Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “Ba lời khuyên đầu tư vô giá từ John Bogle – người hùng của Warren Buffett”
1. Tình hình thế giới
Xu hướng mới trong kinh doanh và thay đổi hành vi người tiêu dùng
COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Tuy nhiên, nó cũng giúp loại hình kinh doanh trực tuyến phát triển mạnh nhờ khả năng sáng tạo của các doanh nghiệp.
Theo Bà Nguyễn Thái Hải Vân – Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, COVID-19 là một phép thử kiểm tra tốc độ đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Trong mùa dịch COVID-19, siêu ứng dụng này đã tung ra hai dịch vụ mới GrabMart (đi chợ hộ) và Grab Assistant (dịch vụ mua hàng hộ và giao nhanh), những dịch vụ mà hãng tin rằng có thể đảm bảo hệ thống sống lâu dài trong điều kiện giãn cách xã hội và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dùng.
Mặc dù vậy, đại diện Grab cho biết vẫn không tránh khỏi những thiệt hại chung từ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hơn 500 đối tác nhà hàng, quán ăn trên nền tảng này bị ảnh hưởng, sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, đối tác tài xế xe 4 bánh phải tạm ngừng hoạt động, lượng khách đi xe hai bánh cũng giảm mạnh.
Cũng theo bà Vân, sẽ có nhiều thay đổi trong lối sống xã hội ngay cả khi dịch COVID-19 đi qua. Do đó, các dịch vụ mới không chỉ ra đời vì hoàn cảnh bắt buộc, mà chúng sẽ trở thành xu hướng lâu dài với các cam kết chất lượng được xây dựng ngay từ đầu.
“Nhiều đối tác nhà hàng của chúng tôi thậm chí sắp chạm vào ngưỡng đóng cửa. Grab đang hỗ trợ quảng cáo, nhận diện truyền thông, khuyến mãi để các nhà hàng này vẫn hoạt động, có thể duy trì qua dịch. Chúng tôi vừa phê duyệt một khoản ngân sách mới giúp đảm bảo thu nhập cho đối tác tài xế”, bà Vân chia sẻ.
Đồng thời với kinh doanh trực tuyến, thanh toán điện tử cũng lên ngôi
Theo ông Nguyễn Bá Diệp – Phó chủ tịch, đồng sáng lập ví điện tử Momo, các giao dịch thanh toán qua ví Momo với các dịch vụ như mua đồ ăn mang về, đồ dùng thiết yếu, các siêu thị… tăng vọt tới vài trăm phần trăm về doanh thu so với trước tết.
Nhiều siêu thị trước đây chưa từng nghĩ tới giao hàng tại nhà, nhưng hiện tại, hình thức người dân lên website của siêu thị đặt ứng dụng giao hàng tại nhà và thanh toán qua ví điện tử hay các ứng dụng ngân hàng đã tăng mạnh. Cũng theo người sáng lập ví Momo, dịch Covid-19 có thể xem là cú hích thay đổi hành vi tiêu dùng của nhiều người dân.
Bà Trương Cẩm Thanh – Giám đốc ZaloPay cho biết: “ZaloPay ghi nhận tăng trưởng mạnh ở các giao dịch chuyển tiền, mua hàng. Nguyên nhân là khi thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc thì nhu cầu mua sắm online tăng mạnh. Các đối tác khác như chuỗi các cửa hàng bán đồ ăn, thực phẩm, siêu thị… thay vì bán hàng trực tiếp cũng chuyển sang bán hàng online. Hiện tại, ZaloPay ghi nhận sự tăng trưởng ước đạt 36%”.
Còn theo số liệu từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), từ Tết Canh Tý đến giữa tháng 3/2020, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua Napas tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ 2019.
