Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “Kinh tế Mỹ nguy cơ suy giảm sâu hơn dự báo”
1. Tình hình kinh tế vĩ mô thế giới
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định nhân loại đang tiến đến giai đoạn mới và nguy hiểm của đại dịch
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đề cập, số trường hợp dương tính toàn cầu được báo cáo chỉ riêng hôm 18/6 là 150.000, cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Gần một nửa số này là từ châu Mỹ, phần khác là ở Nam Á và Trung Đông.
“Nhiều người đã chán ngấy với việc phải ở nhà. Các quốc gia vì thế mà nỗ lực nới lệnh giãn cách và mở cửa lại nền kinh tế. Nhưng virus vẫn đang lây lan nhanh chóng. Nó còn nguy hiểm và hầu hết người dân dễ mắc bệnh”, ông Tedros nói.
WHO cũng từng cảnh báo rằng sau đại dịch, các nước có thể không quay trở lại hoạt động phát triển kinh tế như bình thường được nữa. Cơ quan cho rằng chính phủ cần xử lý hệ quả trước mắt của Covid-19, khi các ca nhiễm mới đã giảm ở một số quốc gia, nhưng đạt đỉnh hoặc trên đà tăng trở lại tại các khu vực khác.
Tedros nhận định thế giới sẽ khắc phục được đại dịch, đồng thời có kinh nghiệm hơn để ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Tuy nhiên tổ chức lo ngại về tình hình ở những nước thu nhập thấp và trung bình.
Kinh tế Mỹ nguy cơ suy giảm sâu hơn dự báo
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự kiến công bố ngày 24/6, người phát ngôn IMF Gerry Rice cho biết. Do tình trạng phong tỏa để ngăn Covid-19 lây lan tiếp diễn, tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có thể chậm hơn.
Theo Rice, kinh tế Trung Quốc đang dần lấy lại đà với số liệu cho thấy đầu tư và dịch vụ tăng vượt kỳ vọng trong tháng 5. Nhìn chung, cán cân rủi ro vẫn đang nghiêng về phía giảm.
Giám đốc quản lý IMF Kristalina Georgieva và các quan chức IMF cấp cao khác cho biết tổ chức này khả năng cao sẽ điều chỉnh giảm, dự báo trước đó về GDP thế giới, giảm 3% trong năm nay. Kịch bản tốt nhất IMF đưa ra trong tháng 4 là kinh tế Mỹ suy giảm 5,9% trong năm nay, trước khi phục hồi với mức tăng trưởng 4,7% vào năm kế tiếp.
IMF dự kiến sẽ có 70 quốc gia được hỗ trợ với khoản tiền khẩn cấp trị khoảng 25 tỷ USD
Ông Rice cho hay khoản tài chính khẩn cấp này sẽ được giải ngân rất nhanh, các quốc gia nhận được tiền trong vòng vài ngày. Các khoản hỗ trợ này không bao gồm các điều kiện của IMF như trước đây.
Phát ngôn viên của IMF nhấn mạnh số tiền này để chi trả cho những khoản như lương của y tá và bác sĩ, thiết bị phòng hộ và thiết bị y tế giúp đối phó với khủng hoảng COVID-19.
Quỹ Bridgewater Associates của Ray Dalio cảnh báo nhà đầu tư sắp đối mặt với “Thập kỷ mất mát”
Trong báo cáo công bố ngày 16/6, các chuyên gia phân tích của Bridgewater nhận định lợi nhuận thặng dư dồi dào của các doanh nghiệp Mỹ chính là thứ đã giúp cổ phiếu mang lại mức lợi suất vượt trội so với tiền mặt. Tuy nhiên điều này có thể đảo ngược vì tính chu kỳ.
“Toàn cầu hóa – có lẽ là lực đẩy lớn nhất giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp ở các nước phát triển tăng trưởng tốt trong mấy chục năm gần đây – đã đạt đỉnh. Giờ đây, xung đột Mỹ – Trung và đại dịch toàn cầu càng bồi đắp thêm làn sóng các tập đoàn đa quốc gia định vị lại cơ sở sản xuất và thiết kế lại chuỗi cung ứng với mục tiêu hàng đầu là sự ổn định thay vì chỉ tối ưu hóa chi phí như trước.
Kể cả nếu như cuối cùng thì lợi nhuận sẽ hồi phục, vẫn có một số công ty không sống sót nổi qua thời kỳ khó khăn này hoặc cổ phiếu giảm giá thảm hại. Những công ty còn lại thì có lợi nhuận giảm mạnh và thiếu thốn tiền mặt, và họ bước ra khỏi thời kỳ này với gánh nặng nợ trên vai”, các chuyên gia cảnh báo.
2. Thông tin vĩ mô trong nước
NHNN mở rộng phạm vi cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi suất cho vay
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 về giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến.
Dự thảo thông tư sửa đổi quy định cụ thể khoảng thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi của khoản cho vay, cho thuê tài chính được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, là trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày 31/12/2020. Mốc thời gian 31/12 được xác định theo đánh giá thận trọng của NHNN, căn cứ trên kịch bản 2 về tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam (trong điều kiện Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam cũng khống chế được dịch trong quý IV.
Trước đó, Thông tư 01 quy định khoảng thời gian này là từ 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, NHNN cũng cho phép TCTD, chi nhánh NHNN được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với nợ được giải ngân từ ngày 23/1 đến trước ngày 25/4. Thông tư 01 chỉ quy định với các khoản nợ trước ngày 23/1.
NHNN cho biết Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch Covid-19. Vì vậy, thời điểm mà Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch có thể sẽ đến sớm. Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 đến nước ta là rất lớn, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân. Đồng thời, diễn biến dịch trên thế giới còn rất phức tạp, khó lường, tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung, doanh nghiệp và người dân nói riêng.
3. Thị trường tài sản và các kênh đầu tư
Trái phiếu Trung Quốc thu hút sự chú ý của giới đầu tư nhờ lợi suất cao nhất thế giới
Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã có những bước đi quyết liệt như cắt giảm hoặc duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục để củng cố thị trường tài chính quay cuồng với đại dịch Covid-19, trong đó lãi suất trái phiếu của các thị trường lớn đang ở mức rất thấp.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm hiện đang ở mức 2,913% tính đến chiều thứ Sáu (19/6) theo giờ Singapore.
“Trái phiếu Trung Quốc có lợi suất danh nghĩa cao nhất thế giới và cũng là một trong những trái phiếu có lợi suất thực cao nhất thế giới, đây là điều rất quan trọng với nhà đầu tư trái phiếu”, Briscoe, Trưởng bộ phận thu nhập cố định của khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại UBS nói.
Khi được hỏi liệu các nhà chức trách ở Trung Quốc có cho phép các công ty nới lỏng việc huy động vốn dễ dàng hơn khi các nhà chức trách tìm cách thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, Briscoe cho biết, đây là vấn đề tương tự trên khắp thế giới ở thời điểm hiện tại.
“Mỹ và châu Âu đều đang thực hiên nới lỏng quy định. Mọi lục địa trên thế giới đang tìm cách đảm bảo các tập đoàn của họ có thể tồn tại, từ đó có thể khuyến khích các doanh nghiệp trở lại sản xuất và công nhân trở lại làm việc”, Briscoe nói.
Giới siêu giàu thế giới đang tăng đầu tư vào vàng như là chiến lược bảo hiểm rủi ro danh mục tài sản của họ
Lisa Shalett, Giám đốc đầu tư của Công ty quản lý tài sản Morgan Stanley Wealth Management thuộc Ngân hàng Morgan Stanley, nhận định: “Quan điểm của chúng tôi là tác động mạnh mẽ của nguồn cung tiền rốt cục sẽ làm giảm giá đồng đô la Mỹ và cam kết không tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạo ra lý do thuyết phục để nắm giữ vàng”.
Chín ngân hàng tư nhân mà hãng tin Reuters hỏi ý kiến cho biết họ đã khuyên khách hàng tăng phân bổ tài sản vào vàng. Hiện chín ngân hàng này đang quản lý khoảng 6.000 tỉ đô la tài sản của những người siêu giàu trên thế giới. Trong số họ, có 4 ngân hàng dự báo giá vàng vào cuối năm nay sẽ cao hơn mức hiện tại.