn
Theo nhóm chiến lược gia của JPMorgan Chase, dẫn đầu bởi John Normand, một cách lựa chọn cổ phiếu mang tính tùy ý phần lớn đã có hiệu quả trong tháng 4 và tháng 5, nhưng khi hầu hết các cổ phiếu đều đã tăng giá, nên việc lựa chọn cổ phiếu thời gian tới sẽ khó khăn hơn nhiều.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của JPMorgan cũng cho biết, việc thanh khoản cao cộng với hành động mua tài sản của ngân hàng trung ương có mối tương quan với nhau khi nền kinh tế bước vào suy thoái và sau đó chuyển sang giai đoạn mở rộng.
Bên cạnh đó, JPMorgan Chase cũng đưa ra một số khuyến nghị cho nhà đầu tư vào giai đoạn nửa cuối năm 2020. Cụ thể:
Đối với trái phiếu, chỉ chấp nhận rủi ro lãi suất của các quốc gia có mức lạm phát điều chỉnh dương và có ít rủi ro vỡ nợ. Đối với các công ty có rủi ro vỡ nợ ở mức xem xét, nên ưu tiên các công ty có mức xếp hạng tín nhiệm cao.
Lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp tại các thị trường phát triển thay vì các thị trường mới nổi. Các khu vực thị trường mới nổi ngoài Bắc Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc quản lý các vấn đề về sức khỏe cộng đồng và vấn đề về nợ.
Đối với cổ phiếu, lựa chọn các cổ phiếu ngành công nghệ, viễn thông, chăm sóc sức khỏe thay vì các cổ phiếu chu kỳ hay cổ phiếu phòng thủ.
VinaCapital thành lập quỹ VinaCapital VN100 ETF
Ngày 16/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký lập Quỹ đại chúng cho Quỹ VinaCapital VN100 ETF do CTCP Quản lý quỹ VinaCapital quản lý.
Theo đó, VinaCapital VN100 ETF có vốn điều lệ 53 tỷ đồng, tương ứng số lượng chứng chỉ quỹ là 5,3 triệu đơn vị. VinaCapital VN100 ETF hoạt động dựa trên chỉ số VN100 Index, bao gồm 100 cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa niêm yết trên sàn HoSE.
2 quỹ ETF mới hút thêm trăm tỷ đồng
SSIAM VNFIN Lead ETF tăng quy mô lên 68,1 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương với giá trị tài sản ròng (NAV) 648 tỷ đồng. Chỉ tính riêng tuần qua, quỹ đã phát hành thêm 12,2 triệu chứng chỉ quỹ với giá trị 115 tỷ đồng.
Quỹ VFMVN Diamond ETF cũng hút vốn mạnh khi phát hành ròng 5,6 triệu chứng chỉ quỹ trong tuần vừa qua với giá trị hơn 66 tỷ đồng. Quy mô danh mục của VN Diamond đạt hơn 1.300 tỷ đồng với 108,2 triệu chứng chỉ quỹ.