2. Tình hình Việt Nam
Các ngân hàng thắt lưng buộc bụng
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ đầu năm đến nay khiến nền kinh tế đình trệ. Mặc dù các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi giảm 2 – 2,5%/năm có quy mô lớn, nhưng nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất – kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng có xu hướng giảm.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cũng chỉ ra thực trạng hiện nay các ngân hàng đang trong tình trạng “không biết cấp vốn cho ai vì đều là nguy hiểm”, nhất là khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Tổng giảm đốc một ngân hàng thương mại nhận định, “Dư nợ của toàn ngành dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống đang là tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Ðồng thời các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5 – 3%/năm đang được triển khai sẽ khiến lợi nhuận các ngân hàng giảm 20 – 30%.”
Tại VPBank, theo Tổng giám đốc Nguyễn Ðức Vinh, Ngân hàng đã tiến hành rà soát các giải pháp tối ưu hóa chi phí, giảm và hoãn các dự án, công việc chưa thiết yếu… nhằm tập trung giảm chi phí vận hành.
Giá quặng sắt có xu hướng đi xuống kể từ đầu năm 2020
Vale SA, Tập đoàn khai thác quặng lớn nhất Brazil vài tuần trước đã cảnh báo nhu cầu suy yếu từ các nhà máy thép bên ngoài Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng đến giá quặng sắt khi Covid-19 tiếp tục lây lan, điều này dẫn đến các ngành công nghiệp phải thu hẹp lại và nhiều nhà sản xuất phải tạm đóng cửa.
Bên cạnh đó, Bloomberg Intelligence cũng dự báo rằng việc ngừng sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt đối với các nhà sản xuất ô tô sẽ kéo theo nhu cầu sụt giảm từ 10-15% tại Mỹ và châu Âu trong năm nay.
Sau khi sụt giảm từ 96 USD mỗi tấn về 81 USD, giá hợp đồng tương lai quặng sắt tại Singapore đang phục hồi trở lại 86 USD. Các lò nung và dự án xây dựng ở Trung Quốc đang dần được phục hồi được cho là lý do hỗ trợ giá quặng. Trung Quốc là quốc gia chiếm khoảng 70% nhu cầu quặng sắt trên toàn thế giới, ví dụ như nhu cầu nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc lên tới khoảng 1,1 tỷ tấn so với 100 triệu tấn ở châu Âu.
Mặc dù nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2 vẫn còn, việc Trung Quốc quay trở lại hoạt động là có thật. Số lượng hàng-hóa chất tại cảng sụt giảm trong khi phí bảo hiểm cho những nguyên vật liệu chất lượng cao tăng bất thường. Tập đoàn khai thác quặng sắt BHP của Úc ước tính công suất lò hồ quang điện đã hồi phục 56% sau khi giảm xuống còn 12%.
Nguồn cung giảm cũng là nguyên nhân hỗ trợ giá quặng sắt. Tập đoàn Vale SA đang phải vật lộn với các loại giấy phép khi cố gắng phục hồi trở lại sau sự cố vỡ đập Brumadinho. Vào ngày thứ Sáu (17/4), Công ty đã cắt giảm sản lượng kì vọng cho năm 2020 xuống còn từ 310 triệu đến 330 triệu tấn từ mức 340 triệu đến 355 triệu tấn.
3. Câu chuyện đầu tư
Ba lời khuyên đầu tư vô giá từ John Bogle – người hùng của Warren Buffett
Warren Buffett từng viết trong bức thư gửi cổ đông năm 2016: “Nếu cần dựng một bức tượng để tôn vinh người đã giúp đỡ nhiều nhất cho các nhà đầu tư Mỹ, người đó chính là John ‘Jack’ Bogle. Đối với tôi và đối với hàng triệu nhà đầu tư, ông ấy là một người hùng”.
Người mà Warren Buffett nhắc đến chính là Nhà sáng lập, Chủ tịch Quỹ đầu tư Chỉ số Vanguard John Bogle, người mà hàng chục năm qua luôn khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào các Quỹ đầu tư chỉ số với chi phí cực thấp nhưng đem lại lợi nhuận hợp lý ổn định trong dài hạn.
Ông vua quỹ chỉ số và người hùng của Warren Buffett đưa ra những lời khuyên quý báu cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ sau:
Đầu tư đơn giản, cắt giảm chi phí
Có thể nói đầu tư đơn giản là tư tưởng chủ đạo trong phong cách của John Bogle. Tư tưởng đó được gói gọn trong một công thức:
Suất sinh lợi ròng = Suất sinh lợi gộp – thuế và loại phí.
Các nhà đầu tư thường quá chú trọng vào suất sinh lợi gộp mà bỏ qua thuế và phí, đó là một sai lầm nghiêm trọng. Warren Buffett đồng tình: “Những nhà đầu tư biết tránh những khoản chi phí cao và không cần thiết và chỉ cần nắm giữ dài hạn một danh mục gồm các cổ phiếu tốt thì gần như chắc chắn sẽ có lợi nhuận cao”.
Tác giả Alexander Elder cũng nói trong cuốn sách “Trading for a living”, thị trường chứng khoán không phải là một cuộc chơi với tổng bằng 0 (zero-sum game) mà là một cuộc chơi với tổng âm (minus-sum game) vì người thua mất nhiều hơn người thắng nhận được. Phần chênh lệch chính là chi phí giao dịch và thuế. Để chiến thắng trên thị trường chứng khoán, một nhà đầu tư không những phải vượt lên trên các nhà đầu tư khác mà còn phải vượt lên các khoản thuế và phí.
Để tiết kiệm chi phí và thuế, John Bogle khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào các quỹ đầu tư chỉ số thụ động (Index Fund) vì cả chi phí quản lý, quản trị, giao dịch và thuế của các quỹ này đều thấp hơn đáng kể so với các quỹ đầu tư chủ động. Hơn nữa trong dài hạn, lợi nhuận của các quỹ chỉ số không hề thua kém các quỹ đầu tư chủ động.
Những nhà đầu tư muốn tự mình lựa chọn cổ phiếu cũng cần lưu ý điểm này. Giao dịch nhiều thì chắc chắn sẽ mất nhiều phí và thuế hơn nhưng chưa chắc đã mang lại lợi nhuận cao hơn.
Tính đơn giản trong đầu tư còn thể hiện nhà đầu tư nên ưu tiên sử dụng đa dạng các công cụ đầu tư đơn giản như cổ phiếu lớn, trái phiếu có xếp hạng cao; biết cân bằng lợi nhuận – rủi ro và cả chi phí. Không nên chạy theo những sản phẩm mới, lạ, phức tạp mà mình không hiểu rõ.
Phong độ chỉ là nhất thời
Suất sinh lợi cao đột biến của một danh mục đầu tư thường không thể duy trì lâu, và sẽ sớm quay trở về mức trung bình của thị trường (mean reversion), thậm chí là dưới trung bình. Nói cách khác, không có cái gì chỉ đi theo một chiều mãi.
John Bogle từng lập một bảng xếp hạng gồm 681 quỹ đầu tư trong giai đoạn 1982 – 1992. Mỗi năm ông chọn 20 quỹ có suất sinh lợi tốt nhất, thứ hạng cao nhất rồi theo dõi xem năm sau các quỹ này xếp thứ bao nhiêu. Kết quả, quỹ nào năm trước đứng số 1 thì trung bình năm sau chỉ đứng số 100. Còn tính chung cả 20 quỹ đầu bảng năm trước thì sang năm sau chỉ còn đứng thứ 284.
Năm 2006 ông lại thực hiện khảo sát 1440 quỹ giai đoạn 1995 – 2005 và thu được kết quả tương tự. Quỹ nào năm ngoái xếp thứ 1 thì năm sau tụt xuống vị trí thứ 949, tức là dưới trung bình. Tính chung cả 20 quỹ đầu bảng năm trước, thứ hạng năm sau chỉ là thứ 619.
Gần đây hơn, vào năm 2008 Warren Buffett đặt cược 1 triệu USD rằng đầu tư vào quỹ chỉ số sẽ mang lại thành quả cao hơn là đặt vào 5 quỹ đầu cơ (hedge fund) do công ty quản lý tài sản Protégé Partners lựa chọn. Năm quỹ đầu này có khởi đầu rất thành công khi đánh bại quỹ chỉ số S&P 500 trong năm 2008.
Tuy nhiên chỉ số S&P 500 đã giành chiến thắng tất cả các năm sau đó. Đúng 10 năm sau ngày đánh cược, chỉ số S&P 500 mà Warren Buffett lựa chọn đã tăng 125,8% trong khi 5 quỹ đầu cơ kia chỉ thu về khoản lợi nhuận bình quân là 36%.
Nhà đầu tư nào không hiểu nguyên lý “lợi nhuận sẽ quay về mức trung bình” mà tin lời quảng cáo rồi mù quáng đổ tiền vào những quỹ hay cổ phiếu có tăng trưởng ấn tượng trong 1 năm chắc chắn sẽ không tránh khỏi thất vọng vào những năm về sau.
Đừng thay đổi kỳ vọng vì những thông tin nhiễu tạp
Bogle cảnh báo: “Đừng thay đổi kỳ vọng của mình chỉ vì những thông tin nhiễu tạp trên thị trường”. Cha đẻ của thuyết đầu tư giá trị, Benjamin Graham cũng đồng ý với nhận định này: “Vấn đề lớn nhất – thậm chí là kẻ thù lớn nhất – của nhà đầu tư thường chính là bản thân mình”. Nhiều nhà đầu tư có kiến thức và kỹ năng nhưng bản lĩnh thiếu vững vàng nên ùa theo tâm lý đám đông, kết quả là chịu cảnh bị dẫm đạp bởi nghìn vạn con bò, con gấu trong đám đông thị trường.
Các công ty môi giới chứng khoán cũng góp phần làm lung lay tâm lý vì họ muốn nhà đầu tư giao dịch và trả phí nhiều hơn. Họ hay nói “Đừng ngồi im như thế, làm gì đi”. Còn Bogle thì lại nói “Đừng làm gì cả, cứ ngồi im đó”. và “Đừng có ngày nào cũng táy máy với danh mục đầu tư của mình”.
Thay đổi chiến lược nhầm thời điểm có thể là sai lầm nghiêm trọng nhất mà nhà đầu tư mắc phải. Một trong những ví dụ điển hình nhất của việc đầu tư theo đám đông là dòng tiền nóng chảy vào các quỹ đầu tư cổ phiếu công nghệ trong thời kỳ bong bóng dot-com những năm 1999 – 2000.
Khi giá cổ phiếu còn thấp vào năm 1990, lượng đầu tư ròng chỉ là 18 tỷ USD. Đến năm 1999 và 2000 khi thị trường ở mức đỉnh, và bong bóng chuẩn bị xì hơi, các nhà đầu tư lại đổ vào tới 420 tỷ USD, không phải các quỹ chỉ số với tăng trưởng bền vững mà vào các quỹ đầu tư mạo hiểm với tăng trưởng nóng. Đến khi thị trường sụp đổ, dòng tiền chỉ còn lại vỏn vẹn 50 tỷ USD vào năm 2002.
Khi các quỹ này đem lại suất sinh lợi tốt và có giá trị tài sản ròng cao, họ quảng cáo rầm rộ và các nhà đầu tư thi nhau đổ tiền vào mà không cần suy nghĩ. Đến khi các quỹ này làm ăn thất bát thì nhà đầu tư lại bán rẻ chứng chỉ quỹ hoặc rút tiền ra để cắt lỗ